Covid-19: Đây là lúc khẩn thiết để cầu nguyện cho gia đình bạn

Oneway.vn – Một cơn đại dịch ập đến dường như vô hình với hầu hết chúng ta.

Mối nguy hiểm đang ở ngoài kia — nấp trong những chiếc xe đẩy siêu thị, trong những cái ôm thân thiện nhưng mắt chúng ta không nhìn thấy được nó. 

Chúng ta có thể rửa tay thường xuyên, nhưng không chắc có rửa sạch mọi mầm bệnh chưa. Chúng ta có thể lau chùi ghế ngồi nơi công cộng, nhưng không biết còn bỏ sót bề mặt nào không. Chúng ta có thể ở nhà, nhưng ai biết được vi-rút đã xâm nhập nhà mình từ khi nào.

Đây là một thời điểm tuyệt vời để cầu nguyện.

Khi các gia đình bị mắc kẹt ở nhà thì đây là cơ hội để cùng nhau cầu nguyện. Chúng ta không thể nhìn thấy mối nguy hiểm, nhưng chúng ta biết Đấng nhìn thấy mọi thứ. Tất cả những lời bào chữa cho việc thiếu cầu nguyện như quá ít thời gian, quá nhiều thứ phải làm sẽ không còn tác dụng nữa. Các hoạt động buổi tối đã bị hủy bỏ, các thói quen buổi sáng được sắp xếp lại bởi một tác nhân vô hình, chỉ để lại cho gia đình hai thứ: thời gian và sự gắn bó. Chưa từng có một thời điểm tốt hơn để cầu nguyện như lúc này.

Trong những ngày tháng bấp bênh hiện nay, sự cầu nguyện thường xuyên của gia đình khẳng định bốn chân lý mà chúng ta có thể thường bỏ qua.

1. Thực tại về một thế giới vô hình

Cầu nguyện – cầu xin Đức Chúa Trời làm thành những lời hứa của Ngài – là một công cụ hầu như vô hình trong tay Đức Chúa Trời vô hình. Mỗi khi cúi đầu và nhắm mắt, chúng ta xin Chúa thực hiện ý muốn thánh của Ngài. Về bản chất, cầu nguyện là một hành động của đức tin: “…người nào đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng Ngài thực hữu, và Ngài là Đấng ban thưởng cho những ai tìm kiếm Ngài.” (Hê. 11:6). Chúng ta không thể nhìn thấy Đức Chúa Trời, nhưng bởi đức tin, chúng ta tin Ngài nghe thấy tất cả.

Sự đáp lời cầu nguyện của Đức Chúa Trời cũng hầu như xảy ra cách kín đáo, vượt khỏi mắt nhìn của con người. Tấm lòng và tâm trí được thay đổi, Phúc âm được truyền ra trong năng quyền, Đức Thánh Linh vận hành – nhưng chúng ta không thật sự nhìn thấy gì.

Sự vô hình của một con vi-rút (ít nhất đối với những ai không có thiết bị khoa học trong tay) là một lời nhắc nhở rằng chúng ta có những mối quan tâm vượt ngoài thế giới hữu hình này. Khi cầu nguyện cùng với gia đình, chúng ta xác định rằng sự ưu tiên của không phải chỉ là những điều thấy được trước mắt. Việc cầu xin sự thương xót của Đức Chúa Trời trong cảnh “dịch lệ lây ra trong tối tăm” (Thi 91:6) cũng có thể cảm động lòng chúng ta để tìm kiếm sự cứu giúp của Ngài cho tất cả những nhu cầu sâu kín khác.

Trước giả Gia-cơ nói với các tín hữu trong hội thánh đang có nhiều sự đau bệnh: “Có ai trong anh em đau ốm chăng? Người ấy hãy mời các trưởng lão Hội Thánh đến; họ sẽ nhân danh Chúa cầu nguyện … Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu người bệnh, Chúa sẽ đỡ người ấy dậy; nếu người bệnh có phạm tội, cũng sẽ được tha.” (5:14–15). Sự đau ốm trong thân thể bày tỏ sự phụ thuộc của chúng ta vào Đức Chúa Trời cho sức khỏe linh hồn. Chúng ta đến với Ngài để được chữa lành, và chúng ta đi ra với sự cứu rỗi.

2. Giá trị thuộc linh của con trẻ

Cầu nguyện là một công việc thuộc linh quan trọng mà trẻ em có thể làm. Các mục vụ của chúng ta thường nằm ngoài tầm với của những thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình. Thế giới của các em vẫn còn nhỏ bé, cơ thể lại càng nhỏ hơn. Các em không thể tự mình nấu một bữa ăn, huống chi là cứu giúp cộng đồng. Trong những thời điểm khó khăn này, trẻ em có thể cảm thấy bất lực hoặc vô dụng. Tuy nhiên, cầu nguyện lại là công việc mà trẻ có thể làm tốt như người lớn.

Thi Thiên 8:2 (và Chúa Jêsus) khẳng định rằng lời cầu nguyện của đức tin không liên quan đến tuổi của người cầu nguyện: “Ngài dùng miệng trẻ thơ và trẻ con đang bú mà lập nên sức mạnh Ngài, khiến bọn cừu địch và kẻ báo thù phải nín lặng” (xem thêm Ma-thi-ơ 21:15–16). Khi trẻ em cầu nguyện, Đức Chúa Trời làm thành các mục đích của Ngài, còn Sa-tan buộc phải im miệng.

Khi cầu nguyện cùng với gia đình, chúng ta đang thừa nhận giá trị thuộc linh của con cái. Chúng ta đang mời gọi các em mở miệng kêu cầu Danh của Đức Giê-hô-va, và chúng ta hòa lòng với những lời khẩn cầu đó. Giống như em bé gái đã động viên Na-a-man tìm kiếm Đức Giê-hô-va để được chữa lành (II Các Vua 5), lời cầu nguyện của con trẻ cũng đưa chúng ta đến với Chúa, Đấng có thể chữa lành cả bệnh tật thân thể lẫn tâm hồn.

3. Kết nối với các con dân của Đức Chúa Trời

Trong thời điểm mà nhiều Hội thánh phải tạm dừng các buổi nhóm thông lệ, việc cầu nguyện ở nhà của chúng ta khẳng định mối liên kết nền tảng với tất cả con dân Đức Chúa Trời. Sự cầu nguyện khiến chúng ta hòa lòng với lời kêu cầu của con dân Chúa trong Hội thánh mình cũng như ở các nơi khác. Cơ Đốc nhân trên khắp thế giới, thuộc mọi ngôn ngữ, mọi dân tộc, đều đang tìm kiếm lòng thương xót của một Đức Chúa Trời.

Khi dân Y-sơ-ra-ên đang hứng chịu dịch bệnh và chết la liệt khắp các trại của họ trong hoang mạc, họ có một điểm duy nhất để hướng đến: con rắn bằng đồng treo trên cây cột (Dân 21:9). Tất cả cùng hướng mắt lên đó để tìm cầu sự cứu giúp. Cũng vậy, trong mọi gia đình tín hữu trên khắp hành tinh, chúng ta đang nhìn về cùng một hướng để được cứu giúp: Đức Chúa Jêsus bị treo để đem đến sự cứu rỗi cho chúng ta (Giăng 3:14–15). Chúng ta có thể không ở cùng nhau về vật lý, nhưng tất cả cùng nhìn vào một Cứu Chúa duy nhất.

Khi cùng gia đình cầu nguyện, chúng ta đang hòa chung với lời cầu nguyện của con dân Chúa thuộc mọi lứa tuổi ở khắp mọi nơi. Những lời khẩn cầu cùng được dâng lên cho Đức Giê-hô-va, đổ đầy “những bát bằng vàng đựng đầy hương, tức là lời cầu nguyện của các thánh đồ” (Khải-huyền 5:8). Một gia đình cầu nguyện là một phần của đạo quân lớn chiến đấu vì mục tiêu chung. Những lời cầu nguyện dù yếu nhất từ những gia đình nhỏ bé nhất cũng không bao giờ đơn độc, nhưng cùng được nâng lên với các lời cầu nguyện khác đến thiên đàng.

Cơ Đốc nhân trên khắp thế giới, thuộc mọi ngôn ngữ, mọi dân tộc, đều đang tìm kiếm lòng thương xót của cùng một Đức Chúa Trời.

4. Sự hiện diện của Đấng Christ

Lời cầu nguyện của chúng ta không đơn độc, bản thân chúng ta cũng không hề đơn độc.

Một trong những lời khích lệ cầu nguyện ngọt ngào nhất trong Kinh Thánh là lời hứa của Chúa Jêsus: “Vì nơi nào có hai, ba người nhân danh Ta họp nhau lại thì Ta sẽ ở giữa họ” (Ma-thi-ơ 18:20). Khi quỳ gối cúi đầu, chỉ cần mẹ cùng với con, chồng cùng với vợ, gia đình dù hai, ba người hay đông hơn, thì mỗi người đều có lời hứa chắc chắn rằng: Đấng Christ đang hiện diện.

Dù gia đình chúng ta cầu nguyện trong phòng khách hay nhà bếp, chúng ta đều đang tương thông với Đấng Christ; chúng ta đang nhóm lại trong Danh của Ngài, với dân của Ngài, dâng lên Ngài lời ngợi khen cũng như cầu xin những điều làm đẹp lòng Ngài. Ngài hiện diện ở đó, thông qua Đức Thánh Linh. Trong mọi sóng gió hay bệnh tật, chúng ta không hề đơn độc, bởi vì khi gia đình cầu nguyện cùng nhau, Chúa Jêsus luôn ở đó.

 

Bài: Megan Hill; Dịch: Blessie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *