Chúng ta đang sống trong một thời đại mà đạo đức con người trong xã hội bị băng hoại, dường như mọi giá trị đều bị đảo lộn, nhất là những giá trị đạo đức tốt đẹp bao đời về hôn nhân, gia đình đã bị phá đổ, xói mòn. Ngay cả những gia đình Cơ Đốc cũng có nguy cơ mất đi dần những giá trị đạo đức, tin kính nền tảng, cốt lõi vốn có bao đời nay.
Vậy làm thế nào để có 1 gia đình Cơ Đốc hạnh phúc? Sau đây là 7 bí quyết đặc biệt giúp gia đình Cơ Đốc có được hạnh phúc trong Chúa:
- Kính yêu Chúa
Một gia đình Cơ Đốc hạnh phúc là gia đình nhận biết có 1 Đức Chúa Trời duy nhất và phải kính mến, thờ phượng Ngài hết lòng, hết linh hồn. Như Lời Chúa trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 6: 4-5 có chép:
“Hỡi Y-sơ-ra-ên hãy nghe! Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời người.”
Điều này đặc biệt quan trọng đối với dân Y-sơ-ra-ên khi họ đang sống trong xứ Ca-na-an là một thế giới đa thần, thờ nhiều thần như Ba-anh, Phê-ô và nhiều thần khác nữa. Ngày nay cũng vậy, trong khi nhiều người chung quanh chúng ta chủ trương đa thần hoặc vô thần, thì 1 gia đình Cơ Đốc nhân nhờ sự mặc khải của Chúa qua Kinh Thánh, chỉ tin và thờ phượng một Đức Chúa Trời là chân thần duy nhất mà thôi như Điều răn thứ Nhất Chúa dạy “Trước mặt ta ngươi chớ có các thần nào khác.”
Gắn liền với đi điều đó là Lời Chúa vì Chúa là Lời Chúa là một; yêu mến Chúa thì không thể không yêu mến Lời Chúa. Để có thể giữ lòng kính yêu Chúa, con dân Chúa phải yêu mến Lời Chúa, nghiên cứu và học hỏi lời Chúa mỗi ngày và lập đức tin vững vàng trên lời đó. Chúng ta không thể hết lòng, hết ý, hết sức, mà yêu mến Chúa nếu chúng ta không yêu mến và nuôi mình bằng Lời Chúa mỗi ngày. Đức Chúa Trời hứa ban phước dư dật cho gia đình nào kính sợ Đức Giê-hô và đi theo đường lối Ngài. (Thi Thiên 128)
- Phục vụ Chúa
Đi đôi với lòng kính mến Chúa là sự phục vụ Chúa. Một người kính mến Chúa không thể không phục vụ Ngài được. Một gia đình tin kính Chúa, yêu mến Chúa phải nói như Giô-suê rằng:
“Ta và nhà ta (gia đình ta) phục sự Đức Giê-hô-va.” (Giô-suê 24:15b)
Ở ngoài xã hội, ở học đường người ta chỉ dạy về sự phục vụ tha nhân, phục vụ xã hội, đất nước nhưng không dạy về sự phục vụ Chúa vì họ không biết Chúa. Nhưng chúng ta là 1 gia đình Cơ Đốc phục vụ Chúa, dâng hiến cho Chúa, rao truyền danh Chúa và sống cho Chúa nữa. Phục vụ Chúa phải là một trong những mục đích của đời sống gia đình Cơ Đốc nhân.
- Yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau
Yêu mến Chúa không thể tách rời với việc “yêu thương người lận cận như mình”(Lê-vi 19:18) vì thế, Chúa Giê-xu đã tóm tắt luật pháp của Chúa bằng cách gắn kết hai ý tưởng “kính mến Chúa” và “yêu người lân cận” lại với nhau (Mat 22:37-40). Thật vậy mối quan hệ của chúng ta với Chúa phải được thể hiện trong mối quan hệ của chúng ta với nhau, nhất là những người cùng sống trong một mái gia đình. Vì thế, chúng ta cần phải dạy con em biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc những người thân trong gia đình. Người lận cận gần gũi nhất là những người trong gia đình mình. Không thể là Cơ Đốc nhân thứ thiệt nếu những người trong gia đình không cảm nhận được sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc nhau của người ấy. Phải tạo ra trong gia đình không khí yêu thương đầm ấm, hòa thuận nhau trong gia đình. Tình yêu Cơ Đốc trước hết phải thể hiện trong gia đình, nhiên hậu mới lan tỏa ra ngoài cộng đồng, xã hội. Đó là lý do thánh Giăng nói một cách mạnh mẽ “…vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình không thấy được.”(I Giăng 4:20b)
- Tôn trọng nhau
Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và bình đẳng trước mặt Ngài, vì thế mọi người phải tôn trọng nhau. Có khi chúng ta tôn trọng người ngoài mà lại không tôn trọng nhau trong gia đình. Phải học chấp nhận nhau, giải hòa nhau trong gia đình dù có những ý kiến bất đồng. Một người cảm thấy được tôn trọng trong gia đình sẽ biết tôn trọng người khác ngoài xã hội. Phải giữ sự tôn trọng nhau, không làm tổn thương nhau trong mối quan hệ giữa vợ với chồng, cha mẹ và con cái và anh chị em với nhau như Kinh Thánh dạy “Phải khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình” (Phi-líp 2:3) “Hãy lấy lẽ kính nhường nhau”(Rô-ma 12:10)
- Bổn phận hiếu kính
Cơ Đốc giáo coi trọng chữ hiếu và xem đó là điều răn thứ nhất trong bổn phận đối với con người (Eph 6:1-2). Văn hóa, luân lý truyền thống coi trọng sự cúng giỗ để bày tỏ lòng hiếu nhưng Cơ Đốc giáo thì coi trọng mối quan hệ yêu thương, kính trọng để bày tỏ chữ hiếu. Phải dạy con em trong gia đình Cơ Đốc biết hiếu kính với ông bà, cha mẹ vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời Kinh Thánh dạy “Nhưng nếu bà góa có con hoặc cháu, thì con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (1Tim 5:4). Cơ Đốc nhân tin kính phải là người hiếu kính trong gia đình.
- Bổn phận và trách nhiệm đối với gia đình
Cơ Đốc nhân phải có tinh thần trách nhiệm trước hết là đối với gia đình. Phải dạy cho con em ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên đối với gia đình, phải sẵn sàng hỗ trợ, cứu giúp nhau, hy sinh cho nhau trong gia đình gặp thử thách, hoạn nạn, ốm đau, Một Cơ Đốc nhân thật không thể vô trách nhiệm đối với gia đình mình. Kinh Thánh dạy “phải mang lấy gánh nặng cho nhau” (Gal 6:2) thì thiết nghĩ điều này trước hết phải được bày tỏ trong gia đình “…Và anh em sanh ra để giúp đỡ trong lúc hoạn nạn.” (Châm ngôn 17:17b)
- Hiểu biết nhau, cảm thông nhau
Sự truyền thông, giao tiếp giữa những thành viên trong gia đình rất quan trọng để giúp cho mối quan hệ trong gia đình tốt đẹp. Phải dạy cho các thành viên trong gia đình biết cảm thông nhau, hiểu nhau trong mối quan hệ vợ với chồng, cha mẹ với con cái và anh chị em với nhau. Những xung đột trong gia đình xảy ra thường thường là do truyền thông, giao tiếp chưa tốt.
Nếu người xưa biết dạy con cái trong gia đình phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”, phải biết “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” thì Cơ Đốc nhân hơn ai hết phải cẩn thận trong cách nói năng, cư xử với nhau để không làm tổn thương, nhau như Kinh Thánh dạy “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.” (Ê-phê-sô 4:29)
Nếu bạn còn có bí quyết nào nữa hãy comment phía dưới để bổ sung nhé!
Tác giả: Trịnh Phan
Theo tinlanhtre.net
Leave a Reply