Chinh phục thành phố cho Đấng Christ

Oneway.vn – Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 13 đến 20, Sứ đồ Phao-lô viếng thăm 48 thành phố, và tại mỗi thành phố này đều có nhiều người tin nhận Đấng Christ. (Ảnh: Pixapay)

Nhiều cuộc đời và nhiều gia đình đã thay đổi. Cả cộng đồng được biến đổi bởi Phúc Âm ân điển. 

Có thể bạn nghĩ điều này là hiển nhiên, nhưng tình huống của Phao-lô rất khác chúng ta. Ông sống trong một thời đại khác. Ông tiếp cận những người hoàn toàn khác. Và ông đã rao giảng Phúc Âm trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác.

Đúng. Nhưng không yếu tố nào trong số đó có thể thay đổi cốt lõi của sứ điệp Phúc Âm.

≥≥≥ Bài liên quan: Xuân Yêu Thương – Rộn ràng công tác chuẩn bị tại Sân Vận động Phú Thọ

Mục sư Franklin Graham – Tiếp nối ngọn lửa truyền giáo Phúc âm từ cố Mục sư Billy Graham

Thành phố của bạn không hoàn toàn giống bất kỳ thành phố nào mà Phao-lô đã đến thăm, nhưng tất cả đều có những điểm chung:

Con người khác nhau, nhưng tất cả đều là tội nhân.

Thời gian khác nhau, nhưng bản chất con người thì không.

Bối cảnh tạo ra sự khác biệt, nhưng không thể thay đổi sứ mệnh Phúc Âm.

Chức vụ của Phao-lô trong Công Vụ Các Sứ Đồ là bước khởi đầu hoàn hảo để mang Phúc Âm đến các thành phố của chúng ta ngày nay. (Ảnh: Pixapay)

3 nhóm người trong thành phố Phao-lô tiếp cận rao giảng

Chúng ta hãy xem xét ba thành phố nơi Phao-lô công bố Phúc Âm một cách trung thực, sáng tạo, và xem cách ông rao giảng lẽ thật cho những con người rất khác nhau.

 

Tin Lành cho người tìm kiếm

Trong chương 13, Phao-lô rao giảng Phúc Âm cho hai người đàn ông – Sê-giút và Ê-ly-ma.

Trong Đế chế La Mã, những vùng không bị binh lính chiếm đóng rất yên bình và văn minh. Sê-giút là người được bổ nhiệm làm tổng đốc để quản lý vùng đó. 

Sê-giút là một người đàn ông rất mạnh mẽ và thông minh trong lĩnh vực lãnh đạo. Ông cũng rất quan tâm đến vấn đề thuộc linh.

Một trong những cố vấn thuộc linh của ông là Ê-ly-ma. Ông là một thầy phù thủy làm việc cho chính quyền.

Ê-ly-ma và Sê-giút là hai nhân vật tương phản trong câu chuyện. Họ đều là người ngoại, nhưng một người kịch liệt chống lại trong khi người kia cởi mở với Phúc Âm.

Phao-lô áp dụng hai phong cách khác nhau để nói chuyện với hai kiểu người này. Ông nghiêm khắc quở trách Ê-ly-ma vì đã cố gắng bịt miệng Tin Lành, và ông tích cực hành động nhằm tạo ra bối cảnh giúp Sê-giút có thể nghe và đáp lại lẽ thật.

Sê-giút cũng giống như nhiều người ngày nay. Nhiều người quan tâm đến “những chuyện tâm linh”, nhưng đối với họ, “tâm linh” chỉ là một thuật ngữ chung chung về tất cả những điều huyền bí từ Cơ Đốc giáo đến Phật giáo.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà chủ nghĩa đa nguyên lên ngôi.

Chủ nghĩa đa nguyên nói rằng không có sự thật nào là tuyệt đối. Mọi đức tin và ý thức hệ đều bình đẳng trong vũ trụ đức tin. Không ai có quyền nói rằng người này sai và người kia đúng.

Phao-lô và Ba-na-ba không nói về Đấng Christ như một trong nhiều lựa chọn. Đấng Christ không thể nào bị đặt ngang hàng với một loạt các thần giả và tôn giáo sai lầm.

Ngài là Đức Chúa Trời của muôn loài. Ngài là Lẽ Thật tuyệt đối. Mọi người và mọi vật phải cúi đầu trước uy quyền và sức mạnh của Ngài.

Sứ điệp này sẽ gây khó chịu cho người khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nhất thiết phải như vậy.

Phao-lô có thể chỉ trích Sê-giút vì ông dung túng cho một thầy phù thủy dưới trướng mình. Phao-lô có thể phán xét ông vì quan điểm thờ hình tượng và báng bổ của ông.

Nhưng ông không làm điều đó. Ông nhận ra Sê-giút quan tâm đến những điều thiêng liêng, và ông tìm cách minh chứng điều đó bằng cách không chế giễu hay khinh thường Sê-giút. 

Không dừng lại ở đó, Phao-lô đã bày tỏ cho Sê-giút biết lẽ thật. Và Kinh Thánh chép rằng Sê-giút “thấy sự việc xảy ra thì tin”.

 

Tin Lành cho người ngoại 

Trong chương 14, Phao-lô chữa lành một người què, mở ra cơ hội chia sẻ Phúc Âm cho một nhóm người ngoại mê tín, ít học.

Khi thấy Phao-lô chữa lành người què, họ cho rằng Phao-lô và Ba-na-ba là các thần hiện xuống. Lúc đầu, Phao-lô và Ba-na-ba không biết chuyện gì đang xảy ra, vì người ta nói tiếng mẹ đẻ của vùng đó, không phải tiếng La-tinh hay tiếng Hy Lạp.

Mãi đến khi họ bắt đầu dâng của-lễ thì Phao-lô và Ba-na-ba mới hiểu ra vấn đề. Phao-lô ngăn đám đông lại và rao giảng cho họ trong Công Vụ Các Sứ Đồ 14:14-17.

Trong cách Phao-lô chia sẻ Phúc Âm ở đây, sự khác biệt chính là nền tảng ban đầu mà ông đặt ra cho các lập luận của mình.

Khi đối diện với những người theo đạo Do Thái, Phao-lô bắt đầu bằng cách nhắc đến những thẩm quyền mà họ vốn đã công nhận – Kinh Thánh, Môi-se, Giăng Báp-tít.

Nhưng những người ngoại này không biết hoặc không tin Kinh Thánh. Vì vậy, Phao-lô bắt đầu bằng cách chỉ ra những gì họ nhìn thấy trong thế giới xung quanh.

Ông chỉ ra sự vĩ đại của tạo hóa. Đây là bằng chứng cho một Đấng Tạo Hóa, và ông chỉ ra sự cung ứng quan phòng của Đức Chúa Trời. Họ được ban cho thức ăn và niềm vui – tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống. Đó chính là món quà từ Chúa.

Về cơ bản, Phao-lô lý luận như sau: “Hãy nhìn thế giới và cuộc đời bạn. Tôi có thể giải thích cho tất cả những điều này. Mọi thứ đang hiện diện bởi vì có một Đức Chúa Trời đã tạo ra và quản lý cả vũ trụ”.

Khi chia sẻ Phúc Âm trong cộng đồng, chúng ta sẽ thấy rất nhiều người không hề biết gì về đức tin Cơ Đốc. Để trở thành chứng nhân trung thành, đôi khi chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu.

Sẽ thật tuyệt nếu chúng ta được phép bắt đầu với giả định rằng Chúa thánh khiết còn chúng ta thì không. Sẽ thật tuyệt nếu tất cả những người chúng ta gặp đều hiểu được khoảng cách giữa sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và tội lỗi của con người. Sau đó, chúng ta chỉ cần giải thích rằng con người không thể thu hẹp khoảng cách đó bằng sức riêng của mình, vì vậy Chúa Jêsus đã đến để làm điều đó thay cho chúng ta.

Nhưng rất có thể, chúng ta sẽ phải đối mặt với những người nghĩ rằng Chúa không tồn tại, rằng tội lỗi chỉ là một dạng “định kiến xã hội”, và cảm giác tội lỗi chỉ là hệ quả mà môi trường xung quanh đã tạo ra.

Chúng ta cần học hỏi từ Phao-lô. Ông gặp những người này tại nơi họ ở, và ông đặt nền tảng vững chắc cho những lời ông sắp nói với họ, về cuộc đời, sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ.

(Ảnh: Pixapay)

Tin Lành cho người trí thức

Trong chương 17, Phao-lô đã truyền giáo cho các triết gia và những người ngoại trí thức.

Ở thành phố A-thên, có hai nhóm trí thức đầy quyền lực – phái Khắc kỷ và phái Khoái lạc. Những nhóm này đại diện cho hai triết lý phổ biến nhất thời bấy giờ.

Phao-lô tiến vào thành phố nổi tiếng thế giới này và bị bắt đến “A-rê-ô-pa”, một hội đồng gồm những triết gia và nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của thành phố. Họ là những người nắm tất cả quyền lực và sức ảnh hưởng.

Phao-lô đã quen thuộc với thành phố A-thên, nhưng trong chuyến viếng thăm này, ông đã được trang bị nhiều điều hơn là kiến thức về thành phố này. Ông đã đến đây với Phúc Âm.

Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 17:24-31, Phao-lô công bố về một Đấng Tạo Hóa vừa tối cao (không phụ thuộc vào bất kỳ ai hay bất cứ điều gì) vừa nắm quyền tể trị (Chủ Tể của dòng lịch sử).

Phao-lô thách thức niềm tin của những người theo trường phái Khắc kỷ khi tuyên bố rằng có một Đức Chúa Trời tối cao. Đức Chúa Trời muốn mọi người tìm kiếm và gặp được Ngài. Ngài muốn có mối tương giao mật thiết với chúng ta. Ngài muốn chúng ta biết Ngài và yêu mến Ngài.

Sau đó, Phao-lô thách thức niềm tin của những người theo trường phái Khoái lạc khi tuyên bố về Đấng Christ phục sinh. Chúa Jêsus không chỉ là một con người nào đó. Ngài là Đức Chúa Trời. Và Ngài là Đấng Cứu Rỗi duy nhất của nhân loại. Sự phục sinh chứng minh rằng Đấng Christ sẽ trở lại để phán xét thế giới.

Đây là sứ điệp của Phao-lô ở A-thên. Sứ điệp này được thiết kế riêng cho những người ông gặp gỡ tại đây. Ông đã đặc biệt thách thức các thần tượng của cả hai nhóm cụ thể này.

Phái Khoái Lạc cho rằng các vị thần là tối cao, nhưng lại xa cách và không liên quan đến công việc của con người. Họ là những người theo chủ nghĩa khoái lạc hạnh phúc. Mục đích cuộc đời họ là làm những gì họ muốn.

Mặt khác, phái Khắc kỷ xem Chúa như một kiểu quyền lực kiểm soát mọi thứ. Nhưng Ngài không phải là Đấng tối cao mà loài người cần nhận biết và vâng phục. Họ là những người bi quan về mặt đạo đức. Họ sống để thực hiện những nghĩa vụ của mình.

Giờ hãy nghĩ về sứ điệp của Phao-lô.

Đối với phái Khoái lạc, Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời ở gần và Ngài là Đấng Phán xét – bạn không thể làm bất cứ điều gì mình muốn mà không phải chịu hậu quả!”

Đối với phái Khắc kỷ, Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời là Đấng tối cao và là Đấng Cứu Rỗi – bạn có thể thoát khỏi ách nô lệ của việc chỉ sống vì bổn phận!”

Ông đang nói với phái Khoái lạc rằng đừng tôn niềm vui lên làm thần tượng của mình.

Và ông đang nói với phái Khắc kỷ rằng đừng tôn nghĩa vụ lên làm thần tượng của mình.

Phao-lô nhìn thấy sự thờ hình tượng của thành phố này. Ông đau buồn vì điều đó. Và rồi, ông mạnh dạn rao giảng Tin Lành.

Có lẽ chúng ta không nói như Phao-lô vì chúng ta không thấy và cảm nhận như Phao-lô. Chúng ta nhắm mắt trước sự thờ hình tượng của thành phố mình đang sống, và không cảm thấy đau buồn về điều đó như lẽ ra chúng ta nên đau buồn, vì vậy chúng ta không rao giảng Phúc Âm với gánh nặng và lòng nhiệt thành như Phao-lô.


(Ảnh: mattbredmond.com)


Giáo lý đúng đắn và nhận thức văn hóa

Có rất nhiều điều để học hỏi từ Phao-lô. Ông có khả năng tuyệt vời trong việc rao giảng Phúc Âm cho các nhóm khác nhau mà không làm mất đi những lẽ thật thiết yếu của sứ điệp.

Ông có sự cam kết mạnh mẽ để học biết sâu rộng cả về mặt giáo lý lẫn văn hóa, và chúng ta rất cần sự cân bằng này trong các Hội Thánh ngày nay. Chúng ta thường vô thức lao theo một trong hai con đường!

Đôi khi, các Hội Thánh quá am hiểu về văn hóa. Họ háo hức tìm cách được nền văn hóa chấp nhận đến nỗi hy sinh lẽ thật. Điều này phơi bày sự thiếu tin cậy vào Phúc Âm.

Các Hội Thánh khác thì không có nhận thức về văn hóa. Họ say mê những truyền thống và luật lệ riêng của mình, để rồi đặt những rào cản không cần thiết trên con đường của những người không tin. Điều này cho thấy họ thiếu tình yêu thương đối với người lân cận.

Hội Thánh cần phải vừa hiểu biết về mặt giáo lý, vừa có nhận thức sâu rộng về văn hóa.

Chúng ta muốn thu hút nền văn hóa của mình, nhưng chúng ta cũng muốn đối đầu với nó.

Chúng ta muốn sứ điệp của mình chính xác, nhưng chúng ta cũng muốn nó hấp dẫn.

Phao-lô đã không thích nghi với nền văn hóa để rồi che giấu lẽ thật khỏi họ. Ông đã thích nghi với nền văn hóa để tạo một nền tảng cho việc chia sẻ lẽ thật. 

Khi các Cơ Đốc nhân nói về chuyện phù hợp với văn hóa, nhiều khi nó chẳng khác gì hơn một cái cớ nhằm che đậy tính xác thịt của họ. Họ yêu thế gian, và họ muốn giống như thế gian.

Nhưng có một động lực thánh khiết để trở nên phù hợp với văn hóa. Phao-lô đã chứng minh điều này nhiều lần.

Mong muốn của chúng ta là loại bỏ càng nhiều chướng ngại vật đang cản trở Phúc Âm càng tốt. Nếu Kinh Thánh không yêu cầu, thì chúng ta không nên để điều đó ngăn cản mọi người đến với Đấng Christ.

Đây là tấm lòng của Phao-lô – “Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người”. Yếu đuối. Mạnh mẽ. Có luật pháp. Không luật pháp. Đơn sơ. Trí thức. Trở thành bất cứ điều gì cần thiết để mang Phúc Âm đến cho những người cần nghe.

Các nhà thần học gọi điều này là “bối cảnh hóa”. Đó là từ ngữ đại diện cho mối quan hệ giữa Hội Thánh và nền văn hóa.

Tim Keller định nghĩa như thế này: “Bối cảnh hóa không có nghĩa là mang lại cho mọi người những gì họ muốn. Đó là đáp lại những câu hỏi của họ bằng câu trả lời của Chúa (điều mà có lẽ họ không muốn) dưới hình thức mà họ có thể hiểu được.”

Miễn là Phúc Âm có thể được rao giảng mà không thỏa hiệp, thì chúng ta nên sẵn sàng hy sinh quan điểm và truyền thống của mình, cũng như sẵn sàng sử dụng các phương pháp sáng tạo để rao giảng Phúc Âm.

 

Bài: Lifepress; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: lifepress.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *