Có những bàn chân
PTV: An Nhiên
Vâng! Trong một xã hội nêu cao cái đẹp và hết sức tìm kiếm nét đẹp thì sở hữu một bàn chân đẹp cũng được nhắc đến nhiều trong các dịch vụ thẩm mỹ, thơ ca và điện ảnh. Có nhiều sách báo, dược phẩm cũng như các phương pháp sử dụng kỹ thuật công nghệ nhằm biến đổi những bàn chân nức nẻ thành những đôi bàn chân thon, gọn, mềm mại, trắng trẻo. Dầu vậy, vì quá tập trung đến bàn chân đẹp hình thể mà lắm lúc chúng ta quên mất một đôi bàn chân đẹp với ý nghĩa ẩn dụ thuộc linh.
Theo độc giả cuả tạp chí In Touch (Mỹ) bình chọn thì diễn viên Charlize Theron – người từng học ballet khi còn nhỏ – là ngôi sao có đôi chân quyến rũ và đẹp nhất trong top 10 nhân vật có đôi bàn chân đẹp nhất thế giới.
Thế nhưng:
“Có những bàn chân đẹp tuyệt trần
Đẹp hơn gót ngọc của giai nhân.
Đẹp hơn hoa thắm khoe hương sắc
Hơn buổi bình minh ngập nắng hồng”.
Ồ lạ lùng thay, có những bàn chân còn đẹp “hơn gót ngọc của giai nhân, hơn hoa thắm khoe hương sắc, hơn buổi bình minh ngập nắng hồng”. Nói như Thanh Hữu thì có những bàn chân còn đẹp hơn cả bàn chân đẹp của nữ diễn viên Charlize Theron. Vậy theo như Thanh Hữu thì như thế nào là một bàn chân đẹp? Cái đẹp của sự thẩm định qua Thanh Hữu có tồn tại được khoảng thời gian lâu? Và những giá trị nào đã được Thanh Hữu đem ra so sánh để công nhận một bàn chân đẹp hơn cả bàn chân đẹp của nữ diễn viên trẻ thế giới?
Cái đẹp mà Thanh Hữu nói đến vượt lên cả nét đẹp tự nhiên, đó là một nét đẹp của tấm lòng “gieo giống bằng giọt lệ”, động lòng thương xót những tấm lòng tội nhân chưa nhận biết Chúa Giê-xu.
“Có những bàn chân đẹp lửa hồng.
Bàn chân ngập lặn giữa trùng dương
Bàn chân in dấu nơi sa mạc
Gieo rắc tin yêu khắp nẻo đường.
Bàn chân kẻ báo Tin Lành
Cứu người hư mất đến hồi sinh
Ban nguồn sung mãn trong chân Chúa
Trên ánh chiều dương ngập phúc lành”.
“Có những bàn chân đẹp lửa hồng”, “lửa hồng”, đó là lửa của Thánh Linh, lửa của tấm lòng thôi thúc, nóng cháy rực rỡ, khao khát đưa dắt tội nhân tin nhận cứu Chúa Giê-xu làm chủ cuộc đời mình. Lửa đó không phải đến từ than hay củi được nung đốt để rồi trở nên “hồng”, nhưng lửa đó hồng một cách tự nhiên, rực rỡ và đầy quyền phép từ Đức Thánh Linh. Những bàn chân đó không được nâng lên thảm đỏ hay ngập hương cúc, tinh dầu thảo mộc. Nhưng:
“Bàn chân ngập lặn giữa trùng dương
Bàn chân in dấu nơi sa mạc
Gieo rắc tin yêu khắp nẻo đường”.
Hàng loạt những động từ mạnh như: “ngập”, “lặn”, “in”, “gieo”, “rắc”, “yêu” liên tiếp được xuất hiện trong những câu thơ kế tiếp nhằm nhấn mạnh nỗi vất vả, khó nhọc mà bàn chân phải trải qua trên bước đường tôi luyện để trở nên bàn chân đẹp. Đồng thời tạo một sự song chiếu giữa động từ và danh từ khi Thanh Hữu sử dụng hàng loạt những danh từ phía cuối mỗi dòng thơ, như: “lửa hồng”, “trùng dương”, “sa mạc”, “nẻo đường”. Những danh từ có tính chất khó khăn, hiểm trở càng làm bật lên những động từ vế đằng trước của câu thơ. Điều đó càng tăng thêm phần hiệu quả để diễn đạt nổi vất vả, gian lao của bàn chân phải trải qua.
Ngoài ra, bài thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa từ thuần việt và từ Hán Việt, Thanh Hữu sử dụng một khối lượng lớn từ Hán Việt “tuyệt trần”, “giai nhân”, “bình minh”, “trùng dương”, “hư mất”, “hồi sinh”, “sung mãn”, “chiều dương”, “nhiệm mầu”, “điêu linh”, “linh năng”, “phép mầu” để tạo nên sự nghiêm túc, quan trọng của hành trình “Cứu người hư mất đến hồi sinh”. Bàn chân đó có thể mang phải xiềng xích lao tù và đi trên đói khát, vượt sầu đau. Lúc nào bàn chân đều phải đương đầu với tà linh, quyền lực tối tăm để đem người “thoát khỏi chốn điêu linh” đến “nguồn sung mãn”. Quả thật, đó không phải là một hành trình dễ dàng nhưng đó là một cuộc chiến, với những người chiến sĩ của Chúa Jêsus tranh chiến với quyền lực tối tăm. Bởi vậy, toàn bài thơ điệp từ “bàn chân” được lặp lại sáu lần như là sự thể hiện của sự giàn trận, chiến sĩ xuất hiện khắp mọi nơi, mọi “trùng dương” lẫn “nẻo đường”. Các bàn chân của chiến sĩ của Chúa Jêsus bủa vây, bao trùm lên toàn bộ bài thơ như là một, hai và nhiều đội “cứu người” được thành lập để ra đi với một sứ mạng chung. Những bàn chân hiện lên như những người gieo giống, rải khắp đạo Tin Lành vào thế nhân. Ngoài ra có một điểu kỳ lạ hết sức đặc biệt, bàn chân trong số sáu lần điệp từ “bàn chân” của bài thơ được hiệp nhất “trong chân Chúa”. Điều này dễ dàng hiểu, chính Chúa Jêsus là Đấng lãnh đạo, nắm quyền chỉ huy và ban nguồn sung mãn khi “chiến sĩ” được ở trong Ngài. Đấng Christ ban sức mạnh, sự sống và sự đắc thắng:
“Thách thức tà linh quyền tăm tối.
Đem người thoát khỏi chốn điêu linh”.
Những người chiến sĩ ở trong Ngài, khi chiến đấu được sự tiếp sức, hướng dẫn từ lửa hồng của Chúa Thánh Linh. Họ có một lòng can đảm, ý chí kiên cường vượt qua khó khăn để:
“Quyết lòng rao giảng ơn Thiên Chúa
Mở của linh năng ngập phép mầu”.
Tiếp mạch cảm xúc, Thanh Hữu mở ra cho độc giả một áng thơ bất hủ, lãng mạn nhưng không kém phần sâu sắc đánh vào đòn tâm lý:
“Bàn chân của bạn in dấu nào?
In trên vật chất lắm thương đau
Hay trên Thiên lộ nguồn sung mãn.
Miên viễn ngàn năm chẳng nhạt mầu!”
Hàng loạt câu hỏi tu từ liên tiếp được mở ra trong những dòng thơ cuối có phải chăng đó là điều thắc mắc của tác giả, hay là sự nhắc nhở, kêu gọi lẫn sự thúc giục đầy khôn ngoan ở bên trong lời thơ? Liệu bàn chân của bạn và tôi có phải chăng là những đôi bàn chân đẹp? Bàn chân đó đang in trên dấu nào, trên vật chất vinh hoa đời này hay trên:
“Thiên lộ nguồn sung mãn.
Miên viễn ngàn năm chẳng nhạt màu!”
(Thanh Hữu)
Vâng, đó là câu hỏi dành cho mỗi người chúng ta trong hành trình theo Chúa mỗi ngày. Đồng thời, chính câu hỏi mở là sự kết thúc nhẹ nhàng, lắng đọng cho bạn và tôi cùng suy ngẫm. Có những bàn chân vẫn bước mỗi ngày, lặng lẽ, âm thầm nhưng lại đem điều biến đổi diệu kỳ đến muôn dân. Những bàn chân đó đẹp tinh khôi đáng để chúng ta học và noi theo dấu. Nhưng cũng có những bàn chân lạc lối, nhầm đường, tô điểm dưỡng chăm hằng ngày nhưng chẳng thể nào đổi thay, đẹp xinh cho người. Đẹp hay xấu, giá trị hay tầm thường, quyết định là ở mỗi chúng ta, chọn lựa là bởi chúng ta. Có những bàn chân …
Kim Sang
Leave a Reply