Chuyên đề: NHÌN XUỐNG HAY NHÌN VÀO ĐÁM ĐÔNG? – Bài 1: Bầy đàn & trí tuệ đám đông

Oneway.vn – Rồi chúng ta sẽ thấy vô số đám đông xuất hiện ngày càng thường xuyên trong đời sống lẫn trên mạng xã hội. Đám đông cuồng loạn với bóng đá; đám đông hỗn chiến giành của cúng cô hồn; đám đông cướp hoa, hôi của, giày đạp nhau mỗi dịp lễ hội; đám đông hè nhau ném đá một cô gái không đẹp mà ‘dám’ livestream bán hàng trên mạng; đám đông chen chúc giành từng xăng-ti-mét trên đường phố mỗi ngày…

Ảnh chụp màn hình cư dân mạng ném đá cô gái bán hàng trên Facebook.

Trí tuệ & bầy đàn

Bầy đàn là thuộc tính của… động vật, khi con đầu đàn làm một hành động gì đó, các con khác cũng thường làm theo. Và vì thế, “hiệu ứng bầy đàn” dùng để chỉ tâm lý hùa theo đám đông một cách mù quáng.

Để minh họa, người ta đặt một khúc gỗ chắn ngang lối đàn cừu đang đi. Con đầu đàn nhảy qua khúc gỗ, con thứ 2, thứ 3 cũng nhảy qua, nhảy qua… Rồi người ta cất khúc gỗ đi, những con cừu sau vẫn cứ tiếp tục nhảy lên, nhảy xuống ngay nơi “từng có khúc gỗ chắn đường”. Hiệu ứng bầy đàn ở loài vật là thế.

Tương tự, người ta đặt một đàn sâu róm lên thành chậu hoa, con nọ nối tiếp con kia đi thành vòng tròn. Rồi người ta rải thức ăn cho chúng ngay trong chậu, cách chúng chỉ vài xăng-ti-mét, nhưng chúng vẫn cứ nối tiếp nhau bò mãi trên thành chậu hết vòng nọ đến vòng kia suốt ngày đêm. Rồi chúng lăn ra chết dần mòn vì đói khát và kiệt sức, trong khi chỉ cần 1 con trong đàn thay đổi chút lộ trình là tất cả đã được sống.

Đó là con sâu, đàn cừu, không phải con người, nhưng thói thường, con người rất thích gọi đám đông là “bầy đàn”, “tâm lý đám đông” là “tâm lý bầy đàn”, dù biết chỉ có… loài vật mới như vậy.

những đám đông ấy rất cần một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ, cho bản năng họ một ý nghĩa


Nhưng có vẻ con người hả hê khi gọi nhau như thế, bất kể trong đó có bản thân mình. Cho nên khái niệm đám đông không có trí tuệ được đặt ra như định nghĩa từ quyển ”Tâm lý học đám đông” của Gustave Le Bon: “Đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, không có khả năng suy luận, chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng liên kết các ý tưởng; họ không kiên định, thất thường, đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất (…), những đám đông ấy rất cần một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ, cho bản năng họ một ý nghĩa”.

Thực tế tâm lý và hành vi bầy đàn hình thành kể từ khi loài người biết họp thành… bộ lạc để sống, để cùng nhau săn bắt, hái lượm, chăn nuôi, trồng trọt và trao đổi, buôn bán. Ý tưởng “nghĩ theo nhóm”, “làm theo số đông” và “hành vi đám đông” được các nhà tâm lý nghiên cứu, cộng thêm các yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế… nhằm tạo ra xu hướng và hành vi tiêu dùng. Năm 2004, cây bút tài chính của tờ The New Yorker – James Suroweicki – đã xuất bản quyển Trí tuệ đám đông (The Wisdom of Crowds) – nghiên cứu về kinh tế-tiêu dùng xuất phát từ đám đông. Điều này chứng tỏ đám đông có trí tuệ chứ không hoàn toàn vô thức, “bầy đàn”, “không có khả năng suy luận” như loài vật, như triết thuyết của ông Gustave Le Bon.

Cảnh giựt cô hồn ở TP.HCM.

Đám đông hoang dã ném đá, tấn công cá nhân

Tuy nhiên, đó là về kinh tế-tiêu dùng. Còn về xã hội, có thể nói báo chí và mạng xã hội Việt Nam hiện nay đã và đang góp phần rất lớn hiệu ứng bầy đàn. Thật nguy khi một luồng thông tin chưa chính xác đã rầm rộ trên mặt báo, nó rất dễ trở thành thực tế được công nhận; một ý kiến chủ quan chưa được kiểm chứng đã rầm rộ trên các kênh truyền thông sẽ rất dễ bị “hô biến” trở thành… ý kiến số đông, thành dân ý.

Tuần trước, một bà mẹ trẻ đơn thân livestream bán hàng để nuôi con đã bật khóc ngay trước “cộng đồng mạng” vì bị mắng xối xả bằng những từ ngữ rất nặng nề. Tổn thương bởi lời nói luôn là tổn thương sâu sắc nhất. Đáng nói là khi cái xấu, cái khiếm khuyết hình thể của người khác bị công khai mạt sát, công kích, coi như một trọng tội trong xã hội, thì thiết nghĩ cái xấu, cái nhẫn tâm đã lên đến cực điểm.

Hàng ngàn người tụ tập xem ca nhạc vào dịp 2/9/2017 tại Vũng Tàu. Ảnh: Facebook

Trở lại câu chuyện bà mẹ trẻ, vì quá uất ức, tổn thương đã trút đổ nỗi lòng mình trong nước mắt: “Xưa giờ tôi bị mọi người ức hiếp nhiều lắm. Đi học cũng bị, ra đường là bị, lấy chồng thì bị nhà chồng hắt hủi; đi xin việc thì không ai nhận. Tại sao mọi người ác với tôi quá vậy, không biết tôi đã khổ sở thế nào? Tôi phải kiếm tiền nuôi con. Tôi lên mạng rao bán hàng ảnh hưởng gì đến ai? Không mua thì thôi sao lại chửi rủa, triệt hết đường sống của tôi?…”.

Một đồng nghiệp của cô gái cho biết không ít lần cô đã định… tự tử vì cảm thấy quá bế tắc, nhưng rồi nghĩ đến con, đến bố mẹ nên cô phải sống. Và thật đáng quý khi cô tiếp tục dũng cảm đương đầu, xem đó là động lực để cố gắng. “Tôi rơi nước mắt vì đau xót. Thương thay cho những kẻ đã buông những nhát ‘dao ngôn từ’ đâm vào tim người khác. Cái đám đông đó đã lớn lên ở đâu? Ai đã dạy dỗ họ ở nhà, trên lớp? Ai đã gây cho họ những tổn thương ghê gớm để họ có thể dễ dàng hằn học, dè bỉu, vu cáo, bôi nhọ và hả hê trút sự độc ác của mình vào người khác?” – một nghệ sĩ bức xúc.

Kết quả, cô gái đã khóa facebook vì không chịu nổi sức ép từ những người nhân danh “cộng đồng mạng”… Nhưng điều tốt, niềm vui vẫn tồn tại khi nhiều người biết chuyện đã cảm thương, tìm cách liên lạc, ủng hộ cô gái, nhưng rất tiếc là cô đã từ chối vì những tổn thương quá nặng nề. “Liệu chúng ta có thể nào ép rắn, rết, bọ cạp… buông nọc độc? Cố lên, cô gái, điều gì không giết được mình sẽ khiến mình mạnh hơn. Cầu mong mọi điều tốt lành sẽ đến với mẹ con em!” – một độc giả chia sẻ.

Thật chẳng khác gì đám đông hoang dã đã từng ném đá chấp sự Stephen/Ê-tiên cho đến chết (Acts/Công vụ các Sứ đồ chương 7); hay đám đông điên cuồng túm tóc, lôi xềnh xệch người phụ nữ ngoại tình với ý định dùng đá vùi thây cô trước mặt Đức Chúa Jesus.

(Hết bài 1. Mời các bạn xem tiếp phần 2: Đám đông & Cơ Đốc nhân)

Thảo Phạm

Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].


“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta
” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).

Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *