Do Thái đang cố cứu lấy vùng biển Ga-li-lê

Oneway.vn – Do Thái/Israel đang có một mùa đông mưa và có tuyết trên núi Hẹt-môn/Hermon, nhưng đất nước này vẫn đang bị thiếu nước sau 5 năm hạn hán – một vấn nạn cho Israel và một vùng nước nổi tiếng trong Kinh Thánh.

Trên 1 triệu du khách ghé thăm Biển hồ Ga-li-lê/Galilee mỗi năm, nhưng hồ này đang bị thu hẹp dần sau nhiều năm hạn hán.

Đó chính là Biển hồ Galilee mà Đức Chúa Jesus đã từng đi bộ trên nó. Hồ trông có vẻ rất nhiều nước, nhưng thực tế không vậy. “Có tất cả 21 chiếc thuyền trên Biển hồ, và vì mực nước quá thấp, ví dụ ở làng Ginosar, nên thay vì 3 chiếc thuyền, chúng tôi chỉ sử dụng 1” – anh Daniel Carmel, người sở hữu 2 trong số thuyền đó nói.

Carmel điều hành chiếc Thuyền Thờ phượng trên Biển hồ Galilee, đưa các nhóm Cơ Đốc nhân ra hồ để trải nghiệm thờ phượng độc đáo. Anh nói những vị khách mà anh đưa ra hồ không hiểu mức độ nghiêm trọng của tình trạng mực nước. “Họ không biết Biển hồ Galilee thế nào khi đầy” – Carmel nói với CBN News. “Đây là mực nước thấp nhất tôi từng thấy trong suốt 25 năm qua”.

Mùa mưa của Israel bắt đầu vào cuối tháng 10, và tiếp tục đến giữa tháng 3, sau đó thường không mưa nữa.

Anh Uzi Welish sinh ra trong ngôi làng trên Biển hồ Galilee, và đã sống ở làng Ginosar kể từ khi nó thành lập năm 1937. “Theo tôi, hồ là nét đặc trưng cho cuộc sống chúng tôi ở đây, mặc dù ngày nay thật không may, chúng tôi không thể kiếm sống bằng nghề đánh cá nữa” – Welish nói với CBN News.

Anh Welish đã nhìn thấy hồ ở tất cả các mực nước khác nhau. “Khi con gái đầu lòng của tôi kết hôn năm 1993, nước hồ còn rất đầy; và đám cưới diễn ra trên bãi cỏ trước nhà” – Welish nói.

Chỉ vào bờ biển, anh giải thích rằng những tảng đá gần sân trước nhà anh cách bờ biển hiện tại khoảng 200 mét (650 feet), đã được đặt ở đó vào những năm 1970 như một hàng rào chắn bão xói mòn đất. “Những tảng đá được đặt ở đó từ những năm 70 để bảo vệ. Bạn biết đấy, gió bão và sóng biển đã tàn phá đất đai, nên chúng tôi dựng những tảng đá này” – ông nói.

Welish cũng cho biết vấn nạn bắt đầu trước khi Israel trở thành quốc gia độc lập, khi người Anh xây dựng con đập. “Khoảnh khắc họ chặn sông Giô-đanh/Jordan – nơi nuôi dưỡng Biển hồ Galilee – cũng là lúc họ bắt đầu kiểm soát chúng” – Welish nói.

“Nhưng trong năm 1964, Israel đã thêm các máy bơm lớn, đưa nước từ Biển hồ Galilee vào phía nam và miền trung Israel. Nhưng về sau nó càng trở nên nghiêm trọng hơn” – ông nói thêm.

Trên hết, Israel đã trao tặng quốc gia Giooc-đa-ni/Jordan 50 triệu mét khối nước như một phần của thỏa thuận hòa bình năm 1994, và Jordan đang yêu cầu thêm.

Trong quá khứ hồ đã ở mức thấp và đã được phục hồi; 30 năm trước, nước rút đã lộ ra một kho báu ẩn giấu: một chiếc thuyền đánh cá cổ đại. “Một chiếc thuyền, thật không thể tin nổi!” – Welish nói.

Không chính thức, nhưng nó được đặt tên là “Thuyền Chúa Jesus” – có lẽ nó giống chiếc thuyền mà các môn đệ Ngài đã sử dụng. Thuyền được tìm thấy trong bùn bởi hai anh em ở Biển hồ, và nó nhanh chóng trở thành đề tài quốc gia.

“Sau đó, nó thực sự trở thành báu vật quốc gia – chiếc thuyền từ 2.000 năm trước. Với ý nghĩa như thế, nó rất có thể liên quan đến Chúa Jesus” – Welish thêm.

Bỏ kho báu sang bên, Biển hồ Galilee còn được gọi là Kinneret theo tiếng Do Thái, từng là một trong số nguồn nước chính của Israel. Nhưng người phát ngôn của Cơ quan Quản lý Nước Israel – ông Uri Schor – nói đó không còn là vấn đề nữa.

“Cách đây không lâu, Biển hồ Galilee vẫn còn là một trong 3 nguồn tự nhiên chính cung cấp nước, cung ứng 1/3 lượng nước cần thiết cho Israel. Bây giờ nó hầu như không cung cấp nữa” – Schor nói với CBN News.

Dân số và nhu cầu ngày càng tăng trong khi lượng nước giảm, chính là nguyên nhân của tình trạng này.

Mực nước bây giờ thấp hơn mặt hồ 15 feet. Trong những mùa đông mưa, nó thường tăng khoảng 5,5 feet, sau đó bắt đầu bốc hơi lần nữa vào mùa hè.

Ông Schor cho biết khi thấy tình trạng hạn hán kéo dài, họ đã ngừng lấy nước hồ cho hệ thống nước chính. “Chúng tôi cắt giảm việc bơm nước hồ từ khoảng 400 triệu mét khối/năm, xuống dưới 30 triệu. Tuy nhiên, mực nước Biển hồ Galilee vẫn tiếp tục giảm”.

Nếu mực nước xuống quá thấp, hồ sẽ mặn, sau đó nó vĩnh viễn không còn là nguồn nước uống chính nữa. Đó là lý do vì sao Israel đã thử một cách tiếp cận độc đáo khác. Schor giải thích: “Israel đã lên kế hoạch và bắt đầu xây dựng các phương tiện vận tải, đưa nước từ các nhà máy khử muối đến Biển hồ nhằm giữ mực nước đủ cao để nó vẫn là một địa chỉ nước uống”.

Schor cho biết họ không thể lấp đầy hồ bằng nước khử muối, nhưng họ có thể bổ sung đủ để không làm mất chất lượng nước. “Tôi không nghĩ có một hồ nước nào trên thế giới mà mọi người đổ đầy nước nhân tạo để không mất nó. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiên phong làm điều đó” – ông nói.

Ông Schor cho biết cứ sau 20-30 năm, Israel lại đủ mưa để khôi phục hoàn toàn Biển hồ Galilee trong một mùa đông, nhưng họ không thể chỉ dựa vào điều đó. Anh Carmel có lời khuyên: “Hãy cầu nguyện cho những cơn mưa. Đó là những gì chúng ta cần, rất nhiều lời cầu nguyện” – Carmel thêm: “Bạn biết đấy, hãy cầu nguyện cho những cơn mưa”.

Hadassah Phạm dịch

(Nguồn: cbn.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *