Kinh Thánh: “Đi đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc; vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người; và người sống để vào lòng” (Truyền Đạo 7:2)
KHAO KHÁT ĐƯỢC CHẾT
Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: Gióp 3:13-19
“Bằng chẳng vậy, bây giờ ắt tôi đã nằm an tịnh,
Được ngủ và nghỉ ngơi
Cùng các vua và mưu sĩ của thế gian,
Đã cất mình những lăng tẩm;
Hoặc với các quan trưởng có vàng,
Và chất bạc đầy cung điện mình;
Hoặc tôi chẳng hề có, như một thai sảo biệt tăm,
giống các con trẻ không thấy ánh sáng.
Ở đó kẻ hung ác thôi rày rạc,
Và các người mỏn sức được an nghỉ;
Ở đó những kẻ bị tù đồng nhau được bình tịnh,
Không còn nghe tiếng của kẻ hà hiếp nữa.
Tại nơi ấy nhỏ và lớn đều ở cùng nhau,
Và kẻ tôi mọi được phóng khỏi ách chủ mình.”
Câu Kinh Thánh ghi nhớ: Truyền Đạo 7:2
“Đi đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc; vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người; và người sống để vào lòng”
Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay bày tỏ lòng khao khát được chết của ông Gióp. Ông chuyển từ sự rủa sả về ngày sinh của mình đến ước ao được chết. Ông nói nếu ông được chết ngay từ ngày sinh ra (câu 11), thì ông đã được chôn với các vua, người lãnh đạo, người khôn ngoan (câu 13-14), hay ít ra cũng được như người nô lệ được tự do (câu 18-19).
Ông Gióp ước mong được chết để có một nơi an nghỉ cuối cùng (câu 13-15). Cụm từ “Bằng chẳng vậy” nghĩa là “nếu điều ông chết xảy ra,” ông sẽ có nơi an nghỉ cuối cùng trong “an tịnh,” “được ngủ và nghỉ ngơi.” Ông có thể ở nơi của những người lãnh đạo như vua, ở nơi những người khôn ngoan như mưu sĩ, ở với những người giàu có hay các quan trưởng với nhiều vàng bạc (câu 14-15). Ông khao khát được “an nghỉ” (câu 17) khi không còn bị người ác ức hiếp, không còn bị tù tội, không còn ách nô lệ. Một nơi “người nhỏ” và “người lớn” đều như nhau (câu 17-19), như người Do Thái thường nói: “Mọi xác chết đều như nhau” và “chẳng có vải liệm nào có túi.”
Trên đây là những suy nghĩ của ông Gióp. Ông suy nghĩ về một nơi an nghỉ sau khi ông chết. Đó là nơi ông muốn tới để thoát khỏi những đau đớn thân thể đang dày vò ông! Cựu Ước không nói đầy đủ và dứt khoát về cuộc sống sau cái chết; điều này chỉ được thể hiện rõ ràng khi Đấng Christ trở lại (II Ti-mô-thê 1:10). Cho nên khao khát được chết theo suy nghĩ của ông Gióp chỉ dựa trên sự khôn ngoan của con người, không có nền tảng vững chắc. Tuy nhiên, suy nghĩ của ông giúp cho chúng ta biết rằng, sự khôn ngoan của con người rất giới hạn (I Cô-rinh-tô 13:9). Chúa cho con cái Chúa có sự khôn ngoan, nhưng Cơ Đốc nhân phải cầu nguyện tìm cầu ý Chúa trước tiên trong mọi quyết định của đời sống. Lời Chúa dạy “sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự tri thức” (Châm Ngôn 1:7). Bên cạnh đó, mọi người phải biết rằng không ai tránh khỏi sự chết. Khi đến viếng một tang lễ, chắc chắn chúng ta thấy rõ rằng, mọi quyền lực, địa vị, tiền bạc đều không thể đem theo khi qua đời. Chỉ có linh hồn là tồn tại vĩnh viễn. Mục đích tối hậu của con dân Chúa là linh hồn trở về với Chúa đời đời, phước hạnh. Chúng ta không khao khát được chết nhưng khao khát được sống hữu ích cho Chúa trong những ngày còn trên đất.
Bạn có suy nghĩ và chuẩn bị gì cho linh hồn mình chưa?