Kinh Thánh: “Không coi như tôi mọi nữa, nhưng coi hơn tôi mọi, coi như anh em yêu dấu, nhứt là yêu dấu cho tôi, huống chi cho anh, cả về phần xác, cả về phần trong Chúa nữa!” (Phi-lê-môn 16)
TÌNH YÊU XÓA BỎ GIAI CẤP
Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: Phi-lê-môn 8-16
“Vậy nên, dầu trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm, song vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, hiện nay lại vì Đức Chúa Giê-xu Christ chịu tù nữa, tôi vì con tôi đã sanh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh; ngày trước người không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ ích lắm, và cũng ích cho tôi nữa: tôi sai người về cùng anh, người như lòng dạ tôi vậy. Tôi vốn muốn cầm người ở lại cùng tôi, đặng thế cho anh mà giúp việc tôi trong cơn vì Tin lành chịu xiềng xích. Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, hầu cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, bèn là bởi lòng thành. Vả, có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi mãi, không coi như tôi mọi nữa, nhưng coi hơn tôi mọi, coi như anh em yêu dấu, nhứt là yêu dấu cho tôi, huống chi cho anh, cả về phần xác, cả về phần trong Chúa nữa!”
Câu Kinh Thánh ghi nhớ: Phi-lê-môn 16
“Không coi như tôi mọi nữa, nhưng coi hơn tôi mọi, coi như anh em yêu dấu, nhứt là yêu dấu cho tôi, huống chi cho anh, cả về phần xác, cả về phần trong Chúa nữa!”
Thư Phi-lê-môn bày tỏ tấm lòng yêu thương và chân tình của Sứ đồ Phao-lô. Ông gửi thư này cho ông Phi-lê-môn với lời kêu gọi tha thứ và tiếp nhận ông Ô-nê-sim là người nô lệ đã từng bỏ trốn. Sứ đồ Phao-lô khuyên ông Phi-lê-môn không chỉ nhận lại ông Ô-nê-sim mà còn xem như là một anh em trong Chúa (câu 16).
Ông Phi-lê-môn là một tín hữu yêu mến Chúa cho nên Sứ đồ Phao-lô mạnh dạn nài xin ông tiếp nhận lại người nô lệ từng bất trung của mình trong cương vị khác. Là người nâng đỡ đức tin cho ông Phi-lê-môn, Sứ đồ Phao-lô có quyền bảo ông nên làm gì (câu 8). Nhưng Sứ đồ Phao-lô đã không làm như thế, ông cậy tình yêu thương trong Chúa mà nài xin ông Phi-lê-môn làm điều đúng, một việc cao cả mà một Cơ Đốc nhân trưởng thành nên làm (câu 9).
Trong bức thư, Sứ đồ Phao-lô kể lại việc ông Ô-nê-sim tiếp nhận Chúa và trở thành người rất hữu ích cho ông. Sứ đồ Phao-lô tin vào sự thay đổi thật của ông Ô-nê-sim từ khi tiếp nhận Chúa nên ông khẳng định với ông Phi-lê-môn: “Ngày trước người không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ ích lắm” (câu 11). Thật ra, Sứ đồ Phao-lô muốn giữ ông Ô-nê-sim lại để giúp đỡ cho ông, nhất là khi ông đang ở tù. Nhưng vì tình yêu thương với tinh thần hòa giải, nên Sứ đồ Phao-lô gửi ông Ô-nê-sim về với ông Phi-lê-môn cùng với bức thư này. Sứ đồ Phao-lô bày tỏ sự tôn trọng đối với ông Phi-lê-môn khi “trả” ông Ô-nê-sim lại (câu 14). Ngoài ra, Sứ đồ Phao-lô còn nhận ra quyền tể trị của Đức Chúa Trời trong mọi việc đã xảy ra. Ông tin rằng chính Chúa cho phép việc ông Ô-nê-sim bỏ trốn sang La Mã xảy ra để ông có cơ hội tiếp nhận ơn cứu rỗi, đó là điều quý nhất cho ông. Sứ đồ Phao-lô giải thích điều này cho ông Phi-lê-môn: “Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi mãi” (câu 15). Đây là một sự liên hệ tuyệt vời và khéo léo mà Sứ đồ Phao-lô đã dùng để kết nối người chủ nhân hậu và người nô lệ bỏ trốn trước kia lại với nhau. Rồi Sứ đồ Phao-lô khẩn xin ông Phi-lê-môn không xem ông Ô-nê-sim như “tôi mọi” nữa nhưng như “một anh em yêu dấu” trong Đấng Christ (câu 16). Chỉ bởi tình yêu thương trong Chúa, ông Phi-lê-môn mới có thể làm được điều này, tình yêu không phân biệt giai cấp.
Đây là một bài học rất ý nghĩa cho chúng ta để biết sẵn sàng chào đón những người lầm lỗi biết ăn năn quay trở về. Chính Đức Chúa Trời đã tha thứ và chấp nhận họ thì tại sao chúng ta lại không?
Chúa có quyền biến đổi tấm lòng con người khi họ thật lòng ăn năn.