Kinh Thánh: “Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cất bỏ sự sợ hãi; vì sự sợ hãi có hình phạt, và người đã sợ hãi thì không được trọn vẹn trong sự yêu thương.”
(I Giăng 4:18)
VUI MỪNG HAY SỢ HÃI?
Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng Giăng 9:18-23
“Song le, người Giu-đa không tin rằng người ấy trước đã mù mà được sáng lại, cho đến khi gọi cha mẹ người đến. Họ gạn hỏi rằng: Đây có quả thật là con trai các ngươi mà các ngươi nói rằng nó mù từ thuở sanh ra chăng? Thế thì, sao bây giờ nó sáng vậy? Cha mẹ người trả lời rằng: Chúng tôi nhìn biết là con trai chúng tôi đó đã mù từ thuở sanh ra; nhưng hiện nay tại làm sao thấy được, thì chúng tôi không rõ. Chúng tôi cũng không biết ai mở mắt nó nữa. Hãy hỏi nó, nó đã đủ tuổi, chính nó sẽ nói cho. Cha mẹ người nói vậy, vì sợ dân Giu-đa; bởi dân Giu-đa đã định rằng hễ ai xưng Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ, thì phải bị đuổi ra khỏi nhà hội. Ấy vì cớ đó nên cha mẹ người nói rằng: Nó đã đủ tuổi, hãy hỏi nó.”
Câu Kinh Thánh ghi nhớ I Giăng 4:18
“Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cất bỏ sự sợ hãi; vì sự sợ hãi có hình phạt, và người đã sợ hãi thì không được trọn vẹn trong sự yêu thương.”
Sau khi chia rẽ nội bộ vì người khiếm thị, những người Pha-ri- si chuyển qua nghi ngờ đây không phải là người khiếm thị họ thường gặp, vì vậy họ quyết định gọi cha mẹ anh đến để xác minh. Cha mẹ người khiếm thị chỉ dám khẳng định đây chính là con trai mình bị khiếm thị từ thuở sơ sinh nhưng không dám nói nhờ đâu mà con họ được sáng. Họ nói: “Hãy hỏi nó, nó đã đủ tuổi, chính nó sẽ nói cho” (câu 21). Nguyên nhân là vì người Giu-đa, mà đại diện là các lãnh đạo Do Thái, bởi lòng ganh tị và thù hằn Chúa, họ đã quy định rằng ai xưng Chúa Giê-xu là Đấng Christ thì bị khai trừ khỏi nhà hội. Do mọi người nghĩ rằng bị đuổi khỏi nhà hội cũng đồng nghĩa với bị đuổi khỏi trước mặt Đức Chúa Trời, nên cha mẹ anh khiếm thị rất sợ hãi.
Nhà hội là nơi con dân Chúa đến thờ phượng, dâng của lễ và tôn vinh Đức Chúa Trời với tất cả niềm vui mừng của một tạo vật tôn thờ Đấng Tạo Hóa, thế nhưng những lãnh đạo Do Thái thay vì phục vụ bởi tình yêu thì họ lại lo sợ mất quyền lực nên dùng quyền lực áp đảo dân chúng. Dù nhiều người khi chứng kiến việc Chúa Giê-xu làm, nghe lời Chúa dạy, họ nhận biết Ngài là Đấng Mết-si-a từ lâu mong đợi nhưng lại không dám nói ra. Họ sợ giới lãnh đạo loại trừ mình, còn giới lãnh đạo thì sợ dân chúng tôn Chúa Giê-xu mà loại trừ họ. Chính cách lãnh đạo “lấy quyền thế trị dân” (Mác 10:42b) dẫn đến sợ hãi lẫn nhau, vì vậy đến nhà hội ai nấy phải giữ kẽ với nhau thay vì sống chân thật, yêu thương. Nhiều khi chúng ta cũng giả hình như vậy, sống như “thánh nhân” trước mặt Hội Thánh nhưng lại sống như “ác nhân” với gia đình.
Có người sợ bị loại trừ, sợ mất quyền lực trong Hội Thánh nên cố gắng sống cho tốt trong nhà thờ, còn khi ra khỏi nhà thờ thì sống chẳng khác gì người chưa biết Chúa. Thờ phượng Chúa với tinh thần thế gian giống như nhà hội mô tả trên đây thì chỉ dẫn đến sợ hãi lẫn nhau chứ không thể có niềm vui trong Chúa. Những quy định trong tổ chức là cần để giúp nhau thờ phượng Chúa phải lẽ, đem lại niềm vui mừng cho con dân Chúa. Những quy định nào khiến ai nấy vì sợ hãi mà tuân theo thì đó chắc chắn không phải là quy định đúng ý Chúa.
Bạn thờ phượng Chúa với niềm vui mừng hay sợ hãi, giữ kẽ với nhau?