Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 03/07: Niềm Trông Cậy Của Con

    Mỗi chúng ta đều có những mong đợi cho đời sống mình, có thể đó là những nhu cầu về vật chất, hạnh phúc, hay sức khoẻ… Nhiều lần chúng ta đến với Chúa nhưng vẫn không sao nhận được câu trả lời từ Chúa. Đừng quên rằng trong những thời điểm như vậy, Chúa rèn thử chúng ta để chúng ta biết mình cần trông cậy vào Ngài nhiều hơn, và Chúa sẽ đáp lời trong thời điểm tốt nhất của Ngài.

    Hôm nay, ngày 03/07/2024, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Andrew Murray qua chủ đề NIỀM TRÔNG CẬY CỦA CON.

    “Lạy Chúa, bây giờ con trông mong gì? Niềm hi vọng của con ở nơi Chúa. Xin giải cứu con khỏi mọi vi phạm” (Thi Thiên 39:7-8)

    Có những lúc chúng ta cảm thấy không biết mình đang trông đợi điều gì, hoặc cũng có khi chúng ta biết, nhưng có thể vào những thời điểm đó, chúng ta thường không biết phải cầu xin Chúa điều gì. Chúng ta biết Đức Chúa Trời có thể làm trổi hơn bội phần mọi điều chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng. Nhưng khi chúng ta để cho sự vô tín xen vào đời sống cầu nguyện của mình, đó là lúc chúng ta hạn chế Ngài. Trong những lúc như vậy, hãy đến với Chúa và hỏi Ngài như cách mà tác giả Thi Thiên đã hỏi: “Lạy Chúa, bây giờ con trông mong gì?” – và “Chúa ôi, niềm hy vọng của con ở trong Ngài.”

    Ngày xưa, dân Y-sơ-ra-ên đã hạn chế sự vận hành của năng quyền Chúa! Khi Môi-se nói với dân sự rằng họ sẽ có thịt để ăn trong hoang mạc, họ liền nghi ngờ: “Ðức Chúa Trời sẽ cung ứng chúng ta trong nơi khô cằn này sao? Ngài có cho chúng ta bánh không, Ngài có cho chúng ta thịt không?” Đúng vậy, Ðức Chúa Trời đã làm điều đó, và Ngài cũng có thể làm mọi điều.

    Khi dân sự nghĩ đến việc Đức Chúa Trời sẽ làm một điều mới, họ đã hạn chế Ngài; họ không dám suy nghĩ điều gì lớn hơn ngoài những chuyện ở trong quá khứ. Thậm chí, chính chúng ta cũng có thể hạn chế sự vận hành của Đức Chúa Trời, vì đôi khi chúng ta không thể hiểu hết những lời hứa của Ngài hay những gì Ngài sẽ làm. Trong lời cầu nguyện, hãy cẩn trọng để bạn không giới hạn Đức Chúa Trời, là Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên. Hãy biết rằng những lời hứa của Ngài đều mang những ý nghĩa thiêng liêng, và vượt quá sự hiểu biết của chúng ta. Cũng hãy biết rằng Ngài có thể làm thành những lời hứa ấy, bằng quyền năng của Ngài, và trong ân điển dư dật của Ngài, tất cả đều cao hơn tư tưởng của chúng ta. Vì thế, hãy nuôi dưỡng thói quen trông cậy Đức Chúa Trời, không chỉ cho những nhu cần hiện tại mà thôi, nhưng cũng hãy tin ân điển và năng quyền của Ngài luôn ở với chúng ta.

    Mọi lời cầu nguyện chân thật đều có hai tấm lòng. Thứ nhất là tấm lòng của bạn với những ước ao, nhu cầu, muốn Chúa làm điều đó cho mình. Thứ hai đó là tấm lòng của Đức Chúa Trời; Ngài ban phước nhưng phải trong mục đích của Ngài. Bạn nghĩ sao? Trong khi cầu nguyện với Chúa, động cơ của bạn có tập trung vào yếu tố thứ hai không? Tất nhiên, khi cầu nguyện, chúng ta cần hướng mình vào tấm lòng của Đức Chúa Trời. Nhưng điều này thường bị quên lãng.

    Khi trông cậy nơi Chúa, chúng ta dành sự tập trung vào tình yêu và sự cứu rỗi kỳ diệu của Đức Chúa Trời. Chúng ta thừa nhận rằng mình không thể hiểu hết những gì Đức Chúa Trời sẽ làm cho mình. Giống như tác giả Thi Thiên, chúng ta có thể nói với Chúa rằng: “Lạy Chúa, bây giờ con trông mong gì?” Dù con không thể nói nhưng Ngài biết hết mọi sự và chờ đợi để ban cho con điều con ước ao. “Chúa ôi, niềm hy vọng của con ở trong Ngài.”

    Tác giả Thi Thiên cầu xin Chúa, “Xin giải cứu con khỏi mọi vi phạm”. Có thể bạn đã cầu nguyện để được giải thoát khỏi những sự tức giận, kiêu ngạo, tự ái của mình, nhưng sao bạn thấy trong mình vẫn còn những điều ấy. Có thể vì bạn đã cậy vào những toan tính và sức riêng của mình, mà không thực sự tin rằng Chúa sẽ hành động trên những yếu đuối của mình. Bạn đã không trông cậy vào sự giàu có trong vinh hiển Ngài, để Ngài thực thi những điều vượt quá suy tưởng của bạn.

    Hãy thờ phượng Chúa, là Đấng thực thi những việc lạ lùng. Hãy cúi xuống trước Chúa và trông đợi Ngài, cho đến khi cả hồn linh bạn nhận ra rằng cuộc đời mình đang trong tay của Đấng tể trị muôn vật. Khi đang trông đợi Chúa, bạn cần nhận thức Ngài sẽ làm gì, và sẽ làm điều đó như thế nào; nhận thức rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho sự yêu mến Chúa của bạn, hãy trông đợi Ngài trong sự khiêm nhường, và bạn sẽ nhận lấy điều mình đã cầu xin qua quyền năng thiên thượng của Ngài.

    Hãy để những lời của tác giả Thi Thiên trở thành lời cầu nguyện trong mỗi mong đợi và ao ước của bạn: “Lạy Chúa, bây giờ con trông mong gì? Niềm hi vọng của con ở nơi Chúa.” Tin rằng Ngài sẽ đáp lời trong thời điểm của Ngài.

    Khi trông đợi Đức Chúa Trời, đôi lúc bạn sẽ cảm thấy nao sờn, vì bạn hầu như không biết điều gì sẽ được đem đến cho mình. Nhưng hãy vững lòng – chính thời điểm khó khăn ấy là một trong những dấu hiệu cho thấy điều tốt đẹp sẽ đến. Chúa đang muốn dạy dỗ bạn biết trao mọi thứ trong tay Ngài và chỉ trông cậy một mình Ngài mà thôi.

    “Hãy trông cậy Chúa chúng ta, hãy mạnh dạn và can đảm. Vâng, hãy trông cậy vào Ngài.”

    “Hỡi linh hồn ta, hãy nghỉ an nơi Đức Chúa Trời, Vì niềm hi vọng ta đặt nơi Ngài.”

    Cầu nguyện: Chúa ôi, khi chân con bước trên những chỗ gập ghềnh, khó khăn; trong những khi con không thấy tay Ngài hành động, xin Chúa luôn nhắc con luôn vững lòng trông cậy nơi Chúa. Nguyện linh hồn con sẽ không thất vọng hay nao núng khi chưa thấy Ngài đáp lời, vì biết rằng Ngài muốn điều tốt nhất cho con trong thời điểm của Ngài. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.

    Quý thính giả thân mến, bạn đang cầu nguyện với Chúa như thế nào? Có thể bạn đã dốc đổ lòng mình, nhưng bạn có quan tâm đến tấm lòng Đức Chúa Trời chưa? Hôm nay hãy cầu xin Chúa tha thứ và giúp bạn luôn vững lòng trông cậy nơi Chúa, tìm kiếm Ngài, học cách kiên nhẫn trong những hoàn cảnh khác nhau của đời sống.

    Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

    Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *