PTV: Dạ Uyên – BTV: Kim Sang
Bà Giáo Sĩ Homera Emilie Homer Dixon
Homera Emilie Homer-Dixon chào đời ngày 08.11.1893 tại Toronto, Canada. Cha cô là ông Homer-Dixon mất khi cô được 5 tuổi. Trong mười năm hay hơn sau đó, cô và mẹ đã di chuyển đến sống nhiều nơi, Anh, Canada, Mỹ (California), Ai-cập, Pháp, Thụy Sĩ rồi trở về định cư tại vùng thác Niagara.
Cha cô là một Cơ Đốc nhân sốt sắng. Bà được các gia sư tin kính Chúa dạy dỗ và sớm gieo vào lòng cô tình thương của Chúa. Khi cô được 8 tuổi, bà vú nuôi, vốn là con gái của một giáo sĩ hầu việc Chúa tại Miến Điện, tự học để đi hầu việc Chúa tại đó. Sau nhiều năm, cô Homera viết về sự kiện này: “Bà vú đã muốn tôi đi vào công trường thuộc linh, và từ ngày đó, tôi đã luôn cảm thấy mình thuộc về công cuộc truyền giáo.”
Giữa khuya ngày 25 tháng 6, 1919, tại Keswick, Anh quốc, Chúa đã kêu gọi cô Homer Dixon và cô đã dâng đời sống mình cho Đấng Christ. Từ đêm đó, cô luôn mong ngóng đến việc trở thành giáo sĩ trong khi mẹ của mình không muốn bất cứ điều gì mang con gái ra khỏi nhà mình. Cô tích cực hầu việc Chúa ngay. Bà bắt đầu mở các lớp Trường Chúa Nhật trong các vùng quê gần khu vực nhà mình.
Ngay từ rất sớm, từ khi còn là thiếu nhi rồi thành thiếu nữ, Homera sống độc lập và rất bận rộn. Sau khi dâng đời sống mình cho Chúa, cô lấy việc học Kinh Thánh làm niềm vui chính của mình. Mẹ của cô bị bệnh thấp khớp và thần kinh rất nặng ảnh hưởng đến tính khí gây nhiều khó khăn quá sức chịu đựng của cô. Khi được 27 tuổi, cô kiệt sức đổ gục. Trong mười ngày liền cô bị bất tỉnh nhưng về sau khi làm chứng lại, đó lại là quãng thời gian mà cô nhận biết một cách kỳ diệu nhất về sự hiện diện của Chúa. Trong thời gian bệnh mẹ cô cũng trở nặng và qua đời.
Sau khi vừa hồi phục, Homer-Dixon tình nguyện đi truyền giáo tại Trung Hoa lần thứ nhì nhưng các bác sĩ của Hội Truyền giáo không cho phép cô đi. Trong 2 năm, có một thanh niên đã giúp đỡ cô trong các lớp Trường Chúa Nhật. Một thời gian ngắn sau khi bị từ chối cho phép đi truyền giáo hải ngoại, cô kết hôn với anh. Homer-Dixon tưởng chừng anh là một Cơ Đốc nhân thật. Thế nhưng, sau đám cưới vài tuần, anh ta thú nhận mình đã lừa đối cô. Năm sau, một bé gái chào đời, cô đặt tên là Homera Elizabeth. Người chồng bỏ cô không lâu sau đó, tòa án chấp thuận cho cô được ly hôn và được quyền nuôi con.
Trong những năm thử thách này, Chúa đã dạy cô nhiều bài học quí giá và cô đã tham gia công việc truyền giáo bằng các bài viết về niềm tin được đăng trên báo. Năm 1927, Homer-Dixon vào học Viện Đào tạo Truyền giáo Nyack và năm sau, theo sự bổ nhiệm, cô lên tàu qua Đông Dương thuộc Pháp đến hầu việc Chúa cho trẻ em tại trường dành chi các con giáo sĩ ở Đà Lạt, Việt Nam.
Sau khi gắn bó với công việc Chúa tại Đà Lạt một thời gian, cô được Hội đồng Địa hạt bổ nhiệm đi Hà Nội. Tại đó cô dốc toàn thời gian hầu việc Chúa qua công việc truyền giáo, thăm viếng, các lớp học Kinh Thánh, dịch và biên tập tài liệu. Viết về Homera, tập san của Hội Thánh Tin Lành Hà Nội có đăng như sau:
“Những ngày tháng cuối thập niên 1930, người ta thường thấy hai mẹ con một bà ngoại quốc sống trong khuôn viên Hội Thánh Tin Lành Hà Nội tọa lạc trên góc đường Ngõ Trạm, đường Hàng Da và Phạm Phú Thứ trước mặt chợ Hàng Da. Bà Mẹ khoảng trên 40 tuổi, thường mặc chiếc áo dài Việt Nam bằng nhung, dáng dấp nhẹ nhàng, khuôn mặt phúc hậu với nụ cười tươi tắn trên môi. Đó là hình ảnh còn in đậm nét trong lòng mọi người có dịp gặp gỡ Nữ Giáo sĩ Homera Homer Dixon. Mọi người nhìn bà như một nhân vật rất được ngưỡng mộ cũng như phần lớn các thanh, thiếu, nhi đồng của thời đó được bà dạy Kinh Thánh và dạy đàn hát. Với lớp người trẻ, bà là “Chị Hoa Hồng”, Hội trưởng Hoa Tâm Hội của Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.
Mùa đông 1929, bà ra Hà Nội tiếp tục học tiếng Việt, lo việc giảng dạy, soạn sách, viết bài cho Thánh Kinh Báo. Hồi đó chúng tôi được đọc những bài viết cho trang Nhi Đồng của Thánh Kinh Báo về những loài hoa, các loài động vật, ký tên là Chị Hoa Hồng (bút hiệu của bà H.H. Dixon) cùng những bài viết ích lợi cho việc dạy dỗ thiếu nhi trong mục Vun Khóm Cây Xanh (Thánh Kinh Báo) cùng với cố Mục sư Đổ Đức Trí.
Bà cũng mở lớp Thánh Kinh Tiểu Học Đường cho người Việt ở Hà Nội và cho người Mèo ở Chapa (nay là Sa Pa) cho đến năm 1941. Sau đó bà vào Đà Nẵng giúp dạy học tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng và cộng tác với Giáo sĩ E.F. Irwin mở lớp Thánh Kinh Tiểu Học Đường tại Đà Nẵng.
Thời gian sau, bà cùng Giáo sĩ D.I. Jeffrey mở lớp Thánh Kinh Tiểu Học Đường tại Cần Thơ và Sài Gòn, đồng thời mở lớp học Kinh Thánh ở Chi hội Thạnh Lợi Cần Thơ, dạy ở nhà ông Huyện Diệp.”
Sau gần 11 năm hầu việc Chúa, cô được thuyết phục về quê nghỉ ngơi. Liệu cô có đồng ý với lời thuyết phục? Chặng đường hầu việc Chúa của cô thời gian tới như thế nào? Xin mời quý vị cùng tiếp tục theo dõi!
Cô về quê nhà tháng 11 năm 1939 và tháng 3 sau đó lại lên tàu thủy trở lại công trường thuộc linh của mình. Từ đó, cô liên tục hầu việc Chúa qua nhiều công việc khác nhau, đặc biệt là tích cực trong việc mở các nhà giảng dành cho người Việt tại Hà Nội.
Cô tìm cách đến với người sắc tộc khi được nghỉ phép tại một khu nghỉ dưỡng ở vùng núi phía Bắc. Cô bắt đầu hầu việc Chúa giữa người Mèo và cũng đến với các sắc tộc khác nữa. Khi nghỉ mát ở miền Thượng du Bắc kỳ, cô cũng hết sức làm việc. Nói là nghỉ, nhưng thật ra là đổi chỗ làm việc. Cô học tiếng của một bộ lạc, soạn sách cho họ, và bắt đầu giảng Tin Lành cho họ. Khi Thế chiến thứ II nổ ra, Homera và con gái đến sống tại Đà Lạt. Con gái cô học Trung học tại đó, còn cô thì bận rộn với các lớp Kinh Thánh ngắn hạn và công cuộc truyền giáo.
Quảng thời gian sau đó, cô H.H. Dixon lâm bệnh nặng khi đi giảng tại Ô Môn. Được đưa vào bệnh viện Cần Thơ, nhưng vì không đủ dụng cụ y khoa, nên cô được đưa về bệnh viện Sài Gòn. Đẹp lòng Chúa cô Homera Homer-Dixon được về nước Chúa vào ngày 06.12.1942 tại Sài Gòn. Cô là vị giáo sĩ đầu tiên gửi xác tại Việt Nam.
Chương trình Chân Dung Người Phục Vụ được biên soạn dựa theo cuốn sách Tuyển Tập Tiểu Sử Người Phục Vụ Chúa của Ủy Ban Văn Hóa Giáo Dục Tổng Liên Hội, Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Nam). Đây là chuyên mục ra đời nhằm giới thiệu những tấm gương sáng trên bước đường hầu việc Chúa của các mục sư, truyền đạo đã và đang có nhiều cống hiến cho công việc nhà Chúa, đây là những đóng góp to lớn, góp phần trong công cuộc rao giảng lời Chúa và phát triển của Tin lành tại Việt Nam.
Oneway Radio
Leave a Reply