PTV: An Nhiên
Tháng 5, thời điểm sắc hoa tươi thắm rực rỡ chiều vàng nắng hạ, hòa lẫn với cái nắng gay gắt và tiếng ve sầu râm rang, hoa Osaka hay còn gọi là hoa Bò cạp vàng, mỗi năm chỉ nở một lần vào giữa mùa khô sau khi cây đã trút sạch lá. Báo hiệu một mùa hè rực rỡ đầy sức sống. Trong tình yêu cũng vậy, sự vâng phục tuyệt đối của người vợ làm tình yêu “sống” trong trật tự tốt lành Chúa thiết lập.
“Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào
Đấng Christ là đầu Hội thánh, Hội thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội thánh.
Ấy vậy, như Hội thánh phục dưới Đấng Christ, thì đàn bà cũng phải phục dưới quyền chồng
mình trong mọi sự.” (Ê-phê-sô 5:22-24)
Từ Hy Lạp dịch “thuận phục”, “hupotasso” là hình thức của động từ tiếp diễn, như vậy sự thuận phục là sự tiếp diễn liên tục. Đó là một thái độ liên tục, là một chuẩn mực của một người vợ dành cho người chồng. Ê-phê-sô 5, đó không phải là sự khuất phục, khiếp sợ hay tuân lệnh một thủ lĩnh nhưng Kinh Thánh cho vợ chồng thấy đó là sự vâng phục của hai tội nhân được đầy dẫy Đức Thánh Linh đầu phục lẫn nhau và chịu sự đầu phục Chúa, Đức Chúa Trời. Như vậy, sự vâng phục của một người vợ dành cho chồng đó không phải là việc nỗ lực chịu khổ sai, nhưng nó bắt nguồn từ tình yêu và sự vâng phục Đấng Christ. Mà đã vâng phục bằng tình yêu thì sẽ không còn quá khó khăn nữa.
“Ấy vậy, như Hội thánh phục dưới Đấng Christ, thì đàn bà cũng phải phục dưới quyền chồng
mình trong mọi sự”. Ê-phê-sô 5:24
Nếu một người phụ nữ cảm thấy thật khó khăn để vâng phục chồng mình, thì đó là bởi vì người vợ chưa hoàn toàn đầu phục Chúa. Trước khi người phụ nữ thực sự có thể hiểu được sống-vâng-phục chồng là thế nào, thì nàng phải đầu phục cuộc đời mình cho Chúa trước đã.
“Vợ chồng do Chúa kết đôi,
Sẻ chia cuộc sống ở đời với nhau.
Thương hoài khi mạnh, lúc đau,
Giàu sang, nghèo khổ; đắng cay, ngọt ngào.
Cuộc đời ý nghĩa biết bao,
Gia đình có Chúa – Phước nào lớn hơn?
Đôi khi mâu thuẫn, giận hờn,
Yêu thương, tha thứ phước ơn thỏa lòng.
Dầu cho đến tuổi mùa Đông,
Răng long, tóc bạc vẫn còn mãi yêu.
Ân tình như gió đưa diều,
Trăm năm chung thủy tình yêu thắm nồng”.
(Thơ vợ chồng của Ms Nguyễn Văn Dũng)
Vợ chồng là sự phối hiệp của Đức Chúa Trời, là do Chúa kết đôi. Chúa đã giúp cả hai cùng kinh nghiệm Chúa thông qua sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, để cùng sẻ chia cuộc sống với nhau, yêu thương và nâng đỡ nhau. Với người nam và sau sẽ làm một người chồng, thì việc tìm kiếm người yêu không những sau sẽ làm một người vợ đảm đang, yêu thương, chăm sóc chồng mà còn là một người vợ vâng phục. Nếu chồng là một người hầu việc Chúa, có thể là Tôi tớ Chúa, hay là một chấp sự, nhân sự Hội Thánh, thì người vợ sẽ luôn là cánh tay đắc lực, hỗ trợ chồng trong công việc, sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn, sát vai bên chồng những khi thuận lợi cũng như những lúc khó khăn. Họ chính là nguồn động viên, an ủi có ảnh hưởng đến tinh thần của người chồng. Ngày xưa, trong xã hội phong kiến, quyền lợi của người phụ nữ bị xem nhẹ. Nói chính xác hơn nhiều lúc sự tồn tại của họ có cũng như không. “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, với ý nghĩa là “một con trai thì xem là có, nhưng mười con gái vẫn coi như không có” thể hiện cách đánh giá con là nam hay nữ trong Nho giáo, trọng nam khinh nữ. “Trai tài lấy năm lấy bảy, gái chính chuyên chỉ có một chồng”, ý nói người nam giới có thể có quyền lấy năm, lấy bảy vợ, nhưng người con gái thủ tiết chỉ với một người chồng. “Trai tay không chẳng ăn mày vợ, gái trăm vạn cũng thể nhờ chồng”, nhấn mạnh tiền của, dù là hai vợ chồng làm ra hay của người chồng hoặc người vợ làm ra, thì cũng gọi là của chồng cả.
Tất nhiên những quan niệm đó, ngày nay đã không còn. Quan niệm và sự đánh giá đó đã đi ngược lại với sự phát triển của xã hội, một xã hội mà nam và nữ đều bình đẳng, không có một sự phân biệt nào giữa người nam và người nữ. Ngày nay, có rất nhiều người phụ nữ thành đạt trong kinh doanh, trong công tác xã hội. Nhiều người đã trở thành những nhà lãnh đạo, mà là lãnh đạo giỏi. Nhưng sự vâng phục của người vợ đối với người chồng không hề thay đổi. Bởi lẽ, Chúa đã trao cho người nam thẩm quyền của Ngài, thẩm quyền lãnh đạo, thẩm quyền quản lý, Lời Chúa nói “ta sẽ làm một kẻ giúp đỡ giống như nó”.Dù thời đại nào, người nữ luôn đóng vai trò làm kẻ giúp đỡ của người chồng. Người vợ là người kết nối tình yêu và hạnh phúc trong mái ấm nhỏ, là người giữ lửa cho tình yêu.
Nhưng với xã hội ngày nay, người phụ nữ hiện đại khác xưa rất nhiều, họ có học, thông minh, hiện đại, mạnh mẽ, cương quyết hơn. Bởi vậy, lắm lúc sự vâng phục chồng bị xem nhẹ và trở nên khó khăn. Trong Kinh Thánh cũng có rất nhiều tấm gương về người phụ nữ. Một trong những người đó là Ma-ri, mẹ về phần xác Chúa Giê-xu. Và trong những nhân vật đó, chúng ta có thể nói thêm về Ma-ri, mẹ phần xác của Chúa Giê-xu, một con người vâng phục theo ý muốn Đức Chúa Trời. Qua Kinh Thánh, chúng ta thấy Ma-ri là một người phụ nữ kính sợ Chúa hết lòng. Vâng lời, khiêm nhường, là phẩm chất của bà. Suốt cuộc đời, bà luôn đi theo Chúa Giê-xu để chăm sóc Ngài khi Ngài còn nhỏ, để làm môn đồ khi Ngài thi hành chức vụ. Khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá, bà cũng có mặt, (sách Giăng 19:25), nhận chăm sóc một môn đồ của Chúa (câu 26, 27). Sau khi Chúa thăng thiên, bà đã cùng hết thảy những môn đồ của Chúa “bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện”. Một cuộc đời sự vâng phục tuyệt đối ý muốn của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời không tạo nên người đàn ông làm thủ lĩnh, sai khiến người phụ nữ nhưng đó là việc Chúa trao thẩm quyền cho người chồng. Người chồng làm chủ, chịu trách nhiệm đảm đương công việc nặng, bảo vệ và che chở vợ con. Ngày nay, với những phong trào đấu tranh nữ quyền và xã hội ngày nay đang làm cho nhiều phụ nữ bị lẫn lộn và bối rối trong nhận thức, và họ đối xử với chồng cách thiếu tôn trọng. Nhiều người cơ đốc chúng ta cũng rơi vào tình trạng này.
Chính Chúa là Đấng giúp mỗi người vợ Cơ Đốc sống đẹp lòng Chúa, đầu phục Ngài và làm trọn trách nhiệm của mình. Từ đó nàng giúp gia đình mình luôn êm ấm, hạnh phúc, khích lệ chồng mình thực hiện trọn vẹn phận sự làm chồng của anh ấy trong gia đình: yêu thương, chăm sóc vợ con và xây dựng gia đình trong niềm tin kính Chúa.
“Gia đình có Chúa – Phước nào lớn hơn?
Đôi khi mâu thuẫn, giận hờn,
Yêu thương, tha thứ phước ơn thỏa lòng.
Dầu cho đến tuổi mùa Đông,
Răng long, tóc bạc vẫn còn mãi yêu.
Ân tình như gió đưa diều,
Trăm năm chung thủy tình yêu thắm nồng”.
Vâng phục chồng sẽ không khó nếu một người vợ thật sự yêu kính và vâng phục Chúa!
KIM SANG
Leave a Reply