5 Cách Để Tìm Thấy Sự Khích Lệ Trong Kinh Thánh

Oneway.vn: Dưới đây là năm cách bạn có thể tìm thấy sự khích lệ trong Kinh Thánh.

Thay tên của mình trong các câu Kinh Thánh

Một trong những cách ưa thích để đọc Kinh Thánh và cũng là phương cách mà tôi thường gợi ý cho người khác đó là thay thế tên của mình ở những chỗ trong Kinh Thánh như “ngươi” và “các ngươi”. Thí dụ ở trong Ma-thi-ơ 16:24 chép rằng: “Đức Chúa Giê-xu bèn phán cùng môn đồ rằng: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta” có thể dùng để áp dụng cho cá nhân nếu đọc là “Đức Chúa Giê-xu bèn phán cùng (thay tên của bạn) rằng: “Nếu (tên của bạn) muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta”. Phương cách này hiệu quả ở nhiều chỗ trong Kinh Thánh giống như Thi Thiên 112:6-7 “Người cũng chẳng hề bị lay động; kỷ niệm người công bình còn đến đời đời. Người không sợ cái tin hung; lòng người vững bền, tin cậy nơi Đức Giê-hô-va” có thể được đọc như sau: “Tôi cũng chẳng hề bị lay động; kỷ niệm của tôi còn đến đời đời. Tôi không sợ cái tin hung; lòng tôi vững bền, tin cậy nơi Đức Giê-hô-va”. Kinh Thánh được viết cho người tin Chúa, vậy thì tại sao không thay thế tên của bạn hay chữ “tôi” vào trong Kinh Thánh khi bạn đọc? Làm như vậy không hề thay đổi bối cảnh và lại càng làm cho Kinh Thánh trở nên gần gũi cũng như mang tính áp dụng cá nhân cho bạn nữa.

5 Cách Để Tìm Thấy Sự Khích Lệ Trong Kinh Thánh

Tìm sự khích lệ lẫn nhau

Nếu bạn nhìn vào Tân Ước, bạn thường tìm thấy rất nhiều cụm từ “với nhau”. Nếu bạn khích lệ người khác, thì chính người đó cũng có thể khích lệ bạn. Ở gần cuối I Tê-sa-lô-ni-ca 4, sứ đồ Phao-lô đã viết: “Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy. Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài” (I Tê 4:13-14) “Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau” (I Tê 4:18). Một lần nữa, sứ đồ Phao-lô răn bảo các tín hữu “hãy khuyên bảo nhau, gây dựng cho nhau, như anh em vẫn thường làm” (I Tê 5:11). Chúng ta có thể yêu thương nhau, gây dựng nhau. Hướng suy nghĩ đó là nếu bạn khích lệ người khác, thì họ cũng có thể khích lệ bạn nữa; ít nhất là họ được khích lệ.

Lời hứa về sự trông cậy

Chúng ta có rất nhiều lời hứa trong Kinh Thánh đến nỗi thật khó để bắt đầu từ đâu. Trong Giăng 16:33 Chúa Giê-xu khuyên dạy các môn đồ cũng như chúng ta ngày hôm nay rằng: “Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!” Chúng ta phải luôn nhớ rằng: “Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài đã gọi anh em được thông công với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta” (I Cô 1:9) và bởi vì Ngài là Đấng luôn thành tín, chúng ta biết rằng Ngài sẽ chẳng lìa chúng ta hay bỏ chúng ta (Hê 13:5) cho nên chúng ta sẽ không bao giờ sợ sệt trước những gì người khác có thể làm đối với chúng ta (Hê 13:6).

Một tương lai tươi sáng

Tương lai của một người tin nơi Đấng Christ là một điều không thể nào diễn tả bằng lời. Sứ đồ Phao-lô nói với chúng ta rằng: “Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta” (Rô 8:18). Với một thực tế đó là chúng ta sẽ nhìn thấy Chúa một ngày nào đó, mặt đối mặt (Khải 22:4) và chính Đức Chúa Trời  “sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết ,cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi” (Khải 21:3). Phao-lô không thể giải thích được điều gì chờ đợi chúng ta trong tương lai khi ông viết rằng: “như có chép rằng: Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, Và lòng người chưa nghĩ đến, Nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài” (I Cô 2:9). Nếu bạn nghĩ về tương lai tuyệt vời của mình, bạn có thể chịu đựng những gì đang xảy ra trong hiện tại tốt hơn. Hãy sống ngày hôm nay với tương lai trong trí mình.

Trời mới và Đất mới

Khi Chúa Giê-xu tiến tới thập tự giá, Ngài phán rằng: “Nầy, ta khiến mọi sự trở nên mới” nhưng tại sao Ngài lại phán như vậy? Ngài phán một lần nữa để giải thích điều đã được chép trong Khải Huyền 21:5 nói rằng: “Đấng ngự trên ngôi phán rằng: Nầy, ta làm mới lại hết thảy muôn vật. Đoạn, lại rằng: Hãy chép; vì những lời nầy đều trung tín và chân thật. Đức Chúa Trời đã phán lời tiên tri rằng: “Nầy, ta sắp làm một việc mới, việc nầy sẽ hiện ra ngay; các ngươi há chẳng biết sao? Ấy là ta sẽ vạch một con đường trong đồng vắng, và khiến những sông chảy trong nơi sa mạc” (Ê-sai 43:19) và lời tiên tri của Ê-sai sẽ được ứng nghiệm khi “Muôn vật mong rằng mình cũng sẽ được giải cứu khỏi làm tôi sự hư nát, đặng dự phần trong sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời” (Rô 8:21). Điều nầy sẽ thành hiện thực khi Đức Chúa Trời phán “Ta sẽ dựng trời mới đất mới; những việc trước sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa” (Ê-sai 65:17). Sứ đồ Giăng đã nhìn thấy ngày này khi ông viết rằng: “tôi thấy trời mới đất mới, vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa” (Khải 21:1). Trời mới đất mới này xảy ra như những gì Giăng viết là: “Tôi cũng thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem mới, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống, sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình. Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: nầy, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng” (Khải 21:2-3).

Kết luận

Có rất nhiều câu Kinh Thánh dành cho chúng ta trong từng trang Kinh Thánh nhưng nhiều người trong chúng ta không hề đụng đến nguồn năng lượng của Lời Chúa. Kinh Thánh bị bỏ xó và bám bụi sẽ rất lãng phí, nhưng người nào đến với Lời Chúa mỗi ngày thì Lời ấy bắt đầu ở trong lòng họ. Hết thảy chúng ta đều cần phải đến gần với Lời Chúa vì chúng ta không thể tự mình làm được việc gì cả (Giăng 15:5) và như Chúa Giê-xu phán: “Như Cha đã yêu thương ta thể nào, ta cũng yêu thương các ngươi thể ấy; hãy cứ ở trong sự yêu thương của ta” (Giăng 15:9). Điều đó không khích lệ sao?

Bài viết của Mục sư Jack Wellman

Jack Wellman là Chủ Bút tại What Christians Want to Know với sứ mạng là giúp trang bị, khích lệ và thêm sức cho Cơ Đốc nhân cũng như đưa ra những câu hỏi về đời sống Cơ Đốc nhân mỗi ngày với Chúa và Kinh Thánh. Bạn có thể dõi theo Jack trên Google Plus hay tìm hiểu quyển sách của ông có tựa đề là Teaching Children the Gospel.

Dịch: Thiên Ân.

Nguồn: Blog Christian Post.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *