Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 31/07: Ăn Năn Để Được Phục Hồi

Ăn năn nghĩa là quay trở lại với Đức Chúa Trời, nhận biết tội lỗi và lìa bỏ nó. Dù từ ngữ “ăn năn” quen thuộc đối với nhiều người, nhưng hành động ăn năn thật quan trọng để một đời sống kinh nghiệm sự biến đổi và phước hạnh. Khiêm cung, hạ mình tìm kiếm Chúa trong sự ăn năn là cách để thấy sự thương xót của Ngài trên chúng ta cũng như trên đất nước của chúng ta.

Hôm nay, ngày 31/07/2024, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Jonathan Macnab qua chủ đề ĂN NĂN ĐỂ ĐƯỢC PHỤC HỒI.

“Khi con nghe lời Ta phán nghịch cùng chỗ nầy và nghịch cùng dân cư nó rằng chỗ nầy sẽ trở nên hoang vu, dân cư bị nguyền rủa, thì con có lòng mềm mại, hạ mình xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, xé áo mình và khóc lóc trước mặt Ta. Vì vậy, Ta đã nghe lời cầu nguyện của con.” (2 Các Vua 22:19)

“Đức Giê-hô-va nổi giận phừng phừng cùng chúng ta, vì tổ phụ chúng ta đã không nghe theo các lời của sách nầy, và không làm theo điều đã truyền phán cho chúng ta.” (2 Các Vua 22:13b)

Hãy tưởng tượng. Trong khoảng thời gian hơn 50 năm, dân Y-sơ-ra-ên thờ phượng Chúa và cố vâng giữ lời Ngài, nhưng cũng cùng một lúc, họ thờ lạy các thần tượng bằng vàng, bằng bạc của dân ngoại bang. Không chỉ vậy, họ còn làm điều kinh khủng đó ngay trong đền thờ của Đức Chúa Trời. Và những lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ đã làm ngơ và cho phép dân sự tiếp tục lấn sâu vào sự đồi bại. Khi đang trong tình trạng tuyệt vọng, thay vì tìm kiếm một Đức Chúa Trời hằng sống, họ lại tìm kiếm đồng bóng và bói toán. Họ hiến tế con mình cho các thần dữ. Tình trạng vô luân này có thể thấy mọi nơi trong vòng dân Chúa. Trong tình cảnh như vậy, sự phán xét của Đức Chúa Trời đang lơ lửng trên đầu họ.

Đó là những mô tả về tình cảnh của vương quốc miền Nam Giu-đa (sau cuộc ly khai của 10 bộ tộc phương Bắc tách ra lập làm nước Y-sơ-ra-ên). Đây là thời kỳ trước khi Giu-đa bị chinh phục bởi đế quốc Ba-by-lôn, và Ba-by-lôn như là một phương tiện Chúa dùng để trừng phạt tội lỗi của họ. Lúc ấy, A-môn, một vị vua gian ác của Giu-đa, đã bị giết, và con trai ông, Giô-si-a, bắt đầu trị vì đất nước khi còn rất nhỏ tuổi. Điều đáng ngạc nhiên khi Giô-si-a là một vị vua kính sợ Đức Chúa Trời—và vị vua trẻ này hầu việc Ngài cách nhiệt thành khi chỉ mới 16 tuổi; ông sống kính sợ Ngài đến mức khi 20 tuổi, ông đã ra lệnh kêu gọi dân sự thanh tẩy đất nước mình khỏi các thần tượng. Ông đã hành động để chống lại tình trạng tội lỗi của dân sự, và điều đó bắt đầu thay đổi cả quốc gia của ông.

Chẳng bao lâu sau, Giô-si-a lãnh đạo dân sự bắt đầu sửa sang đền thờ để dân sự có nơi thờ phượng Chúa nghiêm chỉnh hơn. Cũng trong khoảng thời gian đó, ông đã tìm lại được cuốn sách Luật pháp, là lời của Đức Giê-hô-va lúc bấy giờ. Khi Giô-si-a đọc Lời Chúa, vua đã nhận ra sự vi phạm và bất tuân của dân sự đối với Chúa lớn như thế nào. Điều đó làm tan vỡ tấm lòng của ông, ông đã xé áo mình trong sự đau buồn và ăn năn. Sau đó, vua Giô-si-a nhóm họp dân sự lại để tái lập giao ước với Chúa và cam kết trong sự vâng lời Ngài.

Lẽ ra sự phán xét vẫn sẽ đến vì những tội lỗi dân sự đã phạm, nhưng khi Giô-si-a chọn đương đầu với tội lỗi và vâng theo Chúa trong sự ăn năn khiêm nhường, điều đó đã đem đến sự thay đổi không chỉ cho chính ông mà toàn cả đất nước. Kinh Thánh cho chúng ta biết Đức Giê-hô-va đã đáp lời Giô-si-a như sau:

“Khi con nghe lời Ta phán nghịch cùng chỗ nầy và nghịch cùng dân cư nó rằng chỗ nầy sẽ trở nên hoang vu, dân cư bị nguyền rủa, thì con có lòng mềm mại, hạ mình xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, xé áo mình và khóc lóc trước mặt Ta. Vì vậy, Ta đã nghe lời cầu nguyện của con. Nầy, Ta sẽ cho con sum họp với các tổ phụ, và con sẽ được an táng nơi phần mộ trong sự bình an. Mắt con sẽ chẳng thấy những điều tai họa mà Ta sắp giáng xuống nơi nầy.” (2 Các Vua 22:19-20)

Trong suốt 30 năm sống trên đất của vua Giô-si-a, tay của Đức Giê-hô-va ngưng hành hại trên dân sự. Lòng thương xót của Chúa đã đoái đến dân sự vì cớ có một vị vua đã chọn bước đi cách khiêm nhường và đầu phục với đường lối của Ngài. Cũng như thế, ngày nay, các quốc gia dần đi xa khỏi của Chúa, và sự phán xét đang đến gần. Nhưng chúng ta luôn có niềm hy vọng khi biết Chúa vẫn đang ngự trị trên ngai; mỗi buổi sáng, lòng thương xót của Chúa tươi mới luôn. Và lòng thương xót ấy đoái đến dù chỉ là một người, hãy để lòng thương xót ấy đoái đến cuộc đời bạn.

Đã bao giờ bạn được Chúa rèn tập tính khiêm nhường của mình, và bạn đã “đá vào mũi ngọn” giống như sứ đồ Phao-lô đã từng? (Công vụ 26:14). Bạn có hạ mình xuống trước Chúa khi biết số phận đất nước mình nằm trong tay Ngài không? Bạn có sẵn sàng tái kết ước và dâng chính mình cho Chúa để được được phục hoà trong mối quan hệ với Ngài không? Bạn có thật sự muốn kinh nghiệm sự thành tín của Chúa qua lời hứa trong lời Ngài không?

Luôn có một niềm hy vọng cho mỗi quốc gia, nhưng tất cả phải được khởi sự bằng sự ăn năn.
Thân mời chúng ta cùng cầu nguyện
Chúa ôi, đôi lúc chúng con ghì mài trong tội lỗi của chính mình và chậm trễ trong sự ăn năn. Xin Chúa giúp sức để chúng con biết ăn năn với Ngài, từ bỏ những thói hư xấu khiến chúng con chậm bước trong cuộc đua này. Nguyện Chúa giúp đời sống chúng con là nguồn phước cho những người xung quanh chúng con và đất nước chúng con. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.

Quý thính giả thân mến, khi đọc Lời Chúa, bạn có khóc lóc đau buồn cho chính mình bản thân mình cũng như cho những người xung quanh như vua Giô-si-a đã khóc cho dân sự ngày xưa không? Nguyện Đức Thánh Linh giúp cho những sự đau buồn đó biến thành sự ăn năn thật, hầu đem lại phục hồi cho chính tấm lòng bạn cũng như cộng đồng của bạn. Hãy ước ao để kinh nghiệm sự đổi mới trong tấm lòng khi bạn biết ăn năn và đầu phục Lời Chúa hoàn toàn.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.


Posted

in

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *