PTV: Thiên Trường
_____
BÌNH MINH RỒI CŨNG ĐẾN
Khi tiếng chuông nhà thờ vang lên thì cũng là lúc nó nhanh chân đến quán cà phê. Ba nó là truyền đạo của một nhà thờ Tin Lành trong tỉnh Bình Định, thế nhưng nó chỉ có mặt ở nhà thờ mỗi năm có một lần, đó là thời điểm mà Hội Thánh tổ chức lễ Giáng sinh. Vì vậy mọi người gọi nó là tín đồ Nô-ên.
Nó ngồi đó trong một quán cà phê quen thuộc với đám bạn “nối khố” sống chết có nhau. Nhóm bạn của nó đánh cờ tướng, tán gẫu đủ mọi chuyện trong khi chủ quán mở dàn máy âm thanh với những bản tình ca thịnh hành của những năm 1980.
Cuộc sống của nó không khác gì cả so với những bạn bè bên ngoài nhà thờ. Bạn bè chơi gì nó chơi nấy. Bạn bè tới bến nó cũng tới bến luôn. Vậy là bó tay rồi! Cuộc đời nó xem như không còn thuốc chữa. Ba mẹ nó chỉ biết khóc trong sự cầu nguyện. Mọi lời khuyên đối với nó chỉ là đàn gảy tai trâu, nước đổ đầu vịt không có tác dụng gì. Mẹ nó vô cùng lo lắng cho tương lai của nó. Bà quyết định giới thiệu nó cho một người bà con có thế lực ở cao nguyên để tìm kiếm sự giúp đỡ. Dưới sự bảo trợ của người này nó được vào học tập ở Sở Thể Dục Thể Thao Lâm Đồng để trở thành cầu thủ dự bị cho đội bóng đá của tỉnh. Ba mẹ nó hy vọng trong môi trường mới này nó sẽ dành thì giờ rèn luyện thể lực và tập đá bóng. Biết đâu nhờ vậy nó sẽ giảm đi những thói hư tật xấu với đám bạn vô công rỗi nghề bên ngoài.
Cuộc sống không đơn giản như ba mẹ nó nghĩ. Từ một thiếu niên được huấn luyện, chuẩn bị trở thành cầu thủ dự bị, nó đã trở nên cầu thủ chính thức đá ở vị trí hậu vệ biên sau hai năm tham gia đội tuyển. Nó được mọi người trong đội bóng gọi là “Hùng Máy Ủi” vì có khả năng làm chiếc máy ủi cày nát hàng phòng vệ đối phương. Bây giờ nó trở nên nổi tiếng với tiền bạc lúc nào cũng rủng rỉnh trong túi quần, ăn xài nhiều hơn trước vì đồng lương của một cầu thủ bóng đá như nó cũng khá hậu hĩnh.
Thỉnh thoảng nó trở về thăm gia đình trong cương vị của một thanh niên có vẻ như thành đạt. Nó là anh cả của năm đứa em, đứa út được gọi là bé Thùy Duyên chỉ mới sáu tuổi. Những lúc như vậy nó dẫn hết đám em của nó đi ăn bún cá Qui Nhơn rồi còn mua quà cho chúng nữa. Kể ra nó cũng là một người anh cả yêu thương các em của mình. Ba mẹ nhìn nó vừa mừng vừa lo, vì không biết được là linh hồn thằng này sẽ về đâu bởi vì từ khi vào đội tuyển bóng đá nó không hề đến nhà thờ.
Hùng Máy Ủi có một triết lý sống khá hiện sinh: Sống là phải hưởng thụ. Người ta biết gì thì nó phải biết nấy. Nó không muốn bị người khác coi thường là một thanh niên không biết ăn chơi. Đối với nó Tin Lành chỉ là một tôn giáo, như bao tôn giáo khác, không có gì đặc biệt. Mặc dù ba nó là truyền đạo, nhưng nó không cảm nhận được gì cả về con đường của ba mẹ nó đi. Thực ra nó cũng không được dạy dỗ nhiều từ gia đình, và những hấp dẫn của cuộc sống bên ngoài đã lôi kéo nó sống buông thả, tự do như bao thanh thiếu niên khác không có niềm tin vào một Thiên Chúa vĩnh hằng.
Những năm 1980 là quãng thời gian khó khăn cho nhiều người. Các Mục sư, Truyền đạo vừa lo công việc Hội Thánh vừa lo kinh tế gia đình. Các Hội Thánh nhỏ lúc bấy giờ không đủ sức cấp dưỡng cho các Mục sư quản nhiệm. Ngay cả Mục sư phụ trách nhà thờ chính của thị xã Qui Nhơn cũng phải làm thêm nhiều việc bên ngoài để có thể tồn tại. Ba nó là Truyền đạo, thư ký của Hội Thánh Qui Nhơn đồng thời cũng là một thợ may. Mẹ nó bán từng ly kem ở một góc phố kiếm tiền nuôi các em nó tới trường. Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, nhưng cầu thủ Hùng có một cuộc sống với thu nhập khá lý tưởng. Nó có quyền hãnh diện với mọi người về chỗ đứng của nó trong xã hội. Với quần Jean, áo T-shirt, giày thể thao trông nó thật điển trai, dễ dàng lọt vào tầm nhìn của các em ngoài phố. Cuộc sống bên ngoài của một cầu thủ thì không ai có thể kiểm soát được. Hùng là một cánh chim tự do bay lên trên bầu trời xanh với những tham vọng vô hạn của tuổi trẻ, nó hoàn toàn buông thả linh hồn của mình trôi theo chiều gió.
Vào một ngày cuối năm, nó được nghỉ phép, về nhà chuẩn bị ăn Tết với gia đình. Hôm ấy ba của Hùng có dịp nói nói chuyện riêng với nó:
-Hùng nè, năm nay con đã hai mươi lăm tuổi. Con nên nghĩ đến chuyện trở về với nhà Chúa và tính đến chuyện lập gia đình. Cuộc đời cầu thủ của con rồi sẽ chấm dứt khi tuổi càng ngày càng lớn.
-Ba nói vậy cũng được, có lẽ con nên tìm một cô gái nào đó trong nhà thờ. Bạn gái của con bên ngoài cũng có, nhưng tất cả giống như khách qua đường mà thôi.
-Dĩ nhiên là con trai của ba, con không thể lấy vợ bên ngoài được. Ba sẽ tìm cho con một cô gái xinh đẹp trong nhà thờ.
Hai năm sau đó Hùng Máy Ủi ra khỏi đội tuyển bóng đá vì tuổi đã lớn so với tiêu chuẩn hiện thời, và một phần phong độ của nó đã giảm sút nhanh chóng do rượu chè bên ngoài. Nó trở về nhà, nhanh chóng kết hôn với Tiểu Mai, một nữ thanh niên xinh đẹp có một giọng hát khá hay của Hội Thánh Sông Cầu từ sự giới thiệu của một người quen trong Hội Thánh. Tiểu Mai không “kén cá chọn canh”, nhìn thấy Hùng cũng khá điển trai lại là con của một thầy truyền đạo nên đồng ý lấy nó. Hôn lễ của cặp đôi này được tổ chức đúng bài bản trong nhà thờ. Nhưng sau ngày cưới, Hùng cũng chỉ là tín đồ Nô-ên. Chuyện này không có gì lạ mặc dù nhiều năm trước đó nó được làm báp-tem một cách hình thức khi ở tuổi mười lăm.
Hùng bắt đầu cuộc sống gia đình bằng nghề đạp xích lô. Ba nó phân trần với mọi người:
-Lãnh đạo của đội tuyển không chấp nhận tính cách ăn chơi, rượu chè của nó, nên khi ra khỏi đội tuyển nó bắt buộc phải trở về nhà. Giá như mà nó là một cầu thủ đàng hoàng, thì khi hết ra sân cũng có thể được giữ lại trong Sở thể thao để học làm trọng tài biên hoặc trở thành một viên chức nào đó của Sở. Thôi thì bây giờ chấp nhận đạp xích lô để nuôi sống bản thân và vợ con.
Vậy là thời vàng son của nó đã đi qua. Hùng Máy Ủi oai hùng, phong lưu ngày xưa trở thành Hùng Xích Lô. Sau một ngày đạp xe vất vả, người ta thấy nó trở về nhà chếnh choáng hơi men. Tiểu Mai rất xấu hổ vì chồng của mình như vậy. Những cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng tăng dần theo năm tháng. Vào một buổi sáng kia, trước khi chồng mình đẩy chiếc xích lô ra khỏi nhà, Tiểu Mai nói với Hùng:
-Nè anh, chúng mình đã có con nhỏ, nếu anh tiếp tục uống rượu như thế sẽ làm gương xấu cho con sau này.
Hùng chống chế:
-Ừ, biết rồi, anh sẽ cố gắng.
Vào thời điểm này Hùng và Tiểu Mai đã có đứa con đầu lòng bốn tuổi được gọi là bé Thảo. Bé được lớn lên trong bầu không khí gia đình không êm ả và nó dường như nhạy cảm với những xung đột của ba và mẹ nó. Dù rất thương ba nhưng nó không thích lại gần ba nó với mùi rượu nồng nặc mỗi khi chiều về.
Lời nói của Hùng thường không đi đôi với việc làm, Tiểu Mai thừa biết là chồng mình chỉ nói cho qua chuyện thế thôi. Còn Hùng thì nói mà thực ra không biết là mình nói gì. Ma men đã đi sâu vào lòng của nó, tự bản thân nó không cách gì gỡ bỏ được. Thực ra Hùng bắt đầu uống rượu từ năm mười sáu tuổi. Thời kỳ đầu nó chỉ uống vài ly sương sương, rồi sau đó thì liều lượng nâng cấp dần theo năm tháng. Đến bây giờ vào tuổi ba mươi chín, chiều nào nó và hai đệ tử lưu linh khác cũng lai rai hết một lít rượu trắng. “Nam vô tửu như kỳ vô phong” là câu nói nằm trên cửa miệng của chúng nó. Đời sống chóng qua, đâu có ai biết được việc ngày mai, thôi thì mượn ly rượu tìm vui. Vui cũng uống, buồn cũng uống, không vui không buồn cũng làm vài ly, còn sống ngày nào là còn uống ngày ấy. Có thể nhịn ăn cơm nhưng không thể nhịn uống rượu. Có thể bỏ vợ con qua một bên nhưng không thể nào bỏ nàng ma men hấp dẫn đầy quyến rũ này. Hùng trở thành nô lệ cho ma men tự bao giờ! Bây giờ nó là Hùng Xích Lô, nó chỉ có một niềm vui còn lại: mỗi khi chiều về phải uống vài ly, bên cạnh là đĩa mồi cá nướng hoặc gọn hơn chỉ cần một trái xoài cũng có thể chén tạc chén thù với anh em bè bạn. Cuộc đời thế là mãn nguyện. Có chết đi cũng chẳng ân hận gì. Cái triết lý của nó chỉ có chừng đó.
Rồi cái ngày đen đủi nhất của nó cũng đến. Một buổi chiều kia sau khi ngồi ở một vỉa hè uống rượu với đám bạn bè, nó xây xẩm mặt mày, lăn đùng ra và được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Nó được khám bệnh tổng quát, làm các xét nghiệm, chiếu X quang. Các bác sĩ kết luận thằng này bị ung thư gan và lao phổi thời kỳ cuối.
Vậy là hết, nó được thông báo là chuẩn bị tâm lý để ra đi. Nhiều lắm là hai tháng nữa nó sẽ phải nói lời vĩnh biệt với mọi người.
Hùng bàng hoàng khi biết mình sắp chết. Da thịt nó trở nên vàng như nghệ. Cuộc đời nó sẽ kết thúc ở tuổi bốn mươi sao?
Ung thư gan và lao phổi thời kỳ cuối là một căn bệnh truyền nhiễm. Hùng phải cách ly với mọi người. Không ai dám lại gần nó kể cả vợ con. Tiểu Mai vô cùng đau khổ.
May mắn cho Hùng là vẫn còn có một vài người thương nó. Cậu mợ nó là những người hầu việc Chúa biết được bệnh tình của nó nên vội vàng tới thăm:
-Hùng à, cậu mợ thấy rằng con nên quay về với Chúa. Dù con tội lỗi cỡ nào Chúa cũng tha thứ.
-Cám ơn cậu mợ, con sẽ chết trong vòng vài tháng nữa. Con muốn được trở về với Chúa, con cũng hy vọng Chúa sẽ tha thứ cho con.
Cậu mợ của Hùng hướng dẫn nó cầu nguyện tiếp nhận Chúa trở lại. Nó quì xuống ngay trên sàn nhà đơn sơ dâng lời cầu nguyện:
Lạy Đức Chúa Trời hằng sống là Cha thương xót nhân từ. Xin Cha tiếp nhận con trở về sau bao nhiêu năm con đã chìm sâu trong vũng bùn lấm của tội lỗi. Xin tha tội cho con và nhận con làm con của Ngài. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.
Nó bắt đầu đi nhà thờ. Mọi người dành riêng cho nó một cái ghế biệt lập cuối phòng nhóm. Cả Hội Thánh nhìn nó thương hại, nhưng không ai dám lại gần vì sợ bị lây nhiễm bệnh từ nó.
Cha mẹ, gia đình và cả vợ con không ai dám đến gần, Hùng đành phải đến nhà thờ tá túc để chờ đợi ngày ra đi về cõi vĩnh hằng. Một thằng bạn thân trước đây trong nhà thờ cho nó một tấm chiếu, một cái mền và một cái gối, nhờ vậy nó ngủ qua đêm trong một hành lang khuất của giáo đường. Anh chị em tín hữu thương tình cho nó thức ăn, một ít tiền tiêu vặt rồi nhìn nó thở dài ngao ngán.
Cũng có người nêu vấn đề cầu nguyện cho bệnh tình của nó. Nhưng không may mắn cho Hùng, sau khi được anh em trong Hội Thánh cầu nguyện, hoàn cảnh của nó vẫn y nguyên. Có người nói rằng với thằng này thì Chúa cũng đành thúc thủ. Thực ra sự chữa lành là một huyền nhiệm. Kathryn Kuhlman, tác giả quyển “Thượng Đế Còn Làm Phép Lạ” cũng không biết tại sao một thiểu số người nào đó vẫn không thể nhận được sự chữa lành trong các chiến dịch truyền giảng của bà.
Đúng hai tháng sau kể từ ngày được chẩn đoán bệnh nó yếu dần đi, hơi thở chỉ còn thoi thóp. Cái chết đã cận kề.
Tiểu Mai và đứa con nhỏ lại gần nó trong giờ phút lâm chung. Hùng chỉ còn da bọc xương nằm đó, đôi mắt mở ra yếu ớt, hai tay chắp trước ngực và lí nhí dâng lời cầu nguyện.
Tiểu Mai không cầm được nước mắt. Bé Thảo bỗng khóc òa.
Hùng thở hắt ra một hơi cuối cùng rồi đầu nó lệch sang một bên.
Tiểu Mai đưa đôi tay run run vuốt mắt cho chồng.
Cuối Đông ngoài trời mưa phùn se lạnh.
Một bông hoa tàn tạ đến cuối đời được dâng về cho Chúa.
Bình minh cứu rỗi rồi cũng đến trên cuộc đời nó. Nhưng sau khi tiếp nhận Chúa thì cũng là lúc đời sống trên đất của nó đã hoàng hôn. Dù sao thì muộn cũng còn hơn không.
Sau một năm kể từ ngày Hùng ra đi, Tiểu Mai dẫn bé Thảo đến thăm mộ phần của chồng tại nghĩa trang Qui Nhơn và đặt lên đó một bó hoa. Bé Thảo bỗng dưng hỏi mẹ:
-Mẹ ơi giờ này ba đang ở đâu?
Tiểu Mai ngạc nhiên trước câu hỏi và trả lời ngập ngừng:
-Ba con đang ở trong một nơi gọi là Vườn Yên Nghỉ với Chúa.
-Mẹ ơi, trước lúc đi về Vườn Yên Nghỉ con có nghe ba cầu nguyện.
-Con nghe như thế nào?
-Ba cầu nguyện là: Lạy Đức Chúa Trời xin thương xót lấy con, vì con là kẻ có tội.
Tiểu Mai nhìn lên những đám mây bay lơ lửng trên bầu trời xanh. Một thoáng thẫn thờ!
Hai mẹ con trở về trong yên lặng. Tự dưng đôi mắt bé Thảo ươn ướt.
DAVID LINH ÂN
Leave a Reply