Chuyên đề: NHÌN XUỐNG HAY NHÌN VÀO ĐÁM ĐÔNG? – Bài 2: Đám đông & Cơ Đốc nhân

Oneway.vn – Những đám đông ngoài đời, trên mạng vẫn luôn quanh ta. Bạn có thể thấy hàng trăm người lớn bé chen lấn, xô đẩy nhau để được vào ăn hay mua một món nào đó đang giảm giá. Bạn cũng đã thấy hàng ngàn bài chia sẻ, bình luận trên facebook với những thông tin chưa thật chính xác, chưa được kiểm chứng; thậm chí có người chưa chắc đọc hết, hiểu hết, nhưng phần đông hễ thấy đám đông rầm rộ phê phán hay khen ngợi ai đó, điều gì đó, thì mình cũng cứ phải góp vào.

Đám đông tham gia lễ hội. Ảnh: TTO

Lạc lối giữa đám đông

Con người thường không thể hiểu tường tận tất cả mọi việc, chính vì vậy mà đám đông rất dễ chạy theo phong trào, dễ bị ‘dắt mũi’, mất đi khả năng phán đoán và độc lập trong việc đưa ý kiến. Mục sư Rick Warren đã cảnh báo: “Những người đi theo đám đông thường lạc lối trong chính đám đông đó” (Those who follow the crowd usually get lost in it). Hay “Đi một mình thì tốt hơn là đi theo một đám đông lạc lối” (It’s better to walk alone than a crowd going in the wrong direction – Diane Grant).

Và khi một đám đông lạc lối, ánh mắt của họ thường đổ dồn về phía… truyền thông để tìm kiếm tiếng nói, sự đồng tình, mong có chút giềng mối nào đó để đoán định. Tuy nhiên, truyền thông cũng chỉ là con người, là các tổ chức của con người, vì vậy Cơ Đốc nhân cần xem truyền thông như các kênh tham khảo và giải trí; và cần thu nhận thông tin, nhận định một cách cá nhân, chính trực và trách nhiệm. Ngược lại, nếu không biết rõ thì cách tốt nhất không nên truyền thông. Chạy theo truyền thông hay tệ nhất là òa vào đám đông truyền thông một cách thiếu hiểu biết sẽ tự đánh mất mình.

Cần luôn đặt giá trị chính trực hay công chính trong quá trình chúng ta truyền thông cho ai đó, vấn đề gì đó, nhất là trên mạng xã hội. Đây là cách tốt nhất giúp đám đông giảm thiểu những hành vi mù quáng và bị dắt mũi. Cơ Đốc nhân – nếu có thể – nên góp phần vào việc định hướng đám đông vì Danh Chúa, vì mục tiêu truyền rao Tin Lành cứu rỗi.

Hàng ngàn người tham dự một lễ hội tại Việt Nam.

Đám đông & lòng thương xót

Trở lại câu chuyện Phúc Âm khi đám đông dẫn một người phụ nữ phạm tội ngoại tình tới trước mặt Đức Chúa Jesus, mục đích vừa gài bẫy, vừa muốn Ngài thỏa hiệp và can dự vào việc ném đá giết người này. Nhưng Chúa từ tốn: “Ai trong các ngươi là người không có tội, hãy lấy đá ném vào chị ấy trước đi” (John/Giăng 8:7); và phản ứng của họ: “Khi họ nghe điều nầy thì lần lượt bỏ đi, những người cao tuổi đi trước” (Giăng 8:9).

Đám đông như lên cơn động kinh vì cái ác, bị cuốn theo cơn bốc đồng về luân lý, đạo đức giả tạo, sau khi bị Đức Chúa Jesus vạch trần, họ lặng lẽ rời đi, từng người một.

Trong khi những đám đông hiện nay mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút vẫn cứ tiếp tục hành vi ném đá tập thể vào các con mồi, các mục tiêu nhân danh đạo đức, nhân danh đám đông như trường hợp bà mẹ đơn thân như đã kể trên (xem bài 1).

Giờ thì hãy nghĩ lại xem chúng ta đã từng tham gia ném đá, thậm chí ‘đóng đinh’ người khác? Cảm giác của bạn lúc đó thế nào? Hả hê trút giận? Có bao giờ bạn nghĩ tới cảm giác của họ, của gia đình, người thân họ? Có bao giờ bạn đặt trường hợp nạn nhân đó chính là… mình, là người thân mình?

Chúng ta đã không thiếu những câu chuyện bị đám đông tấn công, ném đá đến mức suy sụp, khủng hoảng, thậm chí tự sát. Nhiều năm trước, một nữ sinh lớp 10 trường PTTH Lê Quý Đôn, Q.3 đã không chịu nổi đám đông phỉ nhổ, ghẻ lạnh, xầm xì xét đoán… bản thân và gia đình mình, nên đã tự sát khi ba em – một cán bộ cao cấp – dính vào vụ án tham nhũng đang tràn lan trên mặt báo lúc đó.

Bởi thế, hơn ai hết, Cơ Đốc nhân cần tỉnh táo để không bị cuốn vào những đám đông đầy năng lượng, đầy nhiệt tình nhưng thiếu đi lòng thương xót – là điều mà Chúa muốn nơi chúng ta.

Một đám đông tại Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: hoaisonmam.blogspot.com

Sợ đám đông

Vậy nên tâm lý chung của không ít người là… sợ, chọn thái độ né tránh đám đông. Cực chẳng đã, có những đám đông không thể tránh, đành phải đối diện như đám đông kẹt xe, đám đông thi cử, đám đông tranh giành nhau tại các bàn tiệc buffet…

Tránh đám đông để hạn chế phiền hà không có gì đáng phê phán, bởi đám đông thường dễ bị dẫn dụ, lôi cuốn, lây lan các loại năng lượng tốt lẫn xấu. Tuy nhiên, Chúa muốn chúng ta không nhìn xuống (look down) đám đông kiểu bề trên hay bỏ mặc họ; nhưng Ngài muốn chúng ta cần nhìn vào đám đông, thậm chí bước vào đám đông, sống giữa đám đông để thấy nan đề, để cầu thay và nhất là làm chứng về Chúa cho họ, chia sẻ niềm tin với họ và dắt đưa họ về với Hội Thánh; bởi họ thực sự “rất cần một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ, cho bản năng họ một ý nghĩa” (Gustav Le Bon – ”Tâm lý học đám đông”). Hãy nhớ lại gương của Đức Chúa Jesus: “Khi thấy những đoàn người đông đảo, Ngài động lòng thương xót vì họ khốn cùng và tan lạc như chiên không có người chăn” (Matthew/Ma-thi-ơ 9:36).

Một đám đông xếp hàng nghiêm túc tại Nhật Bản.

Đám đông thiện nguyện

Vài tuần trước, đám đông bị cuốn hút vào 2 diễn viên Mai Phương và Lê Bình – đều bị ung thư và đang điều trị tại bệnh viện 175. Lòng từ tâm, lòng thương xót được dịp khơi dậy, và đám đông đã quyên góp, ủng hộ cho 2 nghệ sĩ này khá nhiều từ tinh thần cho đến vật chất, giúp họ thêm sức để vượt qua khó khăn, thử thách.

Đặc biệt đáng nói là đám đông tiểu thương ở các chợ ở TP.HCM đã luôn đồng hành, ủng hộ đồng bào mình khắp nơi mỗi khi có thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn… Chính họ, những người mỗi ngày đổ mồ hôi, sôi nước mắt bán buôn kiếm từng đồng lời; chật vật, loay hoay với đủ thứ thuế cùng sự cạnh tranh khắc nghiệt của các siêu thị, cửa hàng tiện ích, các tiệm tạp hóa khắp các hang cùng, ngõ hẻm.

Những đám đông thiện nguyện của các tổ chức lẫn tự phát, mỗi ngày vẫn thầm lặng, kiên trì góp nhặt, kêu gọi từng manh quần, tấm áo, tập sách, gói mì… đem trao tận tay các em ở khắp những vùng sâu, vùng xa. Những đám đông mỗi ngày vẫn cần mẫn nấu những bữa cơm, bữa cháo từ thiện cung cấp bữa ăn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở khắp các bệnh viện. Có thể gọi đây là những đám đông thấu cảm đã thấu hiểu, cảm thông trước những mảnh đời, những phận người, để hiểu, để yêu hơn con người bằng đôi mắt nhân từ của Thượng Đế.

Đối với Cơ Đốc nhân, yêu thương không phải là một lời hiệu triệu, kêu gọi mà là một mạng lệnh: “Đây là điều răn của Ta: Các con hãy yêu thương nhau, như Ta đã yêu thương các con” (John/Giăng 15:12).

(Mời các bạn xem tiếp bài 3: “Từ trên trời nhìn xuống đám đông”)

Thảo Phạm

Bài 1: Bầy đàn & trí tuệ đám đông

Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].


“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta
” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).

Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *