Oneway.vn – Cơ quan Cổ vật Y-sơ-ra-ên hôm thứ ba tuyên bố họ đã tìm ra tàn tích trong trận hủy diệt của quân Ba-by-lôn từ thời tiên tri Nê-hê-mi và Ê-xơ-ra
Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một con dấu được sử dụng để niêm phong tài liệu hoặc các thùng hàng hóa trong thời cổ đại. Khi khai quật bãi đậu xe Givati tại thành Đa-vít, Giê-ru-sa-lem, cổ vật này được tìm thấy bên cạnh công trình đổ nát đã bị người Ba-by-lôn phá hủy trong thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên.
“Mặc dù rất nhiều cuộc khai quật đã được tiến hành ở Giê-ru-sa-lem, nhưng cho đến nay những phát hiện từ thời Ba Tư vô cùng ít ỏi, do đó chúng tôi thiếu thông tin về đặc điểm và diện mạo của thành phố trong thời kỳ này”, Giáo sư Yuval Gadot thuộc Khoa Khảo cổ học và Văn hóa Cận Đông cổ đại, Đại học Tel Aviv, và Tiến sĩ Yiftah Shalev thuộc Cơ quan Cổ vật Y-sơ-ra-ên cho biết.
Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện này rất hiếm, cho thấy rằng Giê-ru-sa-lem đã bị tàn phá nặng nề như thế nào trong trận hủy diệt của Ba-by-lôn.
“Việc tìm thấy con dấu ở thành Đa-vít cho thấy dù tình hình sau trận tàn phá vô cùng thảm khốc, nhưng chính quyền vẫn nỗ lực để khôi phục các cơ quan hành chính trở lại bình thường, và cư dân trong thành tiếp tục sử dụng phần còn lại của những công trình bị phá hủy”, Giáo sư Gadot và Tiến sĩ Shalev giải thích.
Con dấu được tìm thấy trên một miếng đất sét lớn, điều này chứng minh rằng nó không được sử dụng để niêm phong tài liệu, mà là niêm phong thùng hàng hoặc bình chứa. Trên con dấu là hình ảnh một người đàn ông ngồi trên ghế, trước mặt là một hoặc hai cột trụ.
Các nhà khảo cổ cho biết hình ảnh trên con dấu này là đặc trưng văn hóa Ba-by-lôn. Người ngồi trên ghế được cho là một vị vua, và cột trụ đại diện cho các vị thần Ba-by-lôn, Nabu và Marduk.
Con dấu được người dân địa phương làm từ một mảnh gốm lớn.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy những cổ vật khác, bao gồm một chiếc bình gốm vỡ được trang trí với hình ảnh khuôn mặt của thần Bes.
“Những phát hiện mới ở sườn phía tây thành Đa-vít cho biết thêm nhiều thông tin về cấu trúc thành trong thời kỳ Trở về Si-ôn, giai đoạn chúng ta được biết chủ yếu qua Kinh Thánh (sách Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi)”.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm: “Những phát hiện ít ỏi trong giai đoạn này khiến cho việc tìm hiểu tình trạng và quy mô thành phố trở nên khó khăn. Những phát hiện từ cuộc khai quật bãi đậu xe Givati đã làm sáng tỏ sự đổi mới của chính quyền địa phương, tương tự với một địa điểm tồn tại vào khoảng 100 năm trước khi Đền thờ đầu tiên bị phá hủy”.
Bài: Emily Jones; dịch: Jennie
(Nguồn: cbn.com)
Leave a Reply