Chân Dung Người Phục Vụ: Mục Sư Phạm Văn Năm

PTV: Quốc Duy – BTV: Vy Thảo

MỤC SƯ PHẠM VĂN NĂM

Oneway.vn: Ông bà Mục sư Phạm Văn Năm là một trong những nhà truyền giáo đầy kinh nghiệm, trung tin, khiêm nhường, quên mình phục vụ Chúa và đồng bào. Gương sáng của ông bà sẽ mãi mãi khích lệ những người noi theo dấu chân ông bà để hầu việc Đức Chúa Trời.
Thưa quý vị và các bạn, Mục sư Phạm Văn Năm sinh năm 1916, là con trai lớn của một gia đình có tiếng tăm và khá giả tại Ô Môn, Cần Thơ. Thân sinh ông làm Hội đồng Địa hạt, vừa am hiểu Nho hoc lẫn Tây học, vừa là nhà doanh thương thành công nên được sự kính nể của đồng bào trong vùng.
Vì là con của gia đình có truyền thống hiếu học và yêu thích âm nhạc nên thân sinh và ông Phạm Văn Năm sớm có thiện cảm đối với các giáo sĩ khi họ đến quận Ô Môn gần hiệu buôn của gia đình ông để phát sách, truyền giảng Tin Lành, tổ chức dạy Kinh Thánh, dạy hát Thánh ca cho các em thiếu nhi.
Sau ba năm nghiên cứu, tìm hiểu về Tin Lành; thân sinh ông và lần lượt những người trong gia đình quyết định quỳ gối tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Chúa của đời mình. Sau khi tin Chúa, lòng ông Phạm Văn Năm được vui mừng bình an vì biết tội lỗi đã được tha. Mỗi buổi sáng ông đều dành thì giờ đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và hăng say làm chứng về ơn cứu rỗi của Chúa cho mọi người. Lòng ông thỏa thích vô cùng khi được nghe lời Chúa qua các bài giảng của tôi tớ Ngài như giáo sĩ Paul E. Carlson, Mục sư Lê Ðình Tươi, v. v… Cũng thấy gương hầu việc Chúa của ông bà Mục sư Phan Văn Hiệu, nhờ đó chàng thanh niên Phạm Văn Năm được thêm lên niềm tin.
Năm 1932, Ðại Hội đồng Tổng Liên được tổ chức tại Hội Thánh Tin Lành quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, và hiển nhiên ông Phạm Văn Năm cũng tham dự. Ðức Thánh Linh thôi thúc trong lòng ông khi được nghe giáo sĩ Edwin D. Irwin (Hội trưởng Hội Truyền giáo) giảng về tinh thần truyền giáo theo Rô-ma 1:14-15: “Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người dã man, người thông thái lẫn người ngu dốt, ấy vậy hễ thuộc về tôi, thì tôi cũng sẵn lòng rao Tin Lành cho anh em”. Ông nghe tiếng nói nhỏ nhẹ bên tai: “Tôi mắc nợ cả người Kinh lẫn người Thượng” và giục giã ông mau cung hiến đời sống mình làm công cụ của Ngài. Mặc dù ông viện ra lắm lý lẽ để thoái thác hoặc khước từ nhưng tiếng Chúa cứ nhắc đi nhắc lại trong tâm khảm ông khiến ông đi đến quyết định lìa bỏ tiền tài, vật chất của đời mà dấn thân phiêu lưu vào con đường nghèo khó, nhọc nhằn của người truyền đạo theo như khải tượng Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho ông.
Sau khi hoàn tất chương trình trung học ở trường Võ Văn, Cần Thơ, vào tháng 8 năm 1934, khi mới được 18 tuổi, chàng thanh niên Phạm Văn Năm quyết định dâng mình lên đường ra Ðà Nẵng để học Lời Chúa và trở thành học sinh trẻ tuổi nhất trường. Mãn niên khóa đó, ông trở về nhà nghỉ ba tháng. Đến tháng 6 năm 1935, ông cùng thân sinh đi dự Hội đồng Tổng Liên họp tại Cao Lãnh. Rồi cũng trong kỳ Hội đồng nầy một lễ hỏi rất đơn sơ giữa ông và cô Nguyễn Thị Thuấn, quê hương Cao Lãnh, đã diễn ra cách trang nghiêm và trước sự chứng chứng kiến của nhiều tôi tớ Chúa. Trước đó, cô Nguyễn Thị Thuấn là người đã đọc thuộc lòng Thi Thiên 23 tại Hội đồng Bồi linh ở Sa Ðéc vào giữa tháng 10 năm 1934 và thân sinh của ông đã tìm hiểu cô cho ông
Thật tạ ơn Chúa, sự sắp xếp của Ngài thật diệu kỳ. Chúa đã dự bị cho ông một người vợ có cùng một tinh thần truyền giáo đúng với điều ông mong ước. Ngày 16 tháng 8 năm 1935, thầy Phạm Văn Năm thành hôn cùng cô Nguyễn Thị Thuấn và ba tuần lễ sau cả hai lên đường vào trường Kinh Thánh.
Ngày 14 tháng 6 năm 1936, hoàn tất khoá học, ông bà được bổ nhiệm đến hầu việc Chúa tại Hội Thánh Trà Ôn trọn khóa 2 năm. Lúc đó ông mới 20 tuổi nên mỗi tháng giáo sĩ Carlson từ Mỹ Tho qua Trà Ôn để giảng dạy và giúp đỡ ông!
Ngày 15 tháng 12 năm 1936, bà sinh con gái đầu lòng.
Tháng giêng năm 1937, trong kỳ Hội đồng Ðịa hạt tại Mỹ Tho, sau lời cầu nguyện và kêu gọi của cụ Jackson, hai ông bà cùng đứng dậy bước lên tòa giảng để nhờ tôi tớ Chúa đặt tay cầu nguyện cho ông bà dâng mình đi hầu việc Chúa trên cao nguyên thượng du (Lâm Đồng).
Sau hai năm thực tập tại Trà Ôn, đáng lý ra ông bà Phạm Văn Năm phải trở về trường Kinh Thánh để học năm tốt nghiệp. Nhưng lúc ấy tại Sài Gòn, Mục sư Lê Ðình Tươi, Hội trưởng Hội Thánh Việt Nam cũng là quản nhiệm Hội Thánh Sài Gòn có mở Hội Thánh mới tại Phú Nhuận, ông cần một phụ tá để giúp ông tại đây. Thấy Truyền đạo Phạm Văn Năm còn trẻ quá (21 tuổi) không cần phải về học lớp tốt nghiệp sớm nên Mục sư Tươi đã trình với Ban Trị sự Tổng Liên ý muốn này và được chấp nhận. Ngày 18 tháng 7 năm 1938, ông bà đến Phú Nhuận nhận nhiệm sở mới trọn một năm rồi sau đó mới trở về trường Kinh Thánh để học năm tốt nghiệp.
Tại Hội Thánh Phú Nhuận, mỗi tối thứ bảy ông có tổ chức truyền giảng có rất đông người đến nghe và nhiều người tin. Ngoài ra, vì có học âm nhạc nơi trường Kinh Thánh, nên ông còn được các tín hữu ở Hội Thánh Sài Gòn mời đến dạy nhạc lý cho họ vào mỗi tối thứ ba.
Sau khi tốt nghiệp, Ban Trị sự Tổng Liên hội bổ nhiệm ông đến hầu việc Chúa tại Bình Long (gần Châu Ðốc). Đây là một Hội Thánh “tuy thành lập đã lâu nhưng có ít tín đồ, xứ nầy lối tháng 8 đến tháng 10 là mùa nước nổi nên sự di chuyển và sinh hoạt rất khó khăn. Đâu đâu cũng nước ngập phải di chuyển bằng xuồng hay bằng bè chuối, trong nhà thì dùng băng ghế kê cao để đi tới lui, rắn rít tìm chỗ tránh nước có khi leo lên giường lên chõng, rất nguy hiểm” . Tạ ơn Chúa tại nơi đây, tôi tớ Ngài là Phạm Văn Năm dù còn trẻ tuổi nhưng đã tận tâm với chức vụ Thánh; hăng hái ra đi thăm viếng hiệp với cụ Mục sư Hiệu ở Châu Ðốc lo truyền giảng rất vui và phước hạnh. Qua chức vụ ông, Đức Chúa Trời đã cứu nhiều người.
Hầu việc Chúa ở Bình Long được 10 tháng thì ông nhận được thư của giáo sĩ Jackson và Mục sư Nguyễn Văn Tầm yêu cầu lên Thượng du hầu việc Chúa. Biết rằng Chúa đã mở đường và sai đi truyền giáo nên ông bà vui mừng nhận lời ngay.
Ngày 2 tháng 8 năm 1941, Ban Trị sự Tổng Liên hội chấp thuận cho ông đi truyền giáo tại Ðà Lạt. Ngày 12 tháng 8 năm 1941 gia đình ông bà đáp xe lửa lên Ðà Lạt bắt đầu chức vụ truyền giáo lần thứ nhất.
Tại Đà Lạt, việc đầu tiên của ông bà là mỗi ngày sáu tiếng đồng hồ học tiếng Kơho với thầy Ha Sol. Hội Truyền giáo bắt buộc ông bà sau sáu tháng phải biết nói tiếng Kơho nhưng ở Ðà Lạt được sáu tháng thì ông bà lại được yêu cầu xuống Di Linh tạm lo việc Chúa giữa người Việt và người sắc tộc tại đó.
Ngày 12 tháng 11 năm 1942, gia đình ông bà và thầy Ha Sol dạy tiếng Kơho xuống Di Linh. Tại đây, khí hậu rất độc, Mục sư Phạm Văn Năm bị sốt rét rừng hành hạ đến nỗi phải nằm viện hơn hai tuần lễ nhưng sốt vẫn cao. Ông liền xin phép Chủ nhiệm Ðịa hạt cho ông được về Ô Môn dưỡng bệnh. Sau hai tháng, Chúa đã chữa bệnh cho ông được lành, nhưng một mặt vì hoàn cảnh gia đình, một mặt vì chiến tranh nên dự định trở lại Di Linh tiếp tục hầu việc Chúa bị gián đoạn.
Ngày 20 tháng 5 năm 1943, Ban Trị sự Ðịa hạt yêu cầu ông bà đến Hội Thánh Vĩnh Long. Trong 4 năm hầu việc Chúa tại đây, Mục sư Phạm Văn Năm đã phải đối diện không ít với những thăng trầm và thử thách. Khi mới đến, đứa con trai qua đời; rồi khi sắp rời Vĩnh Long thì đến lượt người con gái về nước Chúa. Hội Thánh có phát triển, nhưng vì còn trong thời kỳ chiến tranh nên mọi sự đều khó khăn, người tin Chúa thì nhiều nhưng chỉ có vài gia đình đứng vững, lại thêm phải đối phó với tà thuyết “Chúa tái lâm giả tạo”. Chiến sự liên miên khiến tín đồ phải di tản nhiều nơi, gia đình ông cũng mỗi người tá túc một chỗ, cứ lang thang trong các sông, rạch không dám đi đâu xa nhà thờ.
Ngày 10 tháng sáu 1947, được sự đồng ý của Ban Trị sự Tổng Liên, ông bà trở lại miền cao nguyên để truyền giáo lần thứ hai theo nguyện vọng của ông bà.
Tại Đà Lạt, ngoài việc mỗi sáng Chúa nhật thờ phượng Chúa với Hội Thánh người sắc tộc sau đó đến Hội Thánh người Kinh, ông vừa tiếp tục học tiếng Kơho với Mục sư Ha Sol, vừa dạy thiếu nhi, vừa giúp cụ giáo sĩ Jackson làm công việc văn phòng, đánh máy bản Kinh Thánh Tân Ước sách Tin Lành Giăng bằng tiếng Kơho, vừa dịch Thánh Ca từ tiếng Việt ra tiếng Kơho. Bà cũng lo dịch bài học: “Ðời Ðấng Christ” để giảng dạy cho anh em sắc tộc.
Tháng 6 năm 1948, ông được tấn phong Mục sư tại Sài Gòn.
Tháng 3 năm 1953, Hội đồng Truyền giáo đầu tiên được tổ chức tại nhà ông thành lập Ðoàn Truyền giáo Việt Nam. Mục sư Truyền giáo Phạm Văn Năm được bầu làm thủ quỹ cho Đoàn. Từ đây, cứ mùa nắng thì ông bà vào các buôn làng trong rừng sâu để truyền giáo, thăm viếng, giảng bồi linh, hiệp với hai cụ Jackson hầu việc Chúa; còn mùa mưa thì dạy tại trường Kinh Thánh, cùng Mục sư Nguyễn Văn Tầm đặt chữ cho người Kơho, đồng thời xúc tiến việc dịch toàn bộ Kinh Thánh Tân Ước ra tiếng Kơho. Ông chịu trách nhiệm dịch thư Hê-bơ-rơ và Khải Huyền, còn bà dịch hai thư Phi-e-rơ. Sau đó, ông bà cùng các vị khác dịch 100 bài đầu của quyển Thánh Ca tiếng Việt.
Thưa quý vị và các bạn, trong thời gian 13 năm, từ năm 1947 đến năm 1960, với những vòng truyền giáo đầy mạo hiểm, thú vị với những kỷ niệm khó quên nơi rừng thiêng nước độc, ông bà đã mang tin mừng cứu rỗi của Chúa đến tận các buôn làng: Ðạ Blah, Ðạ Ka, Ðạ Tơrbor, Pang Pung, Tiah Soh, Bon-nơr, Ðăng-ja, Tầm Ngân, Song Pha, Suối Dầu, Phước Ðồng, Phước Ðức của các dân tộc thiểu số Kơho, Tring, Rơglai,… Ông bà cũng quan tâm đến vấn đề khai hóa dân trí cho đồng bào sắc tộc nên đã soạn bài học về cuộc đời Chúa Cứu Thế có hình ảnh cho họ dễ hiểu, gởi vào trong làng cho con cái Chúa đọc. Là người truyền giáo, nhưng ông bà phải làm đủ mọi việc. Khi vào trong làng thăm viếng, ông bà luôn đem theo thuốc men để giúp đỡ con cái Chúa, có lúc phải làm tài xế đưa rước những người có bệnh nghặt nghèo cần đến bệnh viện. Có nhiều lúc rất thiếu thốn, song ông bà không bao giờ than thở, hay nói cho ai biết cũng không nhờ vả ai, lòng lúc nào cũng cứ cậy trông nơi Chúa và luôn nghĩ rằng sẽ không lìa nơi đây để đi nơi nào khác.
Mỗi năm ông bà được phép nghỉ hè. Là tôi tớ trung thành đầy ơn của Chúa và từng trải nhiều thử thách, ông bà không nghỉ ngơi mà dùng cơ hội đó để đi thăm các Hội Thánh từ Nam chí Bắc, làm chứng về công cuộc truyền giáo hầu giục giã con cái Chúa ý thức trách nhiệm truyền giáo và khơi dậy tinh thần truyền giáo nơi tín hữu.
Ông bà hiệp tác với ông bà Giáo sĩ Jackson, hai cụ Giáo sĩ Jean Funé, cô Giáo sĩ Evans cùng các vị Mục sư Truyền đạo người sắc tộc như Mục sư Hà Sáu A, Mục sư Hà Klas A, Mục sư Ha Chu A, Mục sư Ha Sol, v.v… lo mở mang công việc Chúa trên miền sơn cước. Sau gần 15 năm, qua hai giai đoạn, số Hội Thánh có được là 102 với 25.000 tín hữu, một con số khá lớn và đầy khích lệ đối với một Ðịa hạt. Thật vậy, trong tất cả các dân tộc ít người trên đất nước tại thời điểm này, Hội Thánh Chúa giữa sắc tộc mà ông bà phục vụ là Hội Thánh sắc tộc đầu tiên đạt được thành quả cao như vậy.
Năm 1960, Mục sư Phạm Văn Năm bị bệnh nặng nên được đề nghị xuống Nha Trang nghỉ ngơi vài tháng. Tại đây, Mục sư Hội trưởng Ông Văn Huyên đã mời ông bà về hầu việc Chúa tại Thần Học Viện. Lòng ông bà lúc nào cũng yêu thương anh em người sắc tộc, không muốn rời bỏ họ chút nào. Nhưng vì ích lợi chung của nhà Chúa, nên ngày 19 tháng 6 của năm 1960 ông bà đành rời Đà Lạt xuống Nha Trang hầu việc Chúa tại Thần Học Viện. Tại đây, ông bà hầu việc Chúa trong nhiều công tác truyền bá Phúc âm, giảng dạy Thánh Kinh và thần học, thảo luận và dự phần vào các cuộc hội nghị quốc tế vềTin Lành, vào chương trình Nghiên cứu Phúc âm tại quê hương cũng như tại Âu châu, Mỹ châu, Úc châu và trên hết là Chương trình Cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo thế giới.
Năm 1970, Mục sư Phạm Văn Năm gởi đơn đến Mục sư Viện trưởng và Ban Giáo sư xin từ chức Giáo sư tại Thần Học Viện để về Sài Gòn lo Chương trình Chứng đạo Sâu rộng và cũng vì Phòng Ghi âm cũng đã chuyển về thành phố mà ông là một cộng tác viên mật thiết. Suốt năm năm sau đó (1970-1975), ông bà có dịp đi đến nhiều Hội Thánh từ miền Nam đến miền Trung cũng như lên miền cao để thăm viếng và giảng bồi linh. Bà Mục sư còn giúp các bà, các cô thành lập Ban Phụ nữ.
Hầu việc Chúa và rao truyền danh Ngài đối với ông là một ân huệ mà Ngài ban cho ông. Ông đi đâu cũng rao truyền danh Ngài dù thân thể cường tráng của người truyền đạo ngày xưa đã trở thành con người mang đầy chứng tích của sức tàn phá kinh khủng bởi vi trùng sốt rét. Nhưng bên trong con người gầy mòn đó, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã sống và hoạt động cứu người và thừa năng lực để hoàn thành một chức vụ kéo dài đến 55 năm. Lúc còn trẻ, ông từng bị nhiều người chê là không biết ăn nói trước công chúng, nhưng Chúa đã dùng ông, ban phước cho ông. Mục sư Phạm Văn Năm không bao giờ có thể tưởng tượng ra được là Chúa đã dùng ông để đem Tin Lành của Ngài trồng, tưới nhiều nơi, từ thôn làng hẻo lánh đến những xứ sở xa xôi ngoài biên giới.
Biến cố tháng tư 1975 xảy đến, bởi ơn thương xót của Chúa, gia đình của ông bà rời khỏi Việt Nam đến định cư tại Hoa Kỳ. Sau khi đến Hoa Kỳ, ông bà lại tiếp tục phục vụ Chúa với tinh thần nóng cháy làm ngạc nhiên và khích lệ rất nhiều thanh niên, thúc giục họ dâng hiến cuộc đời cho Chúa và thực thi công tác cứu người. Không chỉ góp phần mở mang Hội Thánh Chúa tại Hoa Kỳ và yểm trợ cho công cuộc truyền bá Phúc âm tại Canađa, mà cả tại nhiều nước. Chỉ trong vòng 15 năm, ông bà đã đặt gót chân của người truyền bá và huấn luyện Tin Lành đến khắp các nước: Pháp, Ðức, Bỉ, Hà Lan, Ðan mạch, Ðông Ðức, Liên xô, Do thái, Ai cập, Úc và cả đất nước Việt Nam mến yêu.
Xuất thân từ gia đình danh giá nhưng Mục sư Phạm Văn Năm đã không hề màng đến công danh bổng lộc của đời mà quyết dâng trọn cuộc đời cho Chúa. Trong 55 năm phục vụ Chúa với bao thăng trầm, Ngài đã hoàn thành những công việc lớn lao và kỳ diệu trong và qua đời sống của ông bà. Với tinh thần “Tôi phải trả nợ yêu thương cho đồng bào”, “Nếu tôi có hai đời sống, tôi cũng sẵn sàng dâng trọn cho Chúa”, Mục sư Phạm Văn Năm đã để lại tấm gương sống bởi đức tin, “chịu khổ như người lính giỏi” của Chúa Cứu Thế Giê-xu, và người được ơn kêu gọi từ Ðức Chúa Trời.
Thưa quý thính giả, từ khi mới tin nhận Chúa cho đến khi ông qua đời, Mục sư luôn theo đuổi một đam mê: Biết Chúa và làm cho Ngài được biết nhiều, dầu phải trả bất cứ giá nào. Cái giá mà ông phải trả là sự nghèo khó, bệnh tật, vợ đau, con chết, thân hình tiều tụy. Năm tháng lo công tác truyền giáo tại vùng cao, nhiều lần ông bị sốt rét rừng kinh niên hành hạ lại thêm bệnh yếu gan, nhưng ông không hề bỏ dở công tác Chúa giao cho một giờ phút nào. Bàn chân của nhà truyền đạo không hề mệt mỏi nầy đã bôn ba trên khắp miền Trung Nam của lãnh thổ Việt Nam để chăm lo cho đời thuộc linh, tất bật truyền rao ơn cứu rỗi của Chúa cho đồng bào, đem lại rất nhiều thành quả đáng khích lệ.
Trải qua một chặng đường phục vụ khá dài, hy sinh gian khổ, sức khỏe của ông ngày một kém sức theo thời gian. Đức Chúa Trời biết kẻ Ngài chọn lựa và đẹp ý Ngài nên đến năm 1992, ông được Chúa gọi về nước Ngài trên trời, để lại cho nhiều người một tấm gương sáng quên mình phục vụ Chúa và đồng bào cùng tinh thần khiêm nhường, chịu học hỏi, vâng phục giáo hội.
Sau khi ông đã về Nước Chúa, bà dù tuổi đã gần 80 nhưng nhịp độ năng nổ tất bật cho công việc nhà Chúa nơi bà vẫn không suy giảm. Đặc biệt, bà đã sưu tập những tài liệu ông để lại và in thành quyển hồi ký “Dâng trọn cuộc đời” ghi lại những ơn phước lớn lao, những việc lạ lùng mà Chúa đã đồng công với đầy tớ Ngài, trải qua 55 năm trong công trường thuộc linh mà bà cho rằng “Chúng tôi đã trải qua những ngày trời trên đất”
Chương trình Chân Dung Người Phục Vụ được biên soạn dựa theo cuốn sách Tuyển Tập Tiểu Sử Người Phục Vụ Chúa của Ủy Ban Văn Hóa Giáo Dục Tổng Liên Hội, Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Nam). Đây là chuyên mục ra đời nhằm giới thiệu những tấm gương sáng trên bước đường hầu việc Chúa của các mục sư, truyền đạo đã và đang có nhiều cống hiến cho công việc nhà Chúa, đây là những đóng góp to lớn, góp phần trong công cuộc rao giảng lời Chúa và phát triển của Tin lành tại Việt Nam.

Bài viết, tin tức, phản hồi xin gởi về: [email protected]
Oneway Radio 


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *