Kinh Thánh: “Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ.” (Ga-la-ti 6:2).
TRÁCH NHIỆM VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ
Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: Gia-cơ 5:13-20
Trong anh em có ai chịu khổ chăng? Người ấy hãy cầu nguyện. Có ai vui mừng chăng? hãy hát ngợi khen. Trong anh em có ai đau ốm chăng? hãy mời các trưởng lão Hội thánh đến, sau khi nhân danh Chúa xức dầu cho người bịnh đoạn, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người. Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội, cũng sẽ được tha.
Vậy, hãy xưng tội cùng nhau, và cầu nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bịnh: người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều. Ê-li vốn là người yếu đuối như chúng ta. Người cầu nguyện, cố xin cho đừng mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm rưỡi. Đoạn, người cầu nguyện lại, trời bèn mưa, và đất sanh sản hoa màu.
Hỡi anh em, trong vòng anh em nếu có ai lầm lạc cách xa lẽ thật, mà có người khác làm cho nó trở lại, thì phải biết rằng kẻ làm cho người có tội trở lại, bỏ đường lầm lạc, ấy là cứu linh hồn người khỏi sự chết và che đậy vô số tội lỗi. ”
Câu Kinh Thánh ghi nhớ: Ga-la-ti 6:2
“Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ.”
Trong hành trình đức tin luôn có nhiều thử thách và cám dỗ vây quanh (Gia-cơ 1:1-18), và một trong những phương cách mà Đức Chúa Trời hoạch định để giúp cho con cái Ngài hoàn thành mục đích đời sống chính là mối liên hệ tương giao trong cộng đồng Cơ Đốc (Ga-la-ti 6:2). Một trong những lý do Đức Chúa Trời đặt chúng ta trong Hội Thánh là để chúng ta có thể san sẻ, nâng đỡ nhau trong thì giờ có cần.
Ông Gia-cơ cho chúng ta hình ảnh của hai anh em cần được giúp đỡ. Thứ nhất là một người bệnh (câu 14). Nhiều người nhìn thấy Hội Thánh là nơi thực hiện những công tác thuộc linh, nhưng ông Gia-cơ cho chúng ta nhìn thấy Hội Thánh cũng là nơi đáp ứng những nhu cầu thuộc thể cho con dân Chúa. Lý do thật rõ ràng, vì có những vấn đề thuộc thể bắt nguồn từ sự suy thoái thuộc linh (câu 15b) và ngược lại (I Các Vua 19:4). Hơn nữa, chính việc đáp ứng nhu cầu thuộc thể có thể đem chúng ta vào mối tương giao Cơ Đốc thật sự (câu 16a), và qua chính mối tương giao này quyền năng Chúa được bày tỏ (câu 16b-18).
Tuy nhiên, để có thể được Chúa dùng đáp ứng nhu cầu cho anh chị em mình, chúng ta cần phải “đến,” phải “xưng tội,” phải “cầu nguyện,” phải “cố xin.” Tất cả điều này nói đến tình yêu mà chúng ta dành cho anh chị em mình, việc hy sinh thời gian, công sức, và ngay cả sự từ bỏ chính mình.
Một hình ảnh khác được nêu lên trong câu 19-20, đó là một anh em yếu đuối và vấp ngã trong đời sống thuộc linh. Anh em đó cần có một người “làm cho nó trở lại.” Để làm được điều này chúng ta cần phải có tình yêu để “che đậy vô số tội lỗi” (câu 20). “Che đậy vô số tội lỗi” không phải là bỏ qua tội lỗi, nhưng là “cứu linh hồn người khỏi sự chết,” nghĩa là giúp người đó nhận biết tội và “bỏ đường lầm lạc.” Và khi một người đã ăn năn thì cần được tha thứ hoàn toàn, nghĩa là không nhớ tội nữa hay là tội lỗi đã được che đậy lại bằng tình yêu và sự tha thứ.
Để có thể trở nên một người được Chúa dùng đáp ứng những nhu cầu thuộc thể và thuộc linh của người khác, trước hết chúng ta phải là người có một mối quan hệ đúng đắn với Chúa. Không phải vô lý khi ông Gia-cơ mở đầu phần giúp người khác bằng việc khuyên bản thân các tín hữu phải có một thái độ đúng đắn cả khi “chịu khổ” hay “vui mừng” (câu 13). Việc cầu nguyện khi đau khổ hay ca tụng khi vui mừng tưởng chừng rất khác nhau nhưng lại có nhiều điểm chung. Đó là cả hai đều hướng về Chúa trong mọi sự, nhận biết sự tể trị của Chúa, và đặt đức tin nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh. Hãy hết lòng gây dựng đời sống thuộc linh của cá nhân để đến thời điểm thích hợp, Đức Chúa Trời có quyền dùng chúng ta đem sự chữa lành và an ủi đến những anh chị em đang đau khổ.