Kinh Thánh: “Vả, ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói.” (Ma-thi-ơ 12:36)
TRÁCH NHIỆM VỀ LỜI NÓI
Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: Ma-thi-ơ 12:33-37
“Hoặc cho là cây tốt thì trái cũng tốt, hoặc cho là cây xấu thì trái cũng xấu; vì xem trái thì biết cây. Hỡi dòng dõi rắn lục; bay vốn là loài xấu, làm sao nói được sự tốt? Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. Người lành do nơi đã chứa điều thiện mà phát ra điều thiện; nhưng kẻ dữ do nơi đã chứa điều ác mà phát ra điều ác. Vả, ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói; vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt.”
Câu Kinh Thánh ghi nhớ: Ma-thi-ơ 12:36
“Vả, ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói.”
Kinh Thánh đề cập rất nhiều về lời nói. Tác giả sách Châm Ngôn cũng có nhiều lời khuyên về lời nói (Châm Ngôn 15:23, 17:27, 18:4, 25:11). Ông Gia-cơ cũng bàn nhiều về cái lưỡi và lời nói của con người. Trong phân đoạn Kinh Thánh này, Chúa Giê-xu nhắc nhở rằng điều mà miệng chúng ta nói ra được ấp ủ trong lòng. Nếu chúng ta có tấm lòng trong sạch, hướng thiện thì sẽ nói những lời tốt đẹp, nhưng ngược lại, nếu chúng ta chất chứa điều ác và xấu xa trong lòng thì miệng sẽ buông ra điều không hay (câu 35). Và cuối cùng, mỗi người phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình trong ngày phán xét (câu 36).
Trước khi Chúa Giê-xu nói về trách nhiệm nặng nề của lời nói ở đây, chúng ta nhớ người Pha-ri-si đã buông ra những lời rất phạm thượng. Họ đã cho rằng Chúa Giê-xu “nhờ chúa quỷ mà trừ quỷ” (Ma-thi-ơ 12:24). Nói ra “lời hư không” này không đơn thuần là lời nói phát ra từ môi miệng mà thôi nhưng thể hiện tấm lòng và tính cách của họ. Chúa Giê-xu biết rõ ý tưởng của họ (12:25) và Ngài nghiêm khắc cảnh cáo về tội phạm đến Đức Thánh Linh là tội không được tha (12:31-32).
Cuối cùng, Chúa nhắc họ phải cẩn thận với lời nói của mình vì “mọi lời hư không” sẽ được khai trình ra trước Chúa. “Mọi lời hư không” trong câu 36 ý nói về những lời vô ích, thiếu suy nghĩ và nói ra từ tấm lòng cạn cợt. Chúa khẳng định rõ rằng con người sẽ được xưng công bình hay bị phạt đều do lời nói của mình (câu 37). Vì lời nói xuất phát từ tấm lòng và tâm trí suy nghĩ mà miệng phát ra, do đó, chúng ta cần cẩn thận giữ tấm lòng mình để không buông ra những “lời hư không,” thiếu ân hậu. Vua Sa-lô-môn khuyên rằng: “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra. Con hãy dẹp ra sự gian tà của miệng, và bỏ cách xa con sự giả dối của môi” (Châm Ngôn 4:23-24).
Vậy, hãy xét lại lời nói của mình và kiểm tra lại tấm lòng mình để xem những điều đó có vui lòng Chúa không vì mỗi chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình trước Chúa.
Leave a Reply