Góc Văn Thơ: Nếp Gia Đình

    PTV: An Nhiên

    Có ai đó đã từng nói rằng: Gia đình là một ngôi nhà, để ngôi nhà được vững chắc thì  cần phải xây dựng một nền móng vững chắc. Căn bản của đời sống trong mái ấm yêu thương là sự vâng phục Đấng Christ, là sự giáo dục truyền thống về những mối liên hệ giữa những người thân thương, là sự bảo đảm duy trì mối liên hệ và sự tồn tại đó.
    Vâng! Các thành viên trong gia đình cần phải được yêu thương, bảo bọc và chở che. Đặc biệt là con cái:

    “Với bố mẹ con luôn là đứa trẻ

    Vẫn thơ ngây, bé bỏng chẳng biết gì

    Vẫn cần bảo ban cần yêu thương bảo bọc”.

    Vậy mới nói, nề nếp (nền nếp) trong gia đình rất quan trọng trong sự hình thành nhận cách con cái. Quan trọng trong nền móng giáo dục con cái vâng phục Chúa cũng như vâng phục ba mẹ. Bởi vậy, ba mẹ được xem là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của con trẻ. Từ lâu chúng ta đã biết, gia đình Việt Nam có từ thời Hồng Bàng. Danh xưng “bố”, “mẹ”, “cha mẹ” được lưu truyền trong âm hưởng thi ca bình dân; nói cách khác nó nói lên tôn ti vào đời sống sâu xa Việt Nam làm cho nền tảng gia đình có một chỗ đứng vững chãi trong nếp sống của người Việt.

    Trong tác phẩm Nền nếp gia phong của Phạm Côn Sơn cũng phần nào nhấn mạnh nề nếp gia đình:“Tôi thấy rằng, những gia đình trẻ bát nháo là do ảnh hưởng xấu của cha mẹ, hoặc vì cha mẹ, những người trên trước, không chỉ dạy cho chúng.

    Vậy mới nói, gia đình là cái nôi, môi trường học đầu đời của con trẻ. Kẻ lỗi lầm có đáng trách thật, nhưng không đáng trách bằng những người trên trước không làm tròn bổn phận giáo dục con cháu mình trong buổi thành nhân. Người ta thấy con cháu lớn khôn là vui, đã vội tưởng rằng hạnh phúc rồi, thật ra, chuyện hạnh phúc có thật hay không, còn phải tuỳ kết quả của sự giáo dục gia đình nữa.”
    (Trích: Nền nếp gia phong của Phạm Côn Sơn. NXB Đồng Tháp trang 100).
    Tuổi thơ của bạn lớn lên từ mái ấm gia đình, và cha mẹ của bạn – ở đây không chỉ nói đến những người cha mẹ yêu kính Chúa nhưng hàm ý nhấn mạnh tất cả những bật làm cha mẹ nói chung. Những người thật sự mong muốn và làm mọi cách để dạy dỗ con trẻ lớn lên thành những bé ngoan, thành người hữu ích cho xã hội.Vì thế, những luật lệ bất thành văn cha mẹ đặt ra tạo thành “nề nếp gia đình” là hoàn toàn vì con trẻ, vì tương lai của bạn, vì hạnh phúc của bạn.

    “Và khi con nghĩ rằng con khôn lớn

    Con ương ương mình đúng chẳng nghe lời

    Làm bố mẹ buồn con nào đâu hay biết

    Chỉ mình con – con vui sướng… riêng con…

    Rồi con lớn thêm con biết nhiều hơn trước

    Con nghĩ nhiều hiểu suy nghĩ mẹ cha:

    Tất cả vì con, cho con, con tất cả

    Hạnh phúc cuộc đời là hạnh phúc con yêu…”.

    Khi bạn nhìn lại, sẽ thấy những ngày còn “vô tư, hồn nhiên” sống trong sự bảo bọc của cha mẹ. Nơi được xem là tổ ấm đó nuôi dưỡng những chú chim non, bạn sẽ không thấy “được ích lợi gì” từ một loạt những thứ luật lệ gò bó xen vào lối sống của bạn, thậm chí bạn còn thấy cha mẹ khó khăn và những gì cha mẹ cấm cản thật là vô nghĩa, nặng nề, gò bó vô cùng. Nhưng, “hãy kiên nhẫn chờ đợi”, rồi khi lớn lên bạn sẽ thấy hữu ích, sẽ nhận ra đó chính là thước đo giá trị mọi sự việc trong cuộc đời, không phải chỉ là sự hài lòng ngay trước mắt, mà là nhắm tới hạnh phúc dài lâu, chính vì thế, khi con trẻ lớn khôn mới nhận ra:

    “Rồi con lớn thêm con biết nhiều hơn trước

    Con nghĩ nhiều hiểu suy nghĩ mẹ cha:

    Tất cả vì con, cho con, con tất cả

    Hạnh phúc cuộc đời là hạnh phúc con yêu…”.

    Mỗi gia đình cần phải nhận thức và hoạch định khuôn mẫu cho gia đình trên khuôn mẫu Thánh Kinh. Những bật làm cha, mẹ cần điều hành phát triển và ý thức trách nhiệm tổ chức gia đình trong sự dẫn dắt của Chúa.Để có thể đào tạo nên những đứa con trưởng thành về mặt tình cảm, tinh thần và tâm linh là trong gia đình cần có kỷ luật. Cha mẹ cần đặt luật lệ và giới hạn rõ ràng cho con vâng theo. Nhưng con trẻ thường chỉ làm theo những điều mình muốn, hoặc ba mẹ cấm:

    “Và khi con nghĩ rằng con khôn lớn

    Con ương ương mình đúng chẳng nghe lời

    Làm bố mẹ buồn con nào đâu hay biết

    Chỉ mình con – con vui sướng… riêng con…”.

    Khi bảo con trẻ không được đi một mình ra đường thì trẻ lại thích tự được khám phá đường phố. Khi bảo con đi ngủ, các trẻ sẽ tìm đủ mọi lý do để ra khỏi giường. Những điều tốt và hữu ích cha mẹ bảo làm các trẻ không làm, còn những điều có hại và nguy hiểm, cha mẹ bảo đừng làm là các trẻ muốn làm và có trẻ phải làm cho bằng được. Bởi vì, bản tính của tội lỗi, con người thường thích được làm những điều không được phép làm, cho dù lớn hay nhỏ. Điều gì sai quấy, có hại hay điều gì bị cấm là càng khiến con người tò mò, muốn làm.

    Khi các trẻ nhỏ làm ngược lại những gì cha mẹ dạy bảo, đó không phải là tính tự nhiên ngây thơ của trẻ con nhưng chính là cách trẻ thách thức thẩm quyền của cha mẹ. Các trẻ muốn thử xem có thể vượt qua giới hạn mà cha mẹ đặt ra, hoặc xem thử cha mẹ sẽ nhường bước đến đâu. Ở tuổi nào con cái cũng muốn thách thức thẩm quyền của cha mẹ, từ những em mới vài tháng, đến những em vài ba tuổi, và đặc biệt là các em trong tuổi thiếu niên. Ngoài ra, vì tính tò mò và vì ảnh hưởng và áp lực của bạn bè, con trẻ cũng dễ có khuynh hướng muốn làm ngược lại lời dạy bảo của cha mẹ. Vì những yếu tố đó, là cha mẹ chúng ta cần đặt luật lệ và giới hạn cho con, để không phải khóc, phải khổ vì có những đứa con ngỗ nghịch, không tôn trọng thẩm quyền của cha mẹ, lớn lên làm những điều gây thiệt hại cho bản thân và gia đình. Nếu con bước ra khỏi giới hạn và thách thức thẩm quyền của cha mẹ, chúng ta cần có biện pháp để chấm dứt điều đó. Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh và mọi trường hợp, chúng ta cần hướng dẫn con bằng tình thương và kỷ luật. Lời Chúa trong Kinh Thánh dạy rằng nếu thật sự thương con, chúng ta phải áp dụng kỷ luật để dạy dỗ, uốn nắn con nên người trưởng thành.

    “Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó”. (Châm ngôn
    13:24). “Chớ tha sửa phạt trẻ thơ, dầu đánh nó bằng roi vọt, nó chẳng chết đâu. Khi con đánh nó
    bằng roi vọt, ắt giải cứu linh hồn nó khỏi âm phủ”. (Châm ngôn 23:13-14). Một lời dạy khác về
    việc dùng kỷ luật trong việc dạy con là: “Roi vọt và sự quở trách ban cho sự khôn ngoan; còn con
    trẻ phóng túng làm mất cỡ cho mẹ mình”. (Châm ngôn 29:15).
    Sự dạy bảo và roi răn phạt của cha mẹ sẽ giúp con cái được khôn ngoan, các trẻ sẽ biết đâu là điều tốt phải làm, đâu là điều xấu phải tránh. Nếu không rèn luyện uốn nắn con, các trẻ sẽ trở nên những đứa trẻ vô kỷ luật, khiến cho cha mẹ phải xấu hổ. Có lẽ chúng ta đã từng chứng kiến những trẻ nhỏ nằm vạ, gào khóc nơi công cộng, cha mẹ xấu hổ mà không biết làm sao, lý do là vì ở nhà mỗi khi các trẻ gào khóc như thế, cha mẹ lập tức chiều theo ý muốn trẻ. Vậy nên, đó là cách các trẻ đòi hỏi điều mình muốn, bất kể là đang ở đâu, những trẻ đó không nể sợ cha mẹ hay một người nào. Vì mọi người đều sinh ra trong tội lỗi, nếu để tự nhiên không hướng dẫn sẽ chọn điều sai quấy và con đường tội lỗi, vì thế kỷ luật là điều không thể thiếu trong gia đình nếu chúng ta muốn đào tạo nên những đứa con trưởng thành. Để một mai, con trẻ nhìn lại càng nhận thấy sâu sắc nề nếp gia đình thật ích lợi cho con:

    “Và thời gian cứ chầm chậm bước đi

    Cha mẹ già hơn để cho con chững chạc

    Nhưng khi khó khăn con trở về bên cha mẹ

    Ước một điều: Con vẫn mãi bé con…”.

    Gia đình là một món quà từ Đức Chúa Trời ban cho. Ngài muốn chúng ta biết rằng bên cạnh chính Ngài thì gia đình cũng là những người tốt nhất để chúng ta tiếp nhận và gửi gắm tình yêu thương. Và Ngài cũng muốn chỉ cho bạn biết cách để sống chung với gia đình theo con đường tình yêu thương, hòa thuận và là những người thân tốt nhất. Tình yêu thương là chìa khóa để có một gia đình tuyệt vời, đừng chờ để được yêu thương mà hãy thể hiện tình yêu thương của mình trước. Yêu thương các thành viên trong gia đình mình chính là nơi mà tình yêu thương được bắt đầu.

    “Khi rời xa mới biết ý nghĩa của gia đình

    Mới biết niềm vui trong từng cử chỉ

    Mới biết hạnh phúc phải đâu nào xa xỉ

    Vì chỉ một nụ cười cũng đủ ấm con tim…

    Giữ mãi gia đình trong một góc riêng

    Để nhớ để mong để âm thầm cầu nguyện:

    – Xin nỗi buồn đừng hằn trên mặt mẹ

    Và nụ cười đừng chia cách môi cha…

    Gia đình thân thương trong hình bóng quê nhà

    Nơi có mẹ cha có ông bà anh chị

    Có cả xóm giềng và những người tri kỉ

    Luôn cạnh bên chia sẻ nỗi vui buồn…”

    (Gia đình của Nguyễn Thị Kim Liên)

    KIM SANG

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *