Kinh Thánh: “Nhưng Đức Chúa Giê-xu cứ làm thinh”. (Ma-thi-ơ 26: 63a)
IM LẶNG HAY LÊN TIẾNG
Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng cho bài học hôm nay được chép trong Ma-thi-ơ 26:57-68
“Những kẻ đã bắt Đức Chúa Giê-xu đem Ngài đến nhà thầy cả thượng phẩm Cai-phe, tại đó các thầy thông giáo và các trưởng lão đã nhóm lại. Phi-e-rơ theo Ngài xa xa cho đến sân của thầy cả thượng phẩm, vào ngồi với các kẻ canh giữ đặng coi việc ấy ra làm sao. Bấy giờ các thầy tế lễ cả và cả tòa công luận kiếm chứng dối về Ngài, cho được giết Ngài. Dầu có nhiều người làm chứng dối có mặt tại đó, song tìm không được chứng nào cả. Sau hết, có hai người đến, nói như vầy: Người nầy đã nói: Ta có thể phá đền thờ của Đức Chúa Trời, rồi dựng lại trong ba ngày. Thầy cả thượng phẩm bèn đứng dậy mà nói với Ngài rằng: Những người nầy làm chứng mà kiện ngươi, ngươi không thưa lại gì sao? Nhưng Đức Chúa Giê-xu cứ làm thinh. Thầy cả thượng phẩm lại nói với Ngài rằng: Ta khiến ngươi chỉ Đức Chúa Trời hằng sống mà thề, hãy nói cho chúng ta, ngươi có phải là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời chăng? Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Thật như lời; vả lại, ta nói cùng các ngươi, về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống. Thầy cả thượng phẩm bèn xé áo mình mà nói rằng: Nó đã nói phạm thượng; chúng ta còn cần gì người làm chứng nữa sao? Các ngươi vừa nghe lời phạm thượng đó, thì nghĩ làm sao? Chúng trả lời rằng: Nó đáng chết! Họ bèn nhổ trên mặt Ngài, đấm Ngài, lại có kẻ vả Ngài, mà nói rằng: Hỡi Đấng Christ, hãy nói tiên tri đi; cho chúng ta biết ai đánh ngươi.”
Câu Kinh Thánh ghi nhớ cho bài học hôm nay được chép trong Ma-thi-ơ 26: 63a
“Nhưng Đức Chúa Giê-xu cứ làm thinh.”
Trong tiến trình Chúa Giê-xu bị xét xử, Ngài phải trải qua nhiều cuộc thẩm vấn và trong phân đoạn này Chúa bị đem đến trước Tòa Công Luận. Tại đây, các thầy tế lễ và toàn thể hội đồng cố tìm chứng dối để lập bản án kết tội Chúa, nhưng hầu hết các lời chứng đều không khớp với nhau. Theo luật Do Thái thì phải có hai người chứng mới có giá trị (Phục Truyền 17:6). Cuối cùng, cũng có hai người buông lời tố cáo Ngài nhưng lời tố cáo ấy cũng không đủ để kết tội Chúa. Những điều vô lý bất công ấy không đáng để Chúa lên tiếng. Ngài đã im lặng trong nhịn nhục, không hề biện hộ cho mình. Điều này ứng nghiệm lời tiên tri trong Ê-sai: “Như chiên câm trước mặt kẻ hớt lông, Ngài chẳng hề mở miệng” (Ê-sai 53:7).
Sự im lặng của Chúa càng làm cho thầy cả thượng phẩm mất kiên nhẫn nên ông đưa ra một câu hỏi nhằm “gài bẫy” Chúa. Ông biết Chúa Giê-xu tuyên bố Ngài là Con Đức Chúa Trời nên ông buộc Chúa phải thề với lời tuyên bố đó. Chúa Giê-xu dùng Lời Kinh Thánh trong Thi Thiên 110:1 và Đa-ni-ên 7:13 để khẳng định về chính Ngài là Con Đức Chúa Trời và cũng là Đấng Mết-si-a. Khi phán điều này, Chúa có ý muốn ban ơn cứu rỗi cho những ai tin cậy Ngài. Nhưng chính lời tuyên bố của Chúa đã làm cho thầy cả thượng phẩm nổi giận. Ông không cần xem xét kỹ chứng cớ buộc tội mà đã vội vàng tuyên án (câu 65).
Chúa Giê-xu đã bị ngược đãi sau khi bị kết án thật là một hành động vô nhân đạo và phi pháp (câu 67).
Các giới chức Do Thái có thẩm quyền đã trút đổ thù hằn, ghen ghét lên Chúa Giê-xu. Điều này làm lộ rõ tâm địa độc ác và đánh mất vẻ công chính bề ngoài của họ. Qua đó, cũng ứng nghiệm lời tiên tri trong Ê-sai 50:6 về Đấng Mết-si-a: “Ta đã đưa lưng cho kẻ đánh Ta, và đưa má cho kẻ nhổ râu Ta; ai mắng hoặc giổ trên Ta, Ta chẳng hề che mặt.”
Chúa Giê-xu đã im lặng trước những lời buộc tội vô lý nhưng Ngài lên tiếng khi cần phải cho dân chúng biết về chính Ngài để họ có cơ hội ăn năn mà được cứu rỗi. Bạn thường cố lên tiếng để biện hộ cho mình khi bị vu oan hay im lặng chịu đựng để Chúa bênh vực?