Đại dịch Corona và cách Cơ Đốc nhân hành động

Oneway.vn – Khi coronavirus lây lan, Cơ Đốc nhân nhớ đến một bệnh dịch đã tàn phá Đế chế La Mã vào thế kỷ thứ ba.

Coronavirus tiếp tục lan rộng ở Trung Quốc và các nước châu Á khác, hơn 60.000 trường hợp nhiễm trên toàn thế giới. Denise Godwin thuộc Bộ truyền thông quốc tế (IMM) tìm thấy sự tương quan giữa coronavirus và một bệnh dịch tàn phá La Mã cùng các vùng xung quanh vào khoảng 250-270 sau Công nguyên.

“Đó là câu chuyện về Cyprian, giám mục của Carthage. Bệnh dịch được đặt theo tên ông vì ông là nạn nhân đầu tiên, nhưng ít ai biết cũng chính ông đã tập hợp các Cơ Đốc nhân lại để chăm sóc người bệnh và giúp đỡ chôn cất người chết. Tuy nhiên, điều làm tôi ấn tượng nhất là khi chúng ta thấy bệnh dịch hiện nay len lỏi vào cuộc sống, thì những Cơ Đốc nhân vào thế kỷ thứ ba và thứ tư cũng đã từng đến và giúp đỡ những người bị tống ra đường bởi chính gia đình mình, do quá hoảng loạn vì căn bệnh mà họ đang gặp phải”.

Chính Cyprian nhận xét “bệnh dịch nghiêm trọng đến mức dường như thế giới đang kết thúc. Bệnh dịch, kết hợp với chiến tranh liên tục khiến Đế chế La Mã kiệt quệ, và nạn đói theo sau. Trong khi bản chất chính xác của bệnh vẫn chưa được xác định, thì một số chuyên gia chỉ ra những điểm tương đồng với Ebola.

Godwin nói: “Tôi được truyền cảm hứng bởi các tín đồ trong thế kỷ thứ ba và thứ tư, họ đã tạo được dấu ấn trong cộng đồng bằng cách phục vụ những người bị thương tổn bởi bệnh dịch”.

Chắc chắn, coronavirus không phải là một căn bệnh nghiêm trọng như bệnh dịch Cyprian.

Godwin nói: “Tôi không nghĩ thời điểm chúng ta đang sống là lúc mà tất cả mọi người phải đóng cửa, và chỉ duy nhất Cơ Đốc nhân là những người được kêu gọi để giúp đỡ họ. Nhưng tôi nghĩ thời điểm này khiến chúng ta phải suy ngẫm. Tôi là ai trong cuộc khủng hoảng này, tôi là ai khi bệnh dịch xảy ra? Và Chúa kêu gọi chúng ta làm gì để thể hiện tình yêu thương với những người lân cận?”

Cơ Đốc nhân có thể giúp đỡ bằng cách không làm gia tăng thêm hoảng loạn. Truyền thông xã hội hiện nay chứa đầy những câu chuyện kinh dị về coronavirus; nhiều người hiện đang tạo ra “đại dịch tin đồn”. Trung Quốc gần đây đã khiển trách chính phủ Mỹ vì làm tăng thêm nỗi sợ hãi bằng cách đưa công dân Mỹ ra khỏi Trung Quốc và ban hành lệnh cấm du lịch.

Sự thật là virus cúm hiện đang lan truyền tại Mỹ đã cướp đi nhiều sinh mạng hơn cả coronavirus ở Trung Quốc, và đây chưa phải là thời điểm tồi tệ nhất. 8.000 người đã chết ở Mỹ vì cúm trong năm nay.

Làm sao để Cơ Đốc nhân trong các khu vực không bị ảnh hưởng bởi coronavirus có thể sống như những Cơ Đốc nhân thời dịch bệnh Cyprian xưa?

Tin Lành có thể tạo nên sự khác biệt trong bất kỳ thời điểm và hoàn cảnh nào. Đâu là hy vọng của chúng ta? Sự cứu rỗi của chúng ta ở đâu? Nơi chúng ta thật sự có thể nương dựa là đâu? Trong thời kỳ khủng hoảng, chúng ta tìm được câu trả lời. Đó là lúc để thể hiện sự cảm thông với mọi người xung quanh, và để hy vọng. Bất chấp những gì phương tiện truyền thông nói, bất chấp những gì đang diễn ra trong cộng đồng, chúng ta vẫn có hy vọng nơi Đấng Christ và mang hy vọng ấy đến cho mọi người.

Xin cầu nguyện để sự quan phòng Chúa luôn dẫy đầy trên các Cơ Đốc nhân châu Á và những ai làm công tác truyền giáo ở đó. Giống như thế giới đã chứng kiến Cơ Đốc nhân chăm sóc cho các bệnh nhân trong bệnh dịch Cyprian, giờ đây cả trái đất cũng chứng kiến các Cơ Đốc nhân chăm sóc cho những người nhiễm coronavirus cách không sợ hãi.

 

Bài: Kevin Zeller; dịch: Hồng Nhạn

(nguồn: mnnonline.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *