Oneway.vn – “Chúa Jêsus không chỉ nói với Ni-cô-đem rằng ông ấy phải được tái sinh, mà tôi cũng nhận ra rằng Franklin Graham này cũng phải được tái sinh”.
Mục sư Franklin Graham không phải lúc nào cũng là một người con ưu tú của Mục sư Billy Graham. Ông đã có thời gian lạc lối, khi còn là một ‘người con hoang đàng’, không hề háo hức đi theo con đường truyền giáo của cha mình. Franklin từng tự mô tả mình là một “chàng trai hư” và đã nổi loạn chống lại những cách sống thánh thiện của cha.
Ông nói về việc trở thành người truyền giáo: “Tôi cảm thấy rằng nếu đứng trên bục giảng, tôi sẽ như một tia chớp hứng chịu tất cả mọi sự so sánh”. Lớn lên bên cạnh một người cha nổi tiếng, thường xuyên vắng nhà, không phải điều dễ dàng. Khi Franklin còn trẻ, cha ông đã là một nhà truyền giáo nổi tiếng quốc tế, tổ chức các chiến dịch truyền giảng quy mô lớn và là cố vấn thuộc linh cho các tổng thống Hoa Kỳ.
William Franklin Graham III là con thứ tư trong năm người con của William (Billy) Franklin Graham Jr. và Ruth Bell Graham, sinh ngày 14 tháng 7 năm 1952. Gia đình sống trong một ngôi nhà gỗ tại dãy núi Appalachian, bên ngoài Asheville, North Carolina. Là một cậu bé ưa phiêu lưu, thích câu cá và săn bắn, Franklin được cho là đã thừa hưởng tính cách tinh nghịch từ mẹ mình.
Franklin kể: “Mẹ tôi luôn khăng khăng rằng tôi phải dậy đúng giờ để đến trường, nên tôi đã khóa cửa lại để bà không thể vào được, và mẹ bắt đầu nhét pháo qua khe cửa. Bà thấy điều đó thật vui”. Những năm tháng tuổi trẻ nổi loạn của Mục sư Franklin tiếp tục với cuộc sống phóng túng. Ông hút thuốc, uống rượu, đánh nhau và thừa nhận từng thử cần sa. Gia đình gửi ông đến trường nội trú Stony Brook, một trường Cơ Đốc nổi tiếng ở Long Island, New York, nhưng ông bỏ học và sau đó bị đuổi khỏi một trường khác, Cao đẳng LeTourneau ở Longview, Texas, vì đưa một bạn nữ ra ngoài suốt đêm, vượt quá giờ giới nghiêm (Trích từ Đứa Con Hoang Đàng Trở Về).
Không mãi là chàng trai nổi loạn
Là con trai của Mục sư Billy Graham, hành vi nổi loạn của Franklin càng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Mọi người có thể đã nghĩ rằng Billy không thể kiểm soát con trai mình và không áp dụng đức tin của mình trong gia đình. Nhưng Franklin không mãi là một chàng trai nổi loạn. Năm 1974, trong chuyến đi đến Thụy Sĩ, cha ông đã nói chuyện với ông về hướng đi trong cuộc sống. Nhìn thẳng vào mắt Franklin, Mục sư Billy Graham nói: “Cha mẹ cảm nhận được đang có một cuộc chiến trong tâm linh con, và con phải đưa ra sự lựa chọn”. Những lời này khiến Franklin trăn trở, nhưng ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình ở châu Âu, với một chai rượu Scotch trong tay. Đêm đó, trong một phòng khách sạn ở Jerusalem, cuộc đời Franklin thay đổi. Trong cuốn tự truyện “Rebel With a Cause: Finally Comfortable Being Graham” xuất bản năm 1995, Franklin kể rằng, thay vì đến quán bar, ông đã ở một mình trong phòng và đọc sách Phúc Âm Giăng. “Khi tôi đến chương ba, không chỉ là Chúa Jêsus nói với Ni-cô-đem rằng ông ấy phải được tái sinh, mà tôi cũng nhận ra rằng Franklin Graham này cũng phải được tái sinh”.
Không lâu sau, Franklin trở về nhà ở North Carolina và kết hôn với Jane Austin Cunningham, một cô gái miền quê. Hôn lễ được tổ chức tại sân nhà của cha mẹ ông, và trong buổi lễ, Franklin tuyên bố công khai rằng cuộc đời ông đã thay đổi. Ông bắt đầu tìm cách thể hiện đức tin của mình, và người bạn thân của gia đình, Bob Pierce, người sáng lập tổ chức cứu trợ Cơ Đốc Samaritan’s Purse và World Vision, đã mời Mục sư Franklin Graham cùng ông trong chuyến đi truyền giáo sáu tuần đến châu Á. Franklin đã chứng kiến vô vàn khó khăn của những người nghèo khổ nhất thế giới.
Năm 1978, Pierce qua đời vì bệnh bạch cầu. Năm sau, Mục sư Franklin Graham đảm nhận vị trí Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Samaritan’s Purse – đây là tổ chức Cơ Đốc chuyên tổ chức các hoạt động cứu trợ và hỗ trợ tại hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Billy Graham truyền giảng trong các chiến dịch, còn Franklin phục vụ qua Samaritan’s Purse. Franklin thường được thúc giục đi theo cha lên bục giảng, một con đường mà ông không muốn chọn. “Cha có thể đến các sân vận động lớn, còn tôi sẽ đến các con đường nhỏ hẹp, giúp đỡ mọi người nhân danh Chúa Jêsus,” Franklin nói, nhắc lại sự miễn cưỡng của mình.
Tuy nhiên, một nhà truyền giáo từng làm việc với Billy lại có cái nhìn khác về Franklin. Năm 1989, John Wesley White đã thuyết phục Mục sư Franklin Graham truyền giảng tại một chiến dịch ở Juneau, Alaska. Mọi thứ đã diễn ra khác với những gì Franklin mong đợi. “Đêm đó, sau khi tôi giảng, tôi cảm thấy Chúa đang gọi tôi, và tôi đã kháng cự vì kiêu hãnh, bởi vì tôi không muốn bị so sánh với cha mình, và đó là lý do sai lầm,” Franklin chia sẻ. Sau đó, Franklin quyết định dành 10% thời gian để truyền giảng cùng cha.
Ở tuổi xế chiều, Mục sư Billy Graham mắc bệnh Parkinson ở tuổi 82, nhiều người nghi ngờ hoặc phản đối việc Franklin sẽ tiếp nối. Nhưng dần dần, mọi người thay đổi suy nghĩ. Mục sư Franklin đã tiến hành chuyến truyền giáo đầu tiên của mình vào năm 1989 và hiện đang tiến hành các buổi truyền giảng với quy mô lớn trên khắp thế giới cho Hiệp hội Truyền giáo Billy Graham (BGEA). Ông đã công bố sứ điệp Phúc âm tại gần 60 quốc gia kể từ năm 1989. Hiệp hội Truyền giáo Billy Graham đã bổ nhiệm Franklin Graham làm Giám đốc điều hành vào năm 2000 và chủ tịch của tổ chức vào năm 2001.
Những năm 2000: Từ Nicaragua qua Nam Phi đến Tasmania, Mục sư Franklin Graham đã chia sẻ Phúc âm với những người có nhiều nền tảng tôn giáo và văn hóa khác nhau
Tất cả những gì Nhà Truyền giáo Franklin Graham muốn là tiếp bước cha mình, và ông đã làm điều đó thành công. “Tôi chỉ muốn trung thành với cùng một thông điệp mà cha tôi đã trung thành, đó là việc rao giảng Phúc Âm”, Mục sư Franklin Graham viết trong cuốn sách “Đứa Con Hoang Đàng Trở Về”.
>> Bài liên quan: Nhìn lại “Xuân Yêu Thương 2023” và sẵn sàng cho “Mùa Yêu Thương 2024”
Giáng sinh 2024: Hướng đến 2 sự kiện Truyền giảng lớn tại Cần Thơ và Hà Nội
Mục sư Franklin Graham – Tiếp nối ngọn lửa truyền giáo Phúc âm từ cố Mục sư Billy Graham
Dịch: SD
(Nguồn: hopeonfranklingraham; Ảnh: billygraham.org)