Oneway.vn – Hôm nọ, con trai tôi tình cờ nghe được một cuộc trò chuyện trong tiệm cắt tóc:
Khách hàng: “Anh có nghe về việc virus lây lan trong các nhà thờ không?”
Thợ cắt tóc: “Ồ vâng!”
Khách hàng: “Không phải Cơ Đốc nhân lúc nào khoe khoang rằng Chúa Jesus sẽ bảo vệ họ khỏi bệnh tật hay sao? Thế bây giờ họ giải thích chuyện này như thế nào?”
Thợ cắt tóc cười khúc khích ra vẻ hoàn toàn đồng ý.
Mặc dù thật buồn khi nghe những người ngoại đạo chế giễu danh Đức Chúa Jesus Christ, nhưng còn buồn hơn khi biết rằng sự nhạo báng này là do hiểu biết sai lệch của họ về Cơ Đốc giáo.
Tại sao họ nghĩ Cơ Đốc nhân tin rằng mình sẽ được “miễn dịch” với bệnh tật? Thật ra họ không có lỗi.
Đáng tiếc, dường như đã có những giáo lý sai lầm chính trong các Hội thánh.
Có một trường phái tư tưởng tin rằng Chúa Jesus đã đến không chỉ để mang tội lỗi chúng ta đi mà còn cả những bệnh tật nữa.
Tư tưởng này dựa trên Ê-sai 53:5: “Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.”
Trường phái tư tưởng này cho rằng các tín đồ được “miễn dịch” với virus và bệnh tật trên thế giới này. Và những người vướng vào bệnh tật sẽ bị đổ lỗi rằng họ “thiếu đức tin”.
Đúng vậy, Chúa Jesus đã đến để cất tội lỗi và bệnh tật của chúng ta đi.
Một số người khác giải thích rằng “bởi lằn roi người chúng ta được lành bệnh” nói về sự chữa lành tâm linh chứ không phải thể xác. Nhưng họ sẽ vấp phải Ma-thi-ơ 8: 14-17, trong đó chắc chắn Ma-thi-ơ đã đề cập đến chức vụ chữa lành thể xác của Chúa Jesus, như sự khẳng định trọn vẹn cho Ê-sai 53:5.
Do đó, Ê-sai 53:5 dạy chúng ta rằng Chúa Jesus đã đến để ban sự chữa lành cả về thuộc linh lẫn thuộc thể.
Tuy nhiên, sai lầm xảy ra khi người ta không hiểu rằng: cho đến bây giờ, Ê-sai 53:5 chỉ mới được hoàn thành một phần. Chức vụ chữa lành của Đấng Christ trên đất chỉ là sự bắt đầu cho những gì sẽ đến.
Ê-sai 53:5 chỉ được trọn vẹn khi Đấng Christ trở lại trong vinh quang với vài trò “chú rể” để tiếp rước “cô dâu”, tức Hội thánh của Ngài.
Đấng Christ đã chết trên thập tự giá để giải thoát chúng ta khỏi hình phạt và quyền lực tội lỗi.
Cơ Đốc nhân đã nhận được sự tha thứ và sẽ không phải chịu sự kết án đời đời (cái chết thuộc linh). Họ không còn là nô lệ của tội lỗi, nhưng được xưng là công chính trước mặt Chúa.
Tuy nhiên, sự hiện diện của tội lỗi vẫn còn trong thế giới này và các tín đồ đang tiếp tục chiến đấu với tội lỗi trong họ (Rô-ma 7).
Ngoài ra, các tín hữu cũng phải đối mặt với đau khổ trên đất do tội lỗi, bao gồm bệnh tật, dịch lệ, suy đồi và cái chết thể xác.
Tội lỗi, xấu xa và đau khổ trong thế giới này chỉ được loại bỏ khi Đấng Christ trở lại lần thứ hai.
Vào ngày đó, sẽ có trời mới đất mới. Khải huyền 21:4: “Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi.”
Nói cách khác, bệnh tật, dịch lệ và cái chết thuộc thể chỉ được loại bỏ vào ngày đó, chứ không phải bây giờ.
Phao-lô nói về sự chữa lành cuối cùng này: “Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa, trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa. Vả, thể hay hư nát nầy phải mặc lấy sự không hay hư nát, và thể hay chết nầy phải mặc lấy sự không hay chết.” (1 Cô-rinh-tô 15: 51-53)
Tuy nhiên, khi chờ đến ngày đó, Chúa vẫn ban sự chữa lành trong thời đại ngày nay và các tín đồ chắc chắn có thể cầu xin sự chữa lành thể xác.
Tuy nhiên, với sự khôn ngoan vượt quá hiểu biết, Chúa không phải lúc nào cũng chọn chữa lành cho chúng ta, và ngay cả khi Ngài có chữa lành, thì mọi sự trước ngày Chúa trở lại đều chỉ là tạm thời.
Chúng ta phải nhớ lời hứa của Chúa Jesus rằng không phải Ngài đến để cất đi mọi hoạn nạn trong thế gian, mà là để mang đến cho con dân Ngài sự bình an, vững lòng trong cánh tay yêu thương Ngài (Giăng 16:33).
Chúa cũng hứa rằng có niềm vui, hy vọng và mục đích trong sự đau khổ của chúng ta (Rô-ma 5: 3-5), hứa ban sức chịu đựng và lối thoát khi chúng ta đối mặt với cám dỗ (1 Cô-rinh-tô 10:13), và Ngài cho phép mọi phiền não trên thế gian này xảy ra để phục vụ cho lợi ích đời đời của chúng ta (2 Cô-rinh-tô 4:17)!
Một số người tự hỏi tại sao trong tất cả các tổ chức tôn giáo, nhà thờ lại là nơi đầu tiên bị nhiễm COVID-19.
Một lý do: Cơ Đốc giáo là một cộng đồng đức tin, theo đó các tín đồ tập hợp nhau lại trong một thời gian dài để thờ phượng.
Một phần của thì giờ thờ phượng bao gồm yếu tố thông công, các tín đồ thông công với nhau trong lời cầu nguyện và những lời khích lệ.
Phạm vi gần và sự giao lưu trao đổi rộng rãi như vậy có thể là lý do các nhà thờ dễ bị lây lan virus hơn.
Tuy nhiên, tôi tự hỏi liệu Chúa có một ý định cao sâu khác?
Có lẽ Chúa đang thanh tẩy cô dâu Đấng Christ khỏi những lời dạy sai lầm về sức khỏe và sự giàu có.
Có thể thời điểm này sẽ giúp các tín đồ tỉnh thức khỏi suy nghĩ sai lầm rằng Cơ Đốc nhân miễn dịch với virus, bệnh tật và dịch lệ.
Có thể dịch bệnh này sẽ thúc đẩy các tín đồ tìm biết Kinh Thánh, thông hiểu về kế hoạch xóa bỏ bệnh tật và cái chết thể xác vào ngày Chúa đến. Có thể các tín đồ sẽ học cách bám vào lời hứa tuyệt vời của Chúa trong những lúc đau khổ.
Có lẽ Chúa cũng định sẵn rằng trong giai đoạn đau khổ này, Hội thánh sẽ trở thành ngọn hải đăng thắp sáng hy vọng cho thế giới.
Một Cơ Đốc nhân từng trải qua đau khổ chắc chắn sẽ tôn vinh Đức Chúa Trời và làm rạng danh Đấng Christ.
Phao-lô nhấn mạnh trong 2 Cô-rinh-tô 4:7-11: “Nhưng chúng tôi đựng của quí nầy trong chậu bằng đất, hầu cho tỏ quyền phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi. Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế, nhưng không ngã lòng; bị bắt bớ, nhưng không đến bỏ; bị đánh đập, nhưng không đến chết mất. Chúng tôi thường mang sự chết của Đức Chúa Jêsus trong thân thể mình, hầu cho sự sống của Đức Chúa Jêsus cũng tỏ ra trong thân thể chúng tôi. Bởi chúng tôi là kẻ sống, vì cớ Đức Chúa Jêsus mà hằng bị nộp cho sự chết, hầu cho sự sống của Đức Chúa Jêsus cũng được tỏ ra trong xác thịt hay chết của chúng tôi.”
“Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót.” (1 Phi-e-rơ 4: 12-13)
Đấng Christ đã chịu đau khổ vì vinh quang của Đức Chúa Cha, chúng ta cũng chia sẻ nỗi đau ấy khi chịu đau đớn vì vinh hiển Ngài. Chúng ta dự phần trong sự thương khó Ngài khi chịu đau khổ vì Ngài (bị bắt bớ) hoặc khi chịu đau khổ trong Ngài.
Đau khổ trong Đấng Christ là để chứng minh cho thế giới thấy rằng: duy Đấng Christ là đủ cho chúng ta rồi, và Ngài hoàn toàn có thể giữ gìn chúng ta giữa biển thử thách.
Đau khổ minh chứng rằng Đấng Christ là niềm hy vọng đời đời của chúng ta, và sự đau khổ hiện tại không thể nào so sánh với phước hạnh Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta trên thiên đàng. Khi đặt hy vọng tuyệt đối nơi Đấng Christ thay vì những tiện nghi tạm thời của thế gian này, chúng ta đã thắp lên ánh sáng tôn cao danh Ngài.
Thật đáng buồn khi khách hàng trong tiệm cắt tóc hiểu biết sai lệch về Hội thánh. Vì Hội thánh phải được biết đến với sự kiên cường, niềm vui, hy vọng, tình yêu trong Đấng Christ và việc lành cho nhau giữa thế gian đau khổ.
Bài: Mục sư Rick Toh; dịch: Hồng Nhạn
(nguồn: thir.st)