Oneway.vn – Truyền giáo là điều mỗi Cơ Đốc nhân biết rằng mình được kêu gọi để thực hiện nhưng lại thường cảm thấy khó khăn.
Trong một nghiên cứu của Lifeway, 80% Cơ Đốc nhân được khảo sát tin rằng họ có trách nhiệm cá nhân trong việc chia sẻ đức tin của mình, nhưng hơn 60% trong số đó chưa từng nói về Chúa cho ai trong 6 tháng qua. Lifeway còn xác định được 8 đặc điểm sống theo Kinh Thánh thường thấy ở các tín hữu trưởng thành, trong đó chia sẻ Phúc Âm có điểm trung bình thấp nhất.
Điều này có nghĩa gì? Phần lớn mọi người đều hiểu biết Kinh Thánh và trách nhiệm truyền bá Phúc Âm nhưng lại chưa mạnh mẽ thực hiện. Nói cách khác, chúng ta biết điều cần làm nhưng chưa dám làm.
Việc này không tự xảy ra; không ai tự nhiên để trung thành chia sẻ về Chúa cho người khác. Sống vì sứ mạng có nghĩa là sống có mục đích, nhận biết danh tính trong Đấng Christ và phản hồi với sự cấp bách từ Thánh Kinh.
Giống như nhiều điều khác trong cuộc sống, truyền giáo đòi hỏi nỗ lực cá nhân, kiên trì qua khó khăn.
Hai yếu tố quan trọng giúp truyền giảng là nhận biết danh tính trong Đấng Christ và phản hồi với sự cấp bách từ Thánh Kinh.
Danh tính trong Đấng Christ
Bạn có nhìn nhận mình là người được Chúa sai đến với cộng đồng để chia sẻ Phúc Âm không?
Nhiều Cơ Đốc nhân thì không, và đây là một vấn đề.
Kinh Thánh dạy rằng tất cả Cơ Đốc nhân đều được kêu gọi để tham gia vào công tác truyền giáo. Đây không phải là tùy chọn hay chỉ dành cho những người trưởng thành và hướng ngoại.
Lời Chúa truyền: “Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:19-20)
Đức Chúa Jêsus kêu gọi những người tin Chúa hãy “đi và khiến muôn dân trở nên môn đồ của Ngài”. Điều này có nghĩa là hãy nói với người khác về Chúa Jêsus và “đức tin đến bởi người ta nghe, và nghe là khi lời của Đấng Christ được rao ra” (Rô-ma 10:17).
Nhưng có người nói, điều này chỉ dành cho các sứ đồ.
Điều đó không thể đúng. Hãy xem lại câu này. Chúng ta được dạy rằng phải khiến muôn dân trở nên môn đồ và dạy họ giữ mọi điều mà Chúa Jêsus đã truyền dạy. Nói cách khác, danh tính của Cơ Đốc nhân là một sứ giả được sai đi, thay mặt và đại diện cho Chúa Jêsus. Chúng ta được Ngài sai đi và vì Ngài.
Thông thường, từ “nhà truyền giáo” chỉ về một người được sai đi, vượt qua các ranh giới văn hóa để rao giảng Phúc Âm. Chúng ta thường nghĩ nhà truyền giáo phải là những người đi đến các vùng đất xa xôi. Nhưng cần nhìn nhận rằng mỗi chúng ta đều là những “nhà truyền giáo” – khi bạn nhận biết danh tính thật của mình trong Đấng Christ.
Giả sử bạn được sai đến Trung Quốc, Papua New Guinea, hoặc Cộng hòa Dominica như một nhà truyền giáo. Bạn sẽ sắp xếp cuộc sống của mình như thế nào? Bạn sẽ cầu nguyện ra sao? Bạn sẽ đọc báo thế nào? Bạn sẽ trò chuyện với hàng xóm, nói chuyện với sếp hay đồng nghiệp ra sao? Nếu được sai đến đó, bạn sẽ nhìn nhận cuộc sống và sứ mạng của mình là nhà truyền giáo, với mục tiêu là tiếp cận mọi người quanh bạn bằng Phúc Âm.
Cuộc sống của chúng ta phải xoay quanh Sứ Mạng. Và đây là cách duy nhất để hoàn thành được công tác. Không ai trở nên trung tín một cách tự nhiên. Chúng ta phải thực hiện điều đó một cách có mục đích.
Hãy nhìn quanh, bạn sẽ thấy rằng những người chưa tin ở khắp nơi, nhưng họ không tự nhiên đến với chúng ta tại nhà thờ.
Hãy nhìn vào Kinh Thánh. Chúng ta có một Đấng Cứu Thế đã đến với chúng ta khi chúng ta không thể đến với Ngài. Đây là một lý do vì sao chúng ta cần đi đến với họ, nói về Chúa một cách có chủ đích.
Sự khẩn cấp của Phúc Âm
Khi nghe điều này, phản ứng của chúng ta thường là đồng ý nhưng lại quyết định ưu tiên điều này một cách miễn cưỡng. “Được rồi, tôi sẽ thay đổi một chút ở đây và sẽ làm điều đó vào năm tới”.
Kinh Thánh không cho phép chúng ta làm điều đó.
Lời Chúa cảnh báo rằng công tác Phúc Âm là sự khẩn cấp: “Hãy cư xử một cách khôn ngoan với những người ngoại, và tận dụng thì giờ” (Cô-lô-se 4:5). Nói cách khác, đừng phung phí thời gian nhưng phải quản lý nó cẩn thận.
Chúng ta không thể giả định mình hay người khác có một lượng thời gian vô hạn. Những người trong gia đình, cộng đồng, hoặc công ty của chúng ta có thể chỉ còn một vài ngày để sống. Chúng ta không biết. Vì vậy, chúng ta không nên sống như thể thời gian là vô tận.
Khi chưa tin Chúa, chúng ta đã lãng phí quá nhiều thời gian cho những điều vô nghĩa. Ngay cả bây giờ, là Cơ Đốc nhân, chúng ta vẫn có lúc lãng phí thời gian. Vì thế, sứ đồ Phao-lô muốn nhắc nhở chúng ta: “Đừng lãng phí thêm nữa”.
Sự khẩn cấp giúp làm rõ suy nghĩ và ưu tiên của chúng ta. Thật khốn nạn làm sao khi biết rằng thời gian là ngắn ngủi, và có những cuộc đời đang bước dần vào sự chết nhưng chưa nhận biết Phúc Âm, mà chúng ta có thông điệp về sự sống đời đời, nhưng lại im lặng với họ.
Đừng lãng phí thời gian nhưng hãy tận dụng thì giờ hết mức, yêu Chúa và yêu người qua việc sắp xếp cuộc sống của bạn xoay quanh sứ mạng của Phúc Âm.
Leave a Reply