TĨNH NGUYỆN HẰNG NGÀY 01/12: NGUỒN TÌNH YÊU

    Kinh Thánh: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời.” (Giăng 4:7)


    NGUỒN TÌNH YÊU

    Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: I Giăng 4:7-8

    “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời. Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương.”

    Câu Kinh Thánh ghi nhớ: Giăng 4:7

      “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời.


       Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Yêu thương là gì? Có thể mỗi người sẽ có một định nghĩa cho riêng mình, và định nghĩa đó sẽ hướng dẫn cách mình cư xử với những người xung quanh.

       Đây là lần thứ ba Sứ đồ Giăng đề cập đến tình yêu trong bức thư ngắn ngủi của mình (2:7-11; 3:10-17; 4:7-21). Ông đã khởi đầu phần này bằng một lời kêu gọi “hãy yêu mến lẫn nhau” (câu 7). Lời kêu gọi đầy yêu thương này được tiếp nối sau phần tranh luận gay gắt về giáo sư giả và tà giáo trong 4:1-6. Rõ ràng trong bối cảnh bị tà giáo tấn công, bên cạnh sự nhạy bén thuộc linh và hiểu biết Chân Lý một cách tường tận, điều mà Hội Thánh cần có chính là tình yêu thương. Thế nhưng thế nào là tình yêu thương?

       Trước hết, trước giả cho biết “sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời” (câu 7). Tại đây, ông không đề cập đến sự bày tỏ hay hành động của tình yêu nhưng nhấn mạnh đến bản chất và nguồn gốc của tình yêu. Hơn thế nữa, trước giả còn chỉ rõ “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” (câu 8). Nói cách khác, tình yêu là thuộc tính của Đức Chúa Trời, do đó, Ngài không thể không yêu thương. Chính sự bày tỏ của Kinh Thánh về một Đức Chúa Trời Ba Ngôi hiệp một cho chúng ta hình ảnh về một mối liên hệ chặt chẽ và bền vững của tình yêu.

       Nói rằng tình yêu đến từ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời là tình yêu thương có nghĩa là tình yêu thương không hề tồn tại bên ngoài Đức Chúa Trời. Nhưng đối với Cơ Đốc nhân thì điều này còn có một ý nghĩa tích cực hơn: Chỉ những người “sinh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời” mới có tình yêu thương, biết yêu thương, và phải yêu thương (câu 7b-8). “Bất cứ ai tách rời đức tin khỏi tình yêu thương thì cũng giống như cố gắng để lấy sức nóng ra xa khỏi mặt trời” (Calvin).

       “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau” (câu 7a). Tại đây, Sứ đồ Giăng không nói rằng, anh em hãy yêu mến lẫn nhau để rồi anh em được người khác yêu thương, nhưng ông nói rằng, “Hỡi người rất yêu dấu,” hỡi những người được yêu thương, hãy yêu thương người khác.

       Có bao giờ bạn thắc mắc: Vì sao tôi phải sống yêu thương, ngay cả với những người không đáng yêu, thậm chí ghét bỏ và làm hại tôi? Kinh Thánh cho chúng ta câu trả lời: Vì chúng ta mang lấy bản chất yêu thương của Đức Chúa Trời và vì chúng ta là những người được yêu thương.

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *