Cô giáo ‘tay ngang’ đi xoá mù chữ cho trẻ em nghèo

Oneway.vn – Con đường đến lớp học tình thương của cô giáo Tâm Hoài và các bạn cô thật chông chênh, như chính con đường mà các cô đã giúp xoá mù chữ cho trẻ em trong các xóm nghèo.

Từ cầu Xóm Củi (Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM) quẹo phải, đi dọc con đường lởm chởm đá chừng 2 cây số là đến nhà ông Sáu Lúa, cũng là nơi một lớp học tình thương đang hoạt động. Một nơi yên ắng, bình dị, dù cách trung tâm thành phố không xa, nơi cô trò miệt mài cố gắng đi tìm con chữ.

Chưa một lần đến lớp

Mười ba tuổi, khi bạn bè trang lứa đã bước vào lớp 7 với các kiến thức về tự nhiên, xã hội… thì em Tuyết Minh Tài chỉ mới bập bẹ đánh vần, học cách cầm bút, tập viết… trong lớp học tình thương ở Ấp 1, xã Bình Hưng. Và lớp học không chỉ có Tài, mà cả 2 em trai là Tuyết Minh Nhiều (11 tuổi) và Tuyết Minh Sang (9 tuổi) và nhiều em khác, hầu như chưa em nào được đi học, chưa một lần được khoác lên mình bộ đồng phục học sinh, đeo cặp sách tung tăng đến trường.

Lớp có chừng chục đứa trẻ, bàn ghế tạm bợ, xiêu vẹo, em Tài ngồi ngay ngắn, chăm chú lắng nghe và làm bài tập. Đến giờ giải lao, Tài lấy ra món đồ chơi “mới làm tối hôm qua từ những thứ em lượm được khi đi nhặt ve chai” khoe với các bạn. Đó là cái mô-tơ gắn cục pin và cánh quạt tự chế. Em chăm chú vào món đồ chơi rồi bất chợt nói gọn lỏn: “Khi đọc viết giỏi và có đủ tiền, con sẽ đăng ký học nghề chế tạo”.

“Tài học nhanh lắm. Gia đình em mới dọn về đây, còn em tham gia lớp học được vài tháng; giờ em đã biết đọc, biết viết và làm toán” – cô giáo Tâm Hoài hào hứng. Rồi bỗng dưng im lặng hồi lâu, cô tiếp, giọng xót xa: “Cô Hoàng (mẹ Tài) bị bệnh lâu năm. Cô phải nuôi mẹ già, con thơ bằng nghề lượm ve chai, làm thuê làm mướn. đến ăn còn không đủ, làm gì có tiền đi học. Cũng vì thế, từ nhỏ các anh em Tài đã phải vất vả rất nhiều. “Khu này mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng đều có chung kết quả là hầu hết trẻ không được đi học, hoặc chỉ học được vài tháng, vài năm rồi cũng nghỉ vì cha mẹ hết khả năng”.

Cô giáo ‘tay ngang’

Xuất thân không phải giáo viên, nhưng cô Tâm Hoài và một số bạn bè đã tự trang bị kinh nghiệm, để rồi trở thành cô giáo ‘tay ngang’ giúp đỡ, dạy dỗ hàng chục đứa trẻ biết đọc, biết viết, biết tính toán và một số kỹ năng sống.

Từ những lần đến thăm viếng tín hữu Hội Thánh Chánh Hưng ở khu vực này, Tâm Hoài thấy rất nhiều em vì hoàn cảnh không được đến lớp. Nhiều em lớn tuổi mà không viết được tên mình. Từ đó, cô nảy sinh ý định đến dạy chữ cho các em. Thời gian đầu lớp học tạm bợ với 5-6 em. Nhưng vì ngày càng đông, cô Hoài quyết định… nghỉ làm, đến khu này thuê nhà trọ, rủ thêm vài người bạn và mở lớp tại nơi trọ. Cô nhớ lại: “Đó là một quyết định khó khăn. Lớp học chính thức mở từ tháng 10/2015, tại Ấp 3, xã Bình Hưng”.

“Thấy nhu cầu vẫn còn nhiều, nên từ tháng 10/2017, mình mở thêm lớp học tại Ấp 1 này. Hồi mới đầu thuê nhà trọ tít dưới kia, xa, mấy nhỏ đi lại bất tiện. Chú Sáu Lúa thấy vậy nên cho mượn nhà” – cô Tâm Hoài chia sẻ. “Ở đây có mình và Tuyết Thảo (tín hữu Hội Thánh Gia Định) cùng đến dạy, còn lớp bên Ấp 3 thì do chị Bích Vân (nhân sự Hội Thánh Chánh Hưng) đứng lớp. Tài liệu, sách vở, dụng cụ học tập… bọn mình mua hoặc có ân nhân giúp”.

Càng ngày, lớp học càng được tổ chức chu đáo, bài bản hơn. Cho đến nay, mỗi buổi học các em được cả… ăn sáng, uống sữa, từ nguồn do một số ân nhân hỗ trợ. Tuy ít ỏi, nhưng các em được thêm động lực, sức khỏe và niềm vui đến lớp.

Hơn cả một lớp học

Ông Sáu Lúa hồ hởi: “Lớp học tốt lắm. Giúp được biết bao nhiêu đứa. Trước tụi nó có biết gì đâu, mà giờ hầu hết đọc viết sành sõi, biết lễ phép, nghe lời người lớn…”. Hớp một ngụm trà, ông Sáu thở dài: “Vậy chớ vài phụ huynh đã muốn lợi dụng. Con mới chút xíu cũng đem đến gởi, nhờ giữ giùm để họ đỡ tốn tiền nhà trẻ!”. Rồi ông trầm ngâm: “Còn nhiều đứa chưa được học lắm. Một số khác làm biếng, học được một thời gian rồi nghỉ. Một số cha mẹ dời nhà đi chỗ khác nên chúng không học tiếp được nữa”.

Cô Bích Vân phấn khởi: “Lớp học đã ảnh hưởng tích cực tới người dân khu vực. Mọi người rất vui vẻ và lúc nào cũng tạo cho mình điều kiện thuận lợi để dạy. Nhờ đó, bọn mình có cơ hội chia sẻ về Chúa cho nhiều người; và hiện đã thành lập được 1 Điểm nhóm với tín hữu hầu hết là phụ huynh của các em!”. Cô Hoài tâm sự: “Chỉ mong được giúp các em nhiều hơn, các lớp học được tổ chức quy mô, bài bản hơn, nhưng hiện tại cả nhân sự và tài chính đều khá eo hẹp…”.

Hoàn Nguyện


Cô Tâm Hoài là tín hữu Hội Thánh Chánh Hưng, Q.8, TP.HCM. Hiện, lớp học tại Ấp 1 duy trì mỗi tuần 3 buổi, thứ 3-5-6, từ 7-11g. Lớn nhất là lớp 5 và nhỏ nhất là lớp 1. Qua lớp học tình thương này, hàng chục đứa trẻ đã biết đọc, biết viết; ảnh hưởng rất tích cực đến cộng đồng và vinh hiển Danh Chúa.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *