Chân Dung Người Phục Vụ: Mục Sư Phạm Xuân Tín

PTV: Quốc Duy

MỤC SƯ PHẠM XUÂN TÍN

Mục sư Phạm Xuân Tín sinh ngày 4.9.1912 tại làng Xuân Tùy, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (Huế). Ông thuộc đời thứ 18 dòng họ Phạm Xuân, con trai út của ông Phạm Văn Kháng.
Do ảnh hưởng của gia đình vừa theo Khổng, Lão, Phật giáo vừa thờ cúng ông bà nên Mục sư Tín đã được bố dạy biết chữ Hán, Tam Tự Kinh khi lên 7, 8 tuổi, biết giữ phép tắc, lễ nghĩa đối với mọi người và biết cách thức thờ cúng trong gia đình. Mục sư cũng chịu ảnh hưởng bởi tính tình siêng năng và ngay thẳng của mẹ, là người hết lòng thương yêu con cái, đã hy sinh, tảo tần kiếm tiền nuôi con. Vì bệnh tình, bà qua đời và đã để lại trong tâm trí non trẻ của Mục sư Tín nhiều kỷ niệm khó quên.
Sau khi mẹ mất, ông được bố gửi vào Đà Nẵng rồi vào Bình Định ở với chú thím ruột là ông bà Phạm Xuân Đài, một giáo viên trường tỉnh, và cũng hết lòng thương yêu, chăm sóc ông với mong ước ông sẽ trở thành con nuôi, sau này cúng giỗ, thờ phụng chú thím khi qua đời. Ông lớn lên học ngành bào chế thuốc và mở tiêm thuốc Tây ở phố Đồng Hới.
Sau khi mẹ mất, chứng kiến cái chết của mẹ, những nghi thức thờ cúng người quá cố khiến cho ông tự hỏi linh hồn mẹ sẽ đi về đâu? Âm ti là gì? Ai cai quản? Sáng hay tối? Nhưng không ai có thể thỏa đáp những thắc mắc mà còn làm cho ông càng thêm lo lắng. Ông lo sợ cơn thạnh nộ của ông Trời, nên đi chùa, cúng lạy ở các am miễu, có lần bỏ học vào chùa đi tu. Nhưng rồi ông cũng được toại nguyện.
Một ngày kia ông được thím mua mấy quyển sách ở chợ tựa đề là “Tin Lành”, “Sách Phúc Âm”, “Tranh Minh Tâm” in ở Hà Nội. Qua những quyển sách nầy, ông biết đến danh Chúa Giêxu, người tin Chúa chết sẽ về thiên đàng, còn người không tin sẽ đi địa ngục và những thắc mắc của ông đã được giải đáp. Nhưng làm sao đến với Chúa? Chúa ở đâu? Thờ phượng Ngài thể nào? Cảm tạ Chúa, ông được bạn mời xem phim cuộc đời Chúa Cứu Thế.
Một đêm, ông nằm mộng thấy Chúa hiện ra gọi đích danh: “Hãy theo ta” giống như trong các sách Phúc Âm và Công Vụ mà ông đã đọc. Nhưng ông hẹn hai năm sau sẽ theo Ngài. Sau khi tốt nghiệp ngành thuốc Tây và đi thực tập ở Quảng Ngãi, ông gặp Mục sư Tin Lành giải thích về Đức Chúa Trời, đạo Tin Lành và quyết định tin Chúa vào tháng 9/1933, cho dù phải gặp bắt bớ và gia đình chống đối.
Bắt đầu từ giờ phút tin Chúa, cuộc đời ông biến đổi hoàn toàn và niềm vui mừng từ thiên đàng tràn ngập trong lòng. Ông sung sướng làm chứng về sự cứu rỗi mà ông đã nhận được cho gia đình và nhiều người. Sau đó, ông dời về Đà Nẵng và có dịp tiếp xúc với nhiều Giáo sĩ, Mục sư, thờ phượng và tham gia phục vụ Chúa ở Hội Thánh Đà Nẵng. Tuy nhiên, ông vẫn khao khát muốn biết Chúa và lời Ngài hơn nữa nên có ý định học trường Kinh Thánh. Ông chịu phép báp têm vào ngày 02.06.1935 tại Đà Nẵng. Ông nghe tiếng Chúa kêu gọi lần thứ hai, nên quyết định làm đơn xin học trường Kinh Thánh vào năm 1935.
Tại trường Kinh Thánh ông được gặp Chúa cách riêng tư qua lời Ngài và qua sự cầu nguyện, và cũng nhận được khải tượng truyền giáo cho các dân tộc thiểu số ở vùng Cao Nguyên. Không được gia đình ủng hộ và cũng không nhận được sự giúp đỡ về tài chánh từ gia đình, nhưng từng hồi từng lúc Chúa mở đường cho ông, ông đi làm thêm vào những dịp hè, dạy Việt Văn trong trường Thần Học kiếm tiền đóng học phí.
Với ước nguyện đi truyền giáo ở Cao nguyên, Chúa đã sắm sẵn cho ông người vợ thật tuyệt vời là cô Nguyễn Thị Sen sanh năm 1916 ở Vinh, xuất thân từ một gia đình trung tín, yêu mến Chúa. Cô bằng lòng đồng hành với ông đi truyền giáo những nơi nghèo nàn và khổ cực ở vùng Cao nguyên. Hôn lễ của ông bà được tổ chức vào ngày 08.05.1937, cũng là lúc ông hoàn tất năm thứ hai của trường Kinh Thánh.
Đến tháng 7/1937, sau khi lập gia đình, ông bà đến Ban Mê Thuột với tư cách là Truyền đạo Tập sự. Tại đây, ông bà bắt đầu học tiếng Ê-đê và làm chứng, cũng mở các lớp học chữ, dạy thêu, may, dạy thiếu nhi. Kết quả có nhiều người tin Chúa và có người sau nầy trở thành Mục sư, Truyền đạo.
Trong giai đoạn truyền giáo tại cao nguyên, ông bà không tránh khỏi những khó khăn. Khó khăn vì các thanh tra Pháp, nơi ở nghèo nàn, ăn uống kham khổ, bịnh sốt rét, đời sống thiếu thốn, đối diện nhiều mối nguy hiểm từ những côn trùng nhỏ bé cho đến rắn rít và thú dữ. Tuy nhiên, những khó khăn đó không làm chùng lòng hay ngăn trở bước chân của ông bà đem Tin Lành đến những buôn làng xa xôi, hẻo lánh. Ngoài ra, ông bà cũng đi truyền giáo ở Cheo-reo (Phú Bổn) vào năm 1938 và tìm hiểu các chi phái Jơ-rai, Hơdrung, Krung, v.v…
Ông bà là Truyền giáo người Kinh đầu tiên đem Tin Lành đến cho người Ê-đê. Năm 1938, ông soạn xong sách “Đường Cứu Rỗi”, sách làm chứng nhan đề “Jêsus Christ”, và một số sách nhỏ khác bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, ông cũng dịch một phần Kinh Thánh và một số bài hát ra tiếng Ê-đê. Trải qua nhiều nhà truyền giáo kế nhiệm, hạt giống đầu tiên đã nẩy nở và kết quả, hiện nay có hơn 100.000 người Ê-đê tin Chúa.
Sau hai năm thực tập tại Ban Mê Thuột, ông bà cùng con gái là Lily Son trở về trường Kinh Thánh để học năm tốt nghiệp vào năm 1939-1940. Trong khóa học nầy, ông bà có thêm một ái nữ là Pham Thị Sô. Trong trường, ông làm Đại diện học sinh, Trưởng ban Cầu nguyện cho việc truyền giáo, cũng trong Ban Ẩm thực. Tuy phải gánh vác nhiều trách nhiệm, ông bà cũng hoàn thành những bài thi lễ tốt nghiệp.
Theo nguyện vọng truyền giáo ở cao nguyên, ông bà được bổ nhiệm đến Pleiku để truyền giáo cho người Jơ-rai và Bahnar. Tại đây, ông học tiếng Jơ-rai rất nhanh, không bao lâu sau đã có thể giao dịch và giảng dạy. Ông cũng dựng một nhà sàn bằng tre với mái tranh có phòng nhóm, phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp và được khánh thành vào ngày 04.05.1941. Mỗi tối đồng bào thượng đến nghe giảng rất đông đảo.
Đây là vùng đất mới, lạnh lẽo, nước độc, nhiều bệnh tật, sốt rét, nghèo nàn thiếu thốn mọi bề, và cũng là nơi đầy mê tín dị đoan, bùa ngải, ếm chú, thờ nhiều thần. Tuy nhiên, mọi khó khăn gian khổ không làm ông bà sờn lòng, nản chí. Cánh tay Chúa vẫn dang ra che chở, cứu giúp và tiếp trợ từng hồi từng lúc cách diệu kỳ.
Nhiều lúc để con ở nhà, từ sáng sớm ông bà cỡi ngựa vượt đồi băng suối từ làng nầy qua làng kia giảng dạy, thăm viếng tín đồ đến tối mịt mới trở về. Biết bao nguy hiểm cận kề theo những con đường mòn lên đồi xuống dốc, khi gặp cọp dữ, lúc mắc mưa dầm. Nhưng Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ xua đuổi hết thú dữ và bảo vệ ông bà trong gang tấc.
Bao nhiêu lần ông đi giảng đạo bị nhiều quan chức cao cấp cấm đoán, dọa nạt; hay chịu đói khát và bịnh tật, nhưng Chúa vẫn giữ gìn đi và về đến nhà bình an. Có những con đường rừng nguy hiểm, một người một ngựa giữa núi rừng hoang vắng, nhiều thú dữ, vừa buồn tẻ vừa đáng sợ, nhưng vì trách nhiệm Chúa giao ông không thể trễ nãi. Có lần leo lên đến một dốc đá cao, trơn trợt, ngựa trượt chân ngã quỵ gãy răng, nhưng Đức Chúa Trời bảo vệ ông bình an. Có nhiều lúc bị đỉa, rận, rệp, bọ chét tấn công, ông chịu dựng hết, chỉ để rao giảng Tin Lành nước trời.
Năm 1945, bà sanh một con trai. Sau 5 ngày, cháu lên cơn sốt, bỏ bú, rồi qua đời. Không có hòm để chôn và cũng không ai giúp đỡ, sức bà còn yếu và buồn bã vì con chết. Cuối cùng ông liệm con trong một chiếc thùng mới và khiêng đi chôn. Trong những ngày đau buồn đó, chỉ có Chúa mới hiểu thấu nỗi lòng của ông bà.
Sau khi con qua đời, ông được thuyên chuyển qua Ban Mê Thuột nhưng kiêm lo cho cả Pleiku. Vì tình hình khó khăn nên ông đưa bà và các con về Vinh. Từ giã vợ con, ông trở lại Pleiku một mình để thu xếp và chuyển qua Ban Mê Thuột. Bước đi nặng nề cô đơn giữa núi rừng, gió lộng cộng với sương đêm lạnh thấu buốt, tiền bạc không có bao nhiêu, lòng lại nhớ vợ thương con còn thơ dại. Chặng đường đi từ Pleiku qua Ban Mê Thuột trên 200 cây số, di chuyển bằng voi đầy gian nan. Tuy nhiên, đi qua làng nào ông cũng không quên nhiệm vụ Chúa giao là rao giảng Tin Lành và khuyên giục đồng bào Thượng sớm tin nhận Chúa.
Ông đến Ban Mê Thuột vào tháng 10.1945, tại đây ông được tự do rao giảng đạo. Trách nhiệm nặng nề cả hai nơi, Ban Mê Thuột và Pleiku, nỗi cô đơn, thương nhớ vợ con, ăn uống kham khổ, thiếu thốn mọi bề, bệnh tật, lắm lúc làm ông không khỏi nản lòng, muốn bỏ cuộc.
Sau một tháng, tình hình chiến sự trở nên căng thẳng, ông phải chạy lánh nạn. Không thể tả hết hoàn cảnh một mình và sự lo lắng. Ông đã phải ăn cỏ tàu bay chấm muối, đi đào củ chuối để luộc ăn sống qua ngày giữa rừng hoang vắng. Thân thể ốm yếu, quần áo rách nát, không tắm rửa, phải đóng khố để che thân làm cho ông càng cảm thấy hãi hùng cảnh núi rừng âm u. Sau 50 ngày, ông mới trở về được với anh em trong sự bình an. Giữa muôn ngàn khó khăn và vì tín đồ chưa biết dâng hiến, nên ông phải tự túc để hầu việc Chúa. Có lần ông đã phải bán bộ Âu phục lấy tiền làm vốn mua chuối bán kiếm tiền mua gạo, cá khô và muối. Sau 22 tháng không tin tức, ông mới được gặp lại vợ con. Thật không thể nào tả hết ơn Chúa đã phù hộ, cứu giúp, nuôi nấng chăm sóc gia đình ông bà.
Năm 1947, ông và gia đình trở lại Pleiku. Tất cả đồ đạc đều mất hết nhưng ông bà cảm tạ Chúa vì còn sống sót để hầu việc Ngài. Ông được cử làm Đoàn trưởng Đoàn Truyền giáo. Tại Pleiku, Chúa ban cho ông bà có thêm hai con trai là Phạm Xuân Bahnar Trung (17.4.1948) và Phạm Xuân Nghĩa (21.3.1950).
Tại Pleiku, ông bà không chỉ xây dựng trụ sở truyền giáo, giảng đạo, thăm viếng và dịch Kinh Thánh, mà còn mở lớp dạy Kinh Thánh và huấn luyện người hầu việc Chúa. Sau 10 năm ở Pleiku, ông bà đã dịch xong Tân Ước, sách Sáng Thế Ký, nhiều sách nhỏ, sách giáo lý, bài hát, Phước Âm Yếu Chỉ ra tiếng Jơ-rai và viết quyển sách đầu tiên bằng tiếng Jơ-rai nhan đề “Tơlơi Ơi Adai” nghĩa là (Lời Đức Chúa Trời). Sau nhiều gian nan, sách đã được in ra. Người Jơ-rai và Hơdrung rất vui thích đọc quyển sách đầu tiên bằng tiếng mẹ đẻ. Sau đó, những bài Thánh Ca, các sách Tin Lành lần lượt cũng được in ra bằng tiếng Jơ-rai và Bahnar. Ngoài ra, ông bà còn dịch một số bài hát, các thư Giăng I, II, III và Giu-đe ra tiếng Ê-đê.
Khởi đầu cuộc hành trình truyền giáo 10 năm tại Pleiku chỉ là một khu vực đất mới rộng lớn của người Jơ-rai, Bahnar và Hơ-drung, chưa có tín đồ, chưa có một nhà thờ, chưa có một quyển sách đạo. Nhưng sau 10 năm truyền giáo tại Pleiku, ông được phong chức Mục Sư vào ngày 18.06.1950. Đến năm 1951, có 6 Hội Thánh với các Truyền đạo Tập sự từ những buôn làng trong núi rừng xa xôi rủ nhau đi dự Hội đồng. Lòng ông bà vui mừng thấy được kết quả của mình, quên hết bao nỗi nhọc nhằn.
Theo biểu quyết của Giáo hội, ngày 01.01.1952, ông bà từ giã Pleiku và công việc nhà Chúa ở đây để chuyển đến Dran. Ngày từ giã là ngày khó quên trong chức vụ của ông bà với tiếng khóc lóc chia tay đưa tiễn đầy xúc động của những con người thật thà đơn sơ của núi rừng.
Sau đó, ông bà và gia đình đến Dran, nơi đó có khoảng 150.000 người gồm dân tộc Chru, Chil, Tring và Rơglai. Khi hầu việc Chúa tại Pleiku và Ban Mê Thuột ông biết nói Ê-đê, Jơ-rai, Bahnar, Hơdrung, quen với khí hậu và phong tục, nhưng nay chuyển tới chỗ mới, ông bà thật bỡ ngỡ.
Bắt đầu chức vụ, ông bà góp phần xây dựng Trung tâm Truyền giáo tại Dran và khánh thánh ngày 04.05.1952. Trong thời gian nầy ông vừa lo học tiếng Chru vừa làm chứng dần dà có người thượng tin Chúa. Mỗi buổi nhóm sáng Chủ Nhật đều có thêm người đến nhóm, cũng có cả người Kinh.
Trong 8 tháng đầu tiên đã có hơn 60 người Chru tin Chúa. Ông dịch xong sách Tin Lành Mác, Phước Âm Yếu Chỉ, Tranh Minh Tâm, một số Thánh ca và các sách nhỏ về lẽ đạo ra tiếng Chru. Ông bà thường đi vào các buôn làng làm chứng phát sách, rao giảng và dạy các lớp Kinh Thánh, nhưng đồng thời cũng không quên người Kinh.
Ngoài việc truyền giáo tại Dran, vì ông giữ chức Đoàn trưởng Đoàn Truyền giáo ở cao nguyên nên ông còn phải đi thăm viếng và giảng dạy nhiều nơi cho các dân tộc khác như Chrao, Ri-ôn, Chil, Mạ trải dài từ Túc Trưng cho đến Khe Sanh. Ngày 01.08.1952, ông được cho phép xuất bản “Tạp chí Truyền giáo” do ông làm chủ nhiệm và kiêm chủ bút.
Mặc dầu phải đảm đương nhiều trách nhiệm, ông không quên nhắc nhở bầy chiên đọc và học Kinh Thánh, mở các lớp huấn luyện tín đồ, chấp sự, truyền đạo địa phương về phương pháp làm chứng, cách phục vụ Chúa và chăn bầy. Bên cạnh đó, ông tiếp tục viết sách và dịch Kinh Thánh, các sách giáo lý căn bản, truyện tích Kinh Thánh ra tiếng Chru. Ông bà còn phân phát các sách học vần, tập đọc cho những người chưa biết đọc. Ông bà cổ động và xây dựng một nhà thờ bằng vách ván, khánh thành ngày 11.12.1955. Trọng tâm của ông bà trong chức vụ là đào tạo và huấn luyện ngưòi hầu việc Chúa. Các lớp Thánh Kinh Tiểu học đường được mở ra. Nhờ đó, khi các nhà thờ lần lượt được xây dựng, có truyền đạo tập sự giảng dạy lời Chúa và coi sóc bầy chiên, tín đồ không phải đi xa đến tận Dran để thờ phượng Chúa.
Tháng 03.1957, ông được đi học về ngôn ngữ học và bổ túc Anh Văn tại Đại học Philippines, nhờ đó biết thêm về phương pháp đặt chữ viết cho người Chru, Stiêng, Katu và soạn sách vần cho người Chru. Ngày 09.11.1959, ông có dịp học lớp Truyền đạo Thiếu nhi ở trường Huấn luyện Thiếu nhi tại Philippines. Sau khi học về, ông được cử làm Trưởng ban lo phát động chương trình thiếu nhi khắp nước.
Năm 1959, tại Dran có 8 Chi hội được thành lập với khoảng trên 800 tín hữu và có 5 người Chru trở thành Truyền đạo đầu tiên. Tuy nhiên, còn biết bao linh hồn chưa được cứu. Cũng trong năm nầy, Hội đồng Đoàn Truyền giáo Tin Lành Việt Nam tuyên bố giải thể; ông được đắc cử chức vụ Phó Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.
Năm 1960, có 13 Chi hội được thành lập với khoảng 3.000 tín đồ và 13 Truyền đạo Tập sự hướng dẫn. Do nhu cầu chung của Giáo hội, năm 1960 ông nhận thêm công tác tại Chẩn Y Viện. Đồng thời, ông cũng được yêu cầu dạy Phương pháp Truyền đạo Thiếu nhi và thị cụ, phương pháp tổ chức và dạy trường chủ nhật cho Thánh Kinh Thần Học Viện khóa đầu tiên, 1960-1961. Như vậy, ông phải nhận lãnh ba trách nhiệm cùng một lúc: truyền giáo, xã hội, và huấn luyện.
Tại Dran, ông bà có thêm bốn người con nữa là Phạm Xuân Trí, Phạm Xuân Nhân, Hồng Đức, Hồng Hạnh. Tuy công tác truyền giáo của ông bà tại Dran không quá cam go như Ban Mê Thuột và Pleiku, nhưng không phải là không có khó khăn. Chứng sốt rét rừng hành hại, té ngựa, đời sống thiếu thốn, ăn uống thiếu dinh dưỡng nên bà ngày càng kém sức khỏe. Tại Dran, con trai đầu của ông bà là Titi Thành, lên kinh phong và sốt rét nặng đã về nước Chúa năm 1952, được 11 tuổi.
Theo quyết định của Mục sư Viện trưởng ngày 21.06.1962, ông được yêu cầu rời Dran về Thánh Kinh Thần Học Viện tại Nha Trang để làm nhiệm vụ giáo sư toàn thời gian.
Ông đảm trách nhiều môn học cho học sinh, đồng thời cũng đi dạy các lớp cao đẳng ở Sài Gòn, các lớp cán sự và Thánh Kinh tiểu học đường ở các địa hạt. Ông luôn bận rộn soạn bài vở, học hỏi lời Chúa, vun trồng thánh chức. Sau đó ông còn giữ chức Phó Viện trưởng.
Năm 1967, vì áp lực công việc quá lớn, ông xin rút lui khỏi công tác Giám đốc Chẩn Y Viện, để dành trọn thời gian cho công việc của một giáo sư. Nhưng rồi ông lại được cử làm Trưởng ban Trung tâm Truyền đạo Thiếu nhi và Trưởng ban Phòng Phát thanh Tin Lành tại Nha Trang. Trong sự cầu nguyện, dâng hiến của nhiều Hội Thánh, và nỗ lực của ông bà, Trung tâm Truyền đạo Thiếu nhi của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam được khánh thành ngày 21.04.1970. Ngoài ra còn có một số Trung tâm Thiếu nhi được mở ra tại Sài Gòn và Đà Nẵng.
Năm 1969, Phòng Phát thanh Tin Lành, trước là Phòng Ghi âm tại Hội Thánh Gia Định, sau đó được chuyển ra Nha Trang. Khi ông làm Trưởng ban Phòng Phát thanh Tin Lành, mọi công tác cứ được tiếp tục, có thêm chương trình phụ nữ, thiếu nhi, và nhiều chương trình khác nữa. Sau đó, Ban Trị sự Tổng Liên Hội quyết định dời Phòng Phát thanh Tin Lành vào thành phố Sài Gòn và chuyển giao công việc cho người khác.
Vì nhu cầu giảng dạy, Chúa cho ông cơ hội đi học thần học tại trường Đại học Thánh Kinh Moore (Moore Bible College), Sydney (Úc) năm 1967. Ông hoàn tất chương trình M.R.E. tại trường Thánh Kinh Goshen (Goshen Biblical Seminary) (Mỹ) năm 1972-1974. Trở về nước, ông tiếp tục giảng dạy tại Thần Học Viện và đảm trách Trung tâm Thiếu nhi. Trong thời gian ông làm giáo sư, bà vừa lo nuôi dạy con cái và cũng vừa tham gia giảng dạy tại Thần Học Viện các môn học như Người Nữ Truyền đạo, Việt Văn, đồng thời giúp ông trong việc dạy bài mẫu thiếu nhi.
Ngày 03.03.1975, ông được tín nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Điạ hạt Nam Trung bộ. Đây là thời gian bận rộn vì ông vừa phải lo chu toàn việc giảng dạy ở Thần Học Viện, vừa phải lo việc trong hạt. Sau ngày giải phóng Miền Nam, ông không tiếp tục dạy tại Thần Học Viện, nhưng vẫn cùng với các Mục sư và Truyền đạo lo công việc Chúa trong hạt.
Đây là giai đoạn đầy khó khăn, thách thức và gánh nặng. Là Chủ nhiệm Địa hạt, ông phải lo giải quyết nhiều nan đề trong hạt. Những ngày sau giải phóng là cảnh hỗn loạn ồn ào, nhiều người di tản bị thiếu thốn, mất mát trong đó có nhiều tín hữu kéo về Nha Trang, ông bị báo cáo sai sự thật. Tại Thần Học Viện, học viên và giáo viên tự động bỏ ra về, chỉ còn lại số ít. Nhiều nhà thờ bị bỏ trống vì thiếu người chăn. Ông phải đi thăm các Chi hội gần xa giải quyết nhiều vấn đề, lo bổ nhiệm Mục sự và Truyền Đạo đến những Hội Thánh thiếu người chăn.
Mười năm làm Chủ nhiệm là những năm than khóc khi nghe nhiều nhà thờ đóng cửa, nhiều Mục sư, Truyền đạo đi cải tạo, việc đi lại khó khăn, lao đao lận đận, lại còn bị hạch sách, nhục mạ. Trong thời gian nầy, bà là người luôn cầu thay, an ủi, chia sẻ và giúp đỡ ông trong những năm tháng mà ông gọi là “những năm tháng lao đao khốn đốn.”
Sau 50 năm hầu việc Chúa (1937-1987), ngày 01.05.1987, Ban Trị sự Tổng Liên Hội chấp thuận ông về hưu. Trong những ngày hưu hạ ông vẫn có cơ hội thăm viếng và giảng dạy trong nhiều Hội Thánh. Sau năm 2000, vì mắt quá yếu, không nhìn thấy rõ nên ông chỉ giảng ở những Hội Thánh gần và viết sách nhờ sự giúp đỡ của hai thanh niên.
Ngay từ những năm bắt đầu chức vụ truyền giáo đầy khó khăn gian khổ, ông đã viết và dịch nhiều tác phẩm cho người Ê-đê, Jơ-rai, Bahnar, Chru và cả cho người Việt. Trong đó có những tác phẩm dành cho thiếu nhi, sách giải nghĩa Thánh Kinh và sách giáo khoa dùng trong trường Thần Học. Có những công trình dài hạn như bản dịch Kinh Thánh (từ năm 1970 đến 1990) hoặc bộ Thánh Kinh Phù dẫn với sự cộng tác đắc lực của bà. Hiện nay, nhiều tác phẩm của ông bà để lại đang được sử dụng trong Hội Thánh và được các nhà ngôn ngữ học Việt Nam dùng làm nền tảng tìm hiểu về ngôn ngữ của các dân tộc vùng cao nguyên.
Trong những năm cuối đời, ông thường bị đau nhói trong ngực và khó thở. Đẹp ý Chúa, ông đã về nước Chúa ngày 02.01.2008. Bà cũng bị căn bệnh rốt rét hành hạ, do những năm tháng truyền giáo ở vùng cao. Đẹp ý Chúa bà cũng đã về nước Chúa ngày 15.01.2008.
Ông bà mục sư Phạm Xuân Tín có tất cả 10 người con gồm 6 trai và 4 gái. Hai con trai đã mất sớm trong những năm ông bà đi truyền giáo. Đến nay, ông bà có thêm 3 dâu, 4 rể, 14 cháu và 4 chắt. Theo lòng mong ước của ông bà, các con cái trong gia đình cũng nối gót bố mẹ tiếp tục hầu việc Ngài trong nhiều lãnh vực khác nhau ở Việt Nam cũng như hải ngoại. Người thì tiếp tục chức vụ Mục sư, người là Truyền giáo ở Bangadesh, Mông Cổ, người thì cống hiến thì giờ dịch thuật và viết sách, người thì sáng tác. Tất cả đều cùng một một mục đích chia sẻ Phúc Âm và nói về tình yêu Chúa cho mọi người. Ông bà đã thoả nguyện để nói lên như trong Giôsuê 24:15b “Nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va
Suy gẫm:
Đời sống và chức vụ của ông bà là một sự đóng góp vô cùng lớn lao cho sự phát triển Hội Thánh Tin Lành Việt Nam giữa dân tộc Kinh cũng như các dân tộc thiểu số. Ông bà đã để lại những tấm gương sáng trong chức vụ hầu việc Chúa, sự cầu nguyên, đức tin, tấm lòng ngay thẳng rao giảng lời của lẽ thật, và trong sự tin cậy hoàn toàn vào Đức Chúa Trời. Mặc dầu ông bà đã về với Chúa, nhưng sự giảng dạy của ông và công sức của bà vẫn cứ tiếp tục vang vọng trong từng trang sách của ông bà để lại cho Hội Thánh. Hình ảnh của ông bà vẫn còn lắng đọng trong trái tim nhiều người từ trẻ đến già, từ người Kinh cũng như người dân tộc và là tấm gương cho nhiều người hầu việc Chúa noi theo
( Hãy nhấn vào nút SHARE (chia sẻ) để khích lệ thêm nhiều cuộc đời đang hầu việc Chúa – CHÂN DUNG NGƯỜI PHỤC VỤ-những tấm gương sáng, những cống hiến, những đóng góp to lớn, góp phần trong công cuộc rao giảng lời Chúa và phát triển của Tin lành tại Việt Nam)


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *