Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 10/09: Khó Chịu

Có bao giờ bạn cảm thấy khó chịu đến mức không thể tập trung làm gì cả, chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt đã xảy ra không? Đôi khi, những điều tưởng chừng như không đáng kể lại có sức ảnh hưởng lớn đến tâm trạng và năng suất của chúng ta. Chúng ta thường nghĩ rằng mình có thể bỏ qua dễ dàng, nhưng không, những cảm xúc tiêu cực đó lại âm ỉ và nặng nề trong lòng, lặng lẽ chi phối mọi quyết định và hành động của chúng ta. Vậy, làm thế nào để chúng ta có thể vượt qua những cảm xúc khó chịu này để tận hưởng những điều tốt đẹp nhất?

Hôm nay, ngày 10/08/2024, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Lina Johnson qua chủ đề KHÓ CHỊU.

“Vậy, hãy mặc lấy lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục. Nếu một người trong anh em có điều gì phàn nàn với người khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau” (Cô-lô-se 3:12-13)

“Chúa ơi, con chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa! Con cần phải xong việc này ngay. Hôm nay là hạn chót rồi!” Tôi thầm kêu cầu Chúa, cố gắng viết tiếp bài tĩnh nguyện mà mình đang làm vội.

Chuyện là lúc đầu, văn chương trong tôi tuôn tràn lai láng. Tôi gõ bàn phím hết tốc lực để không bỏ lỡ bất kỳ ý tưởng nào đang vụt qua tâm trí. Bỗng nhiên, chồng tôi xuất hiện. Anh nói một điều gì đó. Tôi còn chẳng nhớ đó là gì nữa. Nó chẳng quan trọng lắm đâu. Tôi chỉ nhớ mình đã phải lắc đầu. Và rồi, ngôn từ đột nhiên … tắt nghẽn.

Chẳng còn gì đọng lại cả. Tôi chẳng biết phải gõ tiếp cái gì. Tôi đọc đi đọc lại những gì đã viết mà vẫn chẳng có ý tưởng nào. Không một từ nào nảy ra cả. Thế là tôi chỉ biết thầm kêu cầu Chúa.

Ngay lập tức, tôi cảm nhận được sự thôi thúc trong lòng: Hãy tha thứ cho chồng.

Cái gì cơ? Chẳng có gì phải tha thứ cả. Điều anh nói chỉ là chuyện nhỏ. Tại sao tôi phải tha thứ cho việc đó?

Nhưng tôi lại cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết: Hãy tha thứ cho chồng. Và tôi đã làm theo.

Ngay lập tức, ngôn từ lại ùa về lai láng, thế là tôi có thể tiếp tục công việc của mình. Ngày hôm đó, tôi học được rằng chúng ta rất dễ cảm thấy khó chịu, và sự khó chịu đó có thể gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.

Hãy xem các môn đồ trong Giăng chương 6. Sau khi Đức Chúa Jêsus bày tỏ sứ điệp của Ngài, nhiều người cảm thấy khó chịu. Cơn khó chịu khiến họ bỏ lỡ sự hiểu biết mà Đức Chúa Jêsus truyền ban cho họ, và bỏ lỡ cả phước hạnh của sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời muốn họ được nhận lãnh.

“Nhiều môn đồ của Ngài nghe điều nầy thì nói: “Lời nầy khó quá, ai mà nghe được?”

Nhưng Đức Chúa Jêsus tự biết các môn đồ đang xầm xì về điều nầy nên nói rằng: “Điều nầy làm cho các con vấp phạm sao? Vậy, nếu như các con thấy Con Người lên nơi Ngài vốn ở trước kia thì sao? Chính thần linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích gì. Những lời Ta nói với các con là thần linh và sự sống. Nhưng có vài người trong các con không tin.” Vì ngay từ đầu, Đức Chúa Jêsus đã biết ai là những người không tin và ai là kẻ phản Ngài. Ngài lại nói: “Vì vậy, Ta đã bảo các con rằng nếu Cha không ban cho thì không ai có thể đến với Ta được.”

Từ lúc ấy, nhiều môn đồ thối lui, không theo Ngài nữa. Đức Chúa Jêsus nói với mười hai môn đồ: “Còn các con cũng muốn thối lui chăng?”

Si-môn Phi-e-rơ đáp: “Thưa Chúa, chúng con sẽ theo ai? Chúa có lời của sự sống đời đời. Chúng con đã tin và nhận biết rằng Chúa là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời.” (Giăng 6:60-69)

Chỉ một câu nói nhỏ của chồng tôi cũng đủ khiến tôi khó chịu. Điều đó khiến tôi tự hỏi, liệu mình sẽ phản ứng ra sao khi nghe những lời Đức Chúa Jêsus phán vào ngày hôm ấy… Chỉ một câu nói thoáng qua của chồng tôi có thể làm tôi khó chịu và mất hết cảm hứng làm việc. Vậy nếu như tôi cũng khó chịu trước những lời Chúa phán, thì chắc chắn tôi sẽ càng không thể làm được việc gì cho Ngài cả.

Cảm giác khó chịu ảnh hưởng rất mạnh đến chúng ta—và đó chính là lý do Chúa muốn chúng ta học cách tha thứ.

“Anh em là những người được tuyển chọn của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu. Vậy, hãy mặc lấy lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục. Nếu một người trong anh em có điều gì phàn nàn với người khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ anh em thể nào thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy. Nhưng trên hết những điều nầy, phải mặc lấy tình yêu thương, vì là dây liên kết của sự toàn hảo. Hãy để sự bình an của Đấng Christ ngự trị lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến trong một thân thể, và hãy tỏ lòng biết ơn.” (Cô-lô-se 3:12-15)

Là những người theo Chúa, hãy nỗ lực sống mỗi ngày với tấm lòng khiêm nhường và đầy yêu thương. Đừng để sự khó chịu ảnh hưởng và chi phối cuộc sống của chúng ta. Thay vì khó chịu, mong rằng chúng ta sẽ chọn tha thứ và được bình an.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tấm lòng yêu thương, bao dung để vượt qua những cảm giác khó chịu, bực dọc trong cuộc sống hàng ngày. Xin Chúa soi sáng tâm trí chúng con, để chúng con có thể nhìn thấy điều tốt đẹp trong mọi sự, và không để những cảm xúc tiêu cực chi phối cuộc sống của mình. Xin giúp con biết tha thứ và buông bỏ tất cả những nỗi khó chịu, tổn thương, cay đắng còn vương vấn trong lòng, để chúng con được nhẹ nhàng, bình an mà bước đi theo Ngài. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.

Quý thính giả thân mến, đôi khi chỉ một cái nhìn không mấy thiện cảm hay một lời nói cộc lốc cũng đủ để làm hỏng cả một ngày tốt lành. Tuy nhiên, đừng để sự khó chịu len lỏi và chi phối cuộc sống, ngăn cản chúng ta sống ích lợi cho Chúa. Thay vào đó, hãy mở rộng tấm lòng, đón nhận mọi điều với tình yêu và lòng bao dung. Khi chúng ta chọn tha thứ, cảm giác khó chịu sẽ biến tan. Lúc ấy, chúng ta không chỉ gieo sự bình an vào lòng mình, mà còn lan tỏa sự bình an ấy đến với mọi người xung quanh. Hôm nay, bạn sẽ chọn tha thứ cho điều gì?

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.


Posted

in

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *