TĨNH NGUYỆN HẰNG NGÀY 15/08: BIẾT VÀ KHÔNG BIẾT

    Kinh Thánh: “Người trả lời rằng: Tôi chẳng biết người có phải là kẻ có tội chăng,chỉ biết một điều, là tôi đã mù mà bây giờ lại sáng.” (Giăng 9:25)


    BIẾT VÀ KHÔNG BIẾT

    Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng:

    Giăng 9:24-34

    “Vậy, người Pha-ri-si gọi người trước đã mù một lần nữa, mà nói rằng: Hãy ngợi khen Đức Chúa Trời, chúng ta biết người đó là kẻ có tội. Người trả lời rằng: Tôi chẳng biết người có phải là kẻ có tội chăng, chỉ biết một điều, là tôi đã mù mà bây giờ lại sáng. Họ lại hỏi rằng: Người đã làm điều gì cho ngươi? Mở mắt ngươi thể nào? Người trả lời rằng: Tôi đã nói với các ông rồi, mà các ông chẳng nghe tôi. Cớ sao các ông muốn nghe lại lần nữa? Há cũng muốn làm môn đồ người chăng? Họ bèn mắng nhiếc người, mà rằng: Ấy, chính ngươi là môn đồ người; còn chúng ta là môn đồ của Môi-se. Chúng ta biết Đức Chúa Trời đã phán cùng Môi-se, nhưng người nầy, thì chúng ta chẳng biết bởi đâu đến.  Người trả lời rằng: Người đã mở mắt tôi, mà các ông chẳng biết người bởi đâu đến, ấy là sự lạ lắm! Chúng ta vẫn biết Đức Chúa Trời chẳng nhậm lời kẻ có tội, mà nếu ai kính sợ Đức Chúa Trời, làm theo ý muốn Ngài, thì Ngài nhậm lời. Người ta chẳng bao giờ nghe nói có ai mở mắt kẻ mù từ thuở sanh ra. Nếu người nầy chẳng phải đến từ Đức Chúa Trời, thì không làm gì được hết. Chúng trả lời rằng: Cả mình ngươi sanh ra trong tội lỗi, lại muốn dạy dỗ chúng ta sao! Đoạn, họ đuổi người ra ngoài.”

    Câu Kinh Thánh ghi nhớ: Giăng 9:25

    “Người trả lời rằng: Tôi chẳng biết người có phải là kẻ có tội chăng,chỉ biết một điều, là tôi đã mù mà bây giờ lại sáng.” 


    Đã hai lần người Pha-ri-si thất bại trong việc hạch hỏi tại sao người khiêm thị được sáng mắt (câu 15, 19) với mục đích tìm chứng cớ để kết tội Chúa Giê-xu vi phạm luật ngày Sa-bát của họ.  Giờ đây, họ gọi người khiếm thị trở lại một lần nữa để tiếp tục ý đồ của mình. Lần này họ buộc người khiếm thị phải đồng tình với nhận định của họ: “Hãy ngợi khen Đức Chúa Trời, chúng ta biết người đó là người có tội” (câu 24). Nhưng người khiếm thị được sáng trả lời rằng: “Tôi chẳng biết người có phải là người có tội chăng, chỉ biết một điều, là tôi đã mù mà bây giờ lại sáng” (câu 25).

    Trong hai lời đối đáp này chúng ta thấy có ba từ “biết” với ba ý nghĩa và mục đích khác nhau. Người Pha-ri-si khẳng định “chúng ta biết.” Họ dựa trên luật do họ đặt ra về ngày Sa-bát để cho rằng họ “biết” Chúa Giê-xu là người có tội, vì Ngài đã vi phạm chữa lành mắt người khiếm thị trong ngày mà luật pháp của họ cấm chữa bệnh. Người khiếm thị được sáng trả lời rằng “tôi chẳng biết.” Làm sao anh có thể đồng tình với những người Pha-ri-si để lên án người ơn của mình được. Mặc dù trước đó người khiếm thị khẳng định Chúa là Đấng tiên tri vô tội (câu 17b), nhưng bây giờ anh không muốn đôi co nên nói tôi không biết. Anh muốn nói rằng chuyện luật pháp cấm hay không cấm, có tội hay không là chuyện của các người, tôi khiếm thị xưa nay nên không biết! Nhưng tôi “chỉ biết một điều, là tôi đã mù mà bây giờ lại sáng.” Cảm tạ Chúa vì sự khôn ngoan của người khiếm thị. Việc người Pha-ri-si nói biết thì chỉ một mình họ biết, còn việc người khiếm thị biết thì chính những người Pha-ri-si và mọi người ai cũng biết rõ vì quá hiển nhiên! Điều gì làm cho những người Pha-ri-si tránh né không dám biết đến việc xảy ra rõ ràng trước mắt mà chỉ đòi biết việc có tội hay không có tội, là việc của Đức Chúa Trời? Chính vì thành kiến, vì ganh tị, vì lo sợ uy tín mình không còn khi ai nấy theo Chúa Giê-xu… Tất cả là vì cái tôi. Khi cái tôi lên ngôi thì không thể nào biết Chúa dù những bằng chứng về Ngài quá hiển nhiên. Chúng ta cũng vậy, theo Chúa mà không hạ cái tôi xuống thì khó lòng biết những điều Chúa làm cho mình và cho người khác mà chỉ biết những điều theo ý riêng mình mà thôi.

    Bạn biết Chúa đã làm gì cho cuộc đời bạn?

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *