Kinh Thánh: “Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào” (I Cô-rinh-tô 9:22b)
GƯƠNG NGƯỜI TRUYỀN GIÁO
Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: Công Vụ 16:1-5
“Phao-lô tới thành Đẹt-bơ và thành Lít-trơ. Nơi đó, có một môn đồ tên là Ti-mô-thê, con của một người đàn bà Giu-đa đã tin, còn cha thì người Hy Lạp. Anh em ở thành Lít-trơ và thành Y-cô-ni đều làm chứng tốt về người. Phao-lô muốn đem người theo; bởi cớ những người Giu-đa ở trong các nơi đó, nên Phao-lô lấy người và làm phép cắt bì cho, vì hết thảy đều biết cha Ti-mô-thê là người Hy Lạp. Hễ ghé qua thành nào, hai người cũng dặn biểu phải giữ mấy lề luật mà sứ đồ và trưởng lão tại thành Giê-ru-sa-lem lập ra. Ấy vậy, các Hội thánh được vững vàng trong đức tin, và số người càng ngày càng thêm lên.”
Câu Kinh Thánh ghi nhớ: I Cô-rinh-tô 9:22b
“Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào”
Ông Ti-mô-thê là một chàng trai trẻ ở thành Lít-trơ thuộc Tiểu Á. Bà ngoại và mẹ ông là người Do Thái đã tin Chúa Giê-xu. Cha anh là người Hy Lạp, dường như không tin Chúa. Ông Ti-mô-thê nhờ ảnh hưởng đức tin của bà và mẹ nên anh tin nhận Chúa Giê-xu và sống theo đức tin của mình (II Ti-mô-thê 1:5). Các môn đệ ở thành Lít-trơ và Y-cô-ni đã làm chứng tốt về ông (câu 2). Sứ đồ Phao-lô muốn đưa ông Ti-mô-thê theo cùng để đào tạo ông thành một người phục vụ Chúa.
Theo quy định của giáo hội nghị (Công Vụ 15), ông Ti-mô-thê không bị buộc phải làm phép cắt bì để nhận ơn cứu rỗi. Tuy nhiên, ông là người mang hai dòng máu Do Thái và Hy Lạp nên sẽ không dễ để người Do Thái chấp nhận ông khi ông chưa cắt bì, nghĩa là chưa mang dấu ấn của người Do Thái chính thức. Vì vậy, Sứ đồ Phao-lô đề nghị làm lễ cắt bì cho ông hầu cho ông được dễ dàng khi phục vụ Chúa giữa vòng người Do Thái cũng như Dân Ngoại. Với lòng yêu mến Chúa và yêu những người Do Thái, chàng trai trẻ Ti-mô-thê đã sẵn lòng nhận phép cắt bì. Trong đời sống theo Chúa, nhiều khi người truyền giáo phải tình nguyện làm nhiều hơn phần trách nhiệm của mình vì ích lợi của một linh hồn nào đó. Nói như Sứ đồ Phao-lô: “Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người để có thể cứu được vài người, không cứ cách nào” (I Cô-rinh-tô 9:22b).
Sau đó, họ đi qua các thành, căn dặn các tín hữu phải giữ các quy định của các sứ đồ và trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem đã lập ra (câu 4). Kết quả là các Hội Thánh được vững mạnh trong đức tin và số tín hữu gia tăng mỗi ngày (câu 5). Chúng ta thấy Sứ đồ Phao-lô và ông Ti-mô-thê đã làm gương tốt trong chức vụ truyền giáo. Trước tiên, họ đã sống với đức tin, giữ các quy định rồi mới mạnh mẽ dạy dỗ người khác. Một người dạy những điều mà chính mình không vâng giữ thì chỉ là lý thuyết suông, lời dạy đó không có thẩm quyền. Sự dạy đạo hiệu quả nhất không chỉ ở môi miếng mà ở hành động làm gương. Sứ đồ Phao-lô đã học cách của Chúa Giê-xu, đưa ông Ti-mô-thê theo cùng để đào tạo một thế hệ kế tiếp tin kính và phụng sự Chúa. Người truyền giáo cần có kế hoạch để đào tạo người tiếp nối. Sứ đồ Phao-lô đã chọn ông Ti-mô-thê, một người yêu mến Chúa, có danh tiếng tốt và sẵn lòng bước theo tiếng gọi của Chúa. Bạn có những Ti-mô-thê nào? Bạn đã lên kế hoạch, chọn và dạy những người con tinh thần của mình như thế nào?
Leave a Reply