Chẳng có chi ngoài Chúa

Oneway.vn – Tiểu khu 181 – huyện Đam Rông, Lâm Đồng – cách Đà Lạt không xa, nhưng hoàn toàn khác biệt, xa lạ; và thật ngỡ ngàng khi lần đầu tiên chúng tôi đặt chân đến…

Con đường lầy lội dẫn vào Tiểu khu 181.

Trẻ con ở trọ

Chúng tôi ghé thăm căn trọ gần ngã ba Bằng Lăng – trung tâm huyện Đam Rông, Lâm Đồng – vào một buổi chiều cuối năm. Mưa dầm dề, ướt át, lạnh lẽo. Dưới ánh đèn huỳnh quang mờ mờ là gần chục đứa trẻ. Mấy đứa con gái quanh quẩn trong nhà chơi nhảy dây, vài đứa khác ngồi trên giường, chụm đầu vào nhau, lúi húi tập viết, làm toán vì không có bàn ghế hay chỗ ngồi học hẳn hoi. Hồi lâu, mấy đứa con trai cởi trần chạy ra đường nghịch mưa, dù trời rất lạnh.

Bên trong căn nhà trọ gần ngã ba Bằng Lăng.

Căn nhà tôn cũ kỹ nằm gần quốc lộ 27. Bên trong, một tấm chiếu trải dưới đất, 2 cái giường gỗ tạm bợ kê gần nhau, mùng mền ngổn ngang, bừa bộn. Áo quần, hầu hết không lành lặn, máng trên sợi dây sát vách. Ngăn bếp ẩm thấp với vài cái bếp ga mini, nồi cơm điện, chén, muỗng đũa và cả thức ăn vương vãi. Phía trong cùng là khu vệ sinh đầy rác: bao dầu gội, giấy vệ sinh… trên sàn ẩm ướt. Không ai dọn, mà có lẽ cũng không ai biết phải dọn thế nào.

Em Cư A Tủa đang vào bếp chuẩn bị cho bữa cơm tối.

Các thành viên trong nhà trọ lớn nhất học lớp 6 và nhỏ nhất vừa vào lớp 1. Em Cư A Tủa, 8 tuổi, sau buổi chiều dầm mưa, vào bếp vốc mớ cải muối cho vào nồi, bật bếp lên đảo qua cho nóng rồi ăn cơm. Em ăn liền mấy chén đầy, ngon lành với cơm nhão và cải xào với muối và nước. Mấy em khác mải chơi, hồi lâu rồi cũng về bới cơm ăn với nước lã. Ăn xong lại chơi, rồi học bài và đi ngủ. Buổi tối của các em chỉ có thế.

Ngay khi vừa đủ tuổi vào lớp 1, A Tủa cũng như bạn bè trang lứa đã phải ở trọ để đi học. Thường cuối tuần mới được về nhà một lần. Xa cha mẹ, các em tự lập, không ai coi ngó, bảo ban, chăm sóc, hướng dẫn; tự đi chợ nấu ăn, tự học, tự chơi…

Em Cư A Tủa với bữa tối trên tay, gồm cơm nhão và cải muối xào với nước lã.

Đầu tuần cha mẹ chở ra, đem theo gạo, ít thức ăn hoặc để lại số ‘tiền chợ’ ít ỏi. Vì thế, các em ăn cơm với cải muối, nước lã là dễ hiểu. Vất vả cho việc học, nên hầu hết các em chỉ học cho biết đọc, biết viết tiếng Việt và vài phép tính, rồi nghỉ. Hiếm hoi mới có vài em kiên nhẫn học nhiều hơn, mà cũng tối đa tới lớp 9 vì không đủ điều kiện để tiếp tục.

Tắm mưa…

Tiểu khu 181

Nhà các em ở Tiểu khu 181 – một trong nhiều tiểu khu người H’Mong di cư từ Tây Bắc vào sinh sống. Một số hộ vào từ nhiều năm trước, một số mới vào, vì đủ thứ lý do, và đa số thiếu thốn, nghèo khó. “Ở quê không làm ăn gì được. Nghe nói trong này đỡ hơn”. Nhưng cũng chẳng khấm khá là bao. Những năm đầu họ trồng bắp, củ mì, lúa… sau này học thêm cách trồng cà phê và một số loại cây khác từ dân địa phương, nuôi thêm gà vịt…  

Đường vào Tiểu khu 181 trở nên lầy lội, trơn trượt sau trận mưa dầm kéo dài vài giờ.

Con đường đất duy nhất từ nhà đến trường, đến trung tâm huyện chừng 15 cây số, nhiều dốc, cua quanh co, gập ghềnh men sườn đồi. Đi xe máy thường mất hơn 1 tiếng, và nếu mưa kéo dài, đường trơn trượt, lầy lội, cả khu bị cách ly hoàn toàn, phải lội bộ nếu muốn ra ngoài.

Còn cha mẹ thì quần quật suốt ngày trên rẫy, chẳng thể coi ngó, chăm sóc các em.


Tiểu khu 181 trẻ con nheo nhóc, hầu hết trần truồng, đi chân đất bất kể mưa hay nắng, và nhiệt độ thường khoảng mười mấy. “Không hẳn đến nỗi không đủ quần áo mặc, nhưng bởi tụi trẻ nhiều đứa không chịu mặc. Còn cha mẹ thì quần quật suốt ngày trên rẫy, chẳng thể coi ngó, chăm sóc các em. Vì thế mà nhiều đứa bị bệnh về hô hấp, da liễu, truyền nhiễm…” – ông Cư A Xì – một người cao tuổi trong làng – nói.

Một số trẻ em tại Tiểu khu 181. Ảnh: Kiều Thương

Nơi đây vì thế cũng chưa có điện, không sóng điện thoại, không nước sạch, không chợ búa, hàng quán… Mỗi tuần người dân ra trung tâm huyện 2-3 lần để mua thức ăn, đem theo vài món để buôn bán như rau rừng, gà vịt… vừa tranh thủ sạc điện thoại và liên lạc với ai đó cần thiết. Em Vàng Thị Phương, 16 tuổi, chỉ tay lên ngọn đồi cách nhà chừng 1 cây số, nói: “Chỉ trên đó có sóng điện thoại thôi. Mà cũng chập chờn lắm. Ai cần thì chạy lên”.

Em Vàng Thị Phương

“Ở đây bọn trẻ lập gia đình sớm. Con gái 18 tuổi chưa chồng đã bị chê…”


Hôm ấy trời se lạnh, mấy người đàn ông ngồi quây quần uống trà dưới ánh sáng le lói phát ra từ chiếc điện thoại, mỗi người góp vài câu cho cuộc chuyện trò: “Ở đây chưa có nhà vệ sinh”; “Nước dẫn từ trên núi xuống rất trong và chưa lúc nào bị khô, nhưng không ai biết sạch dơ thế nào, có độc hại gì không”.; “Hầu hết mọi người dậy từ sớm nấu ăn rồi chia nhau lên rẫy, và trở về nhà khi mặt trời tắt hẳn”; “Ở đây bọn trẻ lập gia đình sớm. Con gái 18 tuổi chưa chồng đã bị chê…”.

Trò chuyện dưới ánh đèn le lói.

Không có gì, chỉ có Chúa

Có điều đặc biệt là tất cả người trong Tiểu khu 181 đều tin Chúa, dù đức tin mạnh yếu khác nhau. Từ khoảng năm 1995, đã có người đến đây sinh sống và thờ phượng Đức Chúa Trời. Nhưng vì nhiều lý do mà Hội Thánh chỉ mới chính thức thành lập từ năm 2011. Hiện chưa có Mục sư hay người chăn bầy thực thụ. Việc điều hành, dạy đạo chủ yếu do Chấp sự Vàng Mí Xừ và vài người khác chia nhau phụ trách. Buổi nhóm hàng tuần diễn ra từ sáng sớm với gần 100 người; tiếp theo là các ban ngành: thanh thiếu niên, phụ nữ… sinh hoạt (một số hệ phái Tin Lành cũng đến thành lập Điểm nhóm; nhưng trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến Hội Thánh mà Chấp sự Xừ phụ trách).

Nhà thờ gỗ nằm trên con dốc nhỏ.

Ngôi nhà thờ nhỏ dựng bằng gỗ, lợp tôn, nằm trên phần đất do một tín hữu dâng hiến. Bên trong, bục giảng sơ sài, vài cái ghế nhựa, 2 cái loa nhỏ, 1 cái micro và 1 cây organ cũ nằm trong góc. Sau toà giảng là tấm bạt làm phông – do một con cái Chúa dâng vào dịp Giáng Sinh. Nhờ đó mà dòng chữ ‘Tôn vinh Đức Chúa Trời’ (bằng tiếng H’Mong) và cây Thánh giá đẹp hơn, ‘vì trước đây chỉ làm bằng giấy’. Nhà thờ lúc mới dựng cũng kín đáo, nhưng về sau gỗ khô nứt, rút lại, tạo thành các khe, “mưa gió lạnh luồn qua…” – chấp sự Xừ chia sẻ.

Bên trong nhà thờ, mọi thứ đều còn sơ sài…

“Dầu thân trên đất, dồi dập lao đao. Qua bao dặm dài, trải lắm đồi cao. Nhà xiêu vách nát, kèo cột lung lay, Jesus ngự vào, hóa thiên cung ngay…” (Thánh Ca 211). Quả đúng vậy, dù thiếu thốn, nghèo khó, nhưng người dân ở đây có Chúa, có niềm vui trong lòng. Mọi người thân thiết, yêu thương, san sẻ cho nhau, không ganh tỵ, chẳng tranh giành…

Một em bé tại Tiểu khu 181 trong vòng tay người cha trẻ tuổi.

Dẫu thế, cũng xin quý con cái Chúa thêm lời cầu thay cho người dân Tiểu khu 181, để họ có đủ thức ăn, áo quần cho trẻ con; có điện thắp sáng, có nước sạch; cả sóng điện thoại, truyền hình, internet… Để những con đường đến Tiểu khu 181 không còn xa xăm, cách trở nữa, để cuộc sống người dân được ổn định, đỡ nhọc nhằn hơn.

Hoàn Nguyện

Xem thêm: Đôi mắt Y Bin

Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].


“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta
” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).

Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *