Oneway.vn – Đầu tháng 2, khi Hội thánh Trung Quốc đưa ra quyết định ban đầu về coronavirus, không mất nhiều thời gian để chúng ta nhận ra rằng sẽ có nhiều nguy cơ gây ra mất sự hiệp một.
Nhờ ân điển Chúa, và như một lời chứng của các thánh đồ, chúng ta cần thấu hiểu lẫn nhau và tránh bất kỳ sự chia rẽ nào.
Nhắc nhở về sự hiệp một của Hội thánh
1. Mỗi người sống theo Điều răn lớn bằng những cách khác nhau.
Một số người xem việc “yêu người lân cận” có nghĩa là không bước chân ra khỏi nhà trong hai tháng trừ khi phải đi mua sắm nhu yếu phẩm.
Những người khác, “yêu người lân cận” nghĩa là phải can đảm hiện diện nhóm họp với Hội thánh, ngay cả khi ai cũng phải mang khẩu trang để “cách ly xã hội.”
Kiểu người đầu tiên có thể phải đấu tranh với nỗi sợ hãi hoặc âm thầm tôn sức khỏe làm thần tượng của mình. Kiểu người thứ hai cũng có thể đang đấu tranh với sự vâng phục hoặc kiểu thần tượng “tự chủ” tiềm ẩn. Nhưng nếu cả hai thực sự đang cố gắng vâng theo mệnh lệnh và sự khôn ngoan của Kinh Thánh, họ vẫn có thể thuận hiệp với nhau ngay cả khi đi đến những kết luận khác nhau.
2. Mỗi người sẽ có cách hiểu khác nhau về tuyên bố của chính phủ hoặc CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh).
Chẳng hạn, tại nơi tôi sống, chính phủ khuyến nghị mọi người ở trong nhà càng nhiều càng tốt. Nhưng đồng thời, họ cũng cho phép một số nơi mở cửa trở lại: công viên, nhà hàng, spa, thậm chí là trung tâm thời trang cao cấp.
Vậy tôi phải tuân theo điều gì? Tôi nên tuân theo các khuyến nghị của chính phủ, hay chỉ làm theo các quy định của họ? Trong tâm trí tôi, khoảng cách giữa những gì chính phủ cấm và cho phép thật mập mờ.
Tín đồ này nói rằng tuân thủ có nghĩa là ở trong nhà, vì đó là khuyến nghị của chính phủ. Tín đồ khác lại nói tuân thủ là tận dụng toàn bộ tiện ích chính phủ cung cấp. Nếu tôi đi ăn trưa với một vài người bạn trong khi vẫn tuân thủ các yêu cầu như đeo khẩu trang và kiểm tra nhiệt độ, vậy tôi có đang làm đúng quy định của chính phủ hay không?
Có thể bạn có lập trường riêng cho câu hỏi này, nhưng trong thời điểm hiện tại, việc tuân thủ khuyến nghị của chính phủ không phải lúc nào cũng được diễn giải theo cùng một cách.
Vì vậy nên cẩn thận khi phản ứng với những người nhìn nhận mọi thứ khác mình.
3. Bạn không biết về cuộc sống của người khác.
Mỗi người có áp lực và khó khăn riêng. Có những căng thẳng trong cuộc sống mỗi cá nhân mà không ai có thể nhìn thấy. Gia đình này có thể nhanh chóng chấp nhận cách ly bởi vì có một thành viên bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc có khuynh hướng di truyền. Gia đình khác lại có thể đang trong giai đoạn căng thẳng hoặc có con cái quá năng động, nên họ cần phải ra ngoài hoặc giao tiếp nhiều hơn một chút. Bạn không thể nào hiểu được hoàn toàn về hoàn cảnh của người khác, vì thế hãy sống cảm thông.
Lời khuyên để tạo sự hiệp một
1. Suy gẫm về 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5: 12-18
“Hỡi anh em, xin anh em kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em. Hãy lấy lòng rất yêu thương đối với họ vì cớ công việc họ làm. Hãy ở cho hòa thuận với nhau. Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ. Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy.” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5: 12-18)
Hãy làm cả hai việc: tôn trọng người chăn dắt bạn và phấn đấu cho hòa bình. Dành thời gian để cân nhắc về nhu cầu của mỗi cá nhân trong thời gian khó khăn này. Khi cố gắng chăn dắt Hội thánh trong lúc này, tôi liên tục nhắc nhở bản thân rằng có những người sai lầm cần được nhắc nhở, những người ngã lòng cần được khuyến khích, và những người yếu đuối cần được nâng đỡ.
Thay vì cố gắng giành phần thắng trong mọi cuộc tranh luận, khi biết suy nghĩ cho mọi người, chúng ta có cơ hội tốt hơn để giữ gìn hòa bình trong mọi mối quan hệ khi tìm cách đáp ứng những cần nhu của mọi người.
2. Đặt nhiều câu hỏi và cố gắng thấu hiểu lẫn nhau.
Đừng cho rằng bạn biết lý do người khác đưa ra quyết định. Nếu không đồng ý, hãy nhẹ nhàng nói lên sự bất đồng của bạn và trò chuyện để thấu hiểu lẫn nhau. Khi ấy bạn hãy cung cấp những thông tin hữu ích mà người kia có thể chưa biết.
Hoặc bạn có thể hiểu rõ hơn và tôn trọng lý do tại sao họ lại quyết định như vậy.
3. Lãnh đạo, giao tiếp hiệu quả, đưa ra quyết định rõ ràng bằng văn bản.
Hãy chắc chắn bất cứ ai dưới sự chăm sóc của bạn đều có quyền phản hồi và nhận được câu trả lời cho thắc mắc của họ. Cố gắng lên lịch để gặp mặt trực tiếp nhằm nắm bắt được mọi người đang làm gì, hoặc tổ chức các buổi trò chuyện trực tuyến nếu không thể gặp gỡ trực tiếp. Biết rõ tình trạng “bầy chiên” của mình giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn và rõ ràng hơn.
4. Đưa ra quyết định mà không lên án những người suy nghĩ khác bạn.
Nếu bạn muốn gặp gỡ mọi người vào sáng Chúa nhật và cảm thấy mình có cơ sở để làm điều đó (nhóm nhỏ, sử dụng biện pháp đề phòng, v.v.), thì hãy tổ chức thờ phượng, nhưng đừng gọi những người không tham gia là hèn nhát hay thiếu đức tin.
Nếu bạn quyết định tạm ngừng thờ phượng vào Chúa nhật, hãy cẩn thận và khéo léo, đừng quả quyết tuyên bố rằng điều này là “đương nhiên” hoặc là “hoàn toàn đúng theo điều Kinh Thánh dạy rằng phải vâng phục nhà cầm quyền”.
5. Ngừng tranh luận qua bàn phím.
Bạn không cần phải tranh luận hay công khai cho mọi người biết quyết định của bạn ngay bây giờ. Hãy nói chuyện trực tiếp nếu bạn có thể. Đôi khi bạn phải thấu hiểu và đồng thuận cả với những điều bạn không đồng ý.
Tất cả chúng ta đều đang trải qua giai đoạn khó khăn này, nhưng không phải ai cũng nhìn nhận hoặc trải nghiệm mọi thứ theo cách giống nhau. Satan sẽ vô cùng vui thích khi gây chia rẽ trong thời gian này. Mặc dù có những quan điểm bất đồng, tất cả chúng ta đều có thể hiệp nhất để thực hiện Điều răn lớn bằng cách theo đuổi tình yêu thương, vì danh vinh hiển Chúa và vì lợi ích của những người lân cận quanh ta.
Bài: Jason Seville; dịch: Nhạn Võ
(nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply