Oneway.vn – Đến hẹn lại lên, những năm trở lại đây, vào khoảng những ngày cuối tháng Mười một, đầu tháng Mười hai, có một số ít người ‘đăng đàn’ đưa ra những lý lẽ nhằm bắt bẽ, thậm chí nhục mạ, lên án việc kỷ niệm ngày Chúa Jesus Giáng Sinh, làm không ít con cái Chúa hoang mang, bối rối.Trong khi rất nhiều người trên thế giới hân hoan chào đón, thì nhóm này cho rằng kỷ niệm Chúa Jesus Giáng Sinh vào tháng Mười hai là hoàn toàn sai trật, trái với Kinh Thánh.
Theo họ, Lễ Giáng Sinh ngày nay cả thế giới kỷ niệm tiền thân là lễ hội Saturnalia của người La Mã cổ đại, cũng trùng với ngày cúng tế Thần Mặt trời Sol Invictus, vì vậy cần dẹp bỏ. Thậm chí họ kêu gọi những người đang kỷ niệm Chúa Giáng Sinh vào tháng Mười hai rằng ‘Hãy ăn năn!’.
Họ trích dẫn Kinh Thánh tỏ vẻ rất uyên bác; cùng với lối lập luận mà nếu đọc lướt qua sẽ dễ lầm tưởng rằng rất chặt chẽ, logic… Vì thế, có một số người tin, và tưởng họ đã ngộ ra “chân lý”. Do đó, họ bắt đầu bỉ bai những tín hữu Cơ Đốc. Họ cho rằng Chúa giáng sinh trùng với ngày Đại lễ Chuộc tội, khoảng tháng Chín (Dương lịch) chứ chẳng phải tháng Mười hai.
Mục sư Lê Minh Đạt (Sài Gòn) viết trên Facebook “họ chỉ ‘nhặt’ vài chi tiết rồi suy diễn võ đoán để công kích những ai ăn mừng Giáng Sinh”.
Còn Mục sư Phong Nguyen cho rằng những người đó nói vậy thì như thể lịch sử giáo hội hàng ngàn năm với hàng tỷ người chẳng ai quan tâm vấn đề này để phân biệt đúng sai. (Nói như thế không có ý cho rằng giáo hội là vô ngộ và số đông thì luôn đúng, vì chỉ Đức Chúa Trời mới vô ngộ mà thôi). Mục sư Phong cũng nói thêm, nếu đọc kỹ và đặt câu hỏi về những vấn đề liên quan, sẽ thấy những lập luận của họ không có logic gì.
Không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều nơi trên thế giới cũng gặp phải những lý lẽ này. Trang patheos.com gần đây đưa ra một lý giải mạnh mẽ, với những bằng chứng thuyết phục, chống lại quan điểm cho rằng Chúa Jesus không giáng sinh vào tháng Mười hai.
Mở đầu bài báo, tác giả đặt câu hỏi: “Khi nào thì những điều vớ vẩn này sẽ dừng lại?”, và lý giải như sau (*):
Thứ nhất, dựa vào Kinh Thánh, có thể biết rằng Xa-cha-ri, cha của Giăng Báp-tít, là một thầy tế lễ thuộc về ban A-bi-a (hay A-bi-gia) – ban thứ 8 trong tổng số 24 ban hầu việc tại đền thờ (Nê-hê-mi 12:17). Mỗi ban như thế phục vụ trong đền thờ mỗi năm 2 đợt, mỗi đợt 1 tuần. Ban A-bi-a theo lịch sẽ phục vụ vào tuần thứ 2 tháng Tishri của người Do Thái, rơi vào khoảng thời gian từ 22-30/9.
Như vậy, Xa-cha-ri đã phục vụ tại đền thờ trong thời gian này (từ 22-30/9), và nhận được tin báo của thiên sứ Gáp-ri-ên (Lu-ca 1:13).
Giả sử Ê-li-sa-bét mang thai ngay sau đó, vào ngày 25/9, thì Mary sẽ mang thai vào khoảng cuối tháng Ba (sau Ê-li-sa-bét 6 tháng, theo Lu-ca 1:36). Và như vậy thì Chúa Jesus được sinh ra sau 9 tháng, tức nhằm cuối tháng Mười hai. (Cần lưu ý thêm rằng, ngày sinh của Giăng Báp-tít được giáo hội thừa nhận là vào khoảng cuối tháng Sáu).
Thứ hai, một bằng chứng mang tính chất lịch sử, đó là có những ghi chép cho biết Lễ Giáng Sinh được tổ chức vào ngày 25/12 kể từ thời Thánh Telephorus (115 SC) – vị Giáo hoàng thứ VII. Còn sự sùng bái Sol Invictus thì mãi đến năm 274 SC mới được thiết lập. Vì vậy, nếu cho rằng có ai đó “ăn theo” lễ kỷ niệm vào ngày 25/12, thì có lẽ Hoàng đế La Mã Aurelian ‘ăn theo’ Lễ Giáng Sinh đã tồn tại của Cơ Đốc giáo, chứ không phải là ở chiều ngược lại.
Họ cũng lý luận chẳng thể nào lại có mục đồng thức đêm ngoài trời để canh giữ bầy chiên giữa mùa Đông lạnh lẽo, thì tác giả Taylor Marshall trả lời rằng, xứ Palestine không phải là Anh, Nga hay Alaska. Bethlehem nằm ở vĩ độ 31,7. Ông giải thích thêm, thành phố Dallas nơi ông sinh sống nằm ở vĩ độ 32,8, và vẫn khá thoải mái khi ra ngoài vào tháng 12.
Không ít con cái Chúa tỏ ra bối rối với những lý lẽ chống lại việc tổ chức Lễ kỷ niệm Chúa Jesus Giáng Sinh vào tháng Mười hai này.
Theo Mục sư Trương Quý (HT Nhà Muôn Dân – The Church Of All Nations), thì điều đó chẳng có gì quan trọng. “Đây chỉ là chiêu bẩn của satan, hòng kiềm chế sự lan tỏa của Phúc Âm”. Mục sư Quý giải thích: Thứ nhất, chúng ta kỷ niệm là để thế giới tối tăm này biết có một Đấng Cứu Rỗi mang tên Jesus đã giáng sinh làm người, và Ngài là giải pháp cho tất cả chúng sanh. Ngài là Đấng Đời Đời, ngày nào, tháng nào có nghĩa lý gì đâu! Thứ hai, nếu quả thật ngày 25/12 này có là ngày của thần mặt trời gì đó đi nữa, thì hãy ngợi khen Chúa, vì chúng ta đã tống cổ hắn đi khỏi ký ức loài người và thay vào đó là Jesus Christ đầy quyền uy. “Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Ta đã thấy quỉ sa-tan từ trời sa xuống như chớp” (Lu ca 10:18).
Ngày sinh của một người, dĩ nhiên quan trọng. Tuy nhiên không phải ai cũng biết được ngày sinh của mình. Nhiều người ở những thế hệ trước thậm chí còn không biết rõ năm sinh, huống hồ ngày sinh. Và huống hồ ở những thế kỷ đầu tiên, thì những tài liệu, ghi chép về ngày tháng năm sinh này cũng khó mà lưu giữ cho được.
Vì thế, ngày nay, ngày tổ chức Lễ kỷ niệm Chúa Jesus Giáng Sinh đôi khi được coi là một quy ước chung của toàn thế giới, để kỷ niệm một sự kiện có thật trong lịch sử – sự kiện Con Đức Chúa Trời giáng thế làm người để hoàn thành sứ mạng cứu rỗi nhân loại. Ý nghĩa đó quan trọng hơn là việc phải xác định đúng ngày tháng để tổ chức Giáng Sinh.
Hơn nữa, nếu ngày, tháng và năm Chúa Jesus giáng sinh thật sự là điều hệ trọng đối với Hội Thánh, thì có lẽ Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho con người một cách tỏ tường rồi!
Hoàn Nguyện
(*) Những lý giải này chỉ là tạm lược dịch lại nhằm đơn giản, dễ hiểu. Quý độc giả quan tâm có thể tham khảo thêm tại:
Yes, Jesus Really Existed and He Was Born on December 25
Yes, Christ Was Really Born on December 25: Here’s a Defense of the Traditional Date for Christmas