Oneway.vn – Từ nhỏ tôi đã biết cụ Hà Thanh. Đi đâu cụ cũng cầm cây dù bên mình để che mưa che nắng. Rồi lớn hơn, tôi xa quê và cũng dần quên cụ, mãi cho đến khi được gặp lại cụ cách đây vài tuần…
‘Răng mà quên được!’
Cụ Thanh bây giờ tuổi cao, sức kém, không còn minh mẫn như xưa, trí nhớ giảm đi nhiều, thế nhưng khi tôi hỏi đến việc truyền giảng của cụ những năm về trước thì như thể chuyện mới hôm qua, cụ hồ hởi: “Nhớ chớ! Răng mà quên được!”.
Cụ là một trong hai ‘Ông cụ Tin Lành’ – cái tên trìu mến mà nhiều người trong vùng đặt cho cụ Nguyễn Bổ và cụ Hà Thanh ở làng Ngọc Phô (Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam) từ mấy chục năm trước. Nay cụ Bổ đã về nước Chúa, còn cụ Thanh đã vượt xa cái tuổi ‘xưa nay hiếm’, thế mà vẫn miệt mài chia sẻ về Chúa cho người khác mỗi khi có cơ hội, bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu.
Sốt sắng là thế, nhưng mấy ai biết rằng trước khi tin Chúa, hai cụ là những người từng chống đối Tin Lành vào hàng bậc nhất trong vùng. Một người con cụ Bổ nhớ lại: “Là trưởng nam trong gia đình phong kiến, nên Ba tôi phải giữ lễ nghĩa, truyền thống tổ tiên. Nghe tới Tin Lành là ông quát: ‘Chúa cha chi! Cha mẹ, ông bà không thờ, đi thờ ông Trời viễn vông chẳng ai thấy!’”.
“Ở xã ni tôi chỉ thấy ông Bổ với ông Thanh là tín đồ Tin Lành mà thôi!”
Sở dĩ có cái tên thân thương ‘Ông cụ Tin Lành’ là vì sau khi được Chúa bắt phục từ những năm 50 của thế kỷ trước, hai cụ đã để chữ Tin Lành ăn sâu vào máu, tới nỗi gặp vô vàn khó khăn, bắt bớ, khốn cùng, bị người đời mỉa mai, khinh thị, thậm chí nguyền rủa… vẫn không từ bỏ. Một lý do nữa, đó là dù ở đâu làm gì thì hai cụ vẫn trung kiên, tận tụy ra đi truyền giảng Tin Lành, là tấm gương khiến nhiều người cảm phục. Có một người chưa tin Chúa nói: “Ở xã ni tôi chỉ thấy ông Bổ với ông Thanh là tín đồ Tin Lành mà thôi!”. Đương nhiên chẳng phải thế, vì ở xã Bình Tú, Tin Lành đã có hơn 60 năm qua, làm gì có chuyện chỉ hai ông tín đồ già!
Lội bộ đi gieo giống
Kể về lý do đi truyền giảng, cụ Thanh nói gọn tưng: “Hồi đó tin Chúa rồi thì cứ rứa đi truyền giảng thôi. Mà chỉ Chúa ở trong lòng kêu mình đi chớ ai kêu được”.
Mỗi tuần cụ dành ra ngày thứ năm và thứ bảy để đi truyền giáo. “Ngày mô cũng đem theo bịch gạo, lỡ không gặp quán xá thì gởi nhà người ta nhờ nấu giùm rồi ăn chung với họ” – cụ kể. Đi nhiều, bị bắt, bị cấm, bị làm khó cũng nhiều. Nhưng với sự đơn sơ, chân thành, chẳng ai làm gì được. “Tôi giải thích với họ là ‘tôi nói về Tin Lành, về ông Trời chớ có làm hại ai đâu’ – nên họ thả ra” – cụ nhớ lại. “Lần đó tôi với ông Bổ cố tình vào quán ăn cơm để làm chứng cho chủ quán mà cuối cùng họ không tin. Nhưng mình cứ gieo ra thôi, còn kết quả thì Chúa lo!” – Với cụ Thanh, đây là một kỷ niệm đáng nhớ. Có lẽ một phần vì trong đó có bóng dáng của người bạn đồng lao từng đồng cam cộng khổ.
Điều khiến người ta phải quý mến, đó là hai cụ hầu như đi bộ suốt ngần ấy năm tháng. Cụ chia sẻ: “Mỗi tháng 8 ngày, suốt mấy chục năm như rứa thì đi mô không tới”. Vì điều kiện khó khăn, nên dù sau này con cháu có sắm xe, hai cụ cũng đành chịu. Nhưng đó chẳng phải là điều làm hai cụ nao núng, nản lòng. “Cũng có khi đi xe đò, nhưng đó là đi xa như Trà My, Tiên Phước… phải ở lại. Còn không, hai cụ cứ bằng đôi chân của mình mà bước, có khi mấy chục cây số một ngày. Không xã nào ở huyện Thăng Bình mà hai cụ chưa đặt chân tới” – ông Hà Văn Tam, con đầu của cụ Thanh cho biết.
“Gặt hái cách vui mừng”
Hình ảnh hai cụ già, một tay cầm dù đen, một tay ôm cái túi nhỏ đựng Kinh Thánh, chứng đạo đơn; áo quần gọn gàng, tươm tất, lặn lội bất kể mưa nắng – hình ảnh mà nhiều người nhớ mãi. Bạn Kim Phương (xã Bình Triều) chia sẻ: “Từ nhỏ xíu đã thấy hai cụ đến thăm. Hai cụ hay đi chung nhau, mỗi lần xuống tới dưới ni phải băng qua mấy nổng cát rộng, nắng chang, xa lắc. Giờ nghĩ lại thấy thương lắm…”.
Còn với cô Hoàng, con dâu cụ Thanh, điều khiến cô nhớ là “những lần ba tôi đi đường tắt, băng rừng rậm, sợ ông bị lạc trong đó. Có khi trời tối mịt mà chưa thấy ông về, ở nhà lo lắm”. Cô thêm: “Ông là tấm gương cho con cháu về tinh thần truyền giảng và cầu nguyện. Tôi tin như Kinh Thánh chép: ‘Nhưng ta sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những ai yêu ta và vâng giữ mệnh lệnh ta’ (Deuteronomy/Phục Truyền Luật lệ Ký 5:10 – BPT), cho nên đến giờ, con, cháu, chắt ông đều được ở trong nhà Chúa, thờ phượng Ngài. Đó là điều phước hạnh đối với gia đình”.
Dầu không được học hành bài bản các phương pháp chứng đạo, nhưng với đức tin đơn sơ và những câu Kinh Thánh xác quyết, thế mà khi ra đi chứng đạo, cụ lại rất dạn dĩ, không chút nhút nhát, sợ sệt nào. Cứ gặp ai chưa tin Chúa là cụ tìm cách bắt chuyện, nói về Ông Trời rồi mời họ tin nhận Chúa. Nhiều người nghe nhưng cũng có người chế giễu, chống đối. Nhưng cụ không nản lòng, cứ nhờ cậy Chúa, trung tín ra đi gieo hạt giống Tin Lành cho những linh hồn hư mất. Ông Tam cười: “Cho đến giờ, dù không còn sức khỏe đi được như xưa nữa, nhưng hễ có cơ hội là ông cứ nói về Chúa. Mới đợt rồi vô bệnh viện mấy ngày, gặp ai ổng cũng say sưa nói về Chúa, nào bệnh nhân, bác sĩ, y tá, người thăm nuôi… đến nỗi tôi cũng thấy ngại, phải tránh đi chỗ khác!”.
Chấp sự Hồ Hoa, thư ký Hội Thánh Bình Triều (Quảng Nam) nhớ lại: “Hồi tôi mới tin Chúa, cụ Bổ, cụ Thanh thường xuống thăm viếng, nâng đỡ niềm tin. Đi bộ cả mười mấy cây số mà 2 cụ đi miết, có những chỗ còn xa hơn đây nhiều”.
Mục sư Nguyễn Đình Liễu (Mỹ) nhận định: “Không biết từ khi nào người ta đặt hai cụ biệt danh đó. Có thể nói từ việc ra đi làm chứng của hai ‘Ông cụ Tin Lành’, hàng ngàn người khắp huyện Thăng Bình được nghe về Chúa, hàng trăm người trở lại tin nhận Ngài. Những người từng nghe hai chữ Tin Lành thì nhiều, nhưng người thật sự được nghe, biết trọn vẹn về Chúa thì ít, và người tin nhận Chúa lại càng ít. Cần lắm những tín hữu có lòng cưu mang, yêu thương tội nhân như hai cụ, để Hội Thánh ngày càng phát triển mạnh mẽ”.
Bữa trưa ấy nhà cụ Thanh đông đủ, rôm rả nhắc lại chuyện xưa. Cuộc đời cụ là một tấm gương không chỉ cho con cháu, mà còn cho nhiều con dân Chúa khắp nơi về tinh thần thương yêu những con người chưa biết Chúa.
Thật như Kinh Thánh chép: “Những bàn chơn kẻ rao truyền Tin Lành là tốt đẹp biết bao!” (Romans/Rô-ma 10:15). Cụ Bổ, cụ Thanh, hai ông cụ Tin Lành đã ‘gieo giống trong nước mắt’, đã ‘vừa đi vừa khóc, đem giống ra vãi’, thì tin chắc các cụ, con cháu các cụ ‘sẽ gặt hái cách vui mừng’, ‘sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình’ (Psalms/Thi Thiên 126:5-6).
Hoàn Nguyện