Vừa qua Ủy Ban Y Tế Xã Hội Tổng Liên Hội đã thực hiện hai ngày khám bệnh nhân đạo trong chương trình Phòng Mạch Cộng Đồng tại 2 xã Đạ Quyn và Tà Hine, thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Sau thời gian xin phép rất phức tạp và khó khăn, mãi đến vài hôm trước ngày khám, chúng tôi mới nhận được giấy phép. Đoàn khởi hành vào ngày 24 tháng 9, đến nơi cũng quá nửa đêm (do trên đường đi, có xe khác bị tai nạn giao thông tại đèo Bảo Lộc nên vấn đề di chuyển của đoàn bị chậm mấy tiếng đồng hồ so với dự định), chúng tôi nghỉ đêm tại 1 khách sạn ở thị xã Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.
Sáng hôm sau, chúng tôi đi một quãng đường rất xa, hơn 60 cây số, để đến phòng mạch đầu tiên là xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng. Hội Chữ Thập Đỏ huyện Đức Trọng đã sắp xếp cho chúng tôi làm việc ngay tại trạm y tế xã. Khi chúng tôi đến, bệnh nhân đã tập trung đông đủ chờ chúng tôi. Sau 30 phút chuẩn bị, chúng tôi mời Mục sư cầu nguyện cho chương trình khám bệnh và bắt đầu công việc vào lúc 9 giờ sáng. Vì trạm y tế chật hẹp, không đủ phòng nên chúng tôi phải tận dụng bên ngoài hành lang của trạm y tế để làm việc. Cám ơn Chúa, dầu vậy, mọi sự vẫn diễn ra thật tốt đẹp.
Đoàn chúng tôi có tất cả 25 người, gồm 10 bác sĩ trong đó có 3 bác sĩ là Cơ Đốc nhân làm việc tại bệnh viện Đà Lạt cùng đến tham gia khám bệnh với chúng tôi. Các Hội Thánh tại địa phương cũng đã cử các y sĩ và tình nguyện viên đến. Một số nhân viên của trạm y tế cũng là những tín hữu Tin Lành đã nhiệt tình hỗ trợ cho đoàn. Nhiều bệnh nhân là người tin Chúa đã tỏ ra rất vui mừng khi biết chúng tôi cũng là những người cùng niềm tin. Có nhiều người đi xa hơn 20 cây số mới đến được trạm y tế xã. Họ nói: “Nghe có đoàn y bác sĩ từ thành phố đến khám bệnh chúng tôi mới cố gắng đi khám, chứ ở xa quá không có điều kiện đi lại.”
Hầu hết bệnh nhân là những người lớn tuổi bị đau nhức và bệnh dạ dày, chế độ ăn uống thiếu thốn nên họ bị suy nhược và thiếu máu. Nhiều bệnh nhân đã nói với chúng tôi rằng họ chưa bao giờ có cơ hội đi khám bệnh vì không có tiền, họ muốn đến xem để biết bác sĩ như thế nào. Phần lớn những người lớn tuổi không rành tiếng Việt. Nghe họ nói chúng tôi cảm động vô cùng vì những điều kiện rất cơ bản trong xã hội ngày nay mà họ vẫn không có được. Nhiều em bé đến khám bị suy dinh dưỡng trầm trọng, bị rất nhiều bệnh ngoài da và đường ruột, có lẽ vì thiếu sự chăm sóc y tế. Sau một hồi làm việc, Mục sư Trưởng Ban Đại diện đã dẫn một đoàn làm phim của đài VTV1 đến, đưa cho chúng tôi một giấy giới thiệu, xin được làm đoạn phim giới thiệu về hoạt động từ thiện của người Tin Lành.
Đến trưa, bệnh nhân đã thưa dần, đoàn chúng tôi thay phiên nhau ăn trưa tại nơi làm việc. Chúng tôi chuẩn bị thức ăn đơn giản là mì gói và bánh mì. Ai nấy đều tranh thủ ăn nhanh để trở lại làm việc. Sau giờ trưa, nhiều bệnh nhân không có phiếu khám bệnh đến xin chúng tôi được khám, chúng tôi đã giải quyết khám tất cả các trường hợp. Vì vậy, mặc dù chỉ phát ra 300 phiếu mời nhưng chúng tôi đã khám được 551 bệnh nhân. Trong đó, có 89 bệnh nhân được nhận kính mắt từ chúng tôi, họ vui mừng lắm và nói rằng: “Sao thấy chữ rõ quá vậy, lâu nay cứ tưởng là mắt mình đã bị mù rồi. Vậy là bây giờ mình có thể đọc được cái chữ trong Kinh Thánh.” Sau một ngày làm việc vất vả, chúng tôi đã hoàn tất công việc và sắp xếp bàn ghế trả lại nguyên hiện trường cho trạm y tế xã. Các anh chị trong trạm y tế đã có mặt cùng với chúng tôi cho đến phút cuối. Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ huyện đã nói với chúng tôi rằng: “Thấy anh chị em của đoàn làm việc hăng say quá, chúng tôi cũng quên đi giờ giấc. Chúng tôi ước mong đoàn có thể đến khám nhiều hơn nữa để người dân ở đây được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.” Chúng tôi chụp hình lưu niệm và chia tay nhau.
Sáng hôm sau, chúng tôi trả phòng khách sạn và lên đường. Phòng mạch cộng đồng thứ hai của đợt khám này là một hội trường của xã Tà Hine, nằm cách thị xã Liên Nghĩa khoảng 30 cây số. Đây chỉ là một hội trường trống, không có ngăn phòng như trạm y tế ngày hôm qua. Chúng tôi phải tự chia ra những khu vực làm việc trong hội trường này, và sử dụng một phòng nhỏ phía sau để làm phòng khám phụ khoa. Ban đầu, họ không cho chúng tôi khám phụ khoa vì nói rằng không có phòng kín, nhưng chúng tôi đã thuyết phục họ vì chúng tôi thấy có rất nhiều bệnh nhân nữ bị bệnh phụ khoa. Chúng tôi rất muốn được giúp họ và đã chuẩn bị thuốc đầy đủ. Cuối cùng, họ cũng cho phép chúng tôi ngăn phòng khám phụ khoa. Nhiều chị em phụ nữ vào được khám và tư vấn vệ sinh phụ nữ. Họ vui mừng lắm vì chưa khi nào được thăm khám và tư vấn kỹ lưỡng như vậy.
Xã Tà Hine có tất cả 3,600 người dân, là đồng bào sắc tộc người Chu-ru và người Cil (Chil). Trong đó có 1,600 người là tín hữu Công Giáo và 1,000 người là tín hữu Tin Lành, số còn lại đa số là người Kinh đến đây sinh sống và không có đạo. Đồng bào sắc tộc ở đây chủ yếu làm nông, rẫy ở rất xa và không có nhiều đất để canh tác nên quanh năm họ vẫn thiếu ăn. Về tình hình bệnh tật thì cũng giống như xã Đạ Quyn.
Trong lúc khám, chúng tôi phát hiện rất nhiều cặp vợ chồng không có con, hỏi ra mới biết, không phải do vô sinh mà là khi mang thai, con bị dị tật, đã bị hư thai trước khi sinh. Chúng tôi ngồi trò chuyện với họ thì biết được đa số họ lấy nhau trong dòng họ cận huyết. Khi người Kinh đến sinh sống xung quanh họ thì người đồng bào sắc tộc càng sống co cụm lại nên họ rất dễ lấy nhau trong dòng họ. Một lý do nữa là khi lấy nhau trong dòng họ, chi phí cho sính lễ nhẹ hơn là lấy người ngoài. Lấy nhau cận huyết đã để lại hậu quả rất lớn cho nhiều gia đình, đó là con cái bị dị tật. Nhà nước cũng có nhiều cách để ngăn chặn nhưng họ đã cố tình giấu giếm do muốn giảm bớt chi phí trong cưới hỏi. Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc Hội Thánh cần có những can thiệp vào tình trạng này để hạn chế những dị tật xảy ra do giao phối cận huyết.
Cảm ơn Chúa, trong ngày làm việc thứ 2, chúng tôi có nhiều thời gian nói chuyện với bệnh nhân để tìm hiểu những nhu cầu khác. Trong đó nước sạch là một nhu cầu rất lớn của các cộng đồng tại đây. Chúng tôi hi vọng Ủy Ban sẽ có dịp lên khảo sát và tìm hiểu thêm các nhu cầu của cộng đồng và sẽ có những hướng trợ giúp cụ thể đúng với nhu cầu.
Chúng tôi cũng nghỉ trưa và ăn nhanh bằng những thức ăn nhẹ. Sau đó, chúng tôi tiếp tục công việc để có thể kết thúc sớm vì phải trở về Sài Gòn trên một chặng đường rất xa.
Cám ơn Chúa, một ngày làm việc trong điều kiện thiếu phòng ốc nhưng chúng tôi cũng đã khám và điều trị được cho 564 bệnh nhân. Chúng tôi kết thúc phòng mạch lúc 15 giờ, dọn dẹp và trở về Sài Gòn lúc 16 giờ. Chính quyền địa phương cũng như Hội Chữ Thập Đỏ huyện đã đến bày tỏ sự biết ơn và mời gọi chúng tôi trở lại trong thời gian tới. Họ rất muốn có được sự liên lạc chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và Hội Thánh để giúp cho nhiều nhu cầu của cộng đồng. Chúng tôi nói với họ rằng: “Tất cả những việc làm của chúng tôi đều là đề xuất của Hội Thánh tại địa phương vì vậy quý vị cần phải liên lạc làm việc với Hội Thánh tại địa phương”. Cảm ơn Chúa đây cũng là trách nhiệm mà chúng tôi thấy Hội Thánh cần phải thực hiện với cộng đồng để cộng đồng được biến đổi trở nên tốt đẹp hơn, và đó cũng chính là ý muốn của Đức Chúa Trời trên Hội Thánh Ngài.
Cảm ơn Chúa, sau 2 ngày làm việc tại 2 Phòng Mạch Cộng Đồng, chúng tôi có cơ hội phục vụ cho hơn 1.100 bệnh nhân nghèo, đa số là đồng bào dân tộc Chu-ru và Cil. Đặc biệt Phòng Mạch Cộng Đồng lần này có các thành viên đến từ nhiều nơi khác nhau như Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Đà Lạt. Ngay trong chuyến đi chúng tôi đã lập danh sách tất cả các bệnh nhân cùng với chẩn đoán bệnh để gửi cho ngành y tế tại địa phương cũng như lưu trữ trong chương trình Phòng Mạch Cộng Đồng. Khi chúng tôi vừa khám xong, một thầy truyền đạo, tham gia 2 ngày cùng với chúng tôi, đã đề nghị chúng tôi đến khám cho huyện Đơn Dương. Thầy nói rằng còn rất nhiều huyện nữa cũng có nhu cầu, chúng tôi cảm thấy sức mình thật là nhỏ bé mà nhu cầu lớn quá. Chúng tôi nghĩ đến việc thành lập một đoàn y tế tại tỉnh Lâm Đồng sẽ dễ dàng giải quyết các nhu cầu này. Chúng tôi cũng biết được một vài bác sĩ tại Đà Lạt nhưng làm sao giúp họ có đủ nhiệt huyết và dám hi sinh những ngày cuối tuần của mình để làm việc này. Nguyện xin Đức Thánh Linh làm việc cách đặc biệt trong lòng họ, để họ mang gánh nặng trong lòng mình là nghĩ đến những người đang thiếu may mắn và cần đến sự giúp đỡ của họ.
Muốn thật hết lòng!
Ngày 27/9/2015
Một số hình ảnh:
Một thành viên Ủy Ban YTXH
Nguồn: HTTLVN.ORG