Kinh Thánh: “Nhưng người Giu-đa đầy lòng ghen ghét, rủ mấy đứa hoang đàng nơi đường phố, xui giục đoàn dân gây loạn trong thành.” (Công Vụ 17:5a)
TÁC HẠI CỦA LÒNG GHEN TỊ
Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: Công Vụ 17:1-9
“Phao-lô và Si-la đi ngang qua thành Am-phi-bô-lít và thành A-bô-lô-ni, rồi tới thành Tê-sa-lô-ni-ca; ở đó người Giu-đa có một nhà hội. Phao-lô tới nhà hội theo thói quen mình, và trong ba ngày Sa-bát biện luận với họ, lấy Kinh thánh cắt nghĩa và giải tỏ tường về Đấng Christ phải chịu thương khó, rồi từ kẻ chết sống lại. Người nói rằng Đấng Christ nầy, tức là Đức Chúa Jêsus mà ta rao truyền cho các ngươi. Trong bọn họ có một vài người được khuyên dỗ nối theo Phao-lô và Si-la, lại cũng có rất nhiều người Gờ-réc vẫn kính sợ Đức Chúa Trời, và mấy người đàn bà sang trọng trong thành nữa. Nhưng người Giu-đa đầy lòng ghen ghét, rủ mấy đứa hoang đàng nơi đường phố, xui giục đoàn dân gây loạn trong thành. Chúng nó xông vào nhà của Gia-sôn, tìm bắt Phao-lô và Si-la đặng điệu đến cho dân chúng. Tìm không được, bèn kéo Gia-sôn và mấy người anh em đến trước mặt các quan án trong thành mà la lên rằng: Kìa những tên nầy đã gây thiên hạ nên loạn lạc, nay có đây, và Gia-sôn đã chứa chúng! Chúng nó hết thảy đều là đồ nghịch mạng Sê-sa, vì nói rằng có một vua khác, là Jêsus. Bấy nhiêu lời đó làm rối động đoàn dân và các quan án. Song khi các quan án đòi Gia-sôn và các người khác bảo lãnh rồi, thì tha cho ra.”
Câu Kinh Thánh ghi nhớ: Công Vụ 17:5a
“Nhưng người Giu-đa đầy lòng ghen ghét, rủ mấy đứa hoang đàng nơi đường phố, xui giục đoàn dân gây loạn trong thành.”
Từ Phi-líp, đoàn truyền giáo của ông Phao-lô tiếp tục hành trình khoảng 160 dặm đến thành Tê-sa-lô-ni-ca, một nơi sầm uất, cũng là thủ phủ của tỉnh Ma-xê-đoan. Theo thói quen, ông Phao-lô vào nhà hội trong ngày Sa-bát, ông dùng Kinh Thánh giải thích và chứng minh cho hội chúng rằng Đấng Christ phải chịu thống khổ, rồi sống lại từ cõi chết và kết luận: “Đức Chúa Giê-xu mà tôi rao truyền cho các ông đây chính là Đấng Christ” (câu 3). Một số người Do Thái, rất nhiều người Hy Lạp thờ kính Đức Chúa Trời và nhiều phụ nữ thuộc giới thượng lưu đã tin Chúa (câu 4).
Công việc của đoàn truyền giáo đang có kết quả tốt thì một số người Do Thái ghen ghét rủ bọn côn đồ ngoài đường phố, tập hợp đám đông và gây rối loạn trong thành. Trước tiên, lòng ghen tị của họ gây tổn hại đến đoàn truyền giáo và công việc truyền giáo tại đây, hai ông Phao-lô và Si-la phải rời khỏi Tê-sa-lô-ni-ca ngay trong đêm đó. Thứ hai, lòng ghen tị của họ gây náo loạn cho dân chúng và chính quyền, đem nhiều rắc rối, hao tốn tiền của cho gia đình ông Gia-sôn và các anh em (câu 6-9). Cuối cùng, lòng ghen tị tác hại cho chính họ. Họ bị che mắt không nhìn thấy Đấng Mết-si-a và hậu quả là không hưởng được niềm vui cứu rỗi. Lòng ghen tị khiến họ kết bạn với côn đồ, trở nên những côn đồ, và hành động côn đồ. Họ gây rối loạn trong thành, kéo đến nhà ông Gia-sôn, nơi đoàn truyền giáo trú ngụ để tìm bắt hai ông Phao-lô và Si-la. Lòng ghen tị khiến họ trở nên những người vu khống; trong khi hai ông Phao-lô và Si-la nỗ lực chứng minh Chúa Giê-xu chính là Đấng Christ, là thuộc phạm trù tôn giáo, thì họ lại tố cáo rằng đoàn truyền giáo có hành động phản nghịch Sê-sa và tuyên truyền cho một vua Giê-xu mới, là thuộc phạm trù chính trị (câu 7). Chỉ một bước nữa thì họ thành kẻ giết người vô tội vì họ hòng mượn tay chính quyền bức hại đoàn truyền giáo.
Chúng ta nhận thấy phản ứng chống đối kịch liệt của một số người Do Thái đối với đoàn truyền giáo không phải vì sự khác biệt về tín lý thần học nhưng vì lòng ghen tị trước sự quy đạo của nhiều người giàu có và trí thức. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta được Chúa dạy sống yêu thương và tình yêu thương được mô tả trong I Cô-rinh-tô 13 bắt đầu bằng: “Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo.”
Bạn thường có ghen tị với những người thành công hơn mình không?