Truyện Kể Cuối Tuần: Điều Ước Cuối Cùng Của Mẹ

    PTV: Thiên Trường

    ĐIỀU ƯỚC CUỐI CÙNG CỦA MẸ

    Tiếng chó sủa, tiếng la hét, tiếng bước chân xầm xập men theo con đường quê, xuyên qua những vườn điều vừa thay lá, hướng thẳng về phía nhà bà Bảy Được.
    – Thằng Thọ đâu bước ra đây? Mày liệu hồn với tao!  Mày có ngon thì cứ trốn, ở cái đất Tân Canh này mày nghĩ liệu có sống nổi với tao không?
    – Bảy xin lỗi mấy con, thằng Thọ nó trẻ người non dạ, có lỗi lầm gì thì mấy con bỏ qua cho nó. Giọng bà Bảy run run, thều thào, chạy ra van xin đám thanh niên làng bên cho con trai mình, không quên dúi 100 ngàn vào túi áo thằng Nhân, người mà trên tay đang cầm dùi cui đứng ngay trước cửa.
    – Nếu thằng Thọ lỡ phạm lỗi gì thì mấy con bỏ qua cho nó. Có gì Bảy bồi thường cho mấy đứa. Bảy xin mấy đứa tha cho thằng Thọ con đường sống, nhà Bảy chỉ có mình nó thôi.
    Thấy bà Bảy khóc lóc, năn nỉ ỉ ôi, lại nhận được 100 ngàn xem như bồi thường cho mấy cú đấm của Thọ vào mặt Đức, em của Nhân nên hắn cũng nguôi ngoai. Nhân đứng một lúc, tiếp tục chửi đổng, hù dọa vài câu rồi kéo đám thanh niên ra về. Trong căn nhà ván, cửa vẫn đóng kín mít. Thọ không dám hé nửa lời cho đến khi bọn người hung hăng về hết.
    – Má đưa tiền cho chúng chi vậy. Má đi làm mướn mỗi ngày kiếm được có 10 ngàn. Xem như mất toi mười ngày công rồi. Đang bệnh tật liên miên, tiền thuốc than không có, vậy mà… – Thọ nói với vẻ bực bực, tủi tủi, phần thì biết lỗi do mình, phần thì cũng tiếc một số tiền khá lớn đã không cánh mà bay.
    Bà Bảy lặng im không nói gì, làm ra vẻ bình thản rồi đi thẳng vào buồng trong. Ông Được giờ này vẫn chưa về, chắc còn say xỉn ở góc xóm nào đó. Chuyện ông chồng quá chén rồi ngủ quên tại nhà người khác, thậm chí ngủ dọc đường không còn xa lạ với bà Bảy, riết rồi trở nên bình thường. Vừa kéo tấm vải che trước cửa, bà rưng rưng nước mắt rồi quỳ gối bên chiếc giường quen thuộc, thì thầm với Chúa. Hằng đêm nước mắt bà vẫn tuôn trào và không dứt lời cầu thay cho người chồng say xỉn, cho đứa con ăn chơi của mình. Bà dầm thấm nước mắt trong lời cầu nguyện một mình, xin Chúa đoái thương gia đình của bà.
    Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Quảng Nam, cái nôi của đạo Tin Lành. Từ nhỏ bà được lớn lên trong môi trường thuộc linh và là người yêu kính Chúa. Cuộc sống dầu có khó khăn nhưng đức tin bà vẫn đứng vững và lớn dần theo thời gian. Tuy nhiên thời buổi chiến tranh loạn lạc, những ngày bình yên chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Những thanh niên trong nhà thờ đồng trang lứa với bà theo năm tháng mỗi người một phương để chạy giặc. Bà lập gia đình với ông Được, cũng là một thanh niên đạo dòng ở làng bên.
    Đầu năm 1973, tình hình chiến sự ở đất nước ngày càng khốc liệt. Quân Cách mạng đã chiếm được nhiều cứ điểm quan trọng của Quốc gia. Tiếng bom mìn, tiếng súng đạn cứ xối xả liên hồi. Sau khi hiệp định Paris được ký kết, quân đội Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam. Nghe đâu thông tin đất nước lại tiếp tục chia cắt giống như thời kỳ năm 1954, và vùng đất miền trung Việt Nam sẽ do Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam kiểm soát, nhiều người cứ nhốn nháo cả lên.
    Lúc bấy giờ Tổng Liên Hội có chính sách di dời những gia đình tín hữu tại miền Trung vào các tỉnh phía Nam mà chính quyền Sài Gòn còn đang kiểm soát để giúp họ ổn định tình hình, an cư lạc nghiệp. Gia đình bà Bảy cũng theo đoàn người di dân với hy vọng tìm được nơi chốn yên bình để sống, để làm ăn và để tiếp tục trong sự thờ phượng Chúa. Lúc bấy giờ, Thọ chỉ mới vài tuổi.
    Từ vùng đất định cư Tin lành ấy, nhóm người di dân số thì ở lại, phần lại tiếp tục rời đi. Theo năm tháng, gia đình bà Bảy cũng chuyển đến một nơi ở mới còn khá hoang sơ, chỉ có vài gia đình tín hữu, cách nhà thờ gần ba chục cây số.
    Cuộc sống dần đi vào ổn định thì cũng là lúc mà bà Bảy phải đối diện với nan đề trong chính gia đình mình. Ông Được – chồng bà tối ngày say xỉn cùng đám bợm nhậu trong xóm. Lúc đầu chỉ vài ly cho vui, dần dần các buổi tối ông cứ về khuya, có hôm vừa về đến nhà là nôn mửa, có hôm thì say quá cũng không thèm về nhà.
    Thằng Thọ thấy ông Được như thế thì càng thêm nghịch ngợm, ăn chơi. Dầu rất thương mẹ nhưng phần thì bực ba, phần thì đang ở độ tuổi đôi mươi, muốn tự thể hiện mình, không ít lần Thọ gây gổ, đánh nhau bị người khác mắng vốn. Dáng người cứng rắn, lực lưỡng, tóc để dài tới vai, trông Thọ như côn đồ thứ thiệt.
    Vì chỗ ở quá xa nhà thờ, các gia đình tín hữu cứ tới chủ nhật đều tập trung về nhà cụ Thơ, một bậc thâm niên trong xóm, cũng là một người yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng hai tháng một lần, mọi người mới đèo nhau trên những chiếc xe đạp cũ kỹ mà không phải gia đình nào cũng có để đến nhà thờ. Riêng Thọ thì trong năm chắc đến nhà thờ được hai lần, vào dịp Giáng Sinh và Phục Sinh vì phải chở Bà Bảy đi, phần thì không thể không đi vì sợ bà Bảy buồn lòng. Nhưng đối với Thọ, nhà thờ chỉ là nơi bám víu cho những tấm lòng nhẹ dạ. “Nếu Chúa có thật thì phải thấy rằng má mình yêu Chúa thể nào. Vậy tại sao Ngài còn để gia đình mình cực khổ, để cho cha mình say xỉn khó ưa đến thế” – trong đầu Thọ luôn hiện lên những suy tư đó.
    Chờ đến nửa khuya mà ông Được vẫn chưa về, Thọ khóa trái cửa. Cởi phăng cái áo sơ mi trắng đã nhuốm màu nâu sờn của mồ hôi và cát bụi, Thọ ngã lưng trên chiếc phản ở giữa nhà. Trằn trọc, bâng khuâng, không tài nào ngủ được. Làn khói từ chiếc đèn dầu cũ kỹ cứ hắt lên trần nhà như chất thêm lên từng lớp mồ hóng dày đặc, đen sì như cái tương lai mịt mù của Thọ. Đêm khuya thanh vắng, đứng gió, Thọ nghe rõ từng tiếng nấc, tiếng thì thầm của mẹ mình. Dầu quá quen thuộc với hình ảnh bà Bảy hằng đêm quỳ gối cầu nguyện, nhưng tối hôm nay đối với Thọ có cái gì đó khang khác. Thọ nhớ lại những ngày tháng gia đình lặn lội từ miền Trung vào Nam với hy vọng sẽ đến được “miền đất hứa”. Những kỷ niệm tuổi thơ ùa về làm Thọ chạnh lòng. Không biết từ khi nào, việc đến nhà cụ Thơ nhóm lại mỗi Chúa nhật đã trở nên xa lạ với Thọ, chứ lúc thiếu niên, Thọ thuộc dạng sốt sắng, năm nào cũng đạt phần thưởng thi Kinh Thánh Giáng sinh cả. Từ khi chơi với đám bạn trong xóm, những ngày chủ nhật thay vì đi nhóm, đi học Kinh Thánh, cả bọn cùng rủ nhau tắm suối, hái trộm xoài của ông Hai. Mặc cho bà Bảy không ngớt lời khuyên can, nói có, la có nhưng Thọ dường như đang ngày càng cách xa dần.
    – Má đi nhóm thì má cứ đi đi, con không đi nữa đâu. Tụi con Hạnh, con Tâm, thằng Thắng…nó có đi nhóm đâu, mà cũng sống bình thường thôi. Trong làng này có mấy người tin Chúa đâu, chẳng lẽ tất cả đều đi địa ngục hết hả? – Thọ lý sự với mẹ.
    – Thọ à, Chúa có chương trình cho con, cho mọi người. Chúa không muốn ai đi địa ngục hết, Chúa muốn ai cũng được cứu cả. Miễn là con phải tin Chúa. – bà Bảy cố giải thích với cậu con tuổi mới lớn, dầu biết rằng cố gắng của mình chỉ là vô ích.
    Thấm thoát mà đã bảy, tám năm. Từ thời điểm đó trở đi, tối nào mà Thọ về nhà khuya khuya đều nghe thấy những lời cầu nguyện dài đăng đẳng, lặp đi lặp lại một nội dung mà dầu bà Bảy chưa nói thì Thọ cũng biết bà xin gì: “Lạy Cha kính yêu của con. Con biết Chúa thương con mà cho con làm con của Chúa. Con cũng xin Chúa đoái thương gia đình con, cho chồng con bỏ rượu, cho con con hết chơi bời, cho hai người thân yêu nhất của con trở lại tin nhận Chúa để kinh nghiệm tình yêu và sự sống phước hạnh ở trong Ngài”.

    Vài tháng gần đây bà Bảy ốm yếu hẳn, cứ hay ho về đêm. Dầu Thọ cũng thường nhắc mẹ đi xuống tiệm thuốc Tây dưới chợ mua về uống nhưng tiếc tiền, bà Bảy lại thôi. Bởi thế nên giọng bà không còn vanh vảnh như xưa mà cứ thều thào, tiếng được tiếng mất, hòa lẫn trong tiếng ho lụ khụ giữa đêm. Tự dưng một cảm giác bất an ùa đến trong tâm trí Thọ, tim hắn đập thình thịch. Thọ chưa hề tưởng tượng rằng một mai nếu bà Bảy không còn ở bên, mình sẽ như thế nào. Hình ảnh một người mẹ tận tụy, tận tâm, tận tình đã hằn sâu trong đầu, tự dưng hôm nay đối với Thọ quý giá vô cùng.
    Kê chiếc gối sát vách, Thọ nâng lưng ngồi dậy, vừa suy tư, vừa nghe từng lời cầu nguyện của bà Bảy. Dầu nội dung không có gì khác, nhưng hôm nay bà cầu nguyện có vẻ mệt mỏi:
    – Chúa ơi, con biết cơ thể mình đau yếu, bệnh tật. Trong thân xác của loài người, con chấp nhận tất cả. Giờ này con không cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho con, nhưng xin Chúa hãy chữa lành cho Thọ, con của con. Nếu giờ này Chúa đem con về với Ngài, con không muốn rằng con được lên thiên đàng mà con con phải đi vào hỏa ngục hư mất đời đời. Nếu Chúa không can thiệp, con con sẽ chết mất Chúa ôi. – Bà Bảy vỡ òa trong tiếng khóc nức nở của lời cầu nguyện.
    Từng lời, từng chữ, Thọ nghe rõ mồn một. Tự dưng nước mắt của một gã thanh niên lực lưỡng lăn dài trên má. Hắn mệt nhoài rồi thiếp đi lúc nào không biết.
    ———–
    Tiếng gõ cửa bình bịch cộng với tiếng kêu inh ỏi của ông Được làm Thọ tỉnh giấc. Buổi sáng ở quê đến thật mau chóng. Mới sáu giờ mà mặt trời đã lên lưng chừng, ánh nắng chiếu rọi mọi ngóc ngách của xóm nghèo. Thọ mở cửa cho ông Được trong sự ngạc nhiên của cả hai cha con. Bởi lẽ bình thường giờ này bà Bảy phải loay hoay quét rác trước sân hay ở cái bếp bên hông nhà chuẩn bị cơm cho bữa sáng chứ đâu có chuyện cửa vẫn còn cài then. Trên bàn, chiếc đèn đã cạn dầu và cháy trụi phần tim. Cảm giác bất an đêm qua ùa về. Thọ nhanh chóng mở cửa buồng mẹ. Trên chiếc giường gỗ cũ kỹ, bà Bảy nằm cách ngay ngắn, chiếc chăn đắp đến phân nửa người. “Má ơi, trời sáng rồi. Má còn mệt hay sao giờ này chưa dậy”. Bà Bảy vẫn không động tĩnh gì. Thọ cúi sát giường, cầm lấy tay người mẹ đã cứng đừ từ lúc nào không hay. Thọ giật bắn người rồi ngồi quỵ xuống giường, miệng không ngừng la to “Má ơi……”. Vậy là đêm qua sau lời thì thào cầu nguyện, bà Bảy đã được Chúa đưa về cùng Ngài.
    Nghe tiếng kêu của con, ông Được cũng chạy nhanh vào buồng. Nhìn vẻ mặt phúc hậu và thanh thản của bà Bảy khi nằm trên giường, không ai nghĩ rằng bà đã chết. Tang lễ của bà Bảy được tổ chức theo nghi thức Tin Lành. Thầy TĐ Dũng và những nhân sự ở Hội Thánh cách mấy chục cây số cũng hiệp với những tín hữu trong xóm, tổ chức lễ tang cho gia đình ông Được.
    Gần hai ngày từ lúc bà Bảy qua đời đến khi được chôn cất, Thọ không nói một lời nào. Trong đầu Thọ, lời cầu nguyện của mẹ như in vào tâm trí “Giờ này con không cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho con, nhưng xin Chúa hãy chữa lành cho Thọ, con của con.”. Bày Bảy ra đi không để lại tài sản nào gọi là quý báu. “Gia tài” mà bà cất giữ trong cái rương ở góc buồng gồm một quyển Kinh Thánh đã nâu sờn và chi chít những dòng gạch chân, hầu như trang nào cũng có. Ngoài những thứ lặt vặt khác, có một vật mà Thọ luôn cất giữ cẩn thận cho đến mãi về sau là một hộp đựng giấy, trong đó ghi đầy những “tâm sự” mà bà Bảy cầu xin Chúa. Và đương nhiên rằng, từng lời, từng chữ trong những tờ giấy đó đều không thiếu những lời cầu nguyện cho Thọ.
    “Chúa ôi, hôm nay Thọ lại về trễ, con sợ nó sẽ giống như ba nó. Con xin Chúa thương lấy Thọ, vì nó là cơ nghiệp của con. Con mong muốn rằng Thọ sẽ là người yêu mến Chúa và vực dậy vùng đất sỏi đá này cho Tin Lành của Ngài”…
    “Lạy Chúa, hôm nay con thấy cơ thể mình mệt nhọc, con đã ho ra máu. Con biết ngày mình về với Chúa đã gần rồi. Con mừng vì sắp được gặp Chúa nhưng con sẽ không vui cho đến khi Thọ, con con chưa gặp được Ngài cách riêng tư, chưa kinh nghiệm tình yêu và sự chữa lành của Ngài”….
    Trong nước mắt, hình ảnh bà Bảy – người mẹ già tần tảo, hết lòng vì chồng, vi con hiện lên rõ mồn một trong tâm trí Thọ. Lời bà Bảy cứ dằn vặt mãi khiến Thọ không tài nào yên giấc. 11h khuya, Thọ mở toang cửa, đạp xe đạp trên 30 cây số xuống nhà thầy Dũng, người hay đến thăm Điểm nhóm nhà cụ Thơ.
    – Thầy Dũng ơi, mở cửa, mở cửa.
    –  Ai đấy, hơn nửa khuya rồi, có việc gì không.
    –  Em, Thọ, con bà Bảy Được đây thầy Dũng. Thầy mở cửa, em có chút chuyện nhờ thầy.
    Sau khi cánh cửa mở ra, Thọ bước vào với một điều bộ khác hẳn cung cách trước giờ thầy Dũng từng thấy.
    – Thầy ơi, em muốn tin Chúa, thầy cầu nguyện cho em với.
    – Thật không! Có thật em đến nhà anh giờ này để cầu nguyện tin Chúa không?
    – Dạ, mấy ngày qua em không tài nào ngủ được. Em đã suy nghĩ rất nhiều về mẹ, về lời dạy của mẹ. Em nhớ về thời thơ ấu, về những bài học Kinh Thánh. Em biết Chúa vẫn yêu em và cho em cơ hội nên em muốn tin Chúa ngay.
    Thầy Dũng rưng rưng nước mắt. Điều ước của bà Bảy nay đã thành sự thật. Những lời cầu nguyện mà mỗi buổi nhóm bà và cả Hội thánh trình dâng lên cho Chúa đã được Ngài đáp lời. Không chần chừ gì thêm, thầy Dũng hướng dẫn Thọ quỳ gối cầu nguyện tiếp nhận Chúa. Dầu đã hơn nửa khuya nhưng với ấm trà trên bàn, cả hai cùng trò chuyện và tâm sự cho đến tận trời sáng. Đó cũng là lúc mà thầy Dũng chia sẻ với Thọ về khải tượng một Hội Thánh mới với ngôi nhà thờ khang trang được mọc lên tại đất Tân Canh để không chỉ làm nơi nhóm lại của con dân Ngài mà qua đó, Phúc Âm của Chúa sẽ được đồn ra khắp xứ.
    ……….
    Mảnh đất Tân Canh nói chung và gia đình Thọ sau 5 năm kể từ ngày tin Chúa đã khác xưa rất nhiều. Với bản tính siêng năng, cần cù và sáng tạo trong lao động, Thọ vừa làm quản lý cho một công ty chuyên trồng Thanh Long, vừa sở hữu hơn 3000 trụ với mức thu nhập đáng kể. Tiếng vang về một chàng thanh niên quậy phá trước đây nhường chỗ cho một con người, một gia đình rất mực đạo đức và thành đạt trong công việc. Thầy Dũng nay đã là Mục sư và được cử về quản nhiệm HT Tân Canh, nơi có nhà thờ mới được xây trên đất mà cụ Thơ dâng tặng. Thọ làm thư ký của Hội Thánh và là người hỗ trợ đắc lực của thầy Dũng. Hội Thánh nhóm lại hằng tuần mỗi sáng Chúa nhật được hơn trăm người.
    Trong giờ làm chứng, Thọ kể lại câu chuyện trong tuần qua khiến ai cũng bật cười:
    – Hồi đầu tuần vợ tôi đi chợ mua đồ nấu canh chua. Đến khi mua xong những thực phẩm cần thiết thì bà Tư mới cho bịch giấm.
    – Anh Thọ không ăn giấm, cảm ơn bác Tư nhé, để con lấy thứ khác.
    – Ủa, vậy là người Tin Lành cữ giấm hả?
    Kể đến đây, cả Hội Thánh cười khúc khích. Thọ tiếp lời “Tôi vui mừng khi nghe vợ kể lại như vậy, vì mọi người biết tôi là người thuộc về Chúa. Nhưng mà mọi người thấy đấy, người ngoại đang nhìn vào đời sống của Cơ Đốc nhân chúng ta đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Mỗi khi chúng ta làm gì, họ đều nghĩ rằng người tin theo Chúa thì phải như vậy. Thế nên từng cử chỉ, từng lời ăn tiếng nói của chúng ta phải sống sao cho đẹp lòng Chúa. Tôi đã, đang và sẽ tiếp tục sống xứng đáng với danh hiệu người của Chúa, để cho con tôi, bạn bè tôi và những người xung quanh thấy Chúa qua chính tôi cũng như chính tôi đã thấy Chúa qua cuộc đời của mẹ tôi.”
    KHỞI NGUYÊN

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *