TĨNH NGUYỆN HẰNG NGÀY 31/05: CHỊU KHỔ CÙNG CHÚA CỨU THẾ

Vd: Đoạn KT, Câu gốc, Trích dẫn..

Kinh Thánh: Giăng 15:20a
“Hãy nhớ lời ta đã nói cùng các ngươi: Đầy tớ chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt bớ ta, ắt cũng bắt bớ các ngươi.”


CHỊU KHỔ CÙNG CHÚA CỨU THẾ

Phân Đoạn Kinh Thánh Nền Tảng: Công Vụ 21:27-22:2:
“Khi bảy ngày gần trọn, thì các người Giu-đa, quê A-si, thấy Phao-lô trong đền thờ, bèn xui cả đoàn dân dấy loạn, rồi bắt người, mà kêu lên rằng: Hỡi các người Y-sơ-ra-ên, hãy đến giúp với! Kìa, người nầy giảng dạy khắp thiên hạ, nghịch cùng dân, nghịch cùng luật pháp, và nghịch cùng chốn nầy nữa, đến đỗi hắn dẫn người Gờ-réc vào trong đền thờ, và làm cho nơi thánh nầy bị ô uế. Số là, chúng trước đã thấy Trô-phim, người Ê-phê-sô, ở với Phao-lô tại trong thành phố, nên ngờ rằng Phao-lô đã dẫn người vào đền thờ.(h) Cả thành đều xôn xao, dân chúng chạy nhóm lại đoàn đông, bắt Phao-lô, kéo ra khỏi đền thờ, tức thì các cửa đều đóng lại. Chúng đương tìm phương giết người, thì tiếng đồn đến quan quản cơ rằng cả thành Giê-ru-sa-lem đều xôn xao. Người lập tức bắt quân lính và cai đội kéo đến nơi chúng. Vừa thấy quản cơ và quân lính thì chúng thôi, không đánh Phao-lô nữa. Quản cơ bèn tới gần, bắt người rồi truyền lấy hai cái xích xích lại; đoạn, hỏi người là ai, và đã làm việc gì. Trong đoàn dân, kẻ reo lên thể nầy, người la lên thể khác; nhân sự rối loạn, người không biết được chắc, nên dạy điệu về đồn. Lúc Phao-lô bước lên thềm, quân lính phải khiêng người đi, bởi cớ đoàn dân hung bạo lắm. Vì có đám dân theo sau đông mà kêu rằng: Hãy giết đi! Lúc Phao-lô vào đồn, thì nói với quản cơ rằng: Tôi có phép nói với ông đôi điều chăng? Quản cơ trả lời rằng: Ngươi biết nói tiếng Gờ-réc sao? Vậy thì ngươi hẳn chẳng phải là người Ê-díp-tô kia, ngày trước đã gây loạn, kéo bốn ngàn kẻ cướp vào nơi đồng vắng hay sao? Phao-lô trả lời rằng: Tôi là người Giu-đa, vốn ở thành Tạt-sơ, công dân của một thành trong xứ Si-li-si tức là thành có danh tiếng; xin hãy cho phép tôi nói với chúng dân. Được phép rồi, Phao-lô đứng trên thềm, giơ tay ra dấu cho dân. Đâu đó yên lặng, người bèn nói tiếng Hê-bơ-rơ mà rằng: Hỡi các anh các cha, hãy nghe điều tôi đương nói với để binh vực mình. Khi chúng nghe người nói tiếng Hê-bơ-rơ, thì càng chăm chỉ bội phần.”


Thời gian giữ lời khấn nguyện cùng bốn người anh em sắp kết thúc, thì những người Do Thái quê A-si (Ê-phê-sô) thấy ông Trô-phim, người Hy Lạp ở Ê-phê-sô, nên nghi ngờ Sứ đồ Phao-lô dẫn ông Trô-phim vào Đền thờ. Sứ đồ Phao-lô am hiểu luật pháp, biết rõ khu vực nào người ngoại bang không được phép vào, chắc chắn ông không để ông Trô-phim vào trong Đền thờ được. Tuy nhiên, họ vẫn xách động dân chúng bắt Sứ đồ Phao-lô. Họ vu cáo ông giảng dạy chống nghịch dân tộc, luật pháp và Đền thờ (câu 27-28). Trong khi đó, Sứ đồ Phao-lô đã yêu thương người Do Thái hết lòng, tận dụng mọi cơ hội để truyền giảng Phúc Âm, giúp họ nhận biết ý nghĩa thật của luật pháp. Ông vui lòng giữ luật khấn nguyện của người Na-xi-rê theo lời khuyên của các trưởng lão để an lòng anh em Do Thái, dù ông biết những việc ấy không có ý nghĩa gì khi đã hưởng nhận sự cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Mặc dù những lời cáo buộc ông không có cơ sở nhưng đám đông đã hung hăng, bắt và kéo ông ra khỏi Đền thờ để giết. Nhiều người thậm chí không biết Sứ đồ Phao-lô là người Do Thái, đến khi ông nói bằng tiếng Hê-bê-rơ thì họ ngạc nhiên và chú ý lắng nghe (câu 2). Đám đông mù lòa thuộc linh hùa theo lời xách động mà không hiểu rõ họ đang làm gì. Trong lúc thập tử nhất sinh, sự can thiệp kịp thời của quan quản cơ đã giữ lấy mạng sống của Sứ đồ Phao-lô. Ông này hiểu lầm Sứ đồ Phao-lô là người đã cầm đầu bốn ngàn người nổi loạn ở Giê-ru-sa-lem trước đây nên đã trói ông bằng hai dây xích và giải về đồn (câu 33-38). Dù vậy, viên quản cơ này là người đầu tiên lắng nghe Sứ đồ Phao-lô nói và nhận ra ông là người có học thức, có thể tin cậy. Ông tạo điều kiện cho Sứ đồ Phao-lô có cơ hội để biện hộ trong khi đám đông hung bạo, giận dữ kéo theo và hét lớn “Hãy giết nó đi!”

Hình ảnh này gợi cho chúng ta nhớ sự khổ nạn của Chúa Cứu Thế Giê-xu trong phiên tòa của Tổng đốc Phi-lát. Ngài là Đấng Mê-si-a đến giữa vòng tuyển dân nhưng họ đã không nhận ra Ngài. Họ chối bỏ, chống đối, vu oan và ép Ngài vào con đường thập giá. Thật đầy tớ không hơn chủ như Lời Chúa Giê-xu đã phán dạy! Bạn đang chịu bắt bớ vì Phúc Âm, hay bạn biết lắng nghe để hiểu người khác, hay bạn là một người trong đám đông đang giận dữ thét gào? Bạn có sẵn sàng chịu khổ vì Phúc Âm không?

Cầu Nguyện: Lạy Chúa, xin Ngài cho con biết lắng nghe để hiểu người khác, can đảm đối diện với sự bắt bớ của thế gian, và ban cho con sự khôn ngoan bước đi trung tín với Ngài đến giây phút cuối cùng. Amen.

Lời kết, tổng hợp, lời cầu nguyện.


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *