Kinh Thánh: “Xin hãy rửa tôi cho sạch hết trọi gian ác, và làm tôi được thanh khiết về tội lỗi tôi.” (Thi Thiên 51:2)
PHƯƠNG CÁCH THANH TẨY TỘI LỖI
Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: Giê-rê-mi 2:22-25
“Dầu ngươi lấy hỏa tiêu và dùng nhiều diêm cường rửa mình, tội lỗi ngươi cũng còn ghi mãi trước mặt ta, Chúa Giê-hô-va phán vậy. Sao ngươi dám nói rằng: Ta không bị ô uế; ta chẳng từng đi theo thần tượng Ba-anh? Hãy xem đường ngươi trong nơi trũng; nhận biết điều ngươi đã làm, như lạc đà một gu lanh lẹ và buông tuồng, như lừa cái rừng, quen nơi đồng vắng, động tình dục mà hút gió. Trong cơn nóng nảy, ai hay xây trở nó được ư? Những kẻ tìm nó không cần mệt nhọc, đến trong tháng nó thì sẽ tìm được. Hãy giữ cho chân ngươi chớ để trần, cổ ngươi chớ khát! Nhưng ngươi nói rằng: Ấy là vô ích; không, vì ta thích kẻ lạ và sẽ theo chúng nó.”
Câu Kinh Thánh ghi nhớ: Thi Thiên 51:2
“Xin hãy rửa tôi cho sạch hết trọi gian ác, và làm tôi được thanh khiết về tội lỗi tôi.”
Trong thư Rô-ma 7:14-24, Sứ đồ Phao-lô có luận đến một luật trong con người khiến con người không thể làm điều lành mình muốn mà lại làm điều dữ mình chẳng muốn. Ông gọi đó là luật tội lỗi, luật này sai khiến con người làm nô lệ cho tội lỗi. Ở đây, chúng ta thấy hình ảnh người Y-sơ-ra-ên phạm tội bất trung cùng Đức Chúa Trời nhưng họ không hề hổ thẹn. Đức Chúa Trời dùng hình ảnh “con lạc đà một gu lanh lẹ, buông tuồng” và “con lừa cái rừng” để ví sánh với người Y-sơ-ra-ên. Những con thú hoang được kể trên là những con vật bất trị, thể hiện bản năng tính dục cách mạnh mẽ không ai thống trị được. Nếu lừa đực muốn tìm thấy lừa cái thì không có gì quá khó khăn. Theo bản năng, đến mùa sinh sản, lừa cái sẽ tự tìm đến con đực để thỏa mãn nhu cầu sinh lý. Qua hai hình ảnh trên, Đức Chúa Trời muốn tuyển dân Y-sơ-ra-ên thấy được tình trạng của chính họ. Việc họ phạm tội tà dâm thuộc linh không phải là bị ép buộc, song chính trong bản chất bất trị của họ và chính họ chủ động để tìm đến việc thờ phượng tà thần. Tội lỗi của họ hiện rõ sờ sờ và Chúa phán rằng, dù có lấy “hỏa tiêu” hay “diêm cường” là những loại xà phòng, thuốc tẩy chuyên dùng để tẩy rửa thì cũng không thể nào xóa đi dấu vết phạm tội của họ. Thế nhưng, họ lại hết sức trơ trẽn khi nói rằng: “Ta không bị ô uế; ta chẳng từng đi theo thần tượng Ba-anh?” (câu 23). Họ nghĩ rằng nói như thế thì sẽ chối được những điều sai phạm đã làm. Nhưng Đức Chúa Trời bảo họ rằng dấu vết tội lỗi của họ in đậm trên những con đường mà họ đã đi qua, tại nơi thung lũng, tố cáo tội lỗi họ đã làm. Dù có nhiều lời khuyên lơn và cảnh tỉnh để người Y-sơ-ra-ên không phải chịu cảnh chân trần, cổ họng khát khô nhưng họ vẫn thản nhiên và nói rằng: “Ấy là vô ích; không, vì ta thích kẻ lạ và sẽ theo chúng nó” (câu 25).
Chỉ duy nhất phương cách tẩy sạch tội lỗi cho người Y-sơ-ra-ên nói riêng và cả nhân loại nói chung là chạy đến với Chúa để ăn năn tội và được tha thứ. Tuyển dân ngày trước vẫn muốn sống vùi trong tội lỗi, còn chúng ta ngày nay thì sao? Chúng ta lựa chọn phương cách nào để thanh tẩy tội lỗi cho chính mình? Đừng cố bào chữa, ngụy biện về điều sai. Điều cần làm là ăn năn quay trở lại để nhận được ơn thương xót từ Đức Chúa Trời.
Leave a Reply