Oneway.vn – Đền thờ Calvary là nhà thờ lớn nhất Ấn Độ với hơn 300.000 tín đồ.
Hiện tại, họ đang thực hiện sứ mệnh xây dựng thêm 40 nhà thờ lớn trong 10 năm tới.
Mỗi Chúa Nhật, hàng ngàn người đổ về Đền thờ Calvary từ mọi nẻo đường. Từ 4 giờ sáng, giao thông ở các con đường lân cận đã tắc nghẽn.
Các nhân sự trong Hội Thánh phải điều phối giao thông, xe buýt đưa đón, ô tô và xe máy đưa hàng nghìn người đến kịp buổi lễ đầu tiên trong số năm lễ tại Calvary, bắt đầu từ 6 giờ sáng.
Đến lúc mặt trời mọc, các tín đồ đã ổn định chỗ ngồi.
Phòng nhóm chính của nhà thờ có thể chứa được 18.000 người, ngoài ra còn có Hội trường Bethlehem với sức chứa thêm 15.000 người và một phòng nhóm khác đủ chỗ cho hơn 3.000 người nữa.
Hàng trăm người khác cũng đang theo dõi buổi lễ trên màn hình được đặt khắp khuôn viên rộng lớn của Calvary.
Mục sư Satish Kumar là người giảng luận cho cả năm buổi lễ, kết thúc vào lúc 8 giờ tối.
Mục sư Kumar nói với CBN News: “Thật phước hạnh khi tôi được làm mục sư tại Hội Thánh này, điều này vượt xa mọi mong đợi và suy tưởng của tôi”.
Đền thờ Calvary được thành lập vào năm 2005 với khoảng hai mươi người. Ngày nay, Calvary tự hào có hơn 300.000 thành viên, khiến nơi này trở thành một trong những nhà thờ lớn nhất thế giới.
Họ có 11 Chi Hội với kế hoạch mở rộng hơn nữa trên toàn quốc.
Mục sư Kumar nói: “Chúa đặt sự cưu mang trong lòng tôi, đó là thành lập thêm 40 nhà thờ lớn giống như nơi đây trong 10 năm tới”.
Mục sư Kumar nói rằng Hội Thánh có thêm khoảng 3.000 tín đồ mới mỗi tháng là dấu hiệu cho thấy quyền năng Chúa đang vận hành mạnh mẽ khắp đất nước.
Mục sư Kumar nói: “Bàn tay Chúa đang đặt trên Ấn Độ, đây chính là lúc để Ấn Độ tiếp cận những người hư mất, không chỉ trong nước mà trên toàn cầu”.
Ngoài ra, Hội Thánh còn sản xuất hơn 650 chương trình truyền hình mỗi tháng bằng 17 ngôn ngữ chính của đất nước để phát sóng trên truyền hình quốc gia.
Mục sư Kumar nói: “Chương trình không chỉ được phát sóng trong nước mà còn ở Bangladesh, Nepal, Sri Lanka, Afghanistan, Pakistan và các nước vùng Vịnh”.
Hội Thánh còn có hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội. Bí quyết thành công của họ là gì?
Mục sư Kumar nói: “Việc rao giảng Lời Chúa cách trung thực là điều thu hút mọi người, và việc thực hành Lời Chúa là điều giữ chân mọi người ở lại Hội Thánh”.
Điều đó được thể hiện rõ ràng ở đây mỗi Chúa Nhật.
Narayana Podhili là một kỹ sư xây dựng. Vào Chúa Nhật, ông điều phối một nhóm gồm 150 nhân sự tình nguyện của Hội Thánh, họ sẽ dành thời gian để chuẩn bị bữa ăn miễn phí cho 50.000 người.
“Chúng tôi đến đây vào Chúa Nhật hàng tuần từ 3 rưỡi hay 4 giờ sáng và cùng nhau làm việc đến tối,” Podhili nói với CBN News khi đang điều phối nhóm của mình.
Nagavalli Mendem đã làm việc tại nhà bếp Calvary suốt bảy năm qua, sau khi bà hứa với Chúa rằng nếu Ngài chữa khỏi bệnh ung thư cho bà, bà sẽ phục vụ Hội Thánh.
Mendem nói: “Tôi hứa với Chúa như vậy và tuyệt vời thay, Chúa đã làm cho tôi lành bệnh mà không cần phẫu thuật. Chúa đã loại bỏ khối u trong ngực tôi và cho tôi được khỏe mạnh. Để bày tỏ lòng biết ơn Ngài, tôi phục vụ tại nhà Chúa.”
Bà và các nhân sự tình nguyện cung cấp bữa ăn cho hơn 200.000 người mỗi tháng.
“Chúa đã loại bỏ khối u trong ngực tôi và cho tôi được khỏe mạnh”
Mục sư Kumar nói: “Ở Ấn Độ, chúng tôi có câu: ‘phục vụ nhân loại là phục vụ Chúa’, vậy nên đó là điều chúng tôi cố gắng thực hiện. Chúng tôi cố gắng thể hiện tình yêu của Chúa qua hành động bằng mọi cách mà chúng tôi có thể.”
Calvary cũng có một bệnh viện trong khuôn viên đền thờ, nơi các tín đồ được điều trị y tế miễn phí vào Chúa Nhật và được cấp thuốc với giá ưu đãi.
Bác sĩ Vinod Kumar của Bệnh viện Calvary cho biết: “Phần lớn những người đến đây đều khó khăn và không đủ khả năng điều trị”.
‘Phục vụ nhân loại là phục vụ Chúa’
Hội Thánh cũng cho phép tín đồ sử dụng các cơ sở chung để tổ chức hôn lễ. Khi có tín đồ qua đời, Calvary cũng sẽ lo tất cả các vấn đề tang lễ, mai táng và tiếp đãi – không mất phí.
Năm 2007, Đền thờ Calvary đã thiết lập hệ thống thẻ ra vào đầu tiên để chăm sóc các tín đồ và gia đình của họ.
“Hội Thánh có đến hàng nghìn người. Làm sao tôi biết được ai vắng mặt vào Chúa Nhật?“
Mục sư Kumar nói: “Hội Thánh có đến hàng nghìn người. Làm sao tôi biết được ai vắng mặt vào Chúa Nhật? Khi tôi đang cầu nguyện, Chúa ban cho tôi ý tưởng về thẻ ra vào”.
Các tín đồ cần quẹt thẻ khi đến dự bất kỳ buổi lễ nào trong số năm buổi lễ Chúa Nhật.
Chandraiah, một tín đồ của Đền thờ Calvary, cho biết: “Nếu chúng tôi không đến, Hội Thánh sẽ gọi đến hỏi thăm. Họ sẽ hỏi tôi lý do tôi không đến nhà thờ và cầu nguyện cho vấn đề của tôi. Tôi rất cảm kích khi nhận được cuộc gọi đó. Hội Thánh rất quan tâm đến chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi sẽ chắc chắn đến nhà thờ vào buổi lễ sau”.
Cầu nguyện luôn là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của Hội Thánh
Mục sư Kumar nói rằng cầu nguyện luôn là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của Hội Thánh. Họ đã tổ chức 40 ngày cầu nguyện và kiêng ăn thường xuyên kể từ năm 2005, thu hút hàng chục nghìn người trẻ tham gia đến các sân vận động trên khắp đất nước.
Mục sư Kumar nói với CBN News: “Trong 40 ngày kiêng ăn và cầu nguyện, tôi giảng dạy từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền”. Tôi cố diễn giải mỗi sách cho dễ hiểu. Hàng trăm nghìn thiếu nhi cuối cùng cũng đã đọc hết Kinh Thánh.”
Cùng với các lễ buổi sáng, mỗi tháng Hội Thánh cũng tổ chức buổi nhóm họp “Đêm với Chúa” để các tín đồ cầu nguyện cho sự phục hưng.
Mục sư Kumar nói: “Có khoảng 25.000 đến 30.000 người tham gia. Đó là buổi cầu nguyện xuyên đêm lớn nhất ở đất nước chúng tôi”.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Cơ Đốc nhân ở Ấn Độ phải đối mặt với làn sóng bạo lực kinh hoàng.
Mục sư Kumar cho biết: “Hội Thánh càng bị đàn áp thì càng phát triển mạnh mẽ, và đó là hiện thực ở Ấn Độ”.
Phần lớn những vụ tấn công do các nhóm cực đoan Ấn Độ giáo gây ra, họ cáo buộc Cơ Đốc nhân bắt ép người dân phải đổi đạo.
Hội Thánh càng bị đàn áp, càng phát triển mạnh mẽ
Mục sư Kumar, người từng theo đạo Hindu rồi chuyển sang tiếp nhận Cơ Đốc giáo, nói rằng sự chống đối sẽ mang đến sức mạnh.
Không cuộc đàn áp nào có thể cản trở việc rao giảng Lời Chúa
Mục sư Kumar nói: “Không cuộc đàn áp nào có thể cản trở việc rao giảng Lời Chúa, mà chỉ làm cho Lời Chúa càng được lan tỏa và truyền đi khắp các quốc gia. Tôi đang cưu mang một sứ mệnh, đó là trước khi qua đời, tôi muốn tất cả mọi người dân Ấn Độ đều được nghe Phúc Âm và biết đến Đấng Cứu Rỗi.”
Bài: George Thomas; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: cbn.com)
Leave a Reply