Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 20/06: Tại Sao Hỏi Vậy?

    Kinh Thánh: “Môn đệ hỏi Ngài rằng: Thưa Thầy, ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người, mà người sinh ra thì mù như vậy?” (Giăng 9:2)


    Tại Sao Hỏi Vậy?

    Kinh Thánh nền tảng: Giăng 9:1-5
    “Đức Chúa Giê-xu vừa đi qua, thấy một người mù từ thuở sanh ra. Môn đệ hỏi Ngài rằng: Thưa thầy, ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người, mà người sinh ra thì mù như vậy? Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Đó chẳng phải tại người hay tại cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người. Trong khi còn ban ngày, ta phải làm trọn những việc của Đấng đã sai ta đến; tối lại, thì không ai làm việc được. Đương khi ta còn ở thế gian, ta là sự sáng của thế gian.”
    Và câu Kinh Thánh nền tảng cho bài học hôm nay được chép trong Giăng 9:2
    “Môn đệ hỏi Ngài rằng: Thưa Thầy, ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người, mà người sinh ra thì mù như vậy?”
    Khi các môn đệ của Chúa thấy một người mù bẩm sinh ngồi ăn xin, họ hỏi Ngài rằng: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người, mà người sinh ra thì mù như vậy?” Câu hỏi của các môn đệ cho thấy sự hiểu biết về niềm tin của họ cho đến giờ này vẫn còn hết sức hời hợt. Họ hỏi rằng “người hay cha mẹ người” phạm tội là một câu hỏi hết sức vô lý, người này bị mù từ lúc sinh ra thì chẳng lẽ anh phạm tội từ trong lòng mẹ nên mới gánh hậu quả bị mù hay sao? Câu hỏi của các môn đệ cho thấy mức độ quan tâm của họ trước hoàn cảnh bất hạnh của một con người. Họ không động lòng thương xót, không đồng cảm, không quan tâm đến cảnh mù lòa khốn khổ chút nào. Thay vì quan tâm đến việc người mù đi lại khó khăn thế nào, sinh hoạt hạn chế ra sao, ngồi ăn xin có đủ sống hay không… thì họ chỉ quan tâm tìm hiểu nguyên nhân bị mù! Để làm gì? Để thỏa mãn tính tò mò? Để hàm ý rằng chúng tôi không bị mù thì cha mẹ tôi và tôi là những người đạo đức, không phạm tội? Hoặc để chứng minh rằng người này bị mù là đáng đời lắm hay sao?
    Có thể lắm chúng ta vẫn thường suy nghĩ giống như vậy. Khi thấy một người bị bệnh nan y, hoặc bị tai nạn thảm khốc, hoặc gặp một tai họa nào đó thì nhiều người thường nói với nhau rằng do người đó phạm tội nên mới
    gặp hậu quả như vậy! Có người còn châm biếm ngắn gọn: “Chúa phạt đó!” Hãy coi chừng, vì khi chúng ta suy nghĩ và nhận định sai lầm như vậy thì chính chúng ta đang thay Chúa định tội người đó! Khi hướng về nguyên nhân của hoạn nạn chúng ta sẽ quên mất tình người, quên mất phải bày tỏ tình yêu thương với những người gặp hoạn nạn. Chúng ta đang sống sai mà không biết. Và tệ hơn nữa là chúng ta đang sa vào bẫy kiêu ngạo, vì dù không nói ra nhưng tận trong thâm tâm, chúng ta tự cho rằng mình sống tốt nên mới được bình an! Hãy nghe Lời Chúa Giê-xu khẳng định: “Đó chẳng phải tại người hay tại cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người” (câu 3). Chúa muốn chúng ta nhìn vào con người đang đau khổ để có một hành động thiết thực chứ Ngài không muốn chúng ta gán ghép nguyên nhân đau khổ cho người khác và ngay cả cho chính mình.
    Khi biết một người gặp tai nạn hay bệnh nặng, bạn có suy nghĩ và nhận định như thế nào về người ấy?

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *