Oneway.vn – Nỗi kinh hoàng mà lực lượng Hamas gây ra đã khiến khu vực Gaza chìm trong bi kịch thảm khốc. Thế giới như đang quay cuồng giữa những thảm họa liên tiếp diễn ra. Ngay cả những người tin kính Chúa cũng bối rối không biết làm gì.
(Ảnh: The Times of Israel)
Sau khi suy ngẫm và cầu nguyện, tôi nghĩ rằng có một số nguyên tắc căn bản mà chúng ta nên tuân theo khi bày tỏ quan điểm về những vấn đề này:
1. Đừng bao giờ bào chữa cho những hành động tàn bạo của Hamas
Việc cố tình tấn công, tra tấn và tàn sát người dân – trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, người già, cưỡng hiếp và giết hại phụ nữ – là hành động tàn ác. Đó không chỉ là ‘thiệt hại về tài sản’ do bom đạn. Tôi kinh hoàng khi nghe nghe một cháu nhỏ người Do Thái vừa khóc vừa kể, rằng cậu đã xem cảnh bà mình bị giết qua đoạn video mà quân Hamas đăng trên trang Facebook cá nhân. Điều đó quá đỗi đồi bại và tàn ác, không thể tả xiết. Đừng bao giờ bào chữa cho những hành động như vậy.
2. Đừng ủng hộ bạo lực hay gieo rắc nỗi kinh hoàng
Chính phủ Y-sơ-ra-ên đã đưa ra lời khuyên cho các nhà báo, tổ chức truyền thông và các bên liên quan. Họ cảnh báo rằng Hamas sẽ phổ biến hình ảnh và video chiếu cảnh tra tấn con tin trên các nền tảng mạng xã hội. Chính phủ yêu cầu không chia sẻ những hình ảnh này vì đó là cách quân Hamas dùng để đánh đòn tâm lý. Họ cũng cảnh báo về mức độ nguy hại mà những hình ảnh như vậy gây ra cho “trẻ vị thành niên”. Đây là một hướng dẫn khôn ngoan. Cá nhân tôi, khi ai đó đưa cho tôi một hình ảnh kinh dị, tôi sẽ ngay lập tức quay đi. Tôi không muốn góp phần vào cảnh tượng bạo lực kinh khủng như vậy.
3. Đừng quên nỗi đau của người dân Gaza
(Ảnh: CNN)
Người dân Gaza đang phải chịu đựng chế độ tàn bạo của Hamas – được Iran hỗ trợ và tài trợ. Hamas lấy trẻ em ra làm lá chắn và không quan tâm đến dân thường. Phía Nam giáp Ai Cập, phía Tây giáp biển. Rồi đây sẽ là cuộc bắn phá, xâm lược sắp tới của quân đội Y-sơ-ra-ên. Và, tôi nói điều này không nhằm bào chữa hay biện minh cho Hamas dưới bất kỳ hình thức nào, hãy nhớ rằng một số người Y-sơ-ra-ên cũng có lúc hành động cách bất công và tai hại.
4. Đừng sử dụng thuyết tương đương
Đây là điều mà nhiều người đã nhầm lẫn. Họ lập luận rằng những gì xảy ra với người Do Thái thật khủng khiếp, nhưng cũng hãy nhìn những gì mà người Palestine đang phải gánh chịu, rằng bạo lực sinh ra bạo lực và hai bên về cơ bản cũng như nhau cả thôi.
Không còn nghi ngờ gì nữa, đã có những cá nhân binh lính Y-sơ-ra-ên hành động sai trái – nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc người dân Do Thái phải trả giá và tiếp tục chịu đựng nỗi đau. Thông thường khi binh lính giết thường dân, họ cố gắng giấu xác hoặc bào chữa cho những gì họ đã làm. Nhưng Hamas thì không như thế. Họ tự hào về điều đó. Họ đứng cạnh xác nạn nhân của mình, diễu hành, chụp ảnh, như thể các nạn nhân xấu số là những chiến lợi phẩm được trưng bày. Mục đích của việc làm này là để khủng bố. Quân Y-sơ-ra-ên cảnh báo dân thường khi chuẩn bị tấn công. Còn Hamas tấn công và nhắm vào dân thường mà không báo trước.
5. Hãy nhớ đến nỗi căm ghét đối với người Do Thái – và lý do quốc gia Y-sơ-ra-ên tồn tại ngày nay
Có gần 10 triệu người sống ở Y-sơ-ra-ên, trong đó có 7,5 triệu người Do Thái. Tại sao tất cả mọi người không thể sống trong hòa bình? Ai lại muốn giết 7,5 triệu người Do Thái? Những người đặt ra câu hỏi này dường như chẳng nhớ gì về lịch sử.
(Ảnh: CNN)
Cách đây vài năm, đại sứ Y-sơ-ra-ên đã đến thăm các văn phòng Giáo hội Tự do ở Edinburgh. Ngoài việc đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cảnh sát sử dụng súng máy, tôi còn ấn tượng với cách ông ta mô tả cảnh các sinh viên Đại học Glasgow đang hô vang “từ Jordan đến Biển, Palestine sẽ được tự do”. Đó là tiếng kêu mà tôi đã nghe nhiều lần trong các cuộc biểu tình chống Y-sơ-ra-ên. Họ không nói về tự do chính trị – họ đang nói về việc ‘không còn người Do Thái’ – cuộc diệt chủng cuối cùng.
Sự căm ghét này không chỉ xuất hiện ở một số nước láng giềng của Y-sơ-ra-ên mà còn phổ biến ở rất nhiều quốc gia. Tôi chỉ trích dẫn một vài ví dụ trong tuần qua. Tại Vương quốc Anh, Rivkah Brown của Novara Media đã viết về các cuộc tấn công của Hamas, rằng đó là “một ngày để ăn mừng” và “đấu tranh vì tự do hiếm khi nào không đổ máu”. Vài ngày sau, cô ấy xin lỗi – trước khi tiếp tục tấn công Y-sơ-ra-ên.
Trong khi đó ở Scotland, MSP Ross Greer của Đảng Xanh lập luận rằng: “Theo luật pháp quốc tế, rõ ràng người Palestine có quyền để tự vệ, bao gồm cả việc tấn công những kẻ đang chiếm đóng họ” – đồng thời nói thêm – “Chiến tranh sẽ không giải quyết được vấn đề này, ý chí mới là thứ chấm dứt sự chiếm đóng.” MSP Maggie Chapman đã đăng bài nói rằng việc người Do Thái bị tàn sát là lỗi của Y-sơ-ra-ên. Cô cũng nằm trong ủy ban gồm năm người đã phản đối treo cờ Y-sơ-ra-ên tại Quốc hội Scotland.
Trong khi đó, chúng ta đã chứng kiến các cuộc tuần hành ở nhiều thành phố tại Anh và Châu Âu, nơi người dân ăn mừng các cuộc tấn công của Hamas. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một lần nữa trong đời, tôi lại nhìn thấy mọi người trên đường phố Berlin ăn mừng và hò reo trước cái chết của người Do Thái. Sự thù hận trên đường phố London khiến người ta phải rùng mình khi chứng kiến.
Trong khi đó ở Sydney, chúng tôi đã chứng kiến cảnh tượng lố bịch: hơn một nghìn người đứng trên bậc thềm của Nhà hát Opera Sydney (nơi phấp phới lá cờ Y-sơ-ra-ên), hô vang ‘tiêu diệt bọn Do Thái’! Thật không thể tin được rằng cảnh sát đã lệnh cho cư dân Do Thái tại Sydney ở yên trong nhà – và một người đàn ông thậm chí còn bị bắt vì phất cờ Y-sơ-ra-ên ở trung tâm thành phố!
Giống như ở Châu Âu, Úc và Trung Đông đã có các cuộc biểu tình chống Y-sơ-ra-ên ở Mỹ. Tại Harvard, 31 tổ chức sinh viên đã ký một tờ đơn “cho rằng chế độ Y-sơ-ra-ên phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi hành vi bạo lực đang diễn ra”. Black Lives Matter đã đăng hình ảnh một người lính dù cầm cờ Palestine và cụm từ ‘Tôi sát cánh cùng Palestine’ – dòng trạng thái này sau đó đã bị xóa. Những kẻ khủng bố đến nơi bằng dù lượn, tàn sát 260 người, chủ yếu là thanh niên tại một lễ hội âm nhạc ở Y-sơ-ra-ên. Nói về BLM, đội tuyển Anh và đặc biệt là người quản lý của họ đã nhiệt tình ủng hộ BLM, nhưng họ sẽ không bao giờ lên tiếng bênh vực 1.300 người Do Thái đã bị Hamas giết hại. Thay vào đó, họ sẽ tiếp tục điệp khúc“mọi mạng sống đều quan trọng”.
Cầu nguyện và than khóc
(Ảnh: Jewish Voice)
Kinh Thánh cho chúng ta biết Gaza đã trở thành một phần của Y-sơ-ra-ên, dưới thời vua Đa-vít, hơn 3.000 năm trước. Sam-sôn bị giam ở đó (Các Quan Xét 16), và cuối cùng ông đã phá hủy toàn bộ ngôi đền để phán xét tất cả. Có thể đó là điều sẽ xảy ra ở Gaza ngày nay. Nhưng chắc chắn tất cả chúng ta, với tư cách môn đồ của Vua Hòa bình, đều mong muốn mọi việc sẽ xảy ra trong 1 Các Vua 4:24: “Vì Sa-lô-môn thống trị các vùng ở phía tây sông Ơ-phơ-rát và các vua của những vùng đó, từ Típ-sắc cho đến Ga-xa, nên khắp bốn phương đều có hòa bình”.
Chúa nhật tuần trước, tôi đã đọc bài ca Do Thái cổ xưa này trước Hội Thánh. Ngày nay, những lời thơ ấy vẫn còn thích hợp như thời Đa-vít:
“Hãy cầu hòa bình cho Giê-ru-sa-lem;
Nguyện người nào yêu mến ngươi sẽ được thịnh vượng.
Nguyện hòa bình ở trong tường thành ngươi,
Và thịnh vượng trong các cung đền ngươi!
Vì anh em ta và bạn hữu ta,
Ta nói rằng: “Nguyện hòa bình ở trong ngươi!”
Vì nhà của Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta,
Ta sẽ cầu mong phước lành cho ngươi”. (Thi Thiên 122:6-9)
Bài: David Robertson; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: christiantoday.com)