Oneway.vn – Nước láng giềng Lào có cả triệu người Việt sinh sống, nhưng số người tin Chúa thật ít ỏi. Thế nên hàng ngày có những con người đang âm thầm gieo hạt giống Tin Lành cho cộng đồng người Việt tại đây.
Tiếng gọi
Căn nhà trọ nhỏ ngay thủ đô Viêng Chăn (Vientiane), Lào, là chỗ ở, tiệm làm tóc và cửa hàng sửa chữa, bán linh kiện điện thoại của đôi vợ chồng trẻ Đinh Văn Mạnh – Bùi Thị Ánh Sao.
Anh Mạnh đến Lào lần đầu khi tham dự đợt kiêng ăn cầu nguyện trong khóa học YWAM (Thanh niên với Sứ mệnh) tháng 6/2012. Từ đó, anh nhận được tiếng gọi của Chúa: “Con hãy trở lại đây”, để rồi sau khi tốt nghiệp YWAM tại Hà Nội tháng 10/2012, anh Mạnh chia sẻ khải tượng với vợ, và cả gia đình quyết định sang Lào, một vùng đất mới mẻ mà anh và gia đình hưa bao giờ nghĩ đến – để hầu việc Chúa.
Nhiều người biết dự định này chê cười: “Sang Lào như đi lên rừng ấy!”. Những người thân tình khuyên “không nên đi”, vì ở Hải Phòng gia đình anh chị cũng khá giả, còn “mẹ tôi khóc hết nước mắt” – chị Ánh Sao nhớ lại.
Thế nhưng, với tâm tình cưu mang cho cộng đồng người Việt tại Lào, anh chị đã kiêng ăn cầu hỏi ý Chúa, rồi quyết định bước đi theo tiếng gọi của Ngài. Họ chính thức đặt chân đến Lào tháng 10/2013 với hai bàn tay trắng, khi đứa con trai đầu mới 11 tháng tuổi. Quả là một quyết định khó khăn và đầy nước mắt.
“Đưa đôi tay lên cao con thờ phượng Chúa…”
Không bỏ cuộc
Cuộc sống tại vùng đất mới, khác về văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực… không phải dễ dàng. Để bám trụ được gần 5 năm, anh chị phải đánh đổi rất nhiều thứ, trải qua bao khó khăn nhiều lúc chùn bước, muốn bỏ cuộc.
“Không ai chia sẻ, cảm thông, khích lệ, nâng đỡ những lúc nản lòng; suốt 3 tháng đầu mình chẳng làm được gì. Nhiều lần xếp đồ vào va-li định bỏ về, nhưng rồi cầu nguyện và được Chúa nhắc nhở, lại tiếp tục…” – anh Mạnh kể, chị Sao thêm: “Phải mưu sinh bằng bất cứ việc gì. Có khi ban ngày cả nhà chở nhau đi bán kem dạo, tối về đi làm móng, bán khô mực nướng ở các chợ đêm…”.
“Có lần làm móng, người ta nói đau quá mà mình không hiểu, chỉ gật đầu cười cười rồi cứ thế làm cho tới khi họ nhăn mặt mới biết! Có khi ngủ luôn ngoài đường, có khi đi bán dạo bị cảnh sát rượt…” – chị Ánh Sao xúc động kể lại những kỷ niệm khó phai. “Vài lần về Việt Nam bị mỉa mai ‘Việt kiều về nước’ mà chả có gì, thậm chí vừa đen vừa xấu tệ hơn trước!”. “Nhưng tạ ơn Chúa, cả 2 vợ chồng cứ nhờ cậy Chúa tiếp tục bước đi, cho tới nay thuê được chỗ ở đàng hoàng, công việc ổn định hơn. Anh chị chưa bao giờ thấy hối hận vì quyết định của mình, nhưng cảm ơn vì sự kêu gọi của Ngài cho việc truyền giáo tại đây” – họ đồng tâm.
Những tấm lòng Việt
Trong số giáo sĩ tại Viêng Chăn còn có gia đình thầy Phạm Đức Tuấn từ Hà Nội sang với khải tượng: “Mở thêm Hội Thánh người Việt tại Lào, hình thành trung tâm huấn luyện và sai phái giáo sĩ từ Viêng Chăn đi khắp các tỉnh của Lào”.
Sau 2 năm chuẩn bị gồm học tiếng, tìm hiểu văn hóa Lào, thầy Tuấn cũng dự định mở cà phê sách để tiếp cận thân hữu. Thầy lên kế hoạch và cầu nguyện cho dự án này từ lâu và đang chờ Chúa đáp lời. Cuộc sống gia đình thầy cũng không hề dễ dàng với đứa con gái nhỏ chưa đầy 3 tuổi, thầy nhận làm giáo viên cho một trung tâm tiếng Anh, “Tuy thu nhập chẳng bao nhiêu nhưng là điều đáng mừng. Vì khi có việc ổn định sẽ được ở lại Lào, không bị làm khó” – thầy chia sẻ. Ngoài ra, thầy cô còn mở một tiệm nhỏ bán dép để sống qua ngày, hướng đến một mục đích xa hơn: truyền giáo và mở mang công việc Chúa.
Ngoài ra còn có chị Đặng Thị Thanh Ngân cũng từ Hà Nội sang với cam kết 2 năm phục vụ Chúa tại đây. Chị nhớ lại khi làm đơn đăng ký, nhân viên Đại sứ quán hỏi khó: “Muốn làm từ thiện thì lên vùng cao Việt Nam cũng có, sao phải sang Lào chi xa xôi?”. “Những ngày đầu mua sách về tập viết, được vài chữ thì vứt luôn, rồi khóc: ‘Chúa ơi, con không vẽ được chữ này!’. Nhưng rồi lại kiên nhẫn học, cho tới giờ đã thành thạo” – chị Ngân cười – “Đó là một trong số kỷ niệm khó phai”. Là giảng viên Khoa Tiếng Việt – ĐH Quốc gia Lào – Thạc sĩ Đặng Thị Thanh Ngân đã dắt đưa một số sinh viên tin nhận Chúa, và hợp tác với các nhóm người Việt tại Lào phục vụ cộng đồng Việt Nam tại đất nước này.
Chưa hết, trong số giáo sĩ Việt Nam tại Lào còn có anh Nguyễn Hữu Sâm, quê Thanh Hóa, tốt nghiệp Thần học tại Philippine và chọn Lào làm nơi hầu việc Chúa. Ngoài ra còn có các giáo sĩ người nước ngoài cùng kết hợp học Kinh Thánh, chia sẻ, khích lệ lẫn nhau mỗi tuần. “Nhiều lúc nghĩ mình chưa làm được gì nhiều cho Chúa” – chị Sao hạ giọng. Thế nhưng, anh chị là cầu nối cho không ít nhóm người Việt sang Lào trong những đợt huấn luyện, học tập ngắn hạn. Hầu như ai qua đây truyền giáo đều từng đến ‘địa chỉ đỏ’ này; nhiều lúc hàng chục người đã ngủ lại trong căn phòng nhỏ xíu ở đây.
Mục sư Lê Mạnh Cường, người thầy thuộc linh của vợ chồng anh Mạnh chia sẻ: “Cả hai đều có đức tin mạnh mẽ và tâm tình truyền giáo. Sang Lào là quyết định khó khăn, nhưng cả hai đã bước đi bằng đức tin và bám trụ vì công việc Chúa”.
Cộng đồng người Việt ngày càng nhiều lên, nhưng người tin Chúa vẫn còn hạn chế nên mọi người càng kết nối, gắn bó và nỗ lực truyền giáo, gây dựng, mong muốn ngày càng có thêm nhiều người biết đến Chúa. “Có lần tại chợ đêm tôi làm chứng được cho một chị người Việt tin Chúa, nhưng cả năm sau chị ấy mới có thể đi nhóm vì bận… sinh con!” – thầy Tuấn vui vẻ kể.
Tất cả họ, anh Mạnh, chị Sao, thầy Tuấn, chị Ngân, anh Sâm… dù hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có chung một một khải tượng, một tấm lòng, một niềm tin yêu và cưu mang cho hàng triệu người Việt tha phương trên xứ sở này. “Hầu hết người Việt tại đây, hễ là công dân Lào thì đa số theo Phật giáo, số còn lại sang đây làm ăn hầu hết theo Công giáo, rất khó thay đổi đức tin. Chính vì thế, công việc Chúa tại đây vẫn còn rất nhiều” – chị Thanh Ngân nhận xét.
“Phước Hậu Foods” & ước mơ mang thực phẩm sạch đến mọi nhà
“Con sợ quá mẹ ơi!”, đừng bắt con nhảy cầu
Hoàn Nguyện
Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].
“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).
Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!