Chân Dung Người Phục Vụ: Giáo Sĩ Chester E.Travis Và Bà Mary Travis

    PTV: Quốc Duy – BTV: Vy Thảo

    GIÁO SĨ CHESTER E. TRAVIS VÀ BÀ MARY TRAVIS

    Oneway.vn: Ông bà giáo sĩ Chester và Mary Travis là một trong những công cụ đặc biệt hữu dụng trong tay Chúa. Ngài đã sử dụng ông bà suốt 50 năm trên mảnh đất Việt nghèo nàn tăm tối và tấm lòng, tình cảm của ông bà dành cho dân tộc này là điều lạ lùng, khó hiểu khiến chúng ta không khỏi xúc động. Và lịch sử Tin lành Việt Nam sẽ nhắc mãi tên ông bà qua các thế hệ đời sau.

    Từ miền đất xa xôi ngàn dặm, bỏ lại sau lưng mình cuộc sống tiện nghi với tương lai hứa hẹn, năm 1925, Chester và vợ dấn thân vào con đường truyền giáo – một hành trình xa xôi vượt Địa Trung Hải, đi qua kênh đào Suez, ra Ấn Độ Dương, đi ngang qua Malaysia, Singapore rồi đến Việt Nam. Đây là hành trình dài, vượt xa mọi điều mà ông bà suy nghĩ. Cuối cùng, ngày 16.01.1926 đôi vợ chồng trẻ đặt chân lên mảnh đất Sàigòn và lần đầu tiên trong đời được kinh nghiệm cái nóng của vùng nhiệt đới. Đó là cảm giác mới mẻ không sao quên được! Lạ lẫm, bỡ ngỡ đi giữa những con người chưa từng gặp với những khác biệt về màu da, ngôn ngữ, văn hóa… Trong một tâm trạng như thế, có thể ai đó sẽ cảm thấy lạc lõng. Thế nhưng ngược lại, ông bà xem nơi đây như là “nhà” của mình và là nơi mình sẽ gắn bó trọn đời theo sự kêu gọi của Chúa.
    Ông bà vô cùng ngạc nhiên vì trải qua nhiều thế kỷ mà Tin Lành cứu rỗi trọn vẹn của Chúa vẫn chưa đến được với những người dân sống trên mảnh đất nhỏ bé hình chữ S này – một đất nước mà hầu hết đều theo Phật giáo và Giáo hội Công giáo cũng đang phát triển mạnh mẽ. Sự mê tín, tối tăm đáng sợ đang ẩn khuất trong cuộc sống của nhiều con người chưa một lần được biết đến ánh sáng thiên thượng. Ông bà bắt đầu hòa nhập vào cuộc sống người dân Việt Nam với sự đồng cảm sâu xa và tấm lòng trắc ẩn đến từ Chúa. Hơn lúc nào hết, họ nhận biết để có thể chạm đến những tấm lòng tăm tối, không thể nào không nhờ cậy vào sự dẫn dắt đầy trọn của Thánh Linh và lời hứa tuyệt diệu của Ngài: “Ta hằng ở cùng các con luôn…” Điều này trở thành kinh nghiệm tuyệt vời suốt những năm dài của ông bà trong chức vụ truyền giáo tại Việt Nam.
    Sau khi được vị Hội trưởng Hội Truyền giáo là Mục sư Edwin F. Irwin đón chào, công việc đầu tiên ông được giao là lái xe hơi vượt hàng trăm cây số trên những con đường dằn xóc còn rất thô sơ để cùng với vị Hội trưởng ra Đà Nẵng, vì thời ấy, rất ít người biết lái xe hơi hoặc có bằng lái. Tiếp theo, vấn đề rắc rối và đáng sợ mà ông bà phải đương đầu chính là ngôn ngữ – là người chưa từng cảm thấy hứng thú với bất kỳ ngôn ngữ lạ nào, nay lại phải học thứ ngôn ngữ đa âm gồm năm thanh. Dù vậy, điều lạ lùng mà Chúa đã làm: Cả hai ông bà đều yêu thích thứ ngôn ngữ hóc búa này và tận dụng mọi cơ hội để học hỏi, tiếp xúc và trao đổi bằng tiếng Việt. Chỉ một năm sau, dù chưa thể nói thành thạo nhưng ông bà đều nóng lòng được bắt đầu ra đi hầu việc Chúa.
    Nha Trang là nơi đầu tiên ông bà được chính thức bổ nhiệm, một vùng đất tuyệt đẹp nằm dọc theo bờ biển nhưng lại là vùng “đất cấm”. Mọi người đều lo lắng vì biết ông bà có thể bị tống cổ ra khỏi khu vực này bất kỳ lúc nào. Dù vậy, sự kêu gọi của Chúa thật rõ ràng. Cả hai ra đi với tấm lòng tin quyết: “Có Ngài trên thuyền, mọi sự đều bình yên!” Hành trang họ mang theo bên mình là câu Kinh Thánh quý báu “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn” (Êsai 26:3)
    Với chiếc xe Ford cũ kỹ chất đầy truyền đạo đơn và sách Phúc âm, Chester và Mary Travis đi vào vùng đất cấm. Đây là công việc mạo hiểm và đầy bất trắc. Nhưng thật ngạc nhiên vì nơi nào ông bà dừng chân thì đám đông lại kéo đến, thích thú lắng nghe người ngoại quốc nói tiếng dân mình, rồi họ tìm hiểu, đón nhận những truyền đạo đơn. Đây là điều khiến ông bà cảm động và được khích lệ vô cùng vì chưa bao giờ ông bà chứng kiến cảnh tượng như thế trong đời. Dù vậy, có những lần chính quyền sai người đến để giải tán đám đông và nhắc nhở mọi hoạt động tôn giáo đều bị nghiêm cấm! Ông bà lễ phép, lặng lẽ rời khỏi nơi đó và rồi vâng lời Chúa, sáng hôm sau, trên chiếc xe Ford cũ kỹ chất đầy sách, ông bà lại tiếp tục cuộc hành trình theo tiếng gọi của Cha Thiên Thượng.
    Nơi nhóm lại của con cái Chúa trong những ngày đầu, không đâu khác hơn là bãi cỏ trên một miếng đất trống. Rồi sau đó, một nhà nguyện đơn sơ được mở ra với vài chiếc ghế và một cái thùng lớn để làm bục giảng. Thế nhưng, Chúa là Đấng đã nuôi con cái Ngài lớn lên, Ngài cũng là Đấng dọn đường cho đầy tớ Ngài đi tới để vui mừng nhìn thấy nhiều linh hồn được cứu.
    Đến ngày 02.3.1928, thông báo của Hoàng đế Bảo Đại được ban hành: ngoài đạo Công giáo La mã và đạo Phật là đạo được xem là phong tục cổ truyền, việc truyền bá tất cả các đạo khác đều bị nghiêm cấm. Có lẽ chúng ta sẽ hỏi “Vậy thì làm sao đây?” – Chẳng làm gì cả ngoài việc cầu nguyện vì khi tôi con của Chúa cầu nguyện thì Ngài hành động. Lời Hằng Sống của Chúa qua những cuộc đời tận hiến cứ tiếp tục được rao ra cách âm thầm và đã cứu nhiều người thoát khỏi đời sống tăm tối. Thậm chí, chốn tù đày giam cầm tôi tớ Chúa, cũng là nơi gặt hái nhiều linh hồn về cho Ngài. Sự chở che của Chúa trong những ngày này tựa như một chiếc tàu lớn vượt đại dương, cứ hùng dũng lướt trên những con sóng thét gào, chống chọi với cuồng phong, bão tố trong đêm đen… Còn con cái Ngài cứ ẩn mình tin cậy trong căn phòng nhỏ bé, ấm cúng giữa lòng con tàu vĩ đại vẫn từng ngày vượt sóng đến bờ đắc thắng.
    Sau ba năm “ẩn mình” trong Chúa, tất cả tôi con của Ngài khắp nơi vui mừng nhìn thấy bàn tay Chúa can thiệp cách lạ lùng: Chính quyền chấm dứt việc cấm đoán rao giảng Phúc âm tại Việt Nam. Đây là giai đoạn mở ra những cơ hội tốt đẹp để cùng ngợi khen Chúa và tiếp tục tiến tới.
    Thưa quý vị và các bạn, tại Đà lạt, Chester và Mary Travis cùng một số người khác thuyết phục được Hội Truyền giáo xây dựng một trường học và khu ký túc xá trên một ngọn đồi xinh đẹp, yên tĩnh luôn đắm mình trong sương mù và làn gió mát lạnh (Villa Alliance). Con gái của ông bà là một trong những học sinh đầu tiên được học nội trú tại ngôi trường này để ông bà yên tâm tiếp tục trọng trách mà Chúa giao phó.
    Chúa đặt trong lòng ông bà giáo sĩ Travis một tình cảm yêu thương gắn bó đặc biệt với người dân đất Việt. Mỗi ngày, họ đều học cách thích nghi với hoàn cảnh và cũng học cách thưởng thức hương vị lạ của nước mắm Việt Nam. Ông bà luôn chân tình, sống vui với kẻ vui và khóc với kẻ khóc. Những người chung quanh không còn xem ông bà là người Mỹ xa lạ nhưng họ trở thành người bạn đầy yêu thương, đáng tin cậy giữa mọi người. Tại mảnh đất nhỏ xa xôi mà ông bà nhận là quê hương mình, những đứa con trai kháu khỉnh lần lượt ra đời.
    Con đường cam go không ngăn nổi bước chân của người Truyền giáo, có khi ông đi xe đạp, có lúc ông lái chiếc xe hơi do ông tự chế tạo thành một ngôi nhà di động. Cứ thế, ông đem Lời Chúa đến nhiều nơi trên đất nước thân yêu của chúng ta, giúp nhiều người nhận biết có một Đấng cao cả ở trên trời và danh Ngài là Đức Chúa Trời. Mỗi lần đi ngang những miếu nhỏ đầy dẫy nhang, đèn, gạo, chuối… hoặc dự những đám tang đầy tiếng khóc than và mịt mù nhang khói, nhìn những bàn thờ với những giấy dán đỏ ghi ngoằn ngoèo chữ Hán cùng hình ảnh tổ tiên giữa những ngọn đèn dầu âm u… lòng ông bà trăn trở, quặn thắt khi chứng kiến sự tối tăm bao trùm cuộc đời họ. Đó là lý do khiến ông bà không bao giờ muốn nghĩ đến việc rời khỏi đất nước đáng thương này. Hầu hết thời gian của ông bà là ở ngoài đường để tìm kiếm và chinh phục những cuộc đời hư mất về cho Chúa. Đi đến đâu, ông bà đều tìm cách để có một người truyền đạo địa phương đi theo. Cả những thời gian đi nghỉ ngơi tại vùng quê, ông bà cũng biến nó thành những buổi truyền giảng, lúc bên vệ đường, khi trên bãi đất trống… Thậm chí, ông bà cũng tận dụng những đứa con của mình như một phương tiện quí giá để thu hút mọi người đến nghe về Chúa, vì bất kỳ nơi đâu, những đứa bé mặt trắng bóc, tóc hoe vàng cũng khiến cho mọi người tò mò thích thú! Tóm lại, ông bà không bao giờ bỏ qua những cơ hội để tiếp cận với mọi người để dắt họ đến với Ngài.
    Nhưng chẳng phải con đường hầu việc Chúa lúc nào cũng hanh thông dễ dàng. Làm sao kể hết những gian nan vất vả trên bước đường hầu việc Chúa, có những ngày đi thăm viếng các Hội Thánh vào mùa mưa bão, cả gia đình đã từng kinh nghiệm những đêm đen, cầu bị sập, mênh mông bốn bề là nước lũ, cây rừng, ông phải lội nước hàng trăm mét trong khi mang theo 3 con nhỏ mà có một đứa vừa bị bệnh kiết lỵ. Ông từng xin tá túc trong những căn nhà nghèo nàn và nằm ngủ trên những chiếc ghế dài của người Việt nhưng lại quá ngắn cho một người ngoại quốc như ông! Thật cảm động vì có những ngày bị bệnh sốt rét quật ngã. Ông yếu đến nỗi không thể đứng vững mà phải ngồi trên một chiếc ghế và Lời Chúa vẫn không ngừng được rao ra.
    Trong một lần đi giảng đạo cho người Chăm tại Phan Rang, vì truyền giảng ban đêm ở ngoài trời, ông bà phải ngủ tạm trong một chiếc lều và mọi trang thiết bị, đồ đạc đều đặt bên ngoài, phủ lên một tấm bạt. Đó là một đêm mưa, ông bị đánh thức bởi tiếng rương đóng sập xuống, trườn mình ra khỏi lều, ông chỉ kịp nhìn thấy những bóng đen chạy trốn trong đêm và mọi đồ đạc của mình biến mất! Đây là một thành phố nóng bức, nên khi ngủ ông chỉ mặc duy nhất một chiếc quần ngắn, và đó là lý do khiến ông lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, áo quần mất hết còn chiếc xe thì mỗi lúc một lún sâu trong bùn. Sau hàng giờ đào bới để đẩy nó ra, buổi sáng hôm ấy, đám đông người Việt kinh ngạc đứng nhìn một ông Mỹ đáng kính đã giảng đạo trong những ngày trước, nay người đầy bùn đất với độc một chiếc quần cụt trên người. Đám đông kéo đến mỗi lúc một nhiều hơn, thay vì bối rối, giận dữ, ông đã thể hiện sự bình thản và tấm lòng nhu mì, ông bước đến giếng nước cạnh đó và xối sạch bùn đất rồi tận dụng cơ hội có một không hai này để minh họa một bài học thực tế về sự tẩy sạch đến từ Thập Tự Giá. Thật khó tìm ở đâu một bài giảng dễ hiểu như thế! Khi ông chuẩn bị lên đường, mọi người nơi đây đều tạm biệt ông với lòng trông mong, trìu mến:
    -Ông sẽ trở lại chứ?
    Ông đáp:
    – Có chứ! Chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại đây!
    Lòng ông đã sẵn sàng cho một chiến dịch huy hoàng giữa vùng tăm tối.
    Thật tốt khi được sống cho một Đấng có thể giải quyết và hướng dẫn chúng ta trong mọi tình huống. Chúa đã thêm ơn và hành động một cách đặc biệt tại mỗi nơi ông bà đi qua. Như một người dọn đất và gieo hạt, ông bà làm công tác truyền giáo và gây dựng Hội Thánh rồi giao công việc lại cho những người bản xứ điều hành.
    Dù gian khổ, bắt bớ, tù đày, chiến tranh… Nhưng Chúa đã dùng ông bà và nhiều đầy tớ trung kiên của Ngài để khiến công việc Chúa trở nên hiện thực và bất diệt. Tất cả đều được tiến hành dưới sự dẫn dắt tuyệt vời và trọn vẹn của Đấng Chí Cao. Những khó khăn trong cuộc sống không thể dập tắt niềm đam mê tìm kiếm những linh hồn về cho Đức Chúa Trời.
    Năm 1950 – 1955, Chúa kêu gọi ông bà đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hơn lúc nào hết, ông bà phải hoàn toàn dựa nương vào sự che chở của Chúa vì cuộc chiến tranh giữa Pháp và quân kháng chiến đang lúc căng thẳng. Ông bà phải sinh hoạt trong những điều kiện khó khăn, phải đi lại giữa bom đạn và bẫy mìn, phải chứng kiến biết bao cảnh tượng buồn thảm, chết chóc… Nhưng thật kinh ngạc vì tình huống đen tối ấy lại là thời khắc ấm áp tuyệt vời giữa vòng con cái Chúa. Họ nhóm lại, thờ phượng ca ngợi Chúa cả ngày lẫn đêm. Và người lính giỏi của Chúa biết rằng, cuộc sống rối loạn bất an lại là cơ hội quí báu để chia sẻ về một đời sống chắc chắn trong chính Chúa Cứu Thế.
    Quý thính giả thân mến, bước sang năm1956, Chúa tiếp tục sử dụng ông bà tại Qui Nhơn – Bình Định. Ông bà sống nhiều năm nơi đây và quen biết nhiều bạn bè hơn bất cứ nơi nào khác! Tình hình chiến sự vẫn tiếp diễn nhưng ông bà kinh nghiệm được sự bao phủ của Chúa cách diệu kỳ. Bất cứ nơi đâu ông bà đi đến đều có nhiều linh hồn được cứu. Dù vậy, ông bà vẫn nóng lòng vì thấy những gì mình làm chỉ như giọt nước trong biển cả – còn quá nhiều người chưa được biết đến danh Giê-xu.
    Cho đến năm 1958, ông bà vẫn là giáo sĩ duy nhất trong khu vực trải dài từ Nha Trang, Phan Rang, Phú Yên, Ninh Thuận…
    Từ năm 1968 trở đi, chiến tranh vẫn không ngừng dày xéo đất nước Việt Nam nhỏ bé và những cuộc giao tranh ngày càng ác liệt! Có những cuộc điện thoại từ quê nhà gọi đến thúc giục ông bà trở về nhưng chiến sĩ của Đấng Chist vẫn không có ý định rời khỏi trận địa. Trong những thời khắc hiểm nguy nhất, ông bà lại được kinh nghiệm nhiều điều kỳ diệu nhất. Hơn lúc nào hết, ông bà dốc lòng cầu nguyện cho đất nước đang bị tàn phá vì chiến tranh này. Và cũng hơn lúc nào hết, phước lành của Chúa tuôn trào trên dân tộc Việt Nam. Lời Chúa đã được rao ra từ Đà Nẵng cho đến Cà Mau – là vùng đất tận cùng của đất nước – và hàng ngàn người đã tìm thấy ánh sáng của Chúa. Mọi thiếu thốn, khó nhọc, mọi hy sinh, gian khổ được bù đắp xứng đáng bởi sự vùa giúp đầy thương xót của Chúa.
    Suốt mấy mươi năm dài, chiếc xe cọc cạch lăn bánh trên khắp các nẻo đường Việt Nam, mang theo “đôi chim già” tận tụy vì những cuộc đời nghèo khổ. Người Việt gọi giáo sĩ bằng cái tên đẹp đẽ “ÔNG BÀ TIN LÀNH”. Nhưng họ không thể nào hiểu điều gì đã ràng buộc những con người này ở đây, bất chấp hiểm nguy, miệt mài nói về một Chúa Cứu Thế!
    Năm 1971 trở đi, ông bà đã quá tuổi về hưu, sức khỏe kém sút nhưng lòng nhiệt huyết không hề suy giảm. Rất ít được nghỉ ngơi và phải luôn chứng kiến quá nhiều thảm cảnh đau lòng quanh mình. Nhiều đêm thức trắng nghe tiếng trực thăng vần vũ trên cao cùng tiếng súng, đạn pháo và hỏa tiễn vang dội. Sự lo lắng tuyệt vọng và chết chóc bao trùm khắp nơi cũng là cơ hội tốt lành để ông bà mang đến cho người dân nơi đây niềm hy vọng duy nhất trên trần gian này. Chẳng bao giờ ông bà bỏ qua những năm tháng Chúa cho một cách vô ích. Kiên trì, chịu khó, từ nhà này sang nhà khác, từ làng này đến làng kia… Thật cảm tạ Chúa, suốt 50 năm truyền giáo, ông bà gặt hái nhiều linh hồn về cùng Chúa và trên 30 nhà thờ được xây dựng.
    Nhưng rồi, cũng đến lúc phải nói những lời từ biệt cuối cùng. Tháng 02.1975, vì tình hình chính trị, ông bà đành phải đau lòng chia tay những người bạn thân thiết tại bến cảng, ngay chính nơi cách đây 50 năm, lần đầu tiên ông bà đặt chân lên mảnh đất hình chữ S này. Con tàu U.S.S. President Grant rời bến, mang theo người lính giỏi của Chúa tiến thẳng ra biển. Ông bà bùi ngùi nhìn lại lần cuối cùng đất nước, con người mà Chúa đã đặt trong lòng ông bà tình mến yêu sâu đậm. Hành trình 6 tuần lễ trở về Mỹ là những ngày dài tràn đầy nước mắt. Điều an ủi duy nhất Chúa ban cho ông bà là sự nhắc nhở: Mảnh đất Việt Nam đã có Hội Thánh của Ngài, Chúa sẽ cẩn thận gìn giữ những gì thuộc về Ngài và tất cả rồi sẽ hội ngộ vào ngày vĩ đại lúc Chúa tái lâm.
    Chương trình Chân Dung Người Phục Vụ được biên soạn dựa theo cuốn sách Tuyển Tập Tiểu Sử Người Phục Vụ Chúa của Ủy Ban Văn Hóa Giáo Dục Tổng Liên Hội, Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Nam). Đây là chuyên mục ra đời nhằm giới thiệu những tấm gương sáng trên bước đường hầu việc Chúa của các mục sư, truyền đạo đã và đang có nhiều cống hiến cho công việc nhà Chúa, đây là những đóng góp to lớn, góp phần trong công cuộc rao giảng lời Chúa và phát triển của Tin lành tại Việt Nam.
    Bài viết, tin tức, phản hồi xin gởi về: [email protected]
    Oneway Radio

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *