Oneway.vn – Hướng về kỷ niệm 500 năm ngày Mục sư Marin Luther cải chánh Giáo hội, Oneway Radio xin gởi đến quí độc giả bài viết sau đây nhân ngày sinh của Martin Luther (10/11/1483).
Martin Luther sinh ngày 10/11/1483 tại làng Eisleben, Thuringia, Đức Quốc. Ông là con của Hans Luther và Margaretha Luther. Năm 1501, Martin Luther đến học tại Đại học Erfurt, nhận văn bằng cử nhân vào năm 1502, và học vị thạc sĩ năm 1505. Mùa hè năm 1505, trong một lần về thăm nhà, trên đường trở lại cư xá của đại học, Martin Luther bị sét đánh suýt chết. Trong cơn kinh hoàng, Chúa đã giải cứu ông và ông đã hứa với Chúa sẽ trở thành tu sĩ. Sau đó, Luther bỏ trường luật, bán hết sách vở, ngày 17/7/1505, vào dòng tu kín Augustine tại Erfurt.
Năm 1507, ông được thụ phong linh mục. Năm 1508, ông bắt đầu học thần học tại Đại học Wittenberg. Ông nhận bằng cử nhân về nghiên cứu Kinh Thánh năm 1508 và cử nhân tu từ học (môn học bắt buộc cho ngành thần học vào thời Trung Cổ) vào năm 1509. Đại học Wittenberg cấp bằng tiến sĩ thần học cho ông năm 1512. Ông cũng được phong chức giáo sư dạy về Kinh Thánh (Lectura in Biblia) và đã giữ ghế này suốt cuộc đời mình.
Martin Luther hết lòng hiến mình cho cuộc đời khổ hạnh tại tu viện, tận tụy với mọi việc lành, hầu làm vui lòng Thiên Chúa và phục vụ người khác bằng cách cầu nguyện cho sự cứu rỗi linh hồn của họ. Luther thường xuyên kiêng ăn, tự hành xác, dành nhiều thì giờ để cầu nguyện cũng như đi hành hương và thường xuyên xưng tội. Nhưng càng nỗ lực nhiều Luther càng cảm thấy mình tội lỗi nhiều hơn.
Sau khi trở về từ chuyến hành hương đến Rôma năm 1511, Luther càng chìm sâu trong tuyệt vọng. Ông cảm nhận sâu sắc về tội lỗi và tình trạng bất xứng của mình, nhưng cũng thấy mù mịt vì không tìm ra lối thoát. Lòng sùng tín theo kiểu cách thời Trung Cổ trở thành nỗi niềm cay đắng cho Luther, ông bỏ lễ Misa và ngưng đọc kinh. Ông căm giận Thiên Chúa và oán hận Ngài. Luther miêu tả giai đoạn này là tràn đầy sự thất vọng tâm linh. Ông nói: “Tôi không chịu đến với Chúa như là Cứu Chúa và Đấng An ủi, nhưng xem Ngài như là cai tù và đao phủ của linh hồn tôi.”
Martin Luther thuật lại rằng bước đột phá sâu sắc đến với ông vào năm 1513, lúc đang giảng dạy sách Thi thiên. Khi đang chuẩn bị bài giảng cho học kỳ sắp tới, ông bắt gặp câu này trong Thi Thiên 31: 1 “Xin hãy lấy sự công chính Ngài mà giải cứu tôi”. Đây là một câu Kinh Thánh quen thuộc, nhưng vào thời điểm ấy nó đến với Luther như một vết dao cắt. Ông cảm thấy sự công chính của Thiên Chúa thật đáng kinh khiếp: luôn nhắc nhở ông về tội lỗi của mình, khiến ông nghĩ về Chúa như một Đấng khắc nghiệt, chực chờ đoán phạt con người dựa trên một sự công chính mà con người không bao giờ với tới. Luther quay sang những luận giải của Phao-lô chép trong thư Rô-ma 3: 23-24 để thấy mình bị cuốn sâu hơn vào tình trạng căng thẳng và tuyệt vọng. Đức tin đặt vào Chúa càng nâng cao những chuẩn mực đạo đức của Thiên Chúa, theo cách hiểu của Luther vào lúc ấy, là Đấng sẵn sàng ra tay trừng phạt con người đang đắm chìm trong tội lỗi.
“Vầng đá nền vững chãi này mà chúng ta gọi là giáo lý xưng công chính, là trọng tâm của toàn bộ nền thần học Cơ Đốc mà mỗi người yêu kính Thiên Chúa cần phải thấu suốt.” – Luther nói.
Luther hiểu rằng sự xưng công chính hoàn toàn là công việc của Thiên Chúa. Trái với giáo huấn thời đó dạy rằng hành vi công chính của người tín hữu là những hành động cùng thực thi với sự hợp tác của Thiên Chúa, Luther viết rằng người tín hữu nhận lãnh sự công chính như một sự ban cho, không phải tự mình cố gắng mà có được vì sự công chính ấy đến từ Chúa. “Đó là lý do tại sao chỉ có đức tin mới có thể khiến chúng ta trở nên công chính và làm trọn luật pháp“, Luther viết, “Đức tin khiến chúng ta nhận lãnh Chúa Thánh Linh qua công đức của Chúa.” Đức tin, theo Luther, là món quà đến từ Thiên Chúa.
Với niềm vui tìm ra chân lý, Martin Luther khởi sự giảng dạy niềm xác tín rằng cứu rỗi là sự ban cho bởi ân điển của Thiên Chúa, được nhận lãnh bởi đức tin và lòng tin cậy vào lời hứa của Thiên Chúa tha thứ tội lỗi, dựa trên sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá.
Trong thời này, Giáo Hoàng Leo X (1513-1521) cần tiền để hoàn tất công tác tái thiết Quảng Trường Thánh Phi-e-rơ ở Rô-ma. Giáo hoàng bắt đầu đẩy mạnh việc buôn bán phiếu xá tội để gây ngân quỹ. Giáo hoàng giao việc bán phiếu xá tội ở Đức cho Tổng Giám mục Albert, thuộc giáo phận Mainz. Số tiền thu được trong sẽ chia cho Giáo Hoàng phân nửa, Tổng Giám mục Albert được giữ lại phân nửa để trả món nợ mà ông đã vay mượn của ngân hàng Fugger trước đây để mua chức Tổng Giám mục cho mình. Tổng Giám mục Albert chỉ định tu sĩ Jean Tetzel thuộc dòng tu Dominic làm đại lý bán phiếu xá tội ở giáo phận Mainz, Đức.
Để bắt đầu công việc buôn bán, tu sĩ Tetzel vào các giáo đường, nhân danh Giáo hoàng hứa rằng hễ ai mua phiếu xá tội sẽ được tha tội, tội lớn lẫn tội nhỏ đã phạm và sẽ phạm trong tương lai. Để cho việc buôn bán có thêm nhiều lợi nhuận, tu sĩ Tetzel quảng cáo rầm rộ khắp đường phố là ai mua phiếu xá tội của ông bán thì linh hồn của thân nhân ở lò Luyện Ngục được bay lên thiên đàng ngay, như bài thơ được truyền tụng trong thời đó là: “Tiền vàng rơi xuống thùng đây. Hồn trong hỏa ngục bay ngay thiên đàng” (As the coin into the coffer rings, the soul from purgatory springs).
Việc buôn bán phiếu xá tội và những lời quảng cáo láo khoét của tu sĩ Tetzel đến tai Martin Luther. Martin Luther vốn đã từng chống đối việc buôn bán phiếu xá tội của Giáo hoàng, vì ông xem đó là việc làm bất chính. Martin Luther càng căm phẫn hơn khi nghe tu sĩ Tetzel quảng cáo phiếu xá tội có tính cách lừa bịp con dân Chúa để thu lợi bất chính trên mồ hôi nước mắt của con chiên nghèo khổ. Ông liền viết một kháng nghị gồm có 95 luận đề. Đến ngày 31/10/1517, ông đem dán kháng nghị đó trên bản yết thị của Đại Thánh đường Wittenberg để phản đối việc buôn bán phiếu xá tội của Giáo hoàng.
Đại ý của kháng nghị nói rằng Giáo hoàng cũng không có quyền tha tội. Người nào giảng dạy dùng phiếu xá tội để chuộc tội là sai lầm. Ai đặt niềm tin nơi phiếu xá tội là đặt niềm tin vào một tà thuyết vô ích. Người có tiền mà không dùng tiền mình để giúp người nghèo khổ mà lại dùng tiền đó để mua phiếu xá tội của Giáo hoàng là mua lấy sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời về cho mình.
Martin Luther gởi bản kháng nghị nói trên đến Tổng Giám mục Albert. Tổng Giám mục Albert tức giận, liền chuyển bản kháng nghị đó đến Giáo hoàng ở Rô-ma để xin Giáo hoàng có biện pháp xử lý tu sĩ Martin Luther. Đến năm 1518, quan tư pháp của Giáo hoàng (papal inquisitor) là Silvester Prierias ban trác lệnh đòi Martin Luther qua Rô-ma hầu tòa, để chịu xét xử về tội phổ biến và giảng dạy tà thuyết. Martin Luther bác bỏ trác lệnh đòi hầu tòa đó vì quan niệm rằng Kinh Thánh không bao giờ sai lầm, chỉ có Giáo hoàng mới có thể sai lầm mà thôi.
Đến ngày 15/6/1520, Giáo hoàng Leo X ban hành giáo lệnh dứt phép thông công Martin Luther. Giáo lệnh này trưng ra 41 điều để cáo buộc Martin Luther dạy tà thuyết. Giáo lệnh bắt buộc Martin Luther phải thiêu hủy các sách mà ông đã viết để quảng bá lẽ đạo xưng nghĩa bởi đức tin. Giáo lệnh cho Martin Luther 60 ngày để ăn năn. Nếu Martin Luther không ăn năn nội trong 60 ngày thì giáo lệnh đương nhiên có hiệu lực. Giáo lệnh còn cho phép chính quyền bắt Martin Luther giải giao về Rô-ma để Giáo hội trị tội. Giáo lệnh khuyến cáo ai chứa chấp Martin Luther sẽ bị họa lây vào thân. Giáo Hoàng còn cho rằng: “Martin Luther là con heo rừng đang phá hoại vườn nho của Chúa.”
Trước giáo lệnh dứt phép thông công của Giáo hoàng Leo X, Martin Luther đem giáo lệnh dứt phép thông công ra đốt trước đám đông gồm có các giáo sư, sinh viên và dân chúng. Martin Luther đốt giáo lệnh dứt phép thông công của Giáo hoàng là có mục đích để nói lên rằng ông hoàn toàn phủ nhận quyền hạn và chức vụ Giáo hoàng, và cũng là một hành động để nói lên sự chấm dứt mối liên hệ giữa ông với Giáo hội Công giáo La mã.
Đến ngày 17/4/1521, Hoàng đế Charles V triệu tập hội nghị tại tỉnh Worms ở Đức Quốc, để nghe Martin Luther và viên tư pháp của Giáo Hoàng tường trình các quan điểm của đôi bên. Hội nghị này có nhiều thành phần tham dự, Hoàng đế Charles V ngồi ở giữa phòng họp, xung quanh hai bên là những hàng ghế của các Hồng y, Tổng Giám mục, Giám mục, các sứ thần của Giáo hoàng và các khâm sai cùng đại biểu của các nước Âu Châu phái đến tham dự.
Để mở đầu hội nghị, viên tư pháp của Giáo hoàng đứng lên chỉ tay vào hơn 20 quyển sách của Martin Luther để trên bàn, rồi hỏi Martin Luther rằng: “Có phải ngươi là tác giả của các sách này không? Ngươi có bằng lòng thủ tiêu các quyển sách đó cùng các quan điểm chứa đựng trong các sách đó không?”
Martin Luther đứng lên giữa phòng hội dõng dạc công nhận ông là tác giả của các sách đó. Rồi ông bình tĩnh đưa ra các lý do khiến ông không thể thủ tiêu các sách đó được vì nghĩ rằng ông không thể để cho Giáo hoàng hay là các Giáo hội nghị có quyền xét đoán niềm tin của mình. Nếu ai muốn thay đổi quan điểm của ông thì phải chỉ cho ông biết điểm nào sách ông nói không đúng với Kinh Thánh.
Qua ngày sau, hội nghị tái nhóm và biểu quyết nghiêm cấm lưu hành các sách của Martin Luther, thu hồi quyền công dân của Martin Luther và đặt Martin Luther ra ngoài vòng pháp luật. Bởi cấm lệnh này, số phận của Martin Luther như chỉ mành treo chuông, vì phe phái của Giáo hoàng có thể ra tay sát hại Martin Luther bất cứ lúc nào. Trong nhóm người ủng hộ Martin Luther có tiểu vương Frederick, vị tiểu vương này nhận thấy Martin Luther không thể sống an toàn với cấm lệnh của hội nghị Worms. Nên tiểu vương Frederick tổ chức bắt cóc Martin Luther đem giấu trong lâu đài Wartburg ở gần Eisenach, Đức Quốc.
Vào tháng 12 năm 1524, Martin Luther cởi áo thầy tu trả lại nhà dòng để trở lại đời sống “phàm tục”. Đến ngày 27/6/1525, Martin Luther thành hôn với nữ tu sĩ hồi tục tên Catherine von Vora. Hôn lễ cử hành tại thánh đường Wittenberg dưới sự chủ lễ của Mục sư Pomeranus. Ông bà Martin Luther chung sống với nhau có được 2 người con trai và 3 người con gái, và còn nuôi thêm 11 em cô nhi trong nhà. Trong thời gian trở lại sống ở Wittenberg, Martin Luther tiếp tục làm giáo sư và giảng sư ở Viện Đại Học Wittenberg. Ông vẫn tiếp tục viết sách để phổ biến quan điểm cải chánh của mình. Hơn nữa, Martin Luther đã hoàn tất việc phiên dịch Kinh Thánh Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ ra tiếng Đức.
Trong thời gian từ hội nghị Worms (1521) cho đến khi Martin Luther qua đời (1546), Hoàng đế La Mã Charles V đã triệu tập nhiều hội nghị để nhóm Cải Chánh của Martin Luther và Giáo hội Công giáo La mã hòa giải các dị biệt về niềm tin của đôi bên. Mục đích của Hoàng đế là lôi kéo phe Cải Chánh quay trở lại Giáo hội Công giáo La mã và thuận phục Giáo hoàng. Nhưng các hội nghị đó chẳng mang lại kết quả cụ thể nào. Hai bên càng tranh luận càng cách biệt nhau nhiều hơn.
Đến năm 1555, một hội nghị được triệu tập tại Augsburg. Trong hội nghị này, phe Cải Chánh yêu cầu Hoàng đế Charles V cho họ được tự do tín ngưỡng vô điều kiện, thừa nhận Giáo hội Cải Chánh là hợp pháp và được bình đẳng với Giáo hội Công giáo La mã trên mọi phương diện. Hoàng đế Charles V nhận thấy uy quyền của mình không còn hùng mạnh như xưa nữa, nên Hoàng đế phải hạ bút ký hòa ước vào ngày 25 tháng 9 năm 1555, theo như sự đòi hỏi của Giáo hội Cải Chánh. Hoà ước này thường được gọi là “Hoà Ước Augsburg”.
Martin Luther qua đời vào ngày 18 tháng 2 năm 1546 tại quê nhà, hưởng thọ được 63 tuổi.
Thành quả lớn nhất trong cuộc đời của Martin Luther chính là bản dịch Tân Ước. Ông đã làm Kinh Thánh trở nên quyển sách của mọi người, có mặt khắp mọi nơi, trong nhà thờ, trường học và gia đình. Với bản dịch Cựu Ước ấn hành năm 1534, Martin Luther hoàn tất công trình dịch thuật toàn bộ Kinh Thánh. Công trình này giúp chuẩn hóa ngôn ngữ Đức và được xem là dấu mốc quan trọng trong lịch sử văn học Đức.
BTV. Vũ Ngọc
Leave a Reply