Oneway.vn – Lịch sử ghi nhận những toà nhà chọc trời khắp thế giới không hoàn toàn là ‘biểu tượng của sự thịnh vượng’, mà chỉ ra rằng các toà nhà càng cao, chi phí đầu tư càng lớn, ngay sau đó trở thành ‘điềm báo’ cho những cuộc suy thoái kinh tế không phải phạm vi quốc gia mà cả toàn cầu.
Bài 1: Từ ‘Skyscraper’ – tháp ngọc Hollywood đến ‘tháp ngà’ Việt Nam
Bài 3: Những ngọn ‘tháp Ba-bên’ đầy dẫy đất
‘Lời nguyền nhà chọc trời’?
Các nghiên cứu chỉ ra hàng loạt tòa nhà được cho là ‘điềm gở’ của nền kinh tế thế giới như Equitable Life Building – New York 1873 (43,3m), cao nhất thế giới thời đó – mở màn cho cuộc suy thoái kinh tế Mỹ 1873-1878, khiến hàng loạt ngân hàng sụp đổ, thị trường chứng khoán chạm đáy.
Hai tòa nhà Auditorium (82m, 1889, Chicago) và New York World (94m, 1890) trùng khớp với cuộc khủng hoảng ngân hàng, kéo theo suy thoái và khủng hoảng kinh tế lớn nhất thế giới. Các tòa nhà Masonic Temple, Manhattan Life Building và Milwaukee City Hall cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng đường sắt 1893, các công ty đường sắt đóng cửa, tiền lương và lợi nhuận rơi tận đáy; kéo theo các cuộc đình công, bạo động, lạm phát và khủng hoảng khắp nước Mỹ.
Các tòa nhà Park Row Building (119m) và Philadelphia City Hall (156m) được cho là nguyên nhân kéo thị trường chứng khoán Mỹ xuống dốc thê thảm và sụp đổ vào năm 1901. Các tòa nhà Singer Building (186,5m) và MetLife Building (214m, New York) cũng được cho là tác nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế tài chính Mỹ 1907-1910.
Lần lượt các tòa nhà 40 Wall Street (282,5m, 1929), Chrysler (318m, 1930) và Empire State Building (381m, 1931) trùng khớp với thời điểm diễn ra cơn đại suy thoái 1929-1933, khiến thị trường chứng khoán Phố Wall sụp đổ, lan ra toàn thế giới và được xem như “đêm trước” của Thế chiến thứ 2.
Chưa hết, tháp đôi WTC (1972 – 1973) và Sears Tower (1974, Mỹ) lại tiếp tục trùng khớp với cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ 1973-1975, dẫn đến khủng hoảng dầu mỏ, chứng khoán, tiền tệ lớn nhất thế giới, ảnh hưởng toàn cầu và kéo dài đến tận những năm 1980.
Tháp đôi Petronas Towers (1997, Malaysia) cũng được cho là gắn liền với cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997, lan ra các nước khu vực, làm thị trường chứng khoán sụp đổ, tài sản mất giá, nhiều doanh nghiệp phá sản, hàng triệu người rơi xuống ngưỡng nghèo. Dư chấn của khủng hoảng còn gây căng thẳng về chính trị trong khu vực và thế giới. Tháp Taipei 101 (509m, 2004, Đài Loan), nhưng trong suốt thời gian xây dựng, bong bóng kinh tế vỡ, thị trường tuột dốc dẫn đến suy thoái toàn cầu.
Tháp Burj Khalifa (828m, 2010) cũng được cho là khởi đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế đa lĩnh vực gồm chứng khoán, bất động sản 2007-2010, khiến ngân hàng Lehman Brothers bị xoá sổ, kéo theo hàng loạt tổ chức tài chính sụp đổ, nạn thất nghiệp gia tăng, các nền kinh tế gắn với Mỹ như châu Âu, Nhật, Mỹ Latinh… suy thoái trầm trọng, dẫn đến khủng hoảng lương thực toàn cầu, sản xuất đình trệ, và hậu quả của nó vẫn kéo dài đến tận ngày nay.
Chùng tay trước ‘lời nguyền’?
Trung Quốc luôn có tham vọng xây nhà chọc trời cao nhất thế giới. Cụ thể trong top 10 nhà chọc trời thế giới thì có đến 5 của Trung Quốc. Và nếu tính đến top 15 thì có thêm 3 cái nữa cũng của Trung Quốc (1 của Nga và 1 của Việt Nam) – 8/15, quá nửa, một tỷ lệ rất đáng lưu tâm – chứng tỏ người Trung Quốc nói riêng, Á châu nói chung rất thích nhà chọc trời!
Tuy nhiên, tòa nhà Sky City (Trường Sa, Hồ Nam) dự kiến khởi công 2013, cao nhất thế giới với 839m, 220 tầng, kinh phí 628 triệu USD bằng công nghệ ‘mì ăn liền’ – mô-đun đúc sẵn – đã dừng trong bối cảnh Trung Quốc bất ổn về kinh tế, chính trị. Nhưng theo tờ Business Insider, Trung Quốc muốn né tránh ‘lời nguyền chọc trời’, e ngại tòa nhà kỷ lục này sẽ gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo, tác động đến kinh tế toàn cầu – vốn đang phục hồi một cách yếu ớt, chậm chạp. Hiện, khuôn viên Sky City ‘tương lai’ rộng 2,6 ha này được người dân quanh đó… thả cá, phơi thóc và trồng dưa.
Dĩ nhiên, Cơ Đốc nhân không mê tín hay dễ tin vào những ‘lời nguyền’, dù có hay vô căn cứ của người thế gian. Thay vào đó, chúng ta có thể rút tỉa được điều gì từ hiện tượng xã hội ‘cao, cao nữa, cao mãi’ này?
EMW Interactive, một đơn vị phân tích tài chính tin rằng có mối quan hệ giữa các tòa tháp chọc trời và bong bóng kinh tế, bằng cách thống kê những ‘lời nguyền’ này đối với nền kinh tế thế giới trong hơn 100 năm qua. Kết quả: sự ra đời của các tòa nhà chọc trời cho thấy thị trường lúc đó đang lạc quan, chính điều này đã hình thành nên ‘bong bóng’ ảo tưởng vào việc thị trường sẽ tăng mãi. Tuy nhiên, trạng thái này không kéo dài, và đó là lý do tại sao khi các tòa tháp chọc trời kỷ lục này hoàn tất cũng là lúc chu kỳ bong bóng vỡ.
Kết luận của nhóm nghiên cứu cho thấy khi nền kinh tế tăng trưởng, thu nhập của người dân tăng, nhà đầu tư muốn tối đa hóa lợi nhuận bằng cách xây những tòa tháp chọc trời. Một phần để đáp ứng nhu cầu và giá cả thuê văn phòng. Tuy nhiên, khi cung vượt quá cầu, khi tham vọng vượt quá nhu cầu thực, đổ vỡ bắt đầu xảy ra.
Xé bỏ giao ước, chống nghịch lại Đức Chúa Trời
Để ước mơ ‘quần tụ võ lâm’, xưng hùng xưng bá của mình trở thành hiện thực, ông Nim-rốt (Sáng Thế Ký 10:8-20; xem lại phần 3 của chuyên đề này – NV) người sáng lập các thành phố lớn trong xứ Si-nê-a, trong số đó có thành và tháp Ba-bên với tham vọng liên kết mọi người, mọi dân lại với nhau sau cơn nước lụt thành một quốc gia thống nhất, và ông sẽ cai trị họ, cai trị thế giới. Nên ông rất cần một trung tâm đầu não để nhóm họp, liên kết; một nơi cao vút, sừng sững để khẳng định tên tuổi, phô trương thanh thế, có thể phất cờ, xuất quân tiến đánh, chinh phạt khi cần – một tham vọng rất lớn – bất chấp ý chỉ của Đức Chúa Trời.
Tháp Ba-bên vì thế không phải là nơi ẩn náu phòng khi nước lụt, vì Đức Chúa Trời đã lập giao ước với Nô-ê qua cầu vồng: “Mọi loài xác thịt sẽ không bị nước lụt tiêu diệt nữa, và cũng không có trận lụt nào để hủy phá quả đất nữa” (Sáng Thế Ký 9:13-16), cũng không phải nơi để chống lại thú dữ hay kẻ thù, vì Đức Chúa Trời đã hứa ở cùng, bảo vệ dân Ngài (Sáng 8:21); mà chỉ cho thấy con người chống nghịch lại ý Chúa muốn họ “sinh sản, gia tăng gấp bội, làm cho lan tràn và đầy dẫy trên đất” (9:7), tản ra mọi nơi, làm ăn sinh sống trong hòa bình chớ không phải tập trung lại một chỗ để thờ lạy thần tượng, chinh chiến và mưu đồ phản nghịch.
Tháp Ba-bên vì thế là nơi con người thỏa mãn cái tôi cao ngạo, làm theo ý riêng thay vì tìm cầu ý Chúa, thờ phượng tạo vật thay vì Đấng Tạo Hóa. Và Nim-rốt, một thủ lĩnh kiêu ngạo, hình bóng của antichrist – kẻ chống Chúa, kẻ cai trị thế giới thời kỳ sau rốt, để rồi cuối cùng là đại bại, sụp đổ, bị thiêu cháy bởi lửa đời đời – không phải lửa “đẹp” như trong phim Hoolywood – Skyscraper!
Xem thêm:
Bài 1: Từ ‘Skyscraper’ – tháp ngọc Hollywood đến ‘tháp ngà’ Việt Nam
Bài 3: Những ngọn ‘tháp Ba-bên’ đầy dẫy đất
(Mời các bạn xem tiếp bài 5: Bài học chưa bao giờ cũ)
Thảo Phạm
Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email tintuc@oneway.vn.
“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).
Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!
Leave a Reply