Oneway.vn – Cụ ông Hoàng Bình Minh không phải là trường hợp duy nhất tại Việt Nam sống đến 110 tuổi. Tuy nhiên, ở tuổi này, nếu vẫn còn sống và khỏe mạnh cả về thể chất lẫn trí tuệ như ông cụ thì quả không phải là nhiều.
Làm thế nào để cụ ông có thể trường thọ đến như vậy? Chúng ta cùng tìm hiểu xem, bí quyết đã giúp cụ ông sống khỏe cả về trí và lực ở cái tuổi “xưa nay hiếm”.
Cụ ông tên thật là Vũ Đình Bảng, nhưng con cháu và mọi người thường gọi ông với cái tên thân thương là cụ Bình Minh. Ông sinh ngày 1/1/1914, tại Xã Diễn Hạnh, Huyện Diễn Châu, Tỉnh Nghệ An, là con út trong một gia đình có 3 anh em trai. Cụ là người đã trải qua và chứng kiến những giai đoạn khó khăn nhất, với những thay đổi, chuyển mình lớn nhất của đất nước. Từ những khổ cực trong thời kỳ phong kiến thực dân, trận đói lịch sử năm 1945, những cuộc chiến tranh và rồi đến giai đoạn thống nhất 2 miền Nam Bắc, cho đến những đổi mới, phát triển của đất nước trong những năm cuối thế kỉ 20 và những thập niên đầu thế kỉ 21. Cụ Bình Minh đứng ở giữa (Ảnh – Vy Thảo)
Ngày 13/7, trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng Quang Minh (58 tuổi, Bố Hạ, Yên Thế Bắc Giang) – con trai nuôi, hiện đang phụng dưỡng cụ cho biết: Bố tôi sống độc thân, không lập gia đình. Ông vừa bước sang tuổi 110 vào ngày 1 tháng 1 đầu năm nay. Ông là người rất kính sợ Chúa. Cả cuộc đời ông đều dành cho việc làm thế nào để công việc của Đức Chúa Trời được mở rộng trên đất. Tôi thấy cuộc đời của bố được phước đúng như Lời Chúa đã chép trong Phục truyền 7:12-15.
Tôi gặp ông cụ tại Sài Gòn cách đây 25 năm trước (năm 1998). Cảm phục trước tấm lòng yêu kính Chúa, lòng yêu thương, giúp đỡ mọi người, cùng một chút nghiêm khắc, một chút khác người ở Cụ đã khiến tôi rất cảm mến và kính trọng. Từ đó, tôi dọn về sống với Cụ, được Cụ tận tình chỉ dạy Lời Chúa, yêu thương như con cho tới bây giờ. Trước đây, 2 bố con tôi sống ở Sài Gòn, năm 2008 chúng tôi chuyển về Phú Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng ở cho tới nay. Về chế độ sinh hoạt hằng ngày, Cụ vẫn tự nấu và chế biến khẩu phần ăn của mình theo ý thích, không cần nhờ sự trợ giúp của con cháu.
Không những về nấu nướng, nhưng các vấn đề khác trong sinh hoạt cá nhân, con cháu vẫn chưa phải hỗ trợ cụ. Nhờ sự khỏe mạnh, minh mẫn mà căn phòng riêng của Cụ luôn sạch sẽ, ngăn nắp. Ngoài ra cụ ông còn cuốc đất, trồng cây, làm vườn để rèn luyện sức khỏe. Cụ Bình Minh đọc Kinh Thánh không cần đeo kính ở tuổi 110 (Ảnh – Vy Thảo)
Chia sẻ về bí quyết sống trường thọ, cụ Bình Minh cho biết: Có 5 thói quen giúp Cụ sống khỏe, sống thọ ở tuổi 110:
Bí quyết đầu tiên và cũng là điều then chốt nhất đó là đọc Kinh Thánh: Trong Xuất Ê-díp-tô kí 15:26 “Ngài phán rằng: Nếu ngươi chăm chỉ nghe lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, làm sự ngay thẳng trước mặt Ngài, lắng tai nghe các điều răn và giữ mọi luật lệ Ngài, thì ta chẳng giáng cho ngươi một trong các bịnh nào mà ta đã giáng cho xứ Ê-díp-tô; vì ta là Đức Giê-hô-va, Đấng chữa bịnh cho ngươi”. Kinh Thánh là cuốn sách lâu đời nhất của lịch sử nhân loại. “Tôi đã đọc Kinh Thánh và làm theo Lời dạy của Chúa mỗi ngày để nuôi dưỡng tâm linh, sức khỏe trí tuệ và thể lực. Không những giúp ích cho bản thân nhưng qua Lời của Chúa, tôi có thể giúp đỡ về nền tảng đức tin, cầu nguyện chữa lành cho nhiều người, nhiều gia đình, nhiều thế hệ”.
Thứ hai là kiêng ăn cầu nguyện: Đây là bí quyết cực kì quan trong, nó không những tháo ách, bẻ xiềng của sa-tan, mà còn giúp cho con người tiêu trừ bệnh tật, tăng tuổi thọ (Ê-sai 58:6-12). “Tôi thường kiêng ăn có kì hạn. Có khi là 1 ngày, 2 ngày hoặc 3 ngày tùy theo đợt. Có những khi, thấy sức khỏe tốt, có thể kiêng ăn cầu nguyện 5 đến 7 ngày, thậm chí 10 ngày, 15 ngày, 20 ngày và lâu hơn nữa. Kiêng ăn cầu nguyện là 1 cuộc chiến về tâm linh, tâm trí, thể lực. Chỉ những ai cậy ơn Chúa, kiên nhẫn, nhắm mục đích mà chạy mới có thể thực hiện thành công”.
Thứ ba là lao động: Đối với cụ ông, lao động là bí quyết không kém phần quan trọng, giúp Cụ sống khỏe, sống thọ. Ở tuổi 110, Cụ còn cuốc đất, trồng cây, làm cỏ, làm vườn, nấu nướng… vừa vận động, rèn luyện sức khỏe, vừa tạo ra những điều có ích cho cuộc sống gia đình.
Thứ tư là chế độ ăn kiêng: Những bữa ăn của ông từ xưa đến nay đều rất đạm bạc, bình dân, giản dị. Cụ không phải là tuýp người quá chú trọng về chất lượng bữa ăn. Cụ chia sẻ: “Ăn uống đơn giản, không gây béo phì, rất có lợi cho sức khỏe. Có lẽ tôi đã sống hơn 2/3 đời người trong cực khổ của chiến tranh và tình hình khó khăn của quê nhà, nên nó đã ảnh hưởng đến lối sống, thói quen và sở thích ăn uống của mình”.
Thứ năm, ăn theo nhu cầu của cơ thể: Ông cho rằng, khi cơ thể không đói thì chúng ta không nên bắt nó phải ăn. Ngược lại, hay ăn khi cơ thể của chúng ta có nhu cầu. Cụ không đặt nặng vấn đề ăn uống, Cụ bảo: “Ngày nay, người ta chết vì ăn nhiều chứ không ai chết vì đói. Ăn nhiều thì cơ thể mập lên, nhiều bệnh tật. Trong Kinh Thánh sách Ma Thi ơ 4:4 có chép: ‘Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời phán ra từ miệng Đức Chúa Trời’. Chúng ta phải chú trọng đến Lời Chúa nhiều hơn là chú trọng đến vấn đề ăn uống”. Cụ Bình Minh thường xuyên cầu nguyện vào sáng sớm (Ảnh – Vy Thảo)
Bà Nguyễn Thị Hồng Xô, sinh năm 1955 (Lâm Hà, Lâm Đồng), con gái nuôi của cụ Bình Minh chia sẻ với chúng tôi: “Tôi về đây ở với em Quang Minh và bố cũng được 15 năm. Qua hai lần hôn nhân trắc trở, cuộc sống bế tắc, đau ốm bệnh tật, tôi được ông cụ cưu mang, dạy Lời Chúa, cầu nguyện chữa lành và ở cùng gia đình ông từ 2008 đến nay. Bố tôi tuy tuổi đã cao nhưng mọi sinh hoạt hàng ngày đều tự làm không nhờ đến con cái. Ông lên xuống cầu thang cứ như con trẻ chứ không phải người già. Ở ruổi 110 ông đọc Kinh Thánh mà không cần đeo kính. Ông còn khỏe lắm, mọi công việc trong gia đình ông đều sắp xếp. Hàng ngày ông vẫn chỉ dạy Lời Chúa cho chúng tôi. Ở tuổi 110, ông dựa trên Kinh Thánh để sáng tác thơ cho con cháu và tín đồ dễ nhớ. Ông sống rất độc lập và không phụ thuộc vào con cháu bất cứ điều gì”. Cụ Bình Minh đi lên cầu thang một mình (Ảnh – Vy Thảo)
Cô Nguyễn Thị Thúy Hoa (43 tuổi), giáo viên Trường Cao Đẳng Xây Dựng Công Trình Đô Thị Hà Nội cho biết: Cụ Bình Minh là người nhân hậu, nhưng cũng rất nghiêm khắc. Tôi cũng được Cụ và gia đình Cụ vực dậy sau thảm kịch ly hôn, bệnh tật và mất hết nhà cửa. Cụ cầu nguyện chữa bệnh, dạy Lời Chúa và cưu mang tôi những lúc khó khăn nhất tưởng chừng không thể vượt qua. Tôi rất quý mến, tôn trọng và thường xuyên lui tới thăm hỏi, học Lời Chúa với Cụ và gia đình mỗi dịp nghỉ hè hoặc tết.
Cụ ông là tấm gương tuyệt vời cho lớp trẻ chúng tôi noi theo. Ở tuổi 110 nhưng ông vẫn luôn nghĩ đến tha nhân. Ông mơ ước, trên mảnh đất hơn 4.000 m2 của gia đình sẽ xây lên một ngôi nhà 5 tầng làm trại dưỡng lão để chăm sóc, chữa bệnh, dạy Lời của Chúa cho những cụ già khó khăn, neo đơn.
Hiện tại, nhà cửa của cụ Bình Minh rất rộng rãi, Cụ chuẩn bị đầy đủ từ chỗ ngủ, bàn học, nhà cầu nguyên… để tiếp đón tất cả những ai có nhu cầu học Lời của Chúa, kiêng ăn cầu nguyện và cầu nguyện chữa bệnh… trong và ngoài nước. Nếu các anh chị em trong Chúa có nhu cầu cần cầu nguyện hoặc muốn đến thăm nơi đây có thể liên hệ qua số điện thoại: 0385061172 hoặc 0357789971, địa chỉ: Xã Phú Hội, Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng. Cụ Bình Minh làm vườn ở tuổi 110 (Ảnh – Vy Thảo)
Trong chiều ngày 13/7/2023, ông Đào Xuân Tiến – Chủ tịch UBND và bà Nguyễn Thị Hoa – Chủ tịch Hội người cao tuổi Xã Phú Hội, Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng đã xác nhận với chúng tôi: “Cụ ông Bình Minh 110 tuổi, thường trú trên địa bàn xã Phú Hội được khoảng 15 năm. Ông hiện đang là Hội viên Hội NCT của xã, Cụ đang sống rất khỏe mạnh cùng các con của mình”.
Trước thực trạng tuổi thọ trung bình của người Việt tương đối cao, đạt 73.6 tuổi, nhưng số năm khỏe mạnh chỉ được 64. Cụ Bình Minh có vài lời khuyên cho thế hệ trẻ: “Trong thời kì hiện nay, tất cả mọi thứ đều rất hiện đại và tiện ích, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc về công nghệ Internet. Chính vì thế chúng ta cần phải biết tiết độ trong việc tiếp nhận thông tin. Với tôi, đọc Kinh Thánh và làm theo Lời Đức Chúa Trời là chìa khóa để ta nắm giữ mọi thứ. Lời Chúa là linh lương không những giúp chúng ta có mối tương giao với Đức Chúa Trời mà còn giúp chúng ta kiểm soát tốt được nhiều vấn đề của cuộc sống, trong đó có sức khỏe thể lực và trí tuệ”.
Ảnh và bài: Vy Thảo
Leave a Reply