Oneway.vn – Gần đây, một người hoài nghi đã nói với tôi, "Nếu ai đó tìm ra bằng chứng rằng Chúa có tồn tại, chắc người đó sẽ giành được giải Nobel".
Chắc chắn bằng chứng về Chúa sẽ là một thành tựu vĩ đại xứng đáng được công nhận, dù tôi không chắc giải Nobel nào sẽ phù hợp với một khám phá như vậy: Hóa học? Hòa bình? Văn chương? Nhưng thật ra, đã từng có giải Nobel dành cho một khám phá khoa học đưa ra "bằng chứng" về Chúa: giải Nobel vật lý năm 1978.
Tất nhiên, trong bối cảnh khoa học, không thể chứng minh bất cứ điều gì là hoàn toàn đúng. Các giả thuyết có thể được kiểm tra và xác minh, nhưng không thể chứng minh là đúng tuyệt đối, vì nếu tìm ra bất kỳ ngoại lệ nào thì lập tức giả thuyết sẽ trở nên vô nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta chắc chắn có những "bằng chứng" về Chúa.
Câu chuyện về giải Nobel năm 1978 thực sự đã bắt đầu từ năm 1927 khi linh mục Công giáo Georges Lemaitre đề xuất rằng vũ trụ có một khởi đầu, điều mà ông gọi là "nguyên tử nguyên sinh" hay "quả trứng vũ trụ". Ý tưởng này không được các nhà khoa học đánh giá cao vì nó chỉ được viết khá mơ hồ trong một tạp chí, và không có bằng chứng nào cho sự khởi đầu như vậy.
Nhưng điều đó đã thay đổi vào năm 1929 khi nhà vật lý thiên văn Edwin Hubble xuất bản một bài báo cho thấy các thiên hà đang di chuyển ra xa nhau; vũ trụ đang mở rộng. Ý nghĩa của khám phá này đã được các nhà khoa học, thần học và triết học công nhận. Nếu bây giờ vũ trụ đang mở rộng thì nó đã bắt đầu mở rộng tại một thời điểm nào đó trước đây; nghĩa là đã có một khởi đầu. Vì nhiều lý do, một số nhà triết học, thần học và nhà khoa học đã miễn cưỡng chấp nhận rằng vũ trụ có một điểm khởi đầu. Nhiều ý kiến thay thế đã được đề xuất và tích cực nghiên cứu, tuy nhiên không có kết quả tích cực.
Năm 1949, giả định đầu tiên về sự khởi đầu của vũ trụ được gọi là “big bang/vụ nổ lớn" bởi nhà vật lý Sir Fred Hoyle. Nhìn chung, ông đã đặt ra thuật ngữ “vụ nổ lớn” vì nghĩ rằng đó là một cái tên ngớ ngẩn đến nỗi không ai chấp nhận nó, và cũng không ai chấp nhận lý thuyết này.
Tuy nhiên, dựa trên khám phá của Hubble và các dữ liệu khác, các nhà vật lý đã phát triển các mô hình toán học tính toán sự phân chia của vũ trụ, khởi đầu bằng một vụ nổ lớn; một phần vũ trụ hữu hình đã bị nén lại thành một vùng rất nhỏ, nóng và rắn chắc.
Năm 1948, Ralph Alpher và Robert Herman đã tính toán rằng nếu vũ trụ ban đầu rất nóng và rất rắn chắc thì bây giờ chúng ta vẫn có thể đo được lượng nhiệt còn lại từ hàng tỷ năm trước. Họ dự đoán rằng nhiệt độ của vũ trụ phải khá đồng đều trong toàn bộ thể tích, và ở khoảng 5 K (-451 độ F) mũ 3. Bài báo của Alpher và Herman không được biết đến rộng rãi, và không có thí nghiệm nào được thực hiện để đo nhiệt độ chung của vũ trụ trong 20 năm.
Nhưng vào năm 1964, hai nhà vật lý Arno Penzias và Robert Wilson từ phòng thí nghiệm Bell, đã bắt đầu một thí nghiệm nhằm đo tín hiệu sóng vô tuyến từ không gian giữa các thiên hà. Họ sử dụng “kính viễn vọng” trông giống như một chiếc sừng lớn và có cả một khoang lớn mở toang.
Thật không may, thí nghiệm này ngay lập tức gặp vấn đề. Bất cứ khi nào bật kính viễn vọng, lại xuất hiện một tiếng ồn khó chịu giống như tiếng rít mà chúng ta thường nghe trên các hệ thống ti vi cũ. Họ đã thử mọi cách để loại bỏ tiếng ồn, kể cả dọn sạch phân chim bồ câu bên trong kính viễn vọng. Không hề biết đến nghiên cứu của Penzias và Wilson, một nhóm ba nhà vật lý thiên văn tại Princeton, Robert Dicke, Jim Peebles và David Wilkinson cũng đang chuẩn bị tìm kiếm bức xạ còn sót lại từ “vụ nổ lớn”. Bernard Burke, một người bạn của Penzias, đã đọc được một bài báo tái bản của Peebles và cho Penzias biết tin. Vì vậy, Penzias và Wilson nhận ra rằng tiếng ồn gặp phải ở kính viễn vọng của họ có đặc điểm giống hệt như sức nóng còn lại từ “vụ nổ lớn”, như dự đoán của Alpher và Herman. Họ đã vô tình tạo ra một trong những khám phá vĩ đại nhất của thế kỷ 20, bức xạ vi sóng vũ trụ (CMB). Nhiệt độ đo được chỉ dưới 3 K, rất gần với dự đoán. Đây là bằng chứng không thể chối cãi rằng vũ trụ có một bắt đầu.
Ý nghĩa thần học về sự khởi đầu của vũ trụ đã được công nhận kể từ năm 1929 nhờ khám phá của Hubble. Nếu vũ trụ có một khởi đầu thì phải có một nguyên nhân siêu nhiên, một điều gì đó đã tạo ra vũ trụ nhưng hoàn toàn tách biệt với chính vũ trụ.
Nguyên nhân siêu nhiên này giống hệt với đặc tính của Chúa trong Kinh Thánh. Chính ông Penzias đã tuyên bố: "Dữ liệu tốt nhất chúng tôi có chính là Kinh Thánh, tôi không có cơ sở nào để tiếp tục ngoài năm sách của Moses/Môi-se, Thi Thiên và toàn bộ Kinh Thánh." Việc ông khám phá ra CMB chính xác là những gì ông mong đợi, chứng minh Kinh Thánh là sự thật khi tuyên bố rằng có một Đức Chúa Trời tạo ra vũ trụ.
Tầm quan trọng của việc khám phá ra CMB được xác nhận vào năm 1978 khi một nửa giải thưởng Nobel danh giá được trao cho Penzias và Wilson, vì "phát hiện ra bức xạ vi sóng vũ trụ." CMB xác nhận rằng vũ trụ có một khởi đầu, và là một trong những bằng chứng tốt nhất cho sự tồn tại của một Đấng sáng tạo. Làm sao một Đấng vô hạn siêu nhiên lại cung cấp bằng chứng về sự tồn tại của Ngài cho loài người bị giới hạn trong các chiều không gian và thời gian hữu hạn? Để con người biết được vũ trụ có một nguồn gốc, và để giải đáp câu hỏi về nguồn gốc đó, cần có một nguyên nhân siêu việt cần thiết. Đây gần như là “bằng chứng” về sự tồn tại của Chúa. Vì vậy, việc khám phá ra CMB đã được trao giải Nobel vật lý vào năm 1978. Điều đó chứng minh rằng vũ trụ của chúng ta có một khởi đầu, từ đó suy ra bằng chứng về sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Những người hoài nghi nên chú ý thông tin này.
Tác giả: Dr Michael G Strauss, dịch: Hồng Nhạn
(Nguồn: www.michaelgstrauss.com)
Leave a Reply